Vì sao bạn không cần đặt nặng đúng-sai, nhưng nên có chính kiến? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
23 Thg 12, 2024

Vì sao bạn không cần đặt nặng đúng-sai, nhưng nên có chính kiến?

Đúng-sai cũng chỉ có ý nghĩa tương đối tùy thuộc vào bối cảnh.
Vì sao bạn không cần đặt nặng đúng-sai, nhưng nên có chính kiến?

Nguồn: Pexels

Có những lần ngồi họp, mình thấy bực bội vì đồng nghiệp cứ cố gắng bảo vệ một ý tưởng mà cá nhân mình cho là sai. Nhưng ngược lại cũng có lúc, mình im lặng dù bản thân không đồng tình.

Qua thời gian, mình nhận ra: đúng-sai trong một cuộc tranh luận không quan trọng vì đôi khi nó chỉ là “trò chơi của cái tôi” muốn chứng tỏ bản thân mình. Còn chính kiến mới là điều thực sự quan trọng giúp bạn sống đúng với bản thân.

Dưới đây sẽ là 3 nguyên nhân lý giải cho nhận định này của mình:

alt
Nguồn: @hoangthoughts

1. Đúng-sai chỉ có ý nghĩa khi đặt trong bối cảnh

Một lần mình đi ăn trưa với bạn bè, và mọi người tranh luận xem nên ăn kiểu “mỗi người một phần” hay “gọi chung rồi chia đều.” Có người bảo: “Ăn chung thì ấm cúng, vui hơn.” Người khác lại nói: “Nhưng ăn riêng mới thoải mái, ai thích gì thì gọi.” Chuyện nhỏ vậy nhưng cũng làm cho không khí trở nên căng thẳng.

Lúc đó, mình chợt nhận ra: Không có cách nào đúng tuyệt đối. Với một gia đình lớn, ăn chung có thể là cách phù hợp để gắn kết tình cảm. Nhưng với nhóm bạn đa phần thích riêng tư, ăn riêng mới là lựa chọn hợp lý.

Đúng-sai luôn phụ thuộc vào bối cảnh như thế. Ngay cả những chuyện khác lớn hơn trong cuộc sống. Điều đúng trong gia đình bạn có thể không phù hợp khi đem ra xã hội. Điều đúng ở xã hội quốc gia này có thể không còn đúng khi áp dụng ở một nền văn hóa khác.

Khi hiểu rằng đúng-sai chỉ là tương đối, bạn sẽ thấy mình không cần phải chứng minh điều gì với người khác, trừ khi nó thực sự ảnh hưởng nghiêm trọng đến bạn.

2. Có chính kiến để sống đúng hơn với chính mình

Có một giai đoạn, mình thường tránh tranh luận vì nghĩ rằng: “Đúng hay sai thì có quan trọng gì đâu.” Nhưng dần dần, mình nhận ra điều đó khiến mình trở nên thụ động và thiếu ranh giới cá nhân.

Chính kiến không phải là để bạn chứng minh mình đúng với ai, mà là để bạn hiểu rõ điều gì là quan trọng với bản thân mình.
Có lần mình đi cắm trại với nhóm bạn. Họ hái những bông hoa dại để trang trí bàn ăn. Với họ, đó là một cách tận hưởng vẻ đẹp thiên nhiên. Nhưng với mình, hoa chỉ đẹp khi ở trong môi trường tự nhiên của nó.

Mình không cãi, cũng không cho rằng họ sai, nhưng mình nói: “Mình không thích hái hoa vì làm vậy hoa không còn đẹp trong mắt mình nữa.” Đó là cách mình bày tỏ chính kiến - thứ có thể xem là những niềm tin, định nghĩa cá nhân bạn đặt ra trong từng khía cạnh cuộc sống, thứ giúp bạn đưa ra quyết định và lèo lái cuộc đời theo cách mà bạn muốn.

3. Có chính kiến để không thui chột lòng tự tôn

Như mình đã nói chính kiến không phải để bạn chứng minh mình đúng với ai. Điều quan trọng nhất của chính kiến là nó giúp bạn sống đúng với chính mình. Khi bạn rõ ràng về điều mình tin và biết cách bảo vệ nó, người khác sẽ hiểu bạn là ai, và bạn cũng sẽ cảm thấy tự hào về bản thân. Hãy nhớ rằng:

  • Bạn không cần tất cả mọi người đều đồng ý. Chỉ cần bạn chắc chắn về giá trị của mình, thế là đủ.
  • Sự phản biện không làm bạn yếu đi. Ngược lại, nó giúp bạn hiểu sâu hơn và khiến chính kiến của bạn trở nên mạnh mẽ hơn qua mỗi lần bảo vệ.
  • Chính kiến mạnh mẽ không cần tranh cãi. Chỉ cần thể hiện nó với sự tự tin và khéo léo là đủ.

Cuối cùng, bạn không cần thắng trong mọi cuộc tranh luận, nhưng bạn cần đủ mạnh mẽ để sống đúng với những giá trị của riêng mình.