Three Colours Trilogy: Ba hành trình tìm bình yên sau cơn bão | Vietcetera
Billboard banner
11 Thg 07, 2021
Điện ẢnhDVD

Three Colours Trilogy: Ba hành trình tìm bình yên sau cơn bão

Three Colours Trilogy là bộ ba hành trình vươn khỏi những nỗi đau, những rào cản tâm lý trong cuộc sống.
Three Colours Trilogy: Ba hành trình tìm bình yên sau cơn bão

Nguồn: MK2 Diffusion.

Ba màu (Three Colours) là một trong những trilogy (bộ ba) thành công nhất, nếu không nói là xuất sắc nhất của điện ảnh thế giới. Lấy cảm hứng từ ba màu sắc trên lá quốc kỳ Pháp, đạo diễn Krzysztof Kieslowski đã tạo nên ba bộ phim vừa độc lập vừa có sự kết nối với nhau. Chúng vừa là ba câu chuyện riêng lẻ, vừa là ba mạch sống giao hòa trong tâm tưởng và để lại những dư âm thấm đẫm sắc màu điện ảnh…


Một trong những đạo diễn tác giả phim nghệ thuật xuất sắc nhất của điện ảnh thế giới trong hai thập niên 80, 90 của thế kỷ trước là Krzysztof Kieslowski. Đạo diễn người Ba Lan này đã tạo nên những kiệt tác thực sự cho điện ảnh như Dekalog (1988), bộ phim dài 10 phần dài 10 tiếng lấy cảm hứng từ 10 điều răn của Chúa, hay The Double Life of Véronique (1991), bộ phim về chủ đề “song trùng” dành tới 3 giải thưởng tại LHP Cannes và quan trọng nhất là Three Colours (1993-1994) với những giải thưởng và đề cử quan trọng tại LHP Venice, Berlin và giải Oscar.

collage
Krzysztof Kieslowski và những tác phẩm để đời của ông. "Red" (1994), phần cuối cùng trong bộ ba "Three Colours" cũng chính là bộ phim cuối cùng của Krzysztof Kieslowski. Giới phê bình điện ảnh từng so sánh ông với những huyền thoại trước đó như Bergman, Ozu, Fellini, Keaton và Bunuel… | Nguồn: Film Times.

Krzysztof Kieslowski chọn một ngôn ngữ điện ảnh giàu chất thơ, đề cao ống kính máy quay và âm nhạc trong kể chuyện. Bằng những hình ảnh giàu tính biểu tượng, ông truyền tải những suy nghiệm về sự mất mát, cái chết và nỗi cô đơn của đời người. Đồng thời lại mang tinh thần đậm chất giễu nhại và hài hước, phá vỡ và chống lại các motif, các khuôn mẫu… Và Ba màu chính là bộ ba thể hiện rõ nhất sự chín muồi trong tư duy nghệ thuật của ông.

Xanh, Trắng, Đỏ - Phản bi kịch, Phản Hài kịch, Phản Lãng mạn

Ba màu – xanh, trắng và đỏ ứng với ba màu sắc tương ứng trên quốc kỳ Pháp theo thứ tự từ trái sang phải. Và bộ ba tác phẩm điện ảnh này cũng lấy cảm hứng từ ba lý tưởng của Cộng hòa Pháp là tự do, bình đẳng và bác ái. Nhưng nếu vậy thì khác gì một bộ phim điện ảnh “cúng cụ” minh họa cho chính trị?

Và nếu như vậy thì đâu phải là thế giới điện ảnh thuần chất và độc nhất của Krzysztof Kieslowski?

Ba màu trên quốc kỳ Pháp của ông được diễn dịch theo một ngôn ngữ điện ảnh mang tính cá nhân sắc nét. Như trong một cuộc phỏng vấn dành cho một tờ tập san tại Đại học Oxford, ông nói rằng các từ khóa liberté, egalité, fraternité (tự do, bình đẳng, bác ái) đại diện cho ba màu sắc trên lá cờ Pháp là vì ông nhận tiền tài trợ từ Pháp để sản xuất phim.

poster trilogy
“Nếu số tiền đó do một quốc gia khác tài trợ, tôi sẽ đặt tên phim theo cách khác, hoặc chúng có thể mang hàm ý văn hóa khác. Tất nhiên, nội dung chính của các bộ phim có lẽ sẽ giống nhau” – ông trả lời vừa thẳng thắn vừa hài hước như thế.

Một cái nhìn độc đáo khác – được nhà phê bình phim danh tiếng Roger Ebert đề xuất, có thể dùng để giải mã Ba màu, cũng là cách mà Kieslowski phá vỡ các khuôn mẫu về thể loại trong điện ảnh. Hiểu theo cách đó, ta sẽ có Ba màu với ba bộ phim tương ứng anti-tragedy (phản bi kịch), anti-comedy (phản hài kịch) và anti-romance (phản lãng mạn).

