Ngành công nghiệp cà phê thủ công toàn cầu đang đứng trước ngã rẽ định mệnh. Các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng tác động của biến đổi khí hậu có khả năng thu hẹp diện tích trồng cà phê đến 50% vào năm 2050, đẩy hàng chục loài cà phê đến nguy cơ tuyệt chủng và thậm chí còn khiến ly cà phê của bạn có vị nhạt nhẽo.
Nhưng, hiếm ai để ý rằng nghiên cứu này chỉ đề cập chủ yếu đến hạt arabica, loại hạt cà phê được người Mỹ ưa chuộng. Trong khi đó, người anh em của arabica là hạt robusta, thì có tương lai tươi sáng hơn nhiều.
Hạt robusta được đặt tên như vậy vì có sức sống mạnh mẽ (“robust” nghĩa là mạnh mẽ). Hạt robusta có thể sinh trưởng ở nhiều vùng khí hậu và độ cao khác nhau - trái ngược với hạt arabica khó tính. So với arabica, hàm lượng caffein trong hạt robusta cũng cao hơn. Lượng caffein này đóng vai trò như một chất tự nhiên xua đuổi các sinh vật gây hại, nên trồng robusta ít bị mất mùa và dễ canh tác hữu cơ hơn.
Hơn hết, hạt robusta có hương vị rất thơm ngon, đậm nhưng vẫn mượt mà, béo ngậy. Đặc biệt là robusta còn có hơi hướng vị chocolate, điều này rất được ưa chuộng ở những nước có truyền thống cà phê lâu đời như Ý và Việt Nam. Trong đó, Việt Nam là quốc gia sản xuất robusta lớn nhất thế giới.
Nhận ra tiềm năng canh tác hạt robusta, chưa kể đến là hạt robusta cũng đang được nhiều nước chuộng cà phê sử dụng, tôi muốn làm sáng rõ những định kiến tai hại về loại hạt cà phê này, và tôn vinh tiềm năng mà robusta có thể mang lại cho sự bền vững của ngành cà phê trong tương lai.
Làm rõ định kiến về sự “thấp kém" của robusta
Nếu có dạo qua quầy cà phê ở siêu thị hay ghé vào một cửa hàng rang cà phê thủ công, bạn sẽ thấy trên kệ chất đầy những túi cà phê với lời khẳng định: Làm từ 100% arabica. Chẳng ai nhắc đến cái tên robusta cả. Thậm chí là dù đi hỏi một người sành cà phê, họ cũng sẽ chê hạt robusta kém chất lượng và thậm chí còn không đáng mua thử đâu.
Câu chuyện về sự “thấp kém” của hạt robusta phổ biến đến mức ngay cả người không sành cà phê cũng cho rằng arabica ngon hơn mà không thể giải thích tại sao - có thể chính bạn cũng cảm thấy như vậy.
Đối với tôi, điều này chẳng khác gì tự động chê rượu Cabernet kém hơn rượu Pinot Noir (Cabernet và Pinot Noir là hai loại rượu vang đỏ) mà không màng đến chất lượng, quy trình canh tác, và khẩu vị mỗi người.
Là hãng sản xuất cà phê thủ công đầu tiên ở Mỹ sử dụng hạt robusta có nguồn gốc 100% tại Việt Nam, Nguyen Coffee Supply áp dụng phương thức xử lý thường thấy ở hạt arabica lên hạt robusta. Thời gian qua, tôi càng thấy mọi người thay đổi suy nghĩ về chất lượng hạt robusta khi họ được thưởng thức một ly cà phê ngon.
Điều này khiến tôi phải đặt ra câu hỏi: Điều gì đã khiến một dòng cà phê đặc sản bị ruồng bỏ trong ngành công nghiệp cà phê đặc sản?
Một phần nguyên do là vì những nhà quản lý nhập khẩu cà phê trên thế giới muốn giữ mức giá hiện tại của robusta (vốn đã rất thấp).
