“Tôi làm phim hài nhưng ở ngoài kể chuyện đâu ai cười” | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

“Tôi làm phim hài nhưng ở ngoài kể chuyện đâu ai cười”

Đạo diễn phim hài chưa chắc đã hài… và đây là 6 sự thật về nghề đạo diễn chỉ Charlie Nguyễn nói cho bạn.
“Tôi làm phim hài nhưng ở ngoài kể chuyện đâu ai cười”

Nguồn: Khooa Nguyễn cho Vietcetera

Mỗi năm Việt Nam đào tạo được 100 - 150 đạo diễn mới, con số này chỉ là hạt cát khi đem so với 57.000 kỹ sư công nghệ, 25.000 cử nhân kinh tế hay 9.118 bác sĩ được đưa ra thị trường mỗi năm.

Đạo diễn không phải một nghề dễ dàng, đây càng không phải một công việc ổn định. Song sức quyến rũ của nghề đạo diễn đến từ hành trình sáng tạo bí ẩn, nơi khán giả được thưởng thức toàn bộ thành phẩm mà không biết chuyện gì đã xảy ra trong quá trình.

Hãy cùng Vietcetera và Charlie Nguyễn - vị đạo diễn kỳ cựu của Dòng máu anh hùng, Để Mai tính, Tèo em, Bụi đời Chợ Lớn, Chàng vợ của em - ngồi thử lên chiếc ghế đạo diễn để xem nhân vật quyền lực bậc nhất đoàn phim thường trải qua một hành trình nghề nghiệp như thế nào.

Đạo diễn bộ rom-com yêu thích của bạn… chưa chắc đã hài đâu

Các cụ có câu “người làm sao của chiêm bao làm vậy”, câu này có lẽ không áp dụng được trong chuyện làm phim. Đạo diễn David Lynch của những Blue Velvet, Mulholland Drive điên loạn, rối ren lại có cuộc sống vô cùng quy củ và bình dị, đạo diễn Park Chan-wook với bộ 3 báo thù máu me lại nổi tiếng là một quý ông sang trọng, điềm đạm ngoài đời.

Còn như quan sát chủ quan (của tôi), đạo diễn rom-com hàng đầu Việt Nam Charlie Nguyễn khi trò chuyện ở quán cafe cũng… không hài hước và lãng mạn cho lắm.

alt
Nguồn: Khooa Nguyễn cho Vietcetera

Charlie giải thích rằng khả năng tạo ra tiếng cười trong phim và ngoài đời là hoàn toàn khác nhau: “Ở Việt Nam, chúng tôi tìm hoài không ra biên kịch viết hài. Nhiều người ở ngoài kể chuyện mắc cười lắm mà bảo viết kịch bản phim thì không làm được, thể loại hài cần một sự nhạy cảm đặc biệt với khán giả xem phim.”

Liệu bạn có thể trở thành biên kịch hài mà Charlie Nguyễn đang tìm kiếm? Hãy thử đặt mình vào một tình huống phim sau:

Một thầy pháp đang làm lễ cho một đại gia đình, bạn sẽ làm gì để cảnh phim này đáng cười? Thêm nốt ruồi cho ông thầy pháp, cho ông này mặt hí, kính cận hay nhảy tưng tưng?

Với Charlie Nguyễn, anh sẽ đặt vào kịch bản một “miếng hài” như thế này. Ông thầy pháp ngồi giữa đại gia đình và bắt đầu lẩm bẩm: “A, ở đây có 10 có ma. Tôi thấy rồi đó. 10 con ma. Mỗi một con ma là 2 triệu tổng cộng là hai chục triệu. Hai chục triệu nha”.

Đó, miếng hài này của Charlie Nguyễn quăng có "trúng" bạn chưa?

Phim trong đầu = Phim trên màn ảnh = Thành công

Đạo diễn là khán giả đầu tiên của bộ phim. Trước bất kỳ ai, đạo diễn đã xem đi xem lại bộ phim trong đầu. Từng cảnh quay, từng chi tiết, cả một thế giới phim đã sinh ra trong trí tưởng tượng của đạo diễn.

