Công ước khung Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu cho thấy lượng khí nhà kính thải ra từ quá trình sản xuất quần áo là 1,2 tỷ tấn mỗi năm, nhiều hơn cả những chuyến bay và hàng hải quốc tế gộp lại (Nguồn: UNFCCC).
Trong đó, sự bành trướng của fast-fashion góp phần không nhỏ trong việc gây hại đến môi trường. Trước vấn đề này, khách hàng Gen Z đang dần ý thức được hậu quả do fast-fashion mang lại. Họ bắt đầu sử dụng những vật liệu thân thiện với môi trường hay các hình thức mua sắm thân thiện hơn như secondhand, thrifting.
Tuy nhiên, không phải người tiêu dùng nào cũng quan tâm về vấn đề môi trường và giá cả vẫn luôn là yếu tố tiên quyết. Vậy nên sức ảnh hưởng của fast-fashion vẫn còn tiếp tục.
Đã đến lúc ta cần hiểu hơn về những gì mình đang sở hữu để có cái nhìn và hành động đúng đắn. Để bắt đầu, Vietcetera mời bạn có một cuộc trò chuyện… nghiêm túc với quần áo của mình.
Câu hỏi 1: Bạn được làm từ chất liệu gì?
Khi đặt câu hỏi này cho quần áo, chúng ta có thể hiểu hơn về chất liệu mà mình mặc mỗi ngày. Chúng có thân thiện với môi trường không? Đồng thời, ta cũng có thể biết thêm cách bảo quản cho từng loại vải để mặc bền hơn.
Tờ Independent từng liệt kê các chất liệu có tác động xấu nhất lên môi trường. Trong đó có cotton, sợi tổng hợp (Polyester, Nylon, Acrylic), các vật liệu có nguồn gốc từ động vật như lông thú, da.
Nếu quan tâm đến chất liệu, chúng ta có thể thử bổ sung vào tủ đồ của mình những loại vải mới lạ và thân thiện hơn. Một vài gợi ý bạn có thể quan tâm là vải Tencel (từ gỗ), Piñatex (từ lá dứa), vải da từ xương rồng,…
Câu hỏi 2: Tôi đã mặc bạn bao nhiêu lần?
Nếu như bạn đang rơi vào vòng xoáy của việc “chưa cũ đã bỏ” thì hãy cân nhắc thay đổi thói quen mua sắm ngay bây giờ với thử thách “30 Wears”.
Vào năm 2016, Livia Firth - một nhà môi trường học - đã khởi động chiến dịch #30wears để nâng cao nhận thức của người tiêu dùng trong việc mua sắm. Trước khi mua sắm, bạn hãy suy nghĩ thật kỹ và tự hỏi bản thân “Liệu mình sẽ mặc món đồ này ít nhất 30 lần chứ?”
Để giúp việc thực hiện thử thách trên dễ dàng hơn, bạn có thể bắt đầu bằng những câu hỏi như:
- Món đồ này có khiến mình thích thú đến mức sẽ mặc nó ngay khi ra khỏi cửa hàng hay không?
- Mình sẽ kết hợp nó với các món khác trong tủ đồ như thế nào để có thể mặc được ít nhất 30 lần?
- Mình mặc nó có thực sự đẹp?
- Chất lượng của nó có tốt hay không?
- Liệu nó có phù hợp với túi tiền của mình?
Ngoài ra, giá trị thật sự của quần áo không dựa trên con số ghi trên nhãn, mà được tính theo giá trị mỗi lần mặc, hay còn gọi là Cost Per Wear (CPW).
Với cách tính này, bạn có thể thấy việc mua một sản phẩm giá rẻ chưa chắc đã tiết kiệm bởi tần suất sử dụng mới quan trọng. Ví dụ có 2 chiếc áo thun:
- Một chiếc giá 100.000 đồng và bạn chỉ mặc được 20 lần là đã hỏng. Vậy CPW là 5.000 đồng;
- Một chiếc với chất lượng tốt và giá cao hơn - 300.000 đồng và bạn có thể mặc được đến 100 lần. Vậy CPW sẽ là 3.000 đồng.
Câu hỏi 3: Mình đã thử hết các phong cách với món đồ này chưa?
Nhà thiết kế nổi tiếng Vivienne Westwood đã từng nói: “Buy less, choose well, make it last.” (Tạm dịch: Mua ít, lựa chọn kĩ, sử dụng lâu dài). Để có thể tận dụng tối đa giá trị của quần áo, bạn có thể học cách phối những món đồ có sẵn trong tủ của mình.
Trong tủ đồ của bạn nên có một số item cơ bản nhưng quyền năng vô hạn. Đây là lúc bạn cần bắt đầu xây dựng một tủ đồ thiết yếu (essential wardrobe).
Theo Vogue, một vài món bạn nên có bao gồm: áo sơ mi trắng, quần jean classic, đầm mini black dress, blazer, áo thun trắng, giày sneaker,… Với những item cơ bản này, bạn có thể suy nghĩ ra vô vàn phong cách phối và duy trì “tuổi thọ” của món đồ lâu hơn.
Chẳng hạn, có đến 10 cách để bạn phối áo thun trắng, 14 cách để phối blazer và nhiều cách phối đồ khác bạn có thể thử ngay trên những item rất cơ bản.
Câu hỏi 4: Kỉ niệm của tôi đối với bạn là gì?
Hồi tưởng có sức mạnh chữa lành. Các chuyên gia cho biết nhìn lại những khoảnh khắc hạnh phúc trong cuộc sống có thể khiến chúng ta cảm thấy kết nối, tự tin và hy vọng hơn.
Điều này cũng đúng với những bộ trang phục của chúng ta. Thậm chí, một bài viết trên tờ Refinery29 còn cho rằng thời kỳ giãn cách, quần áo là nơi chứa đựng những kí ức mạnh mẽ. Quần áo không chỉ là kho lưu trữ sống động về dịp chúng ta mặc mà còn gợi nhớ lúc đó ta là ai và mong muốn trở nên như thế nào.
Tiến sĩ Alastair Tombs tại trường Đại học Queensland cho biết “Những bộ trang phục hoạt động như những bức ảnh: chúng đem lại những khoảnh khắc đáng nhớ trong cuộc đời bạn. Nhiều người vẫn giữ những món đồ từ thời niên thiếu dù cho họ sẽ chẳng mặc nó thêm lần nào nữa.”
Nếu như có ai đó từng khen trang phục của bạn, thì ở những lần sau, bạn cũng sẽ cảm nhận niềm vui và hãnh diện khi khoác chúng lên người. Tuy vậy đôi lúc, quần áo cũng mang đến những cảm xúc tiêu cực về một lần chia tay, nghỉ việc… Cách giải quyết là bạn có thể bỏ đi hoặc đơn giản là xếp nó gọn gàng và cất thật kỹ.
Ngay hôm nay, bạn có thể tâm sự với những bộ trang phục mà mình đang có. Nếu bạn nhận ra một bài học hay điều gì đó muốn chia sẻ sau cuộc trò chuyện này, hãy để lại bình luận bên dưới nhé.