Hiện nay, ba nhà nhập khẩu cà phê Việt Nam lớn nhất là Đức, Mỹ, và Ý. Chính vì vậy mà chẳng lý gì mà bạn chưa từng uống qua robusta cả, chỉ là bạn không biết mà thôi. Hạt robusta còn được sử dụng rộng rãi trong sản xuất cà phê hoà tàn hay được trộn với loại cà phê khác để pha espresso, nhưng lại không bao giờ được điểm tên.
Bằng cách khiến cho hạt robusta vô hình với người tiêu dùng và lan truyền định kiến hạt robusta “thấp kém” khắp thị trường, các công ty này có thể tiếp tục nhập hạt robusta với mức giá thấp như từ xưa tới nay.
Chủ nghĩa bài ngoại đã khiến người nông dân trồng cà phê Việt Nam khốn khổ thế nào?
Ngoài lý do khai thác kinh tế, tôi cho rằng nguyên nhân thực sự đằng sau thái độ xem nhẹ chất lượng hạt robusta chính là chủ nghĩa bài ngoại.
Việt Nam là quốc gia sản xuất cà phê đứng thứ hai trên thế giới, nhưng hầu hết mọi người không nhận ra họ đang uống cà phê Việt Nam.
Trước Nguyen Coffee Supply, bạn sẽ khó tìm thấy những hạt cà phê có xuất xứ Việt Nam ở những cửa hàng cà phê thủ công. Ngay cả khi bạn gọi một ly cà phê đá Việt Nam sành điệu, thì khả năng cao là bạn đang thưởng thức cà phê từ Nam Mỹ hoặc Châu Phi pha với sữa đặc (Lần sau có gọi cà phê đá Việt Nam thì thử xác nhận điều này với nhân viên pha chế nhé!).
Có vẻ như cà phê đá Việt Nam ngày càng được ưa chuộng, nhưng hạt cà phê Việt Nam (và cộng đồng nông dân trồng cà phê ở vùng đất này) thì hoàn toàn bị phớt lờ.
Đây là hành vi chiếm đoạt văn hóa - các doanh nghiệp đang trục lợi từ nền văn hóa Việt và cà phê Việt, trong khi không mang lại lợi ích gì cho người dân Việt Nam. Chẳng những thế, họ đang xem nhẹ công sức của những người nông dân đằng sau từng hạt cà phê.
Cà phê từ Việt Nam đã trở nên vô hình đến nỗi những người nông dân Việt Nam mà tôi làm việc cùng cay đắng nói rằng: “Cà phê Việt Nam có tiếng, nhưng không có miếng.” Họ biết là cả thế giới đang uống cà phê của họ nhưng họ lại không nhận được sự tôn trọng và hay lời cảm ơn nào.
Là một người Mỹ gốc Việt thế hệ đầu tiên, tôi đã cống hiến cả cuộc đời để theo đuổi các hoạt động xã hội và tăng độ nhận diện cho cộng đồng người Việt của mình, thế nên tôi không còn lạ lẫm với sự bất công này.
Tương tự cà phê Việt Nam, thực phẩm và văn hóa châu Á ở Mỹ liên tục bị mất giá. Ở đây, người ta đinh ninh rằng đồ ăn châu Á lúc nào cũng phải rẻ, và nếu một tô phở có giá hơn 10 đô sẽ rất sai trái. Nhưng họ lại chẳng bao giờ phàn nàn về giá cả của phần mì Ý đắt đỏ.
Ở đây, thực phẩm châu Á bị xem là kì quặc, gớm ghiếc, hoặc chỉ dành cho thị trường ‘ngách’, trừ khi chính người Mỹ tiên phong trong việc phổ biến thực phẩm châu Á, điển hình là sự nổi lên của matcha.
Sau cùng, thì những định kiến này đang cản trở các nhà sản xuất châu Á cải thiện chất lượng sản phẩm cũng như nâng cao kế sinh nhai của họ. Sự thiếu tôn trọng với ẩm thực châu Á còn có liên quan trực tiếp đến sự gia tăng tình trạng bạo lực nhằm vào người gốc Á. Khi bạn hạ thấp giá trị của văn hoá châu Á, bạn đang hạ thấp giá trị trị cuộc sống của người dân nơi đây.
