Vụ ngược đãi chó ở Đà Lạt nói gì về mô hình kinh doanh bằng thú cưng? | Vietcetera
Billboard banner

Vụ ngược đãi chó ở Đà Lạt nói gì về mô hình kinh doanh bằng thú cưng?

Phí chụp ảnh cùng các em cún là tuỳ tâm. Nhưng nếu ta đưa chỉ 10, 20 nghìn thì sẽ bị chủ nhân của chúng khó chịu, xua đuổi.
Vụ ngược đãi chó ở Đà Lạt nói gì về mô hình kinh doanh bằng thú cưng?

Nguồn: Báo Dân Trí

1. Chuyện gì đã xảy ra?

Những ngày gần đây, trên mạng xã hội lan truyền hình ảnh video ghi lại cảnh chú chó Alaska bị chủ nhân la mắng lớn tiếng và dùng gậy “tác động vật lý” vào vùng đầu, mặt vì không… được việc. Theo đó, đều đặn mỗi ngày từ 6 đến 10 giờ tối, các bé chó sẽ được đưa đến những địa điểm du lịch ở khu vực trung tâm thành phố Đà Lạt như Quảng Trường Lâm Viên, Hồ Xuân Hương hay chợ đêm để “đi làm".

Công việc của các em là đeo những phụ kiện đáng yêu như mắt kính, bông hoa, đứng liên tục để tương tác và chụp ảnh với mọi người. Kháng hàng sẽ được yêu cầu trả phí tuỳ tâm cho mỗi lần chụp. Nếu tỏ thái độ mệt mỏi, không hợp tác, hay chỉ đơn giản là… ngủ gục, các em sẽ bị chủ văng tục chửi mắng, tương tác bằng tay hoặc dụng cụ vào mặt và đầu.

Xem bài viết này trên Instagram

Bài viết do GẤU 🐼 (@gau.nguyen21) chia sẻ

Không chỉ bị ngược đãi ở nơi công cộng, các em bị “tương tác” tại... nhà. Sự việc này đã gây nên một làn sóng phản đối mạnh mẽ từ cộng đồng mạng, bao gồm cả những nghệ sĩ nổi tiếng.

UBND TP. Đà Lạt vừa ra thông báo yêu cầu chính quyền địa phương chấm dứt tình trạng lợi dụng vật nuôi để kinh doanh. Sự việc này cho thấy ngược đãi thú cưng đang trở thành vấn đề nghiêm trọng đáng để lên án, phản đối và tố giác.

2. Tại sao đã xuất hiện từ lâu, nhưng giờ vụ việc mới được chú ý?

Thực chất, tình trạng ngược đãi và trục lợi từ thú cưng đã bị lên án từ 2 năm trước, nhưng nhanh chóng chìm dần do xảy ra trùng với thời điểm bùng nổ của dịch Covid. Nổi bật trong đó là bài đăng chia sẻ hình ảnh hai chú chó trắng bị bắt đi bộ một quãng đường 5km để đến chỗ làm, phải đứng liên tục để chụp ảnh với khách, với phí 10 nghìn đồng cho mỗi lần chụp.

alt
Chủ nhân của bé chó đã lợi dụng vẻ ngoài đáng yêu, to lớn của hai em chó để thu về rất nhiều tiền | Nguồn: Afamily

Cũng trong năm 2022, khách đến Đà Lạt du lịch đăng tải video chia sẻ khoảnh khắc chú chó bị chủ dùng gậy đánh nhiều phát vào người, chỉ vì chạy vào bóng râm tránh nắng mà không chịu chụp ảnh với khách.

Nhưng chỉ khoảng đầu năm nay, làn sóng phản đối này mới mạnh mẽ như thế, nguyên nhân có thể là do nhiều khách du lịch đã lên tiếng phản ánh mô hình kinh doanh tự phát này gây ảnh hưởng đến cảnh quan và trải nghiệm tham quan của họ.

Cụ thể, chỉ cần che ô cho chú chó đang phải đứng giữa trời mưa hay trả số tiền ít (10-20 nghìn) sau khi chụp ảnh, họ sẽ bị chủ nhân của những em chó lườm nguýt, văng tục và tỏ thái độ khó chịu, xua đuổi. Nhiều người tuyên bố sẽ không đến du lịch Đà Lạt nữa nếu chính quyền địa phương xử lý triệt để.

