Qua một đêm, dường như tất cả chúng ta đều đang nói về Will Smith đã tát cho Chis Rock một cú trời giáng ra sao trong lễ trao giải Oscar, một trong những sự kiện lớn của làng giải trí thế giới, trước hàng trăm quan khách, trước màn hình TV với hàng trăm ngàn con mắt dõi theo.
Hai nữ chiến binh Jane và Jada
Tất cả bắt đầu từ một câu đùa của Chris. Anh so sánh cái đầu trọc của Jada - vợ Smith - với cái đầu trọc của diễn viên chính trong “G.I Jane”.
Trong bộ phim này, Demi Moore vào vai cô gái đầu tiên của lịch sử đào tạo lính đặc nhiệm. Cô tự cạo trọc đầu, vượt qua muôn vàn thử thách và sự kỳ thị trên thao trường, bất chấp việc nhiều sĩ quan chỉ huy cố tình không muốn cô thành công. Jane không những vượt qua giới hạn thể chất của phụ nữ để đứng ngang bằng với các đồng đội nam, mà thậm chí còn trụ lại đến cuối đợt huấn luyện khổ cực, hoàn thành một điệp vụ giải cứu nguy hiểm.
Với Jada Pinkett-Smith, cô bị một căn bệnh rụng tóc có tên là alopecia từ năm 2018. Căn bệnh xảy ra với khoảng hơn 140 triệu người trên thế giới. Cũng chỉ gần đây, cô mới đủ dũng cảm để chia sẻ công khai về điều này. Là một ca sĩ và diễn viên, vẻ ngoài vô cùng quan trọng. Vậy nên khi thấy tóc mình dần rụng thành từng mảng, Jada và gia đình đã trải qua những ngày tháng khó khăn, “cả cơ thể run rẩy trong sợ hãi” - như lời cô tâm sự.
Vào tháng 7 năm 2021, Jada đã đủ mạnh mẽ để đăng bức ảnh mình với cái đầu trọc lốc lên Instagram. Cô không còn trốn tránh căn bệnh của mình mà tìm cách chấp nhận nó như một phần của cuộc sống. Tại sự kiện Critics Choice Awards, cô thậm chí kiêu hãnh mang trên đầu mình một chiếc vòng kim cương lấp lánh.
Khi tổn thương của kẻ khác bị mang ra làm trò đùa
Cả hai người phụ nữ trên, Jane and Jada, đều là những chiến binh kiên cường trong cuộc chiến khốc liệt của mình. Họ mạnh mẽ, kiêu hãnh, không chịu lùi bước. Có lẽ chính vì thế mà có người cho rằng Chris Rock đã “tôn vinh” Jada khi ví cô với Jane và đùa rằng: “Tôi mong chờ được xem G.I Jane phần 2”.
Việc so sánh trở nên khập khiễng khi ta nhìn sâu hơn vào nguyên nhân của cái đầu không tóc. Jane tự nguyện cạo trọc đầu, tự nguyện hy sinh những đặc điểm nữ tính của mình để có thể sống mái trong cuộc chiến chứng tỏ bản thân. Trong khi đó, Jada là nạn nhân của một căn bệnh cô không hề mong muốn. Sự nữ tính của cô đã bị bệnh tật lấy đi không hề thương tiếc.
Nói cách khác, điều Jane “từ bỏ” chính là điều Jada “đánh mất”. Jane có lựa chọn và biết cái giá mà mình phải trả. Jada không có lựa chọn nào, không được quyền trả giá. Cô chỉ có thể nhìn sự nữ tính của mình bị bệnh tật cướp đoạt khỏi tay.
Chính vì thế, mang nỗi đau của kẻ khác ra để pha trò là một hành động đầy bất trắc. Ta có có thể giả vờ khập khiễng để trêu chọc một người bạn vấp chân, nhưng sẽ thật kém duyên và thiếu nhạy cảm khi trêu một người gãy chân hay bị liệt.
Mỗi con người quanh ta là một chiến binh với những cuộc vật lộn và những vết thương mà ta không hề hay biết. Đó chính là lý do tại sao bodyshaming thực sự gây tổn thương sâu sắc.
Đằng sau những “khiếm khuyết” giống nhau là những nỗi đau khác nhau. Với người này thì trêu béo một chút cũng không sao, nhưng với kẻ khác thì bị đùa cợt với cái sự béo ấy không khác gì dìm họ xuống bùn đen sau khi họ mới vật lộn tự cứu mình thoát khỏi một trận chết đuối. Đối với họ, sự đùa cợt ấy không vui mà chính là một dạng bạo lực tinh thần.
Câu chuyện của Chris Rock cho thấy sự thách thức trong nghề nghiệp của các danh hài. Họ phải tìm hiểu kỹ những nhân vật họ muốn đùa cợt. Họ phải cực kỳ khéo léo và thông minh để những câu đùa không đi quá giới hạn, để người bị trêu không thể giận, để tức lắm mà vẫn cứ phải cười. “Danh hài” khác với “chú hề” ở khả năng nhìn ra lằn ranh mong manh ấy.
