15 năm trước, nhạc sĩ Quốc Trung cùng một số nghệ sĩ có dịp sang Đan Mạch, thực tập về tổ chức festival (lễ hội). Khi trở về Việt Nam, ý tưởng tạo ra một lễ hội âm nhạc mang dấu ấn Hà Nội bắt đầu loé lên trong đầu anh. “Thú thật lúc đó cũng không biết bắt đầu từ đâu. Những hình dung về mô hình, triết lý hay thậm chí một cái tên thể hiện lễ hội âm nhạc mà mình mong muốn cũng chưa có.”
Phải mất thêm 6 năm Monsoon Music Festival (MMF) mới chính thức ra đời vào năm 2014. Monsoon, hay vẫn được nhiều người gọi thân mật là Gió Mùa đã thực sự thay đổi “cuộc chơi" về tổ chức biểu diễn âm nhạc. Sau 3 năm vắng bóng vì đại dịch, MMF chính thức trở lại vào Tháng 10 năm nay. Với 40 nghệ sĩ và nhóm nghệ sĩ, Monsoon 2023 sẽ diễn từ bar ra phố, từ giảng đường ra di tích lịch sử Hoàng Thành Thăng Long, để một tuần lễ cả Hà Nội ngập tràn trong không khí lễ hội và âm nhạc.
Dù có khó khăn về nhiều mặt nhưng nhạc sĩ Quốc Trung vẫn tự tin vào những giá trị mà Monsoon tạo ra, và mang lễ hội âm nhạc trở lại trong năm nay. 10 năm với 5 lần tổ chức, đây là những điều khiến nhạc sĩ Quốc Trung có thể chia sẻ với bạn.
Cứ làm đi rồi sẽ có kinh nghiệm…
Với nhạc sĩ Quốc Trung, một lễ hội âm nhạc đích thực sẽ khiến cho bất cứ ai tham dự cũng được hồn nhiên, bản năng và vui vẻ thưởng thức âm nhạc, nét văn hoá cũng như bầu không khí mà nó tạo ra. “Đó là nơi để mọi người được tự do là chính mình, vừa nghe nhạc vừa có thể quay qua trao một cái ôm cho người khác một cách tình cảm nhất. Sự thân thiện, cởi mở đó mới tạo ra không khí đích thực của một lễ hội âm nhạc.”
Phải sau nhiều năm thực hiện, mọi người mới hình dung được ý niệm này và hiểu được những thông điệp từng mùa MMF. Một nhà tổ chức lễ hội âm nhạc hàng đầu thế giới chia sẻ với nhạc sĩ Quốc Trung, “Cứ làm đi rồi sẽ có kinh nghiệm.” Bằng những chuyến đi thực tập, những lần tham dự lễ hội âm nhạc ở nước ngoài, anh đã quan sát và dần hình thành cảm hứng về một lễ hội âm nhạc của riêng Hà Nội.
Là một nghệ sĩ sáng tác, sản xuất âm nhạc và biểu diễn, nhạc sĩ Quốc Trung dần tự biến thành đạo diễn lễ hội âm nhạc. Anh vẫn tham gia mọi công đoạn tổ chức MMF, từ việc xin giấy phép biểu diễn tại một địa điểm đặc biệt như di tích lịch sử Hoàng Thành Thăng Long, đến việc kết nối với các nghệ sĩ quốc tế, hợp tác - tài trợ. Đây đều là những điều mới mẻ trước khi trở thành kinh nghiệm của nhạc sĩ Quốc Trung.
Những mùa MMF đầu tiên, điều khiến nhạc sĩ Quốc Trung quan tâm nhất chính là sự an toàn của lễ hội. Giờ đây, nhạc sĩ Quốc Trung đã dần kiểm soát và có những câu trả lời cho những câu hỏi này.
Một lễ hội âm nhạc độc đáo phải xuất phát từ đam mê, cũng như tham vọng muốn thực hiện một sản phẩm có thể tạo ra thói quen tốt, cũng như thay đổi hành vi của công chúng. Và đâu đó, chính nhạc sĩ Quốc Trung và MMF đã thực sự làm được điều này.
Khó khăn luôn có nhưng đừng để nó huỷ hoại cảm hứng
Sau khi Monsoon ra mắt và được hưởng ứng, Việt Nam hình thành lên “trend" làm lễ hội âm nhạc. Tuy nhiên, nhạc sĩ Quốc Trung cho rằng, làm lễ hội âm nhạc không hề dễ; làm lễ hội âm nhạc ở Việt Nam lại càng khó. Trong lúc thực hiện, đôi khi anh cũng cho phép bản thân được “nản” vì có những thử thách giống như thứ huỷ hoại cảm hứng.