3. Mô hình kinh doanh này ảnh hưởng đến thú cưng như thế nào?

Trả tiền để chụp ảnh cùng thú cưng là một hạng mục nằm trong mô hình kinh doanh sử dụng động vật. Tại Việt Nam, đặc biệt là Đà Lạt, ngày càng nhiều các nông trại thú cưng xuất hiện với mục đích để khách hàng đến, vừa uống cà phê, vừa tương tác, chụp ảnh sống ảo cùng các bé thú cưng như chó, mèo, lạc đà và nổi tiếng nhất phải kể đến chuột lang nước (Capybara).

alt
Puppy Farm -trang trại của những chú cừu, chó husky, corgi được rất nhiều khách du lịch Đà Lạt yêu thích | Nguồn: Vinpearl

Tuy nhiên, các đơn vị kinh doanh này chỉ được yêu cầu đáp ứng các điều kiện về bảo vệ thể chất của động vật như đảm bảo điều kiện sống, sức khoẻ hay quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tính đến nay, chưa có điều khoản nào yêu cầu các quán cà phê, nông trại phải đảm bảo cả sức khoẻ tinh thần của động vật. Điều này đồng nghĩa với việc các thú cưng phải “làm việc" 8 tiếng mỗi ngày cả cuối tuần mà không được quan tâm về mặt tinh thần.

Trước đó, content creator Linh Ngọc Đàm cũng đã mở quán cà phê mèo Katholic vào năm 2022, với mục đích ban đầu là tìm một mái nhà cho 15 bé mèo cô sở hữu, và 20 bé mèo hoang được cô cưu mang về. Quán đã phải đóng cửa sau một thời gian ngắn hoạt động do những mâu thuẫn giữa cô và cộng sự.

Trong một buổi livestream, cô chia sẻ rằng với cương vị là một người yêu mèo, cô không chấp nhận được việc để các bé phải sống dựa trên một mô hình kinh doanh để kiếm tiền, vì điều này sẽ ảnh hưởng trầm trọng đến sức khoẻ thể chất và tinh thần của thú cưng.

Ở Nhật Bản, mô hình kinh doanh trên động vật khá phổ biến, với những quy định rất chặt chẽ và nhất quán, ưu tiên sức khoẻ tinh thần và sự thoải mái của thú cưng. Chẳng hạn như quán cà phê Cabyneko - nơi mọi người có thể đến giao lưu với các bé mèo và cả cabybara đã đưa ra các yêu cầu cho thực khách như sau: Khách hàng phải đặt chỗ trước, vuốt ve và tương tác thú cưng theo sự hướng dẫn và quan sát của nhân viên, thời gian ở quán tối đa dao động từ 30 phút đến 1 tiếng.

alt
Thay vì chỉ được đứng từ xa nhìn, khách hàng có thể trải nghiệm một buổi đi cafe cùng... capybara | Nguồn: Time Out

Việc đặt chỗ chỉ được xác nhận vào ngày khách ghé thăm, vì quán chỉ mở cửa khi các bé đang trong tình trạng sức khoẻ tốt, không bị ép buộc “làm việc” khi không muốn.

4. Những người ngược đãi động vật sẽ bị xử lý ra sao?

Theo Tuổi trẻ Online, trong trường hợp các bé cún ở Đà Lạt, người vi phạm sẽ bị phạt hành chính từ 1 đến 3 triệu đồng. Chủ nhân vẫn không bị tước quyền nuôi thú cưng sau khi bị phạt. Có thể nói hình phạt này khá nhẹ nhàng, không đủ tính chất răn đe với người vi phạm.

Đó là lí do vì sao dù chính quyền đã xử phạt hành chính 3 vụ việc chỉ trong đầu năm nay, nhưng việc trục lợi dựa trên lòng thương động vật của người khác này vẫn không ngừng tiếp diễn.

Trong khi ở các quốc gia khác trên thế giới, việc ngược đãi động vật được đánh giá và xử phạt khá nghiêm trọng. Đơn cử như ở Anh, hành vi này có thể bị phạt tiền không giới hạn, phạt tù lên đến 5 năm. Ngoài ra, người vi phạm có thể bị cấm nuôi động vật suốt đời. Hay tại Nhật Bản, người vi phạm cũng sẽ bị xử phạt 5 năm tù và phạt tiền lên đến 1 tỷ đồng.

5. Ngoài lên tiếng phản đối, chúng ta có thể làm gì nữa?

Chúng ta có có thể tẩy chay loại hình kinh doanh này khi nhận thấy tình trạng và điều kiện sức khoẻ của thú cưng không đảm bảo. Không có cầu thì sẽ không có cung, việc đồng lòng không ủng hộ những hình thức kinh doanh tự phát, vô nhân đạo sẽ có thể sẽ khiến người vi phạm ngừng hoạt động hoặc cân nhắc lại về hành vi của mình.

Đồng thời, khách hàng cũng cần tự trang bị ý thức về cách tương tác, đối xử với thú cưng khi tham gia trải nghiệm các dịch vụ trên. Trong các mô hình kinh doanh trên động vật tại Việt Nam, quán cà phê chó mèo @mame.shiba đã soạn ra bộ quy tắc ứng xử với thú cưng khá cụ thể mà bạn có thể tham khảo:

alt
Nguồn: @mame.shiba