Khi danh dự phụ nữ được đàn ông đòi lại bằng bạo lực, và vẫn tiếp tục như thế
Danh dự là một dạng thước đo giá trị của con người. Chính vì vậy, từ xa xưa chúng ta đã luôn tìm cách bảo vệ và chuộc lại danh dự đã mất, đôi khi bằng những cái giá rất đắt, thậm chí bằng chính mạng sống của mình. Ví dụ điển hình là các cuộc song đấu (duel), nơi bạo lực được đẩy đến tận cùng với cái chết của một trong hai đối thủ. Danh dự quan trọng đến mức ta sẵn sàng trả giá cả sinh mạng để danh dự ấy được phục hồi.
Kẻ có quyền cũng như nghĩa vụ phải bảo vệ danh dự bằng song đấu hầu như luôn là đàn ông. Tại nhiều nền văn hóa, phụ nữ phục hồi danh dự bằng cái chết của chính mình, trong khi đàn ông phục hồi danh dự bằng cách phải giết chết kẻ khác.
Dựa trên một câu chuyện có thật, bộ phim “The Last Duel” (Cuộc song đấu cuối cùng) - mô tả một vụ hiếp dâm xảy ra vào thế kỷ 14 trong tầng lớp quý tộc Pháp. Khi biết vợ mình bị một điền chủ tên là Le Gris hãm hại, hiệp sĩ Carrouges đã thách đấu với hắn. Cuộc tỉ thí trở thành tâm điểm thời sự đến mức hoàng gia Pháp phải sắp xếp lịch để nhà vua (không giấu nổi vẻ háo hức) có thể trực tiếp xem trận đấu.
Vào ngày diễn ra sự kiện, Marguerite chỉ vừa mới được chồng mình cho biết rằng mạng sống của nàng phụ thuộc vào kết quả của cuộc tỉ thí. Nếu chồng nàng thua cuộc và chết dưới bàn tay của đối thủ, Marguerite đương nhiên trở thành kẻ vu khống. Nàng sẽ bị lột quần áo, nhục hình và xử trảm.
Trong câu chuyện của nàng Marguerite, danh dự và mạng sống của nàng phụ thuộc vào sức mạnh của người chồng trên đấu trường tỉ thí. May thay, trong xã hội văn minh, phụ nữ hoàn toàn có thể tự bảo vệ danh dự của mình, và danh dự cũng không nhất thiết phải được chuộc lại bằng bạo lực.
Jada rất có thể cảm thấy tự hào vì có một người chồng sẵn sàng bất chấp tất cả để thẳng tay xử lý kẻ khiến cô buồn lòng. Nhưng chúng ta cũng có thể suy luận ngược lại và đặt câu hỏi rằng, chứng kiến cách hành xử của chồng, liệu Jada có muốn danh dự của cô được bồi hoàn bằng phương pháp như vậy? Nếu có cơ hội làm lại, cô sẽ chọn phản ứng ra sao thay vì dùng bạo lực?
Tóm lại, nếu được trở thành một yếu tố chủ động trong câu chuyện này thay vì một nhân vật im lặng đứng giữa hai người đàn ông thay mặt cô song đấu, liệu cô có cách giải quyết tốt hơn?
Khuôn mẫu giới “đàn ông là người bảo vệ”
Phải khẳng định việc Will Smith bảo vệ và bênh vực vợ mình là hoàn toàn chính đáng. Đó là điều chúng ta có trách nhiệm phải thể hiện cho những người thân yêu trong cuộc đời. Điều đáng nói ở đây là bênh vực và bảo vệ đến mức nào và như thế nào.
Trong hầu hết trường hợp, bạo lực chỉ được chấp nhận khi tự vệ. Chính vì vậy, tổ chức giải Oscar đã tuyên bố, và hầu hết những người nổi tiếng khi bình luận về câu chuyện này đều khẳng định Will Smith đã sai khi dùng bạo lực. Bản thân anh cũng đã xin lỗi Chris Rock về hành động thiếu kiềm chế của mình.
Trong bài diễn văn phát biểu nhận tượng vàng Oscar sau cú tát trời giáng, WIll Smith nói rằng nhân vật ông bố mà anh vào vai (cha đẻ của hai ngôi sao quần vợt đỉnh cao Venus và Serena Williams) là một người “bảo vệ gia đình mình một cách quyết liệt”. Dễ nhận thấy anh đã dùng hình ảnh này để giải thích cho hành động của mình. Anh chỉ là một người chồng, một người cha đang cố sức bảo vệ danh dự của những người thân yêu.
Việc Will Smith cảm thấy có nghĩa vụ phải bảo vệ vợ mình là chính đáng, nhưng giải pháp mà anh lựa chọn trong cơn giận giữ là một biểu hiện của tính nam độc hại. Thay vì dùng những cách khác nhau như đùa lại cho chết, phê phán, kêu gọi tẩy chay, hoặc cao tay hơn là lên sân khấu lợi dụng cơ hội tuyên truyền nhận thức về căn bệnh của vợ và yêu cầu Chris xin lỗi… anh chọn một giải pháp mà nó sẽ quay lại gây hại cho chính bản thân anh.
