Sự cấp thiết của chuyển đổi số trong bối cảnh hệ thống y tế Việt Nam | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
28 Thg 12, 2022
Xu Hướng Kinh Doanh

Sự cấp thiết của chuyển đổi số trong bối cảnh hệ thống y tế Việt Nam

Những tiến bộ y học đã thay đổi lối sống và cải thiện sức khỏe của chúng ta. Tuy nhiên, làm sao để áp dụng những tiến bộ y học quốc tế vào xã hội Việt Nam là một vấn đề nan giải.
Sự cấp thiết của chuyển đổi số trong bối cảnh hệ thống y tế Việt Nam

Nguồn: Vietcetera

Phiên thảo luận chuyên sâu thứ tư thuộc chuỗi sự kiện Vietnam Innovators Summit tập trung bàn về thực trạng của ngành y tế trong nước và các xu hướng mới đang thúc đẩy ngành phát triển. Do ông Hawkins Phạm - General Partner của Quỹ Y tế Bản Việt dẫn dắt, phiên thảo luận có sự tham gia các nhà lãnh đạo trong ngành như Bác sĩ - Thạc sĩ Y tế Cộng đồng David Dương, Giáo sư Trần Diệp Tuấn, Vũ Vương, Raghu Rai, Minh Nguyễn, Lucy Setian, Janice Trinh và Trần Quốc Dũng.


Ở Việt Nam, trung bình trên 10.000 dân mới có 7 bác sỹ. Sự thiếu hụt nhân lực trong ngành y tế đã gây khó khăn đến công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân. Những vấn đề này không mới, nhưng khi đại dịch ập đến, lại càng trở nên rõ nét hơn.

Trong phiên thảo luận chuyên sâu thứ tư, những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực y tế đã cùng bàn về thực trạng, những thách thức và những xu hướng mới nổi đang thúc đẩy ngành y tế phát triển.

Thay đổi lối mòn

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, hệ thống bệnh viện ở Việt Nam đang phải vật lộn với "khả năng quản lý yếu kém, thời gian đợi khám chữa bệnh lâu, chất lượng dịch vụ, độ an toàn thấp, và mức độ hài lòng của bệnh nhân thấp. Những điều này gây ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của bệnh viện". Ngoài ra, hầu hết các bệnh viện trong nước đã quá lâu đời, quy trình khám chữa bệnh không có sự cải cách, gây khó khăn cho việc triển khai các xu hướng y tế, công nghệ và quy trình thủ tục hành chính hiện đại vào vận hành.

Theo Giáo sư Trần Diệp Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh, để nâng cấp hệ thống y tế trong nước, bước đầu tiên là phát triển một mô hình giáo dục y tế hiện đại, đáp ứng nhu cầu hiện tại của cả bệnh nhân và bác sĩ.

alt
Giáo sư Trần Diệp Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh. | Nguồn: Vietcetera

"Chương trình giảng dạy y khoa không thay đổi trong 100 năm qua, hơn ba thế hệ bệnh nhân. Báo cáo của Flexner ra đời vào năm 1910 những vẫn còn được áp dụng trong quá trình đào tạo cán bộ chuyên môn y tế. Trước một hệ thống giảng dạy và đào tạo đã quá cũ kỹ và lỗi thời, quy hoạch lại là điều hết sức cần thiết."

Nhưng Giáo sư Tuấn cũng công nhận rằng, dù chúng ta có nhận ra vấn đề, nhưng để đưa ra một kế hoạch cải cách thực tiễn và hiệu quả là một quá trình lâu dài. Thách thức lớn nhất là thay đổi tư duy của những người làm trong ngành y tế. Trong đó, Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh (ĐHYD TP.HCM) là một trong những cơ sở giáo dục và đào tạo y tế danh tiếng và lâu đời nhất Việt Nam.

"Những trường đại học và các tổ chức y tế càng lâu đời và truyền thống thì càng khó thay đổi. Họ thấy hài lòng với hệ thống y tế và quản trị hiện tại, nên không thấy lý do phải thay đổi. Đó là mấu chốt đầu tiên cần giải quyết" - Giáo sư chia sẻ.

