Lợi nhuận không ngờ từ môi trường - 5 thuật ngữ về hướng đầu tư mới của Việt Nam | Vietcetera
Billboard banner

Lợi nhuận không ngờ từ môi trường - 5 thuật ngữ về hướng đầu tư mới của Việt Nam

Thị trường tín dụng carbon đang bùng nổ, và Việt Nam không nằm ngoài xu hướng này.
Lợi nhuận không ngờ từ môi trường - 5 thuật ngữ về hướng đầu tư mới của Việt Nam

Nguồn: Báo Kinh tế Môi trường

Ngày 07/01/2022, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định về vấn đề giảm phát thải nhà kính và bảo vệ tầng ozone, trong đó bước đầu đưa ra phương án phát triển thị trường carbon trong nước. Theo ước tính, Việt Nam có thể thu về hàng nghìn tỉ đồng nếu tham gia thành công vào thị trường carbon.

Nếu điều này trở thành hiện thực, thì không chỉ Chính phủ mà cả những người làm công tác môi trường và lâm nghiệp sẽ được hưởng lợi. Nhưng đi kèm với tiềm năng của thị trường mới là những rào cản và những sự đánh đổi nhất định.

Khái niệm tín chỉ carbon (carbon credit) có lẽ đã trở nên quen thuộc với các độc giả Vietcetera. Cụ thể, các đơn vị phát thải quá mức cho phép có thể mua tín chỉ carbon của các đơn vị phát thải dưới mức để bù trừ. Hãy cùng Vietcetera đi sâu hơn vào các thuật ngữ xoay quanh khái niệm này, và thông điệp thực sự mà chúng muốn truyền tải tới chúng ta.

1. Environmental credit - tín chỉ môi trường

Environmental credit chỉ hoạt động thu lợi nhuận, buôn bán, trao đổi của một công ty hoặc quốc gia trong các vấn đề liên quan tới môi trường. Thuật ngữ này bao hàm khái niệm tín chỉ carbon.

Nếu tín chỉ carbon chỉ giới hạn trong việc giảm thiểu khí nhà kính và biến khí carbon thành hàng hóa, thì tín chỉ môi trường nhắm tới các hành động khai thác môi trường nói chung. Nó tạo cơ hội cho nhiều thành tố thiên nhiên ngoài carbon biến thành hàng hóa để trao đổi và định giá.

2. Carbon market - thị trường carbon

Mỗi loại hàng hóa đều cần có thị trường để trao đổi và tiêu thụ, và thị trường carbon là nơi buôn bán các tín chỉ carbon. Có hai loại thị trường carbon là thị trường bắt buộc (mandatory carbon market) và thị trường tự nguyện (voluntary carbon market).

Thị trường carbon bắt buộc là thị trường mà việc mua bán được quy định dựa trên cam kết của các quốc gia trong Công ước khung Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC). Thị trường bắt buộc được tạo ra bởi các đơn vị chuyên đầu tư vào giảm phát thải khí nhà kính, và chịu sự ràng buộc trực tiếp của các công ước quốc tế cũng như các quy định của đơn vị.

Trong khi đó, thị trường carbon tự nguyện hoạt động dựa trên cơ sở thỏa thuận song phương hoặc đa phương giữa các tổ chức hoặc quốc gia. Thị trường này cho phép các bên tham gia có thể tự thỏa thuận các điều khoản và đề ra kết quả có lợi cho cả đôi bên trên tinh thần tuân thủ và tôn trọng các công ước về môi trường trên thế giới.

Xây dựng thị trường carbon là việc đầu tiên mà quốc gia nào cũng phải làm nếu muốn tham gia vào xu hướng này. Sự xây dựng không chỉ gói gọn trong việc xác định quy mô và đối tượng của thị trường, mà còn liên quan tới việc thiết lập hành lang pháp lý và gỡ bỏ các rào cản còn tồn tại.

3. Environmental diplomacy - Ngoại giao môi trường

Environmental diplomacy là khái niệm để chỉ những hoạt động ngoại giao giữa các quốc gia về vấn đề môi trường. Thuật ngữ này cho thấy việc nhận thức về sự xuống cấp của thiên nhiên ở cấp độ quốc tế, đồng thời thể hiện những nỗ lực liên kết và hợp tác giữa các nước nhằm giải quyết các thảm họa môi trường.