"Bộ phim bạn làm được với bộ phim trong đầu bạn, nếu 2 cái đó giống nhau là thành công"

Nhà làm phim 55 tuổi khẳng định bản chất nghề của anh chỉ có hai từ “kể chuyện”. Nếu nhà văn kể chuyện bằng chữ, họa sĩ kể chuyện bằng tranh thì đạo diễn là người kể chuyện bằng mọi công cụ hình ảnh, âm thanh, ánh sáng, phục trang, bối cảnh...

Người đạo diễn giỏi không biết làm mọi thứ nhưng họ biết cách tận dụng 100 chuyên gia trong đoàn phim để cùng kể một câu chuyện hay.

alt
Nguồn: Khooa Nguyễn cho Vietcetera

Diễn viên giỏi tự hóa thân, diễn viên chưa giỏi cần thị phạm

"Diệp, anh không muốn Đinh Ngọc Diệp ở đây. Em đi chỗ khác đi. Em cứ cản nhân vật của em hoài vậy?" - Đạo diễn Charlie Nguyễn càu nhàu trên trường quay "Cưới ngay kẻo lỡ". Anh "đuổi" Đinh Ngọc Diệp đi để nhân vật Khánh Linh của cô được sống.

Đây vốn là trường phái chỉ đạo diễn xuất đặc trưng của Charlie Nguyễn. Vị đạo diễn 55 tuổi quan niệm mình phải giúp diễn viên hóa thân thay vì chỉ biểu thị nhân vật. Lấy ví dụ diễn viên đóng vai dữ tợn cố gắng biểu thị cái dữ tợn ra cho khán giả xem, khán giả sẽ cảm nhận ngay được sự giả tạo.

"Tôi thường nói với diễn viên, tôi muốn bạn thể hiện những thứ máy quay không bắt được. Không cần khán giả hiểu, tôi cần bạn cho nhân vật sống đúng với khoảnh khắc này" - Charlie Nguyễn cười - "Nói vậy chứ tôi biết khán giả sẽ hiểu chứ, khán giả đâu có ngu đâu."

alt
Nguồn: Khooa Nguyễn cho Vietcetera

Tất nhiên, một diễn viên muốn hóa thân vào nhân vật buộc phải có thực lực. Với những diễn viên được chọn vào vai vì ngoại hình giống nhân vật mà không có thực lực, thị phạm cho họ là điều cần thiết. Đạo diễn lúc này sẽ làm mẫu từng câu từ, từng cử chỉ cách nhấn nhá cho diễn viên.

Diễn viên trẻ có tiềm năng nhưng chưa biết hóa thân cũng thường được đoàn phim cho đi học diễn xuất như trường hợp của Kaity Nguyễn trong “Em chưa 18”.

“Lừa” diễn viên – thú vui của đạo diễn

Chuyện chỉ đạo diễn xuất không chỉ dừng lại ở hóa thân hay thị phạm. Để tạo ra những thước phim xuất thần, đôi khi các đạo diễn phải có chút mẹo trên trường quay.

Charlie Nguyễn thú nhận anh có thú vui “lừa” diễn viên.

Anh thường yêu cầu diễn viên diễn tập nhưng lúc nào máy quay cũng bật để ghi trọn các cảnh này. Nhiều khi Charlie quăng vào thêm vài chỉ đạo ngẫu hứng hay âm thầm sửa thoại của một diễn viên mà không thông báo với các diễn viên khác để xem phản ứng tự nhiên của họ ra sao.

“Tới những chỗ đó tôi rất hào hứng để xem người diễn viên sẽ làm gì. Ngay cả diễn viên họ cũng không lập trình được mình sẽ diễn như thế nào. Họ phải ứng tác. Và sự ứng tác thể hiện trong từng ánh mắt, từng ngôn ngữ hình thể là cực kỳ sống động.”

alt
Nguồn: Khooa Nguyễn cho Vietcetera

Ở Hollywood, nhiều cảnh phim huyền thoại cũng được tạo ra bởi thủ thuật này. Các diễn viên nhí của The Chronicles of Narnia đã thật sự choáng ngợp trong cảnh bước vào tủ quần áo vì đạo diễn Andrew Adamson cố tình không cho họ thấy trước phim trường, hay trong cảnh cuối phim The Gradute đạo diễn Mike Nichols không nói cho diễn viên khi nào ông sẽ cắt cảnh nên hai người chỉ ngồi đó và chẳng biết phải làm gì.