Hiện mỗi năm, ĐHYD TP.HCM đón hơn 15.000 sinh viên nhập học, đào tạo tất cả các ngành thuộc nhóm ngành khoa học sức khỏe từ nha khoa đến hộ sinh và công nghệ y tế. Vai trò của ĐHYD TP.HCM trong sự phát triển của hệ thống giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực y tế chất lượng cao là rất quan trọng. Với tư cách là Chủ tịch Hội đồng của trường, giáo sư Tuấn cam kết sẽ nỗ lực đổi mới giáo dục và đưa ĐHYD TP.HCM trở thành cơ sở giáo dục - đào tạo y khoa chuẩn quốc tế.

Quyết tâm cải cách hệ thống y tế Việt Nam của Giáo sư Tuấn đã truyền hứng cho Bác sĩ - Thạc sĩ Y tế Cộng đồng David Dương Bảo Long đóng góp vào ngành y tế nước nhà. Anh Long đã có những đóng góp tích cực vào việc nâng cao năng lực giáo dục và đào tạo nhân lực y tế chất lượng cao. Anh cũng giúp tăng cường năng lực nghiên cứu và chăm sóc sức khỏe người dân thông qua Tổ chức Hợp tác vì sự phát triển y tế Việt Nam (HAIVN).

alt
Bác sĩ - Thạc sĩ Y tế Cộng đồng David Dương Bảo Long tham gia phiên thảo luận qua Zoom. | Nguồn: Vietcetera

Hợp tác với Trường Đại học Y Harvard (HMS) và hai bệnh viện giảng dạy trực thuộc HMS, HAIVN hỗ trợ Bộ Y tế xây dựng và cải thiện chất lượng giảng dạy và hệ thống y tế ở Việt Nam.

"Là một đối tác quốc tế, vai trò của chúng tôi là giúp đỡ và đồng hành sát sao với các đồng nghiệp của mình [tại Việt Nam] trong quá trình đổi mới, giúp đối tác bản địa thích nghi và điều chỉnh sáng kiến phù hợp với hoàn cảnh địa phương” - ông David chia sẻ.

Tiêu dùng hoá ngành chăm sóc sức khỏe

Trước sự gia tăng của người dùng số và nhu cầu thăm khám sức khỏe chủ động của giới trẻ, các doanh nghiệp lớn nhỏ trong ngành, đặc biệt là các doanh nghiệp y tế tư nhân, đã chuyển hướng sang tập trung với đối tượng khách hàng cá nhân. Xu hướng này được gọi là tiêu dùng hoá ngành chăm sóc sức khỏe (Healthcare consumerization), nhằm mang đến cho người dùng trải nghiệm y tế cá nhân hoá và quyền kiểm soát với dịch vụ y tế của mình.

Jio Health, là một nền tảng chăm sóc sức khỏe trực tuyến với nỗ lực cá nhân hóa dịch vụ chăm sóc sức khoẻ cho bệnh nhân tại Việt Nam. Jio Health sở hữu hệ sinh thái đa kênh giúp người bệnh dễ dàng đặt lịch khám với bác sĩ, tiếp cận dịch vụ tư vấn và giải đáp thắc mắc sức khỏe, quầy thuốc tiện lợi, cũng như các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ khác với giá cả phải chăng và dễ tiếp cận. Jio Health đã trao quyền cho người dùng Việt để họ chủ động tìm kiếm và sử dụng các dịch vụ y tế chất lượng cao.

alt
Raghu Rai, Nhà sáng lập và Giám đốc điều hành của Jio Health. |Nguồn: Vietcetera

Raghu Rai, Nhà sáng lập và Giám đốc điều hành của Jio Health cho biết: "Người tiêu dùng Việt Nam đã dần sẵn sàng chi trả cho dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao. Chúng tôi cung cấp công nghệ giúp giải quyết các bất cập trong quy trình y tế và nâng tầm trải nghiệm chăm sóc sức khỏe cho người dân. Nhưng, cái chúng tôi hướng đến không chỉ là một nền tảng công nghệ, mà là trở thành một nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe."