Blue

Blue (Màu xanh) là bộ phim mở đầu cho bộ ba, một tác phẩm điện ảnh với màu xanh lam chiếm vị trí chủ đạo trong bảng màu (color palette) và phủ một màu sắc buồn bã ảm đạm lên toàn bộ tác phẩm. Và đó cũng được coi là bộ phim anti-tragedy của Ba màu.

Trong tác phẩm điện ảnh giành giải Sư tử vàng và Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất tại LHP Venice năm 1993, Juliette Binoche vào vai Julie, một người phụ nữ trẻ có chồng và con gái nhỏ thiệt mạng trong một tai nạn ô tô ngay từ đầu phim. Cô sống sót sau tai nạn thảm khốc này, nhưng rơi vào trạng thái tê liệt cảm xúc.

Sau vụ tự sát bất thành tại bệnh viện, cô trở về nhà với trạng thái vô cảm. Khi nhìn người phụ nữ giúp việc cho gia đình bật khóc, cô hỏi bà tại sao lại khóc. Bà ta trả lời, “tôi khóc, vì cô không khóc”. Một câu thoại ngắn và sắc, nhưng thể hiện chính xác trạng thái vô cảm tuyệt đối của Julie trước thảm kịch của gia đình cô.

Blue collage
"Blue" là hành trình của người phụ nữ vượt qua nỗi đau, sự cô độc và kết nối lại với cảm xúc của chính mình. | Nguồn: MK2 Diffusion.

Để thoát khỏi trạng thái đông cứng cảm xúc đó, Julie gọi điện cho một người đàn ông từng yêu thầm cô. Họ quan hệ tình dục, nhưng điều đó vẫn không giúp ích được gì cho Julie.

Cô quyết định rời bỏ căn nhà cũ sang trọng, chuyển đến một căn hộ ít người biết giữa một con phố vô danh của Paris, quyết tâm từ bỏ quá khứ. Nhưng rồi tình cờ, cô biết được rằng người chồng cũ của cô, vốn là một nhà soạn nhạc nổi tiếng có một tình nhân và cô ta đang mang thai đứa con của anh ta…

White

Trong White (Màu trắng), bộ phim khởi đầu với một vụ xử ly hôn tại tòa án ở Paris. Một người đàn ông nhập cư nhút nhát gốc Ba Lan tên là Karol Karol (Zbigniew Zamachowski) bị cô vợ trẻ xinh đẹp là Dominique (Julie Delpy) đòi ly hôn với lý do là không thể làm hài lòng cô ta trên giường.

Bẽ bàng và tủi nhục, mất tiền, mất nơi ở và kế sinh nhai giữa Paris, Karol chỉ còn giữ lại được đồng xu 2 franc và buộc phải kiếm sống bằng công việc ăn xin tại nhà ga trong hổ thẹn. Trong một lần gọi điện cho Dominique, cô ta còn công khai chuyện làm tình với một gã đàn ông khác và để anh ta nghe những tiếng thở hổn hển trong ống nghe. Căm phẫn vì điều đó, Karol bắt đầu nỗ lực khôi phục lại cuộc sống của mình, thậm chí phạm pháp để trở nên giàu có và quay lại báo thù Dominique.

white collage
Hành trình của người đàn ông chật vật leo lên từ hố sâu cuộc đời trong "White". | Nguồn: MK2 Diffusion.

White trở thành tác phẩm anti-comedy của Kieslowski với những tiếng cười ý nhị về tình yêu, hôn nhân và sự bình đẳng giữa con người với con người khi cả hai không cùng một xuất xứ hay đẳng cấp xã hội.

Red

Và cuối cùng là Red (Màu đỏ) – bộ phim anti-romance (phản lãng mạn) với một kịch bản thông minh và nhiều lớp lang ẩn sâu dưới bề mặt một câu chuyện với những kết nối có vẻ rời rạc và bí ẩn. Red được đánh giá cao nhất trong trilogy vì ý tưởng gốc độc đáo và tính toàn cầu của nó. Phần cuối này cũng giành tới 3 đề cử Oscar cho Đạo diễn xuất sắc nhất, Kịch bản gốc xuất sắc nhất (đều cho Krzysztof Kieślowski) và Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất (đại diện cho Thụy Sĩ vì phim có bối cảnh chính ở đây).

Trong Red, nữ diễn viên xinh đẹp gốc Thụy Sĩ Irene Jacob vào vai Valentine, một nữ sinh viên và người mẫu làm việc bán thời gian tại Geneva. Trong một lần lái xe, cô đâm trúng một chú chó săn. Cô đưa nó đến bệnh viện và mang trả lại cho chủ nhân của nó là một vị thẩm phán đã nghỉ hưu là Joseph Kern, nhưng ông ta từ chối nhận lại nó.

