Vì sao bạn muốn nghỉ việc nhưng lại chần chừ? | Vietcetera
Billboard banner
07 Thg 03, 2023

Vì sao bạn muốn nghỉ việc nhưng lại chần chừ?

Dù lý do nghỉ việc là gì, tâm lý sợ hãi, lo lắng là điều khó tránh khỏi.
Vì sao bạn muốn nghỉ việc nhưng lại chần chừ?

Nguồn: Nhi Thanh @obanhmis cho Vietcetera

Cách đây vài năm, tôi quyết định nghỉ việc ở một công ty thời trang sau một thời gian gắn bó. Mối quan hệ của tôi với công ty đó, có thể được ví như một mối quan hệ tình cảm.

Tình yêu đó đã từng rất nồng thắm trong vài tháng đầu nhưng nó dần hết vui khi tôi mất đi tiếng nói chung với sếp. Tôi không thấy được mình sẽ phát triển tiếp như thế nào. Tôi không còn cảm thấy hạnh phúc với nơi tôi đã từng kể với tất cả mọi người là “chốn vui vẻ" của mình.

Nhưng cũng mất vài tháng kể từ khi tôi bắt đầu thấy hết vui cho đến khi tôi thực sự nghỉ. Đơn giản vì tôi thấy sợ.

Có nhiều lý do khiến bạn quyết định từ bỏ công việc hiện tại. Nhưng dù lý do là gì, tâm lý sợ hãi, lo lắng là điều khó tránh khỏi. Sợ thất nghiệp, sợ thay đổi, sợ mất những gì đang có… nhưng cũng giống như việc không thể tiếp tục đồng hành cùng nhau được nữa, người ta cần rời đi và học cách vượt qua những nỗi sợ đó để bước vào những mối quan hệ kế tiếp.

Khi nào là lúc bạn nên nghỉ việc?

Trung bình chúng ta dành 40 tiếng/tuần để làm việc tại văn phòng. Chừng đó thời gian là không ít đối với một người. Đó là 40 tiếng cống hiến năng lực và năng lượng cho công ty, đồng thời xây dựng và vun đắp những mối quan hệ chốn công sở.

Chung quy lại, có 4 lý do chính hay còn gọi là “tín hiệu" giúp bạn xác định thời điểm dừng chân của mình.

alt
Đâu là lúc bạn nên cân nhắc nhấn nút “dừng" với công việc hiện tại?
  • Không phát triển về chuyên môn lẫn cá nhân: khi bạn không còn cảm thấy mình học hỏi được điều gì từ công việc và cấp trên, đồng thời bạn không thấy được cơ hội thăng tiến đối với vị trí của mình.
  • Luôn chán nản và mệt mỏi khi làm việc: khi bạn mất động lực làm việc và thường không hoàn thành công việc một cách hết mình. Bạn cũng thường bị phân tâm ngay cả khi đang có rất nhiều công việc cần hoàn thành.
  • Mục tiêu của bạn không phù hợp với sứ mệnh công ty: khi bạn không nhìn thấy tương lai với công ty hoặc nhìn thấy nguy cơ mất việc tại công ty.
  • Bất đồng với đồng nghiệp và sếp: khi bạn có người sếp thường vắt kiệt sức lao động cùng những đồng nghiệp không chung chí hướng, khiến bạn cô đơn và chán nản. Hoặc tệ hơn, bạn bị bắt nạt công sở.

Và đó là lúc bạn nên cân nhắc nhấn nút “dừng" với công việc hiện tại.

Những nỗi sợ buộc phải vượt qua

Muốn nghỉ việc là vậy, nhưng không phải ai cũng mạnh dạn chọn dừng lại ngay. Tất cả là vì những nỗi sợ “tiền thất nghiệp".

“Tôi không có kinh nghiệm với công việc tôi muốn làm"

Nỗi sợ này thường xảy ra với những bạn muốn nghỉ công việc hiện tại để chuyển ngành sang một lĩnh vực khác mà bạn yêu thích. Bạn muốn ứng tuyển nhưng lại đắn đo vì sự khác biệt với công việc hiện tại? Bạn thấy bản thân không đáp ứng được yêu cầu về kỹ năng cũng như số năm kinh nghiệm?

Hãy tham khảo ít nhất 3 người đang làm lĩnh vực đó, xem công việc thực sự như thế nào và đâu là những kỹ năng cần thiết. Sau đó đánh giá điểm mạnh, điểm yếu của bản thân so với công việc mới. Từ đó, hãy lên một kế hoạch để khắc phục những điểm yếu bằng cách tham gia thêm những khóa học, chương trình thực tập…

“Tôi không gánh nổi áp lực tài chính khi tìm việc"

Đây là một nỗi sợ rất thực tế. Việc đột nhiên mất đi một khoản thu nhập không phải một điều dễ dàng.

