Teenagerism: Vì sao thanh thiếu niên nổi loạn và hay "khủng hoảng"? | Vietcetera
Billboard banner

Teenagerism: Vì sao thanh thiếu niên nổi loạn và hay "khủng hoảng"?

Đến một độ tuổi, những đứa trẻ tự hỏi "tôi là ai?", nghe Pink Floyd và theo thuyết vô chính phủ.
Teenagerism: Vì sao thanh thiếu niên nổi loạn và hay "khủng hoảng"?

Nguồn: The Addams Family (1991)

1. Teenagerism là gì?

Teenagerism ám chỉ một trạng thái tâm lý của các bạn trẻ tuổi teen khi trải qua giai đoạn chuyển đổi từ trẻ thơ thành người trưởng thành. Trong giai đoạn này, những đứa trẻ thường có ham muốn nổi loạn vì muốn được đối xử như người lớn. Chúng cũng muốn được tự quyết các vấn đề quan trọng trong cuộc sống và đôi lúc giận dữ vì không được người lớn đối xử công bằng.

Đó là một trong những định nghĩa của teenagerism. Theo Urban Dictionary, teenagerism còn chỉ những tính khí khó chịu của nhóm thanh thiếu niên, ví dụ như hay đổ trách nhiệm lên người khác dù lỗi là ở mình. Ngoài ra, từ này cũng ám chỉ tư tưởng phân biệt đối xử với người thuộc lứa tuổi teen.

Dường như cách định nghĩa đầu tiên được sử dụng phổ biến nhất trên truyền thông đại chúng, khi người trẻ hiện đại thường được mô tả gắn liền với sự chất vấn giá trị xã hội cùng các suy tư hiện sinh như "tôi là ai?" Gần đây ở Việt Nam thậm chí còn có một bộ cẩm nang được ra đời như một phần của một đề tài khoa học-kỹ thuật cấp trung học phổ thông, ra đời để giải quyết các vấn đề về danh tính cho người trẻ.

2. Nguồn gốc của teenagerism

Là một từ tiếng lóng, teenagerism không có nguồn gốc cụ thể. Tuy nhiên, có thể truy tìm được khoảng thời gian cuối thập niên đầu tiên của thế kỷ 21 là lúc cụm từ này bắt đầu được định nghĩa.

Bên cạnh đó, vào năm 2014, một cuốn cẩm nang "đối phó" với teenagerism mang tên Finding Peace With Teenagerism: A Practical Guide to Surviving Your Teenagers' Years (tạm dịch: Làm hoà với teenagerism: Một cẩm nang thực tiễn để sống sót qua những năm tuổi teen) cũng được ra mắt bởi tác giả Deborah Williams.

3. Vì sao teenagerism phổ biến?

Trong một vài năm trở lại đây, teenagerism được sử dụng nhiều hơn trên cả không gian mạng xã hội và các trang tin về tâm lý học và chữa lành bản thân. Đây là điều dễ hiểu khi hình ảnh của người trẻ ngày nay thường gắn liền với các cuộc "khủng hoảng hiện sinh." Dần bước chân vào thế giới trưởng thành, người trẻ vừa có sự chuyển đổi về sinh lý, vừa phải làm quen với các vai trò xã hội mới.

Một meme của người dùng u/Cicada1205 trên Reddit ám chỉ các dấu hiệu của một đứa trẻ 15 tuổi trải qua khủng hoảng hiện sinh, bao gồm: Đọc triết học hiện sinh, theo thuyết vô chính phủ, mặc hoodie đen cả năm, bi quan về tương lai, v.v.

httpsvietceteracomuploadsimages06feb2023image1png
Nguồn: Reddit

Theo trang Exploring Your Mind, người lớn thường đòi hỏi con cái tuổi teen phải hành xử như người lớn, khi chúng đã trải qua các cảm xúc và hiện tượng não bộ như người lớn. Nhưng trong thực tế thì chúng vẫn chưa có trải nghiệm của người lớn, vì vậy, chưa thể giải thích được chính tâm lý của mình.

Ở góc độ xã hội, cụm từ "thanh niên" (adolescence/teenager) mới bắt đầu được sử dụng trong khoảng 1 thế kỷ trở lại đây. Dù ngày nay, chúng ta hiểu với nhau rằng quá trình chuyển tiếp từ trạng thái trẻ thơ sang trưởng thành là từ 13 đến 20 tuổi, song trước đây khoảng tuổi này không được tính như một phần quan trọng của đời người, cũng như của xã hội. Khoảnh khắc đánh dấu ranh giới giữa trẻ con và người lớn thường là kết hôn.

Sự "phát minh" của tuổi teen vào thế kỷ 20 gắn liền với sự phát triển của giáo dục phổ thông và sự bùng nổ của kinh tế tiêu dùng sau hai cuộc đại chiến thế giới. Chuyển tiếp giữa hai trạng thái, các công dân mới lớn được đi học và bắt đầu mua bán các sản phẩm tiêu dùng đại chúng. Trong thời điểm này, dù hai trạng thái "trẻ em" và "người lớn" vẫn được coi như là đối nghịch nhau, nhưng xã hội đã xây dựng một cây cầu chuyển tiếp giữa hai lực lượng này và gọi đó là "người trẻ."

Trong trạng thái teenagerism, người trẻ được giáo dục về trách nhiệm xã hội, các nghĩa vụ đạo đức, v.v. Họ được kỳ vọng gìn giữ các giá trị xã hội của thế hệ trước, và cũng bị lo ngại là sẽ phá vỡ cái cũ để thiết lập các giá trị mới.

Với toàn bộ những áp lực đó, các cuộc khủng hoảng danh tính xảy ra và định hình con người sau này của tuổi teen. Chất lượng giáo dục cùng các hướng dẫn bước chân vào xã hội cụ thể là rất cần thiết, để tuổi teen không cô đơn giữa khủng hoảng.

4. Cách dùng teenagerism

Tiếng Anh

A: Why didn't Sơn do his homework instead of complaining to the teacher that his grades didn't reflect his ability?

B: He is passing through teenagerism.

Tiếng Việt

A: Sao bạn Sơn không chịu làm bài tập mà cứ bảo điểm số không quyết định thực lực con người thế nhỉ?

B: Bạn ấy đang trải qua teenagerism ấy mà.