Trên đời này, bạn sợ phải đối mặt với loại cảm giác nào nhất? Thua cuộc? Bỏ lỡ? Bất lực? Phải, mỗi người sẽ có những câu trả lời khác nhau, tùy theo giá trị quan và trải nghiệm trong cuộc sống của họ. Với mình, đó là cảm giác áy náy.
Sự áy náy thường xuất phát khi làm những việc đi ngược lại với mong muốn cá nhân, gây ảnh hưởng đến người khác, cụ thể hơn là, mình đã không giúp đỡ ai đó khi mình có thể. Sự lo ngại, phiền lòng về những hành động của bản thân chính là sự áy náy. Chẳng hạn như, mình đã từng áy náy vì không mua giúp cụ bà một tờ vé số, hoặc vì không lên tiếng bảo vệ cho một cô bạn bị miệt thị ngoại hình (body-shaming). Trong thâm tâm, mình (cho rằng) nhận thức được phải-trái, đúng-sai, thế nhưng, hành động (vô tâm và im lặng) mình đã làm chẳng có dáng vẻ gì của một người tử tế. Trong lòng nghĩ là O nhưng hành động lại là X, mình đã từng hèn nhát đạp lên chính hệ giá trị đạo đức của bản thân, để làm những điều mình không muốn, để rồi chỉ biết âm thầm cầu xin sự... tha thứ của họ.
Khi nói ra nỗi lòng này, mình thường đối diện với hai kiểu phản ứng.
Một là, được an ủi rằng do bản thân đã suy nghĩ quá nhiều, quá nhạy cảm.
Hai là, bị trách mắng vì “làm quá vấn đề” và “cứ làm như mình có sức ảnh hưởng đến người khác lắm”.
Dù vậy, kiểu phản ứng nào cũng đều có một lý lẽ chung: mình không phải là người gây ra khổ đau, bất hạnh cho “người ta”. Cụ bà bán vé số sẽ không vì bị từ chối mà bỏ nghề, cô bạn kia cũng không vì tiêu cực mà làm chuyện bồng bột. Suy cho cùng, cái xấu tính mà mình tự cho là, thực chất đối với người khác cũng không tệ đến vậy. Thế chẳng phải, bằng cách nào đó, mình có quyền nghĩ rằng “họ” đã tha thứ và mình được quên cảm giác áy náy trong lòng sao?
Cho đến khi mình gặp kiểu phản ứng thứ ba.
“Tại sao em muốn quên đi cảm giác áy náy?”
“Em không hiểu ý anh muốn nói.”
“Này nhé, em áy náy vì tự thấy bản thân đã đi ngược lại với quy chuẩn đạo đức mà bản thân đặt ra, sau đó lại tự biện minh cho những hành động đó để huyễn hoặc rằng “người ta” sẽ tha thứ cho mình, từ đó chạy trốn sự áy náy. Từ đầu đến cuối, đều là kịch bản trong đầu em. Sự áy náy của em tuy có vẻ xuất phát từ lòng tử tế, nhưng thực chất mục đích là vì em muốn được nhẹ nhõm với niềm tin rằng mình không phải là người xấu.”
Anh tiếp lời, “Mục đích của sự áy náy là lời nhắc nhở. Nếu em cho rằng mình đã đối xử tệ với ai đó thì hãy để cảm giác dằn vặt đó theo mình suốt quãng đời còn lại. Thỉnh thoảng em sẽ ân hận vì sao đã không hành động, không giúp đỡ, không lên tiếng giúp đỡ người khác để giờ phải tiếc nuối thắt ruột thắt gan. Điều này sẽ giúp em nhận ra rằng mình phải luôn hành động theo lẽ phải và đưa ra quyết định đúng đắn để khỏi phải dằn vặt. Cảm giác áy náy ban đầu sẽ hòa vào tâm can của em, trở thành lời nhắc nhở giúp em sống tử tế hơn. Vậy nên, nếu cảm thấy mình mắc nợ ai đó, em cứ áy náy suốt đời đi vậy.”
Bảy năm trôi qua, kiểu phản ứng thứ ba vẫn khiến mình cảm giác như đang ngậm một viên kẹo bạc hà. Lúc đầu chỉ thấy cay xè nơi đầu lưỡi, kiên nhẫn hơn một chút sẽ thấy the mát, mãi về sau, mới nhận ra trong kẹo còn có socola ngọt ngào. Viên kẹo đó theo mình đến mãi bây giờ, nhắc mình về câu chuyện làm người tử tế.