Nam tính độc hại trở nên độc hại vì nó gây hại cho chính người nam. Với Will Smith, như lời của bậc đàn anh gạo cội Denzel Washington đã nói, sự gây hại đó mang hình hài của “quỷ dữ đúng thời khắc hoàng kim” của đời anh. Vinh quang của anh với tượng vàng Oscar danh giá đã bị lu mờ.
Không mấy ai nói về tài năng của anh mà chỉ thấy người ta bàn về hành động của anh sai ít hay sai nhiều. Oscar đã lập ủy ban điều tra chính thức. Anh có thể bị tẩy chay. Bài phát biểu của anh cũng bị cho rằng anh đang lý giải và bao biện cho việc dùng bạo lực nhân danh tình yêu. Thậm chí chính nhân vật người cha Richard Williams ngoài đời cũng lên tiếng phản đối. Trong lời xin lỗi với Chris, Will Smith phải thừa nhận rằng “tình yêu không có chỗ dành cho bạo lực”.
Từ góc nhìn tâm lý, Will Smith cũng có thể còn là nạn nhân của bất ổn sức khỏe tinh thần. Anh và vợ hẳn đã phải chịu đựng nhiều thương tổn với căn bệnh của Jada và việc mối quan hệ của họ bị đưa ra đùa cợt trên báo chí từ nhiều năm qua. Nhất là khi Chris Rock làm điều này không phải lần đầu tiên.
Năm 2016, Jada không đi dự Oscar để phản đối sự thiếu vắng các khuôn mặt da màu trong danh sách đề cử. Chris lúc đó đã đùa rằng Jada không đến bởi cô không được mời, rằng cô tẩy chay Oscar thì cũng giống như anh tẩy chay những cái quần chíp của ca sĩ Rihanna vậy, nó chẳng liên quan, vì ơ kìa, “ai mời?”.
Rất có thể những áp lực đó đã khiến Smith bật nút một cách bạo lực ngay trước hàng trăm nghìn ánh mắt theo dõi như vậy. Chúng ta không nên quên rằng đàn ông vốn bị áp lực không được bộc lộ tình cảm, sự yếu đuối. Sự chèn ép, đè nén ấy khiến nhiều đàn ông nhìn như những kẻ cục tính. Tất cả những điều đó đóng góp vào bức tranh ảm đạm về sức khỏe tinh thần của đàn ông, góp phần trở thành một nguyên do lớn khiến tỷ lệ đàn ông tự sát luôn cao gấp 2-4 lần phụ nữ ở hầu như mọi quốc gia trên thế giới.
Tại sao vẫn có người ủng hộ Will Smith?
Cyrell là một cô gái nổi tiếng trong mùa 4 của chương trình thực tế của Úc “Cưới ngay từ ánh nhìn đầu tiên” (Marriage at the first sight). Cô nổi tiếng vì sự quyết liệt, sẵn sàng ăn thua, sẵn sàng quyết chiến tới cùng. Vì thế, biệt danh của cô là Cyclone Cyrell, tức là Cyrell “bão tố”. Một bài báo của Úc khi đó đã chạy tít như sau: “Thật khó làm chồng Cyrell, nhưng cô là người bạn mà chúng ta ai cũng thầm khao khát”.
Bởi chúng ta vẫn là những con người mong mỏi được yêu thương và bảo vệ. Có thể ta không muốn làm Cyrell nhưng lại muốn có một Cyrell không bao giờ bỏ rơi bạn bè, sẵn sàng xù lông giương móng với kẻ làm ta tổn thương.
Cũng có thể, Cyrell là hình ảnh mà có những lúc ta muốn mình chỉ cần hô “biến” mà thành. Để trong khoảnh khắc ấy, ta có thể vượt qua những giới hạn chật chội của các giá trị văn minh mà xông lên theo tiếng gọi của nơi hoang dã, mà thoải mái cào cắn kẻ thù cho hả giận.
Cũng có thể, Cyrell là hình ảnh mà ta có lúc đã từng. Ta “bị quỷ dữ viếng thăm” và gọi tên. Trong cơn bấn loạn, ta đã nhân danh tình yêu mà xuống tay làm điều ngu ngốc, thậm chí với chính người mình yêu thương. Cyrell khiến một phần tội lỗi ấy như được biện minh, dù chỉ là sự biện minh yếu ớt.
Chính vì thế, để biết mình thực sự nghĩ thế nào về cái tát của Will Smith, ta không nên hỏi “anh ấy đúng hay sai”. Sự an toàn của một kẻ quan sát, đứng ở ngoài phán xét chưa chắc đã nói lên những giá trị gốc rễ của bản thân mỗi chúng ta.
Nếu ủng hộ Will Smith, hãy tự hỏi rằng, đặt vào địa vị và hoàn cảnh của anh ấy, trước con mắt của hàng triệu người xem như vậy, ta thực lòng có muốn làm thế hay không?