Yêu bản thân có giúp bạn được yêu lại? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Yêu bản thân có giúp bạn được yêu lại?

Việc có người yêu thương có thật sự được quyết định bởi mức độ mà chúng ta yêu bản thân mình?
Yêu bản thân có giúp bạn được yêu lại?

Khi bạn yêu bản thân, thế giới bên ngoài sẽ hồi đáp thế nào? | Nguồn: Pablo Heimplatz

Bạn hẳn từng nghe ai đó nói “hãy yêu bản thân trước rồi sẽ có người khác thương lại". Điều này nghe rất có lý nhưng thực tế không phải lúc nào cũng suôn sẻ như vậy.

Yêu bản thân bị hiểu sai như thế nào?

Ai trong chúng ta cũng nên yêu bản thân, đối xử tốt với chính mình. Nhưng khái niệm yêu bản thân có thể gây nhầm lẫn và đôi khi trở thành một chiếc mặt nạ để che giấu hành vi thực sự độc hại. Hala Abdul, một nhà trị liệu tâm lý tại Canada cho biết yêu bản thân nếu bị hiểu sai và lạm dụng có thể làm tổn hại đến các mối quan hệ giữa bạn và người khác.

Đầu tiên, yêu bản thân không phải là trạng thái bất biến. Cảm xúc dành cho bản thân có lên, có xuống. Nếu một lúc nào đó bạn cảm thấy không yêu được bản thân thì cũng chẳng sao cả vì yêu và ghét đều là những khía cạnh của cuộc sống. Chúng ta sẽ thoải mái hơn nếu biết rằng không ai giữ được cảm giác yêu bản thân liên tục ngày này qua ngày khác.

Nhiều người xem việc yêu bản thân là lối sống tích cực và phải luôn giữ cơ thể ở trạng thái này càng lâu càng tốt. Tuy nhiên, điều này có thể là dấu hiệu của việc bạn đang ở trong trạng thái tích cực độc hại.

alt
Yêu bản thân sai cách sẽ ảnh hưởng các mối quan hệ | Nguồn: Joanna Nix (Unsplash)

Kế đến, yêu bản thân sai cách còn dẫn đến những hành động tiêu cực có thể hủy hoại mối quan hệ. Một số người nghĩ rằng nói hoặc làm bất cứ điều gì họ muốn là sống thật, là yêu cảm xúc của mình.

Tuy nhiên, lời “sát thương” sẽ khiến cho người nghe cảm thấy mệt mỏi, bị phán xét từ đó họ dần rời xa bạn. Theo nhà tâm lý học Shannon Chavez, những dấu hiệu kể trên là biểu hiện của yêu bản thân bất chấp, đặt bản thân lên hàng đầu.

Được ai đó yêu thương cũng chỉ là một khả năng

Bạn đặt bao nhiêu phần trăm niềm tin vào câu “Hãy yêu bản thân trước tiên rồi người khác sẽ yêu bạn”?

Mark Manson từng nói “Khi mối quan hệ luôn có điều kiện, chúng ta chẳng có mối quan hệ nào cả”. Tình yêu là thứ đến từ cảm xúc và rất khó gán cho nó một công thức. Chúng ta có thể cảm thấy yêu một người ngay cả khi chẳng biết người đó có yêu thương bản thân họ hay không.

Thực tế không ít cặp đôi đến với nhau cho dù một hay cả hai người đều không đối xử tốt với bản thân họ. Một vài người khác rất biết thương thân nhưng vẫn độc thân vui tính. Vậy nên, thay vì tin hoàn toàn vào việc yêu bản thân sẽ có người yêu, bạn nên xem đây là một khả năng có thể xảy đến mà thôi.

alt
Bạn nên xem yêu thương bản thân là một hành trình hơn là đích đến | Nguồn: Pablo Heimplatz (Unsplash)

Yêu bản thân là cách chúng ta hướng sự quan tâm đến thể chất, tinh thần của mình. Đây là điều bạn có thể chủ động điều chỉnh để cuộc sống tốt hơn. Vậy nên, nếu mục đích ban đầu không còn hướng đến chúng ta mà hướng vào tình yêu của một ai khác, kết quả có thể khiến bạn cảm thấy thất vọng.

Đặt sự chú tâm ra bên ngoài là tự mang thêm gánh nặng cho cảm xúc, đồng thời nó cũng khiến bạn mất đi tự do trong việc thể hiện bản thân.

Mức độ yêu bản thân không ngăn cản bạn được yêu thương

Phải chăng “yêu bản thân thì sẽ có người yêu” đang ngầm truyền thông điệp nếu bạn không yêu bản thân thì sẽ cô đơn đến già?

Thực tế, ai cũng có quyền được yêu thương dù mức độ tình cảm họ dành cho bản thân là nhiều hay ít. Chuyện ta chán ghét bản thân vốn không hiếm gặp nhưng không có nghĩa ta thiếu xứng đáng để có được tình yêu thương.

alt
Dù bạn yêu thương bản thân không đủ nhiều, bạn vẫn xứng đáng được yêu thương | Nguồn: Kristina (Unsplash)

Với một số trường hợp, được yêu thương, che chở, lắng nghe ngay khi ta ở trạng thái kém tích cực nhất sẽ là một lời động viên đúng lúc. Đó chính là cảm giác thuộc về, biết rằng mình vẫn được yêu thương dù đang đối mặt với nhiều khó khăn về cảm xúc.

Bên cạnh đó, chúng ta không chỉ yêu ai đó vì cách họ đối xử với chính họ mà còn là cách mà họ đối xử với chúng ta. Và họ cũng vậy. Trên phương diện này, yêu bản thân là chưa đủ mà bạn cần phải rèn luyện cách cư xử, hiểu được nhu cầu của người khác, để có thể chạm đến trái tim họ.

Haruki Murakami từng viết trong 1Q84 rằng “Cô độc một mình cũng chẳng sao, chỉ cần thật lòng yêu một người, cuộc đời sẽ được cứu rỗi. Dẫu rằng không được sống bên người ấy…”.

Dẫu mục đích của bạn là gì, hãy thực hành yêu thương bản thân lành mạnh, làm những điều tốt cho bạn và những người xung quanh. Từ đó, ta sẽ thôi thắc mắc về tình yêu đến từ ai khác, bởi chính ta đã tự lấp đầy mình bởi yêu thương.