Bạn có biết loài chim không bị ảnh hưởng bởi vị cay? Với mục đích sinh tồn, ớt sinh ra vị cay để ngăn những loài động vật có vú ăn nó. Nhưng ớt đã quyết định “chừa” loài chim ra bởi vì nhờ có loài chim mà hạt giống của ớt mới được phát tán.
Cuối cùng, con người (một động vật có vú) vẫn ăn ớt chỉ vì nó cay và từ niềm đam mê này mà họ đã trồng ớt làm gia vị. Nhờ đó ớt vẫn sinh sôi dù là theo một cách khác hẳn với ý định ban đầu của nó.
Vị cay sinh ra để chúng ta tránh xa trái ớt, nên cũng dễ hiểu nếu nhiều người không thích nó, nhưng vì sao vẫn có nhiều người "ghiền" vị cay?
Một vài điều thú vị về vị cay
Có khá nhiều lý do mà người ta thích vị cay. Vị cay khiến cơ thể tiết ra những hormone làm bạn thấy hưng phấn và dễ chịu trong lẫn sau khi trải qua cơn cay xé lưỡi. Ngoài ra, vị cay còn báo hiệu cho não rằng thức ăn đã sạch (đó là lý do kem đánh răng có vị cay).
Capsaicin là chất khiến cho tiêu, ớt có vị cay nóng. Những phân tử này đánh lừa các thụ thể trên lưỡi và niêm mạc trong miệng, khiến chúng gửi tín hiệu lên não để báo rằng miệng đang bạn đang “bốc hỏa”. Vì vậy mà trong tiếng Anh người ta diễn tả vị cay bằng từ “hot”.
Nhưng đã bao giờ bạn thắc mắc, vì sao độ chịu cay của mỗi người mỗi khác?
Vị cay - Vì sao người thích người không?
Được lớn lên với ớt
Trong một nghiên cứu về việc vì sao người ta lại sử dụng gia vị, tác giả Sherman đã đặt giả thuyết rằng ở những quốc gia có khí hậu nóng, thức ăn (đặc biệt là thịt) rất dễ bị hỏng và chứa nhiều mầm bệnh. Việc sử dụng gia vị (như ớt) là cách để bảo quản thực phẩm, và cuối cùng nó đã trở thành một phần văn hóa và sở thích theo thời gian.
Sau này khi khoa học phát triển, người ta đã phát hiện ra một trong những tác dụng của capsaicin trong ớt là diệt vi trùng.
Vì yếu tố văn hóa đó mà trẻ em ở những nước ăn gia vị như Ấn Độ, Mexico, Thái Lan và cả Việt Nam tiếp xúc với vị cay từ rất sớm. Chẳng hạn, trẻ em ở Mexico ăn vặt bằng kẹo mút tẩm ớt (hoặc trẻ em Việt Nam ăn bánh tráng trộn muối ớt ở căn tin trường). Từ đó mà “độ chịu cay” của họ cao hơn khi lớn lên.
Người ưa cảm giác mạnh thích ăn cay hơn
Các nhà nghiên cứu đã xem xét mức độ tương quan giữa việc ăn cay với 4 nét tính cách khác nhau (theo trang ScienDicrect), bao gồm:
- Nhận thức về cơ thể (body consciousness)
- Tìm kiếm cảm giác mới lạ (sensation seeking)
- Nhạy cảm với hình phạt (sensitivity to punishment)
- Nhạy cảm với phần thưởng (sensitivity to reward)
Theo đó, những người với người có xu hướng thích tìm kiếm cảm giác mới lạ cũng hưởng ứng đồ ăn cay hơn. Nhóm người chuộng các bộ môn mạo hiểm (tàu lượn vòng siêu tốc, nhảy dù) có khuynh hướng tăng lượng Scoville (chỉ số đo độ cay của hạt tiêu) trong bữa ăn hơn so với nhóm người ít ưa mạo hiểm.
Tương tự như tàu lượn vòng siêu tốc, ăn cay là một cách để đùa giỡn với nguy hiểm (trong khi biết mình vẫn sẽ an toàn). Các tác động sinh lý của việc gặp nguy hiểm hoặc cay xé lưỡi thúc đẩy sản sinh adrenaline khiến bạn cảm thấy phấn khích (tim đập mạnh, hơi thở gấp). Bên cạnh đó, vị cay cũng khiến cơ thể tiết ra endorphine, một loại hormone tạo nên cảm giác dễ chịu.
Thích cay cũng có thể được tôi luyện
Có những người từ bé không ăn cay nhưng khi lớn lên khẩu vị của họ thay đổi do yếu tố ngoại cảnh. Chẳng hạn, ảnh hưởng từ bạn bè, chuyển nơi sinh sống hoặc đơn giản là món ăn khoái khẩu của họ phải cay mới ngon.
Hiệu ứng tiếp xúc thường xuyên (mere exposure effect) có thể giải thích cho hiện tượng này. Về cơ bản cho dù ban đầu bạn không thích thứ gì đó nhưng nếu ngày nào cũng tiếp xúc, bạn sẽ dần trở nên thích nó hơn.
Tương tự, nếu ngưỡng chịu cay của bạn thấp nhưng lại cố gắng luyện tập thì bạn sẽ bớt nhạy cảm hơn với cơn đau do vị cay mang lại. Capsaicin và các phân tử gây cay khác sẽ làm cạn kiệt chất dẫn truyền thần kinh P (substance P), có nhiệm vụ gửi tín hiệu đau đến não. Do đó mà bạn có thể thấy, khi đã ăn cay được thì người ta sẽ ngày càng “lên level” hơn để có lại cảm giác ban đầu.
Người có nồng độ testosterone cao thường ăn cay hơn
Trong một nghiên cứu trên nam giới, người ta đã phát hiện mối tương quan giữa testosterone và lượng sốt cay mà họ rưới lên khoai tây. Người có testosterone cao có xu hướng bỏ nhiều sốt cay hơn. Những người đàn ông này cũng có cùng khuynh hướng thống trị, hiếu chiến và chấp nhận rủi ro cao.
Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc phụ nữ không ăn cay bằng nam giới. Thật ra thì cách mà hai giới hưởng ứng vị cay có đôi chút khác nhau.
Hai tác giả Byrnes và Hayes đã viết trong một bài báo liên quan: “Nam giới có thể phản ứng nhiều hơn với yếu tố bên ngoài, trong khi nữ giới phản ứng nhiều hơn với yếu tố bên trong.” Theo đó, họ phát hiện rằng nam giới thường chọn tăng độ cay bởi vì họ thích được những người xung quanh khen ngợi. Trong khi đó, phụ nữ làm vậy là vì họ thưởng thức cảm giác cay nóng.
Vì vậy có thể thấy, ngoài yếu tố bên trong (hormone, độ ưa mạo hiểm) thì yếu tố ngoại cảnh như cái nhìn xã hội cũng ảnh hưởng đến "độ chịu cay" của một người.
Kết
Cay là một cảm giác khá hay ho vì không như những vị còn lại, nó là thứ duy nhất mang lại cảm giác “sung sướng trong đau đớn”. Bên cạnh đó, nếu đã từng sặc phải hột tiêu hay hột ớt thì bạn cũng biết là nó “hay ho” thật.
Và phía trên là những điều mà bạn có thể đem ra để “lý do lý trấu” mỗi khi ai đó nhăn mặt vì độ ăn cay của bạn. Ngoài ra, còn điều gì khác mà bạn thích ở vị cay không?