Thuocsi.vn cũng là một nền tảng đi đầu trong ngành công nghệ y tế và dịch vụ y tế tại Việt Nam. Thuocsi.vn kết nối các nhà sản xuất, nhà phân phối, dược sĩ với khách hàng để tạo ra một kênh cung cấp và phân phối thuốc và dược phẩm hiện đại.

alt
Vũ Vương, nhà đồng sáng lập của thuocsi.vn. | Nguồn: Vietcetera

Vũ Vương, nhà đồng sáng lập của thuocsi.vn chia sẻ: "Từ khi còn nhỏ, tôi đã chứng kiến và trải nghiệm rất nhiều những bất cập trong hệ thống chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam. Vì vậy, tôi muốn mang đến một giải pháp giúp người dân tiếp cận với các sản phẩm thuốc dễ dàng với giá cả hợp lý, phải chăng hơn."

Ngành y tế Việt Nam chủ yếu thuộc sở hữu và quản lý bởi chính phủ nên cách thức hoạt động của hệ thống y tế sẽ ảnh hưởng đến khu vực doanh nghiệp tư nhân, trong đó có công ty dược phẩm đa quốc gia Pfizer. Vì thế, để đưa dịch vụ y tế tiếp cận rộng rãi tới mọi miền đất nước phải cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các tổ chức, doanh nghiệp ở cả khu vực công và tư.

alt
Nguồn: Vietcetera

"Dù các doanh nghiệp và tổ chức công và tư chỉ mới bắt đầu hợp tác trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe vào 5 năm trước, nhưng tôi thấy sự hợp tác đã đạt được một số thành tựu nhất định. Những để tiến bộ hơn nữa, chúng ta có thể điều chỉnh lại nguồn lực từ cả hai phía công tư. Bệnh viện công có thể chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức của mình với các bệnh viện tư mới phát triển và ngược lại" - Minh Nguyễn, Trưởng Bộ phận Kinh doanh Bệnh viện của Pfizer Việt Nam giải thích.

Xu hướng số hoá ngành y tế

Cũng như những quốc gia khác, kể cả những nước tiên tiến, ngành chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam là một trong những ngành chuyển đổi số sau cùng. Y tế và công nghệ hầu như không có nhiều điểm giao thoa, Lucy Setian nhận xét. Lucy Setian là Giám đốc Chuyển đổi Kỹ thuật số của Novartis Foundation - một tổ chức phi lợi nhuận của Thụy Sĩ tập trung vào cải thiện chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho những người có thu nhập thấp.

alt
Lucy Setian - Giám đốc Chuyển đổi Kỹ thuật số của Novartis Foundation. | Nguồn: Vietcetera

Chuyển đổi số là một bước tiến bắt buộc. Những tiến bộ trong y tế đã thay đổi lối sống của con người, giúp kéo dài tuổi thọ và cải thiện sức khoẻ tổng thể. Tuy nhiên, để có thể mang những tiến bộ công nghệ kỹ thuật của nước ngoài về và áp dụng ở Việt Nam lại là một vấn đề nan giải.

Trong bối cảnh đó, Novartis đã phối hợp với chính quyền địa phương, sở y tế, các công ty tư nhân, và các tổ chức liên quan để mang những dịch vụ y tế kỹ thuật số đến với các vùng thành thị và nông thôn Việt Nam. Novartis cũng tận dụng công nghệ số để triển khai rộng rãi các giải pháp đột phá về sàng lọc và điều trị bệnh, đặc biệt trong việc phát hiện các căn bệnh về tim mạch ở người cao tuổi Việt Nam.

Đây cũng là sứ mệnh của Ominext Group, công ty công nghệ Việt với hơn 10 năm kinh nghiệm phát triển dịch vụ - sản phẩm phần mềm y tế số cho các đối tác là tập đoàn y dược, bệnh viện tại Nhật Bản. Hiện nay, Ominext đang tiếp cận thị trường y tế số ở Việt Nam với mô hình “Cung cấp chăm sóc y tế dựa trên giá trị” (Value - Based Healthcare) - một mô hình khá xa lạ với ngành y tế trong nước.

