1. Tranh cãi nào đang diễn ra?
Bộ phim “bom tấn mùa Tết” Trạng Tí, do Studio68 của Ngô Thanh Vân ấp ủ trong 4 năm, mới đây đã được ấn định ngày công chiếu.
Thông báo này lẽ ra là một tin vui, nhưng lại hoá thành nguồn cơn làm dấy lên làn sóng kêu gọi tẩy chay, vì nghi ngờ tác phẩm vi phạm bản quyền. Tranh cãi đặc biệt dâng cao sau khi hoạ sĩ Lê Phong Linh (Lê Linh) đăng dòng trạng thái bày tỏ sự thất vọng trên trang Facebook cá nhân.
Năm 2016, trong lúc tòa vẫn chưa tuyên án ai là tác giả của nguyên tác Thần Đồng Đất Việt, Ngô Thanh Vân đã mua bản quyền 5 tập truyện từ công ty xuất bản Phan Thị.
Năm 2018, đoàn phim bắt đầu bấm quay, và gần như hoàn thành trước khi phiên tòa giữa hoạ sĩ Lê Linh và công ty Phan Thị đi đến hồi kết.
2. Trạng Tí có vi phạm bản quyền không?
Giới luật sư đã xác nhận “Ngô Thanh Vân làm đúng luật khi mua bản quyền từ Phan Thị”. (Nguồn: tuoitre.vn)
Công ty Phan Thị, trước hay sau vụ kiện 12 năm kỷ lục, vẫn là chủ sở hữu quyền tác giả của bộ truyện Thần Đồng Đất Việt. Họ được phép chuyển giao quyền thực hiện tác phẩm phái sinh, bao gồm phim chuyển thể, cho Studio68. Sở dĩ Phan Thị có quyền này là vì đã ký hợp đồng lao động, giao nhiệm vụ cho tác giả (họa sĩ Linh Lê) tạo ra tác phẩm (từ năm 2002). (Nguồn: iracuel.org)
Họa sĩ Linh Lê được công nhận là tác giả duy nhất của 4 hình tượng Tí, Sửu, Dần, Mẹo, nhưng không nắm quyền tài sản. Nếu sử dụng thuật ngữ pháp luật, hoạ sĩ Linh Lê chỉ sở hữu quyền nhân thân.
Quyền này cho phép hoạ sĩ “bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm”, nghĩa là nếu phim chuyển thể xuyên tạc tác phẩm gốc dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của anh, và có bằng chứng, thì anh được lên tiếng.
Nếu không, như chính hoạ sĩ xác nhận: anh hoàn toàn "không liên quan” đến Ngô Thanh Vân và đoàn làm phim.
3. Không vi phạm luật, sao vẫn bị tẩy chay?
Một bộ phận lớn khán giả vẫn giữ ý kiến tẩy chay phim Trạng Tí vì cho rằng cách xử lý của Studio68 không thuận lòng người.
Theo như lời của họa sĩ Lê Linh, đoàn phim chỉ “nhận ra cần có sự đóng góp của tác giả”, và tìm đến anh “khi làn sóng ủng hộ tác giả thật sự dâng cao vì tin tức về vụ kiện đã lan tràn trên các mặt báo.”
Hoạ sĩ không được thoả “giấc mộng điện ảnh” vì bị đặt vào thế đã rồi. Còn khi khán giả ra rạp xem phim, công ty Phan Thị vẫn được nhận tiền thù lao nhờ sở hữu quyền tác giả.
4. Làm phim chuyển thể không cần đến tác giả nguyên tác?
Tác phẩm phái sinh, bao gồm phim chuyển thể, không phải là bản sao của tác phẩm gốc, và được yêu cầu phải mang dấu ấn cá nhân của tác giả tác phẩm phái sinh.
Đó là lý do mà nhiều bộ phim chuyển thể được quyền sáng tạo mà không buộc phải có sự tham gia biên kịch của tác giả nguyên tác, miễn phạm vi sáng tạo không ảnh hưởng uy tín tác giả.
Các tựa phim nổi tiếng như Forrest Gump, The Hunger Games, The Notebook vẫn được nhìn nhận rạch ròi theo khía cạnh điện ảnh và nhận được đánh giá cao từ giới phê bình, khiến khán giả nhiều khi quên đi cả tác phẩm gốc.