Làm phim là hành trình khám phá bản thân

Lần đầu đảm nhận vai trò đạo diễn năm 1994, phải đến 30 năm sau Charlie Nguyễn mới nhìn ra một mẫu số chung trong tất cả các bộ phim của mình. Dù là hài kịch, chính kịch hay hành động võ thuật, phim của anh luôn xuất hiện những nhân vật lạc lõng.

Đó là cô ca sĩ Việt kiều loay hoay xây dựng sự nghiệp ở quê hương trong để trong Để Mai tính, là Tèo Em mong muốn có một gia đình, hay Cường của Dòng máu anh hùng với đầu óc Pháp hóa nhưng mang trái tim của một người Việt Nam. Tất cả những nhân vật này đều phảng phất dấu ấn của một cuộc đời chung – cuộc đời đạo diễn Charlie Nguyễn.

Năm 10 tuổi, cậu bé Charlie cùng gia đình chuyển đến Mỹ sinh sống tại thành phố Nederland, bang Texas – một nơi không có cộng đồng dân cư châu Á. Cả ngôi trường cấp 2 anh theo học chỉ có 1 người bạn gốc Phi và 1 cậu bé người Nhật mà anh cho là "khác biệt" giống mình.

Charlie lớn lên không biết mình thuộc về nhóm nào, anh luôn là kẻ ngoài cuộc khao khát được hòa nhập. Đến khi trở về Việt Nam làm phim, vị đạo diễn Việt kiều cũng thấy sốc vì suy nghĩ của mình quá “Mỹ”. Anh cô đơn, lạc lõng và luôn đi tìm cái gọi là “nhà”, tình cờ phơi bày tất cả trong những nhân vật của anh.

“Làm phim là hành trình tự khám phá bản thân. Góc nhìn, tư duy và tiếng nói của một người sẽ tự phát ra trong phim của họ, không phải cố tình đâu.”

alt
Nguồn: Khooa Nguyễn cho Vietcetera

Đạo diễn “nợ” ngủ để phim không “nợ” tiền

Hãy nhìn lại những năm 1950, một đoàn làm phim truyền thống tại Mỹ sẽ quay 8 tiếng mỗt ngày, nghĩa là bạn vẫn có thể về nhà ăn cơm sau giờ làm việc. Thế giới điện ảnh đổi thay thần tốc khiến các đoàn phim làm việc 10 tiếng mỗi ngày vào những năm 1980 và 12 giờ quay mỗi ngày vào thế kỷ 21. Theo lời đạo diễn Charlie Nguyễn, một ngày quay thậm chí có thể dài đến... 36 tiếng.

Khi phim bắt đầu bấm máy cũng là lúc các đạo diễn thiếu ngủ triền miên. Họ luôn là nhân vật “nợ ngủ” nhiều nhất đoàn phim vì phải tính toán cho ngày quay tiếp theo. Charlie Nguyễn kể trong những ngày may mắn, anh được ngủ 4 tiếng rưỡi còn lại là 3 tiếng hoặc 3 tiếng rưỡi mỗi ngày.

Vị đạo diễn 55 tuổi vẫn ám ảnh những lần đồng hồ reng lúc 3, 4 giờ sáng, anh choàng dậy sau một giấc ngủ thật sâu và thấy bên ngoài vẫn tối hù.

“Tất cả cũng là vì mình phải tối ưu đồng tiền sản xuất. Chứ nếu mà mình nói 9 giờ ra quay, chiều về mình nghỉ thì bộ phim mắc tiền lắm” – Charlie Nguyễn giải thích – “Bên sản xuất sẽ luôn ép lịch xuống để giảm chi phí và giảm rủi ro vì một bộ phim vốn đã mấy chục tỷ rồi mà.”

alt
Nguồn: Khooa Nguyễn cho Vietcetera

Vậy nên, sẽ chẳng có gì bất ngờ nếu giây phút bộ phim hoàn thành, suy nghĩ đầu tiên của các đạo diễn không phải khán giả có yêu phim không, phim này có doanh thu trăm tỷ hay không. Điều hợp lý nhất các nhà làm phim nghĩ tới sau vài tháng ròng rã chỉ là: Tuyệt thật, cuối cùng tôi cũng được ngủ rồi!