09may2022unfcccbonnciisdfa6d260a0f704919a54557ed4bf1a0a5jpg
Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc. | Nguồn: UNFCCC

Mặt khác, sự hiện diện của environmental diplomacy gợi ý rằng bên cạnh khía cạnh hàng hóa thì môi trường còn có khía cạnh chính trị. Điều này nghĩa là các quốc gia dùng môi trường như công cụ chiếm lợi thế trên bàn đàm phán. Các nước phát triển còn dùng tín chỉ môi trường hay các chương trình về môi trường làm đòn bẩy tiếp cận các nước đang phát triển cần vốn đầu tư.

Một ví dụ cho việc này là các động thái đầu tư của Trung Quốc vào các chương trình môi trường tại châu Phi. Trung Quốc chào mới các dự án kinh tế xanh với mức giá và tiềm năng hấp dẫn cho các nước châu Phi để đổi lại nguồn nhân công rẻ, quyền sở hữu một số hệ thống vận tải tại châu Phi, và đặc biệt là quan hệ ngoại giao - thứ có thể quy đổi thành phiếu bầu tại các tổ chức quốc tế.

4. Ecological globalization - Toàn cầu hóa môi trường

Khái niệm ecological globalization (hoặc economic globalization) chỉ những quy định ở cấp độ quốc tế về việc bảo vệ môi trường. Những quy định này thường hiện diện thông qua các hiệp ước, các nghị định thư, các hội nghị quốc tế về môi trường và phát triển bền vững.

Nghị định thư Kyoto 1997 là một ví dụ nổi bật cho khái niệm toàn cầu hóa môi trường. Văn bản này đánh dấu sự ra đời chính thức của các khái niệm như tín dụng môi trường, thị trường carbon,... và là tiền đề cho những cuộc đối thoại ở cấp quốc tế sau đó.

Nếu environmental diplomacy nhấn mạnh vào mối quan hệ giữa môi trường và chính trị, thì ecological globalization quan tâm tới sự liên kết giữa loài người và thế giới tự nhiên. Sự ra đời của khái niệm này nhắc ta rằng Trái đất là ngôi nhà chung, và trách nhiệm bảo vệ tự nhiên là trách nhiệm chung của nhân loại.

Ở một góc nhìn khác, ecological globalization cũng thể hiện sự nghiêm trọng của các vấn đề môi trường trong thời hiện đại: chúng ảnh hưởng tới toàn bộ nhân loại và đã trở nên quá nghiêm trọng để một vài tổ chức hay quốc gia quốc gia giải quyết.

5. Clean Development Mechanism - cơ chế phát triển sạch

Clean Development Mechanism (CDM) là quy chế giảm thiểu khí nhà kính của Liên Hợp Quốc. Theo đó, các quốc gia với lượng phát thải lớn có thể đầu tư vào các dự án giảm thiểu khí nhà kính ở các quốc gia khác. Hành động đầu tư có thể được coi như là nỗ lực giảm thiểu phát thải của chính nước xả thải.

Cơ chế này có vai trò quyết định trong việc tạo ra nền tảng thực tiễn và pháp lý cho việc trao đổi tín chỉ môi trường. Theo đó, CDM vừa là công cụ để các quốc gia xả thải nhiều tránh bị phạt và tái đầu tư vào môi trường, vừa điều hướng dòng tiền tới các quốc gia đang phát triển - những nơi cần tiền để xây dựng nền kinh tế xanh.

09may2022images1851894rung12jpg
Với diện tích rừng nguyên sinh lớn, Quảng Nam là tỉnh có thể được lợi từ tín chỉ carbon và quy chế CDM. | Nguồn: Báo Kinh tế Môi trường

Tuy nhiên, thực tế đã chỉ ra nhiều lỗ hổng trong mô hình. Vấn đề nổi cộm nhất là việc quy chế này thất bại trong việc giảm thiểu khí nhà kính: một nghiên cứu vào năm 2017 đã chỉ ra rằng 85% các dự án áp dụng quy chế CDM của Ủy ban Châu Âu (EU) đã không đạt mục tiêu giảm thải.

Nguyên nhân của việc này nằm ở việc có quá nhiều rào cản ngăn chặn các nước tiếp cận các chương trình CDM. Mặt khác, việc tham nhũng dòng tiền CDM và các vi phạm về nhân quyền trong quá trình thực hiện đã khiến quy chế này không đạt được mục tiêu ban đầu.