Chính vì vậy, hãy có sự chuẩn bị trước về mặt tài chính khi nghỉ việc bằng cách tiết kiệm quỹ khẩn cấp. Quy mô lý tưởng của quỹ này sẽ bằng tối thiểu 1 năm phí sinh hoạt cơ bản (thuê nhà, ăn uống, đi lại). Việc này vừa giúp bạn sinh hoạt bình thường trong giai đoạn cắt giảm nguồn thu nhập, vừa giúp bạn đánh giá thời điểm lý tưởng để nghỉ việc và tìm việc mới.

Bên cạnh đó, bạn đừng nên để bản thân chỉ phụ thuộc vào một nguồn thu nhập. Bạn có thể biến sở thích thành một công việc thứ 2 để tạo thêm nguồn thu và trợ thành “phao cứu sinh" khi bạn tạm mất đi một công việc.

“Tôi không còn quá trẻ để tìm việc mới"

Có một vài người quen của tôi sau khi bước qua độ tuổi 30 (thậm chí là 25) có chia sẻ rằng họ cảm thấy mình không còn quá trẻ để tìm một công việc mới. Họ sợ phải bắt đầu lại từ đầu và lo lắng mình không thể cạnh tranh với những người trẻ hơn.

Sự thật là, mẹ tôi, ở độ tuổi 50, vẫn lựa chọn thay đổi công việc. Khảo sát người lao động lớn tuổi của AIER về những người đã cố gắng thay đổi nghề nghiệp sau 45 tuổi cho thấy 82% đã thay đổi nghề nghiệp thành công và 87% trong số đó hài lòng vì họ đã thực hiện thay đổi. Điều có ý nghĩa đối với bạn năm 20 tuổi không nhất thiết sẽ còn ý nghĩa đối với bạn của năm 30 tuổi hay 60 tuổi.

Chúng ta luôn gặp những người mới, có những trải nghiệm mới. Cuộc sống của chúng ta thay đổi và bản thân chúng ta cũng vậy. Chúng ta hoàn toàn có thể thay đổi nghề nghiệp bất cứ lúc nào để đáp ứng với những thay đổi này trong cuộc sống. Hãy mạnh dạn bước ra khỏi vùng an toàn để tìm được môi trường mới phù hợp hơn.

alt
Đừng để những nỗi sợ trở thành vật cản trên con đường khám phá công việc yêu thích của bạn.

“Tôi sợ mất những gì đang có"

Thu nhập, kỹ năng mềm, danh tiếng, mối quan hệ, quyền lợi… có thể sẽ là thứ bạn phải đánh đổi khi nghỉ việc, đặc biệt là khi bạn “nhảy" sang một lĩnh vực khác.

Nhưng theo thời gian, tất cả những thứ đó đều có thể có lại được như cách bạn đã từng có với công việc trước đây. Bên cạnh đó, nghỉ việc không có nghĩa là bạn phải cắt đứt với những mối quan hệ cũ hoặc bỏ đi những kỹ năng mềm mà bạn đã dày công trau dồi. Hãy cân nhắc giữa việc khám phá và đi tìm thứ phù hợp với bản thân thay vì ở lại một nơi không dành cho bạn chỉ vì bạn tiếc những gì đang có.

“Tôi sợ sự thay đổi"

Nỗi sợ thay đổi, hay còn gọi là metathesiophobia, là một chứng ám ảnh khiến mọi người tránh thay đổi hoàn cảnh hiện tại do sợ hãi trước những điều chưa chắc chắn sắp tới. Bạn chần chừ nghỉ việc bởi bạn sợ công việc sau có thể còn tệ hơn công việc trước. Bạn cũng sợ những người sếp mới, đồng nghiệp mới có thể không tốt với bạn.

Đầu tiên, bạn phải tập làm quen với những cảm xúc tiêu cực này và tập trung kiểm soát những gì có thể kiểm soát, trong trường hợp này, là khả năng, cảm xúc và những công việc bạn có thể làm sau khi nghỉ việc. Dù bạn không thể kiểm soát được 30 - 40% cơ hội được làm một công việc yêu thích, nhưng nếu không chịu phát triển bản thân và tích cực ứng tuyển, cơ hội của bạn là 0%.

Đừng để nỗi sợ cản đường bạn

“Những mối quan hệ không phù hợp thì không tiếp tục. Mình tôn trọng cảm giác của bản thân và thời gian của cả hai. Việc không muốn làm sẽ không làm. Vì mình sẽ không thể làm cho đàng hoàng. Và sẽ có người thực sự muốn làm, làm tốt hơn mình.”, tác giả Hạ Chi chia sẻ trên Facebook cá nhân.

Nghiên cứu của trường Đại học Duke chỉ ra rằng, những người yêu thích công việc của họ thường có tuổi thọ cao hơn. Nghiên cứu cũng cho thấy sự thoả mãn trong công việc quan trọng hơn cả chế độ ăn uống hay tập luyện khi dự đoán về tuổi thọ. Chính vì vậy, đừng để những nỗi sợ trở thành vật cản trên con đường khám phá công việc yêu thích của bạn.