Tận dụng sức mạnh của công nghệ thông tin, Ominext đã tạo ra một hệ thống giúp việc chuyển đổi kỹ thuật số trong ngành y tế trở nên nhẹ nhàng và nhanh chóng hơn. Từ đó, loại bỏ các bất cập trong quy trình khám chữa bệnh, giúp người dân tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cần thiết dễ dàng hơn.

alt
Trần Quốc Dũng, Nhà sáng lập và Giám đốc điều hành của Ominext Group | Nguồn: Vietcetera

Trần Quốc Dũng, Nhà sáng lập và Giám đốc điều hành của Ominext Group cho biết: "Một trong những bất cập chính của hệ thống y tế hiện tại là thiếu Mô hình Thanh toán Thay thế (Alternative-Payment-Models). Mô hình thanh toán đang được sử dụng phổ biến hiện nay chính là Phí dịch vụ (Fee For Service), trong đó các cơ sở y tế sẽ được chi trả dựa trên số lượng dịch vụ đã cung ứng cho người bệnh. Vì thế, người bệnh có thể phải trả tiền cho những dịch vụ y tế không cần thiết mà chính bản thân họ còn không hiểu rõ giá trị của những dịch vụ mình đã sử dụng."

"Tôi đã sống ở Nhật hơn 10 năm. Nhìn cách nước Nhật ứng dụng công nghệ thông tin vào việc chăm sóc sức khỏe làm tôi cũng muốn đóng góp một chút gì đó cho hệ thống y tế Việt Nam. Đó chính là một phần động lực để tôi xây dựng cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khoẻ ở trong nước với điểm chạm đầu tiên là chuỗi nhà thuốc Omi Pharma."

Ông Dũng cho biết, các sản phẩm của Ominext đã được triển khai tại hơn 7000 cơ sở y tế và 3000 nhà thuốc. "Ominext cung cấp các giải pháp giúp các tổ chức và cơ sở y tế lên một kế hoạch chăm sóc sức khỏe rõ ràng, giúp người bệnh khỏe mạnh hơn với chi phí thấp hơn trước. Nhờ công nghệ thông tin, các tổ chức y tế có thể đo lường, phân tích và đánh giá tất cả dữ liệu sức khỏe của người bệnh, để đưa ra giải pháp điều trị và cải thiện sức khỏe phù hợp với họ."

alt
Janice Trinh, Phó chủ tịch của Quadria Capital. | Nguồn: Vietcetera

Nhưng để quá trình chuyển đổi số này mang lại hiệu quả và được các doanh nghiệp trong ngành cũng như các bên liên quan áp dụng rộng rãi thì cần phải có vốn tài chính vững chắc. Và đó là vai trò của Quadria Capital - một trong những quỹ đầu tư tập trung vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe hàng đầu châu Á. Không chỉ mang đến nguồn đầu tư dồi dào, Quadria Capital còn có chuyên môn và hệ sinh thái mạng lưới quản lý chất lượng, giúp doanh nghiệp củng cố quy trình chuyển đổi số và mở rộng quy mô nhanh hơn.

Janice Trinh, Phó chủ tịch của Quadria Capital, giải thích: "Chúng tôi thấy ngành y tế Việt Nam đang có nhiều biến đổi - từ nơi bệnh nhân tiếp nhận điều trị đến phương thức điều trị và các quy trình ở giữa. Mô hình kinh doanh trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe đang thay đổi, nhưng là về mặt áp dụng công nghệ.

Chúng tôi cũng thúc đẩy các công ty trong danh mục đầu tư của mình trên khắp thế giới trao đổi và chia sẻ với nhau những dự định, cách thức quản lý nguồn vốn để đảm bảo người bệnh nhận được dịch vụ chăm sóc sức khoẻ phù hợp và đúng thời điểm."

Quardia đã đầu tư vào Con Cưng – công ty bán lẻ mẹ và bé và Bệnh viện FV tại Việt Nam.

Một số hình ảnh trong phiên thảo luận:

alt
(Trái) Ông Hawkins Pham, General Partner của Quỹ Y tế Bản Việt. | Nguồn: Vietcetera
alt
Nguồn: Vietcetera
alt
Nguồn: Vietcetera
alt
Nguồn: Vietcetera
alt
Nguồn: Vietcetera
alt
Nguồn: Vietcetera
alt
Nguồn: Vietcetera
alt
Nguồn: Vietcetera
alt
Source: Vietcetera
alt
Nguồn: Vietcetera

Chuyển ngữ bởi Bích Trâm