Điều có thể cứu dự án Trạng Tí bây giờ buộc phải đặt cược vào sự ủng hộ của khán giả đối với những sáng tạo của đoàn phim và nét “đáng yêu của Tí”.
5. Vấn đề về sở hữu trí tuệ còn gặp ở đâu?
Nhiều tác giả trong lĩnh vực âm nhạc, nhiếp ảnh, điêu khắc... tại Việt Nam cũng vô tình là thủ phạm/nạn nhân của việc xâm phạm quyền tác giả vì không nắm rõ quyền sở hữu trí tuệ.
Đầu năm nay, bài hát Gánh mẹ, được sử dụng làm nhạc nền trong bộ phim Lật mặt 4 do Lý Hải làm đạo diễn, đã vấp phải tranh chấp về quyền tác giả.
Nhà thơ Trương Minh Nhật đâm đơn kiện Lý Hải sử dụng thơ của ông phổ nhạc mà không xin phép. Lý Hải thì cho biết việc sử dụng ca khúc Gánh mẹ trong phim Lật mặt 4 là đúng pháp luật, thông qua hợp đồng được ký giữa Công ty TNHH Lý Hải Production và ca nhạc sĩ Quách Beem - người có giấy chứng nhận của Cục Bản quyền tác giả. Đến nay, phiên tòa vẫn chưa ngã ngũ.
6. Mối quan hệ giữa “bà đỡ” và “người sinh” tốt xấu ra sao?
Lục đục trong mối quan hệ giữa “bà đỡ” (nhà đầu tư) và “người sinh” (tác giả) không phải chỉ xảy ra tại một nước đang phát triển như Việt Nam.
Đầu năm nay, nhà văn Alan Dean Foster, tác giả của nhiều cuốn tiểu thuyết được chuyển thể thành siêu phẩm Star Wars, đã tố Disney bùng tiền bản quyền. Đến nay anh vẫn chưa nhận được số tiền đó.
Disney lập luận rằng họ đã mua lại Lucasfilm và 20th Century Fox (là các bên nắm bản quyền chuyển thể tiểu thuyết). Họ không có nghĩa vụ gì với nhà văn. Nhà xuất bản của Alan Foster đã phá vỡ hợp đồng với anh bằng cách bán lại nó cho một công ty liên kết, qua đó trốn tránh khoản phí bản quyền.
Tuy nhiên đây chỉ là trường hợp cực đoan, mối quan hệ hợp tác tồn tại có lý do của nó. Shura, một nghệ sĩ alt-pop người Anh chia sẻ: “...vì tôi không thể thu âm miễn phí được. Tôi cần nguồn đầu tư, và đó tình hình chung của hầu hết các nghệ sĩ muốn sống vì nghệ thuật. Sở hữu sản phẩm gốc của bạn, đó thực sự là một đặc ân.”
7. Sản phẩm trí tuệ cũng cần được “khai sinh”?
Nếu đã xem sản phẩm trí tuệ là đứa con tinh thần thì đứa con này cũng cần được khai sinh theo đúng pháp luật. Mối quan hệ tác giả, đồng tác giả, chủ sở hữu và đồng chủ sở hữu quyền tác giả cần được xác định rõ.
Khi được bảo hộ, người nghệ sĩ có môi trường thoải mái tập trung vào công việc sáng tạo. Nhà đầu tư nắm rõ quyền hạn để tránh những tranh chấp không đáng có. Chính việc bảo hộ quyền tác giả, đảm bảo nguồn thu kinh tế cho các nghệ sĩ đã tạo thị trường sáng tạo sôi động tại Hoa Kỳ, nhiều nước ở châu Âu, và Đông Á.
Quy trình đăng ký quyền tác giả tại Việt Nam:
Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả nộp hồ sơ đăng ký quyền tác giả và quyền liên quan tại Cục bản quyền tác giả, văn phòng đại diện của Cục bản quyền tác giả, hoặc tại Sở Văn hoá, Thể Thao và Du lịch tại nơi mình cư trú.
Trong vòng 15 ngày làm việc, Cục bản quyền có trách nhiệm cung cấp giấy chứng nhận quyền tác giả và các quyền liên quan cho người nộp hồ sơ.