Valentine còn phát hiện ra vị thẩm phán già này còn có một sở thích kỳ quặc là nghe lén điện thoại của những người hàng xóm. Sau một sự nghiệp tại tòa án và phán xử qua các bản án, ông ta muốn trở thành một quan sát viên của cuộc sống thực, phần nào đó, như Chúa quan sát cuộc sống của kẻ khác.

Red
Irene Jacob (vai Valentine) từng đóng vai chính và giành giải Nữ diễn viên xuất sắc tại LHP Cannes cho The Double Life of Véronique. | Nguồn: MK2 Diffusion.

Mối quan hệ giữa Valentine và Joseph dần dần được cải thiện và thậm chí cả hai đồng cảm, chia sẻ về nhiều chủ đề của cuộc sống, từ tình yêu đến sự vị tha, cho dù họ cách biệt tuổi tác và thuộc hai thế hệ hoàn toàn khác nhau. Trong một lần thảo luận về lòng bác ái và vị tha, Joseph kể lại một trường hợp xử án cảm tính, lần mà ông ta đã tha bổng cho một viên thủy thủ, chỉ để thấy anh ta sống một cuộc đời không phạm tội…

Khi những mạch thời gian và mạch sống giao hòa

Với sự hợp tác của Krzysztof Piesiewicz, một luật sư kiêm biên kịch tự do mà Kieslowski đã từng hợp tác trước đó trong Dekalog, đạo diễn có được những chất liệu và kiến thức sâu sắc về tòa án (gần như đều có trong mỗi phần phim). Ông sử dụng chúng như một ngầm ẩn cho những chủ đề mà họ lấy cảm hứng từ quốc kỳ Pháp: tự do, bình đẳng, bác ái. Cách xử lý của biên kịch và đạo diễn khiến những chủ đề này hiện lên trong phim siêu hình chứ không phải minh họa, mang tính ngụ ngôn chứ không phải là những lý tưởng nặng tính rao giảng.

Với ba chuyến du hành nội tâm như vậy, ta có nhiều cách để lý giải hay cảm nhận từng chủ đề trong Ba màu của Kieslowski.

Ví dụ, với Blue, đại diện cho sự tự do – ta nhận ra rằng Julie chỉ thực sự tự do sau khi cô đánh mất tất cả những thứ mà cô từng sở hữu: gia đình, danh tiếng và cuộc sống thượng lưu. Như ai đó từng nói, ta tự do nhất khi ta không còn gì, ta cảm nhận rằng Julie thực sự đạt đến sự tự do khi cô bắt đầu lại cuộc sống sau mất mát.

blue
Đôi lúc, những gì ta cần để vượt qua nỗi đau là cho phép mình chìm đắm trong nó, trong khi giữ niềm tin rằng mọi việc rồi sẽ qua. | Nguồn: MK2 Diffusion.

Trong White, khi bị người vợ xinh đẹp bỏ rơi và sỉ nhục danh dự, Karol quay trở về Ba Lan, bằng mọi cách làm giàu, dù phi pháp miễn là trở nên giàu có để trả thù cô, và quan trọng hơn, là để bình đẳng với cô.

White
White tả nỗi đau của người đàn ông bằng một sự hài hước đến cay đắng. | Nguồn: MK2 Diffusion.

Còn trong Red, mối quan hệ giữa vị thẩm phán già và cô người mẫu trẻ Valentine là một minh chứng cho tình bằng hữu, bác ái giữa người với người, phá vỡ những rào cản về thời gian và giới tính.

Red
Để tạo sự riêng biệt cho từng phần, Kieslowski mời ba nhà quay phim khác nhau để tạo nên ba phong cách riêng biệt. | Nguồn: MK2 Diffusion

Ba màu, vì vậy, trở thành ba chuyến du hành nội tâm của nhân vật, những con người cô đơn và lạc lõng trong xã hội hiện đại đang chật vật tìm kiếm những mục đích thực sự của tồn tại…

Cách luận giải những chủ đề đại diện trên lá cờ Pháp của Kieslowski, vì vậy vừa thoát được sự minh họa đơn giản, vừa chạm tới những chủ đề mang tính cá nhân sâu sắc nhưng đồng thời cũng rất phổ quát của thời đại.

Và ở cuối một phần phim, ta sẽ thấy một khuôn hình cận cảnh đặc tả nhân vật chính đang khóc với những tâm trạng khác nhau. Có lẽ những giọt nước mắt đó là chặng kết cho chuyến du hành nội tâm của họ.

ending
Nguồn: MK2 Diffusion.