Nhờ bản sắc Á Đông, dòng phim kinh dị từ lâu đã trở thành một thương hiệu mỗi khi nhắc tới nền điện ảnh xứ chùa Vàng. Điều khiến thời gian, các món ăn kinh dị đến từ Thái Lan cũng ngày càng đa dạng hơn, pha trộn nhiều thể loại khác nhau, với nhiều thủ thuật hù doạ cùng thông điệp sâu sắc, nhân văn.
Gần đây nhất, điện ảnh Thái có tác phẩm Tee Yod: Quỷ ăn tạng làm mưa làm gió ở thị trường nội địa trước khi công chiếu tại Việt Nam. Phim nhanh chóng trở thành bộ phim thuần kinh dị có doanh thu cao nhất mọi thời đại tại Thái và nằm trong top 4 các dự án ăn khách nhất lịch sử điện ảnh nước này, sau Tình người duyên ma, Tiễn vong và Nữ gia sư.
Vậy, lý do gì khiến phim kinh dị của Thái Lan có thể chinh phục đông đảo người xem đến vậy? Và các nhà làm phim Việt có thể học hỏi được gì từ người hàng xóm của mình để phát triển dòng phim này ở Việt Nam?
Thủ pháp quay đơn giản nhưng giàu ẩn ý
Tee Yod: Quỷ ăn tạng là câu chuyện về một gia đình cố gắng trục xuất tà linh ra khỏi cơ thể con gái thứ. Phim sử dụng nhiều góc quay đơn giản nhưng đều có ý đồ cài cắm cho các tình tiết nguy hiểm diễn ra phía sau.
Chẳng hạn, phim có nhiều cảnh để máy quay đi sau lưng nhân vật Yam (Rattawadee Wongthong thủ vai) mang hàm ý cô bé luôn bị ác quỷ dõi theo và bất cứ lúc nào cũng có thể rơi vào tình trạng nguy hiểm, bị chúng nhập xác.
Mỗi khi Yam thay đổi trạng thái từ người thành ma, máy quay lại vào cận khuôn mặt cô, để người xem cảm nhận được sự biến chuyển ngay từ trong ánh mắt, và cảm giác rùng rợn, sợ hãi đi trực diện vào tâm trí.
Một ví dụ khác là series kinh dị đình đám Cô gái từ hư vô (Girl From Nowhere). Series này gây ấn tượng vì khai thác những mặt trái trong đời sống học đường, cho thấy trường học không hề là nơi “trong sáng và lành mạnh nhất thế gian” như nhiều người vẫn tưởng.
Ở mỗi tập phim, máy quay không ngại quay trực diện khuôn mặt của Nanno (Kitty Chicha Amatayakul), mà vẫn làm toát lên nét bí ẩn trong con người cô. Từ nụ cười mỉm nhiều toan tính, ánh mắt trong sáng nhưng lại có thể nhìn thấu bất cứ ai, cho đến mái tóc đen cắt ngắn mẫu mực nhưng ẩn chứa sự nổi loạn ngấm ngầm.
Nhiều lần, Nanno nhìn thẳng vào máy quay, phá vỡ bức tường thứ 4 để nói chuyện với khán giả, tạo cảm giác cô chính là chủ nhân sắp xếp tất cả mọi chuyện. Và những người tham gia trò chơi cô bày ra đều hứa hẹn một kết cục bi đát.
Chất Thái đậm đặc trong từng thước phim
Ở một đất nước có đời sống tâm linh phong phú như Thái Lan, các nhà làm phim đã không ngần ngại tận dụng thế mạnh văn hoá sẵn có để lồng ghép vào tác phẩm.
Bộ phim Pee Mak (Tình người duyên ma) gây sốt năm 2013 được xây dựng trên nền câu chuyện dân gian của người Thái. Đạo diễn Banjong Pisanthanakun tận dụng hình ảnh những lễ hội, bàn thờ cúng tổ tiên, vườn cây sau nhà, gừng, tỏi, thuyền trôi trên sông,… đậm tính bản địa Thái, để tạo nên nét riêng biệt cho câu chuyện tình yêu giữa người và ma vốn quen thuộc trên thế giới.
Hay bộ phim kinh dị The Medium lấy bối cảnh vùng quê Thái Lan hẻo lánh, được thực hiện theo phong cách giả tư liệu, mang đến những thước phim ma mị phù hợp với đời sống tâm linh bản địa. Phim được Thái Lan lựa chọn là đại diện cho điện ảnh nước này tham dự Oscar 2022.