Tôi không bắt bạn phải yêu thích cà phê robusta của Việt Nam. Dù là với những ai cho rằng hạt arabica chất lượng hơn robusta vì tin theo lời truyền bá của các doanh nghiệp ngoài kia, thì tôi cũng chỉ muốn nói: Thưởng thức cà phê là vấn đề về sở thích và khẩu vị của bạn.
Nhưng nếu bạn quan tâm đến sự bền vững của ngành cà phê trong tương lai, đã đến lúc cần đánh giá lại những hiểu biết về các loại cà phê đã cắm rễ bấy lâu trong suy nghĩ của chúng ta.
'Làn sóng cà phê thứ tư' sắp đổ bộ
Tôi tin rằng làn sóng cà phê thứ tư đang tới gần, và điểm xuất phát của đợt sóng này nằm ở việc khám phá vùng đất Đông Nam Á, ở việc tìm hiểu tính toàn vẹn văn hoá và tính bền vững thông qua hạt robusta. Đây là nỗ lực của cả một tập thể nhằm mở mang thêm cho mọi người về khái niệm cà phê ngon. Tương lai của cà phê gắn liền với sự trỗi dậy của robusta.
Làn sóng thứ tư này sẽ phá bỏ định kiến xung quanh thứ bậc giữa các loại cà phê, giúp mọi người hiểu rằng không có loại hạt cà phê nào cao quý hơn những loại khác, vấn đề nằm ở cách chúng ta nhìn nhận cà phê mà thôi. Chỉ cần hiểu được những điều này và sẵn lòng đầu tư chút tiền bạc, người nông dân khắp thế giới có động lực để sản xuất ra những hạt cà phê chất lượng nhất.
Làn sóng này cũng sẽ mở ra cánh cửa cho những giống cà phê mới và những khu vực trồng cà phê còn xa lạ, đặc biệt là ở các khu vực thường bị xem nhẹ như Đông Nam Á. Ngoài ra, làn sóng này cũng sẽ góp phần thay đổi nhu cầu tiêu thụ của thị trường, từ đó khai phá thêm những con đường mới cho người nông dân tiếp tục phát triển và lớn mạnh. Để làm được điều này, tôi tin rằng hạt robusta có vai trò rất quan trọng vì hiện robusta đã có mặt ở mọi nơi và cũng mang lại hiệu quả kinh tế về lâu dài.
Bất kỳ sự thay đổi lớn mang tính hệ thống nào cũng bắt đầu từ đối thoại. Hãy tự hỏi bản thân và những người thường uống cà phê xung quanh bạn câu sau:
- Tại sao mình lại cho rằng loại cà phê này ngon hơn loại kia?
- Tại sao không có một hãng cà phê toàn cầu lớn nào đến từ các quốc gia trồng cà phê?
- Tại sao chúng ta cứ tách biệt cà phê với nguồn gốc của chúng, và phớt lờ nền văn hoá cũng như công sức của những con người đã tạo nên chúng?
Hãy hỏi quán cà phê bạn thuờng lui tới về xuất xứ của những hạt cà phê bạn đang thưởng thức, đặc biệt là nếu họ quảng cáo ly cà phê có nguồn gốc từ một nền văn hoá nào đó.
Tiếp theo, hãy trò chuyện với túi tiền của bạn. Hãy mua cà phê từ những thương hiệu tôn trọng sự đa dạng, minh bạch, và tính toàn vẹn văn hoá. Hãy sẵn lòng trả tiền cao một chút để đổi lấy một sản phẩm chất lượng cao. Chính cử chỉ này sẽ giúp nhà sản xuất đặt nhiều tâm huyết hơn vào sản phẩm của họ.
Và cuối cùng, sao bạn không thử một ly cà phê robusta nhỉ?
Chuyển ngữ bởi Bích Trâm