Xuyên suốt phim, ta có thể bắt gặp những hình ảnh quen thuộc như bùa chú, tượng Phật, các nghi thức cầu hồn, trừ tà,… nêu bật tinh thần và những quan niệm, triết lý của người Thái về thế giới tâm linh.
Các chủ đề được lựa chọn trong phim kinh dị Thái đều rất gần gũi với cuộc sống đời thường. Đó là tình bạn bè, tình cảm gia đình,… dễ tạo sự kết nối, đồng cảm.
Như trong bộ phim The Promise (2017), lấy bối cảnh thời kỳ khủng hoảng tài chính của đất nước Thái Lan. Phim kể về hai người bạn Boum và Ib hẹn nhau đến một công trình đang xây dựng dở để cùng tự tử, giải thoát khỏi cuộc sống khó khăn.
Nhưng ngay lúc Ib kết liễu cuộc đời mình, Boum sợ hãi và phá vỡ giao ước với bạn mình. 20 năm sau, hồn ma của Ib quay trở lại để ám ảnh và nguyền rủa cô con gái vô tội của người bạn bội tín.
The Promise đưa ra thông điệp về tầm quan trọng của việc giữ lời hứa trong cuộc sống hàng ngày. Niềm tin, một khi đã bị mất đi, sẽ khiến cho những mối quan hệ tưởng chừng thân thiết nhất đổ vỡ. Và hậu quả của nó là vô cùng tai hại, ảnh hưởng đến cả những người không liên quan.
Dù kinh dị là một nhánh nằm trong thể loại giả tưởng, nhưng chính việc đưa những yếu tố gần gũi, đời thường, cùng thông điệp dễ cảm, dễ chạm vào phim, các tác phẩm kinh dị Thái Lan kích thích được trí tò mò và gợi sự đồng cảm nơi người xem.
Việt Nam học tập được gì từ những nhà làm phim kinh dị Thái?
Cùng trong khu vực Đông Nam Á, các bộ phim Thái được cho là gần gũi với người Việt. Do đó, chúng cũng có sức ảnh hưởng mạnh mẽ so với những phim đến từ châu Âu hoặc các nước châu Á có dòng phim kinh dị phát triển như Nhật Bản hay Hàn Quốc.
Các đạo diễn Thái Lan thường phóng đại các nhân vật, tô đậm những hình ảnh kinh dị… để làm nổi bật màu sắc văn hoá bản địa. Phim kinh dị Thái cũng không ngần ngại thử nghiệm những chất liệu mới như giả tài liệu (The Promise), xây dựng hồn ma đậm tinh thần châu Á nhưng lồng ghép các cảnh tra tấn hơi hướng châu Âu để đẩy nỗi sợ lên tột cùng (Art of Devil).
Việc kết hợp nhiều thể loại nhưng không biến tác phẩm trở thành “nồi lẩu thập cẩm” cũng là điểm đáng học hỏi ở nhiều phim kinh dị Thái. Tình người duyên ma là sự kết hợp giữa hài hước, lãng mạn, kinh dị. The Promise pha trộn thêm yếu tố drama, hay Cô gái từ hư vô mang màu sắc của những phim thuộc thể loại Coming of Age (phim dành cho tuổi mới lớn), Thriller, v.v.
Theo nhà sản xuất Hoàng Quân (Tết ở làng địa ngục, Kẻ ăn hồn), phim kinh dị Thái Lan đa dạng trong nguồn cảm hứng từ truyền thống dân gian, truyền thuyết, và thậm chí từ sự kiện có thật. Việc này tạo ra những câu chuyện độc đáo, gần gũi và có ảnh hưởng sâu sắc đến khán giả.
Còn theo đạo diễn Trần Hữu Tấn - người chuyên làm phim kinh dị ở Việt Nam - để nâng tầm và phát triển thể loại kinh dị, các nhà làm phim Việt có thể học hỏi từ những nền điện ảnh tiên tiến như Thái Lan, hay một số quốc gia khác như Hàn Quốc, Mỹ… ở khâu xây dựng kịch bản và câu chuyện, vì cốt lõi của một bộ phim hay vẫn nằm ở kịch bản.
Những năm gần đây, nhiều phim kinh dị nước ngoài có đề tài rất sáng tạo, cách triển khai mới lạ, dù dựa trên những vấn đề xã hội tưởng chừng cũ kỹ. Ngoài ra, chất lượng sản xuất như kỹ xảo hay các khâu khác của họ cũng được làm rất chỉn chu, chuyên nghiệp.