Những vấn đề tài chính, sự an toàn, địa điểm tổ chức, thói quen khán giả, những giá trị mà MMF muốn truyền cảm hứng đến công chúng cũng là những thử thách cần phải vượt qua.
Với nhạc sĩ Quốc Trung, mỗi kỳ tổ chức Monsoon là một lần lỗ vốn. Anh chia sẻ, toàn bộ nhân viên công ty Thanh Việt của anh chưa bao giờ có lương từ Monsoon. Nhưng không phải vì lỗ vốn mà nhạc sĩ Quốc Trung không làm Monsoon, không đi đến tận cùng ý tưởng muốn thay đổi để tạo ra những giá trị bền vững và phát triển.
Có những lúc lòng như lửa đốt khiến nhạc sĩ Quốc Trung lo sợ. Sau nhiều năm dấn thân, nhạc sĩ Quốc Trung nhận ra, “nếu mình dự đoán và quản trị được những khó khăn có thể đến thì mình sẽ làm được,nhưng điều này đòi hỏi thời gian chuẩn bị, cái mà dường như rất khó có được ở Việt Nam.”
Làm lễ hội âm nhạc là một quá trình nuôi dưỡng một cảm hứng. Nhưng để giữ được cảm hứng thì phải triệt tiêu năng lượng làm mình mất hứng.
Nhưng hào hứng là ở chỗ, nhạc sĩ Quốc Trung biết trước được khó khăn và cũng biết sẽ giải quyết những khó khăn đấy như thế nào? Khó khăn luôn có ở đó (và rất nhiều) nhưng đừng để nó huỷ hoại cảm hứng của bạn.
Sau 3 năm dịch, các dự án cũng bắt đầu ít đi, nhạc sĩ Quốc Trung không còn khả năng tài chính để bù lỗ như các kỳ Monsoon trước đây. Nhưng chính anh cũng chia sẻ, “nếu sợ thì đừng ra chợ nữa.” Anh tin vào sự ảnh hưởng vào thương hiệu và kỹ năng quản trị của mình, và sẽ đón nhận được sự cộng hưởng từ cộng đồng.
Đừng bớt xén, đừng thoả hiệp, đừng theo lối mòn, đừng dễ dàng từ bỏ
Là một trong những người hiểu mình và hiểu thị trường âm nhạc Việt Nam, nhạc sĩ Quốc Trung có nhiều cách để làm nên một lễ hội âm nhạc “vừa có tiếng vừa có miếng.” Tuy nhiên, điều anh muốn làm ở đây là sự thay đổi, bằng cách từ chối những cách làm dối.
Làm văn hoá mà chỉ nghĩ đến lãi thì sẽ không bao giờ có được sự đồng cảm. Đó là một sự thuyết phục với rất nhiều đối tượng; phải khiến họ tin rằng sản phẩm này có giá trị, và nó tạo ra sự thay đổi.
“Nếu muốn làm đúng, làm tốt mà vẫn muốn làm rẻ thì sẽ không bao giờ làm được. Và người đạo diễn dự án cũng không thể bớt xén các chi phí vì có thể phải trả giá vì điều đó.”
Anh cũng đã thấy rất sớm về sự lạc hậu, về sự nghèo nàn về khoảng cách với đời sống âm nhạc của thế giới; hiểu được nhu cầu của khán giả nhưng lại không hề muốn đi vào lối mòn, hay tìm cách thoả hiệp. MMF phải là nơi định hướng, gợi mở thay vì chỉ là một lễ hội âm nhạc đơn thuần phục vụ thị hiếu thông thường.
Tuy vậy, nhạc sĩ Quốc Trung cũng tính đến phương án từ bỏ. Nhưng dù nói vậy, với đam mê và tham vọng của mình, nhạc sĩ Quốc Trung sẽ không dễ dàng từ bỏ.
Người trẻ là chìa khoá của sự thay đổi
Tạo ra một lễ hội âm nhạc, hay một sản phẩm văn hoá cần có trách nhiệm. Đấy là trách nhiệm của chính nhạc sĩ Quốc Trung, như anh chia sẻ, ngay từ khi bắt đầu thực hiện MMF. Để theo đuổi một dự án dài và ý nghĩa rất cần những người đam mê và tham vọng. “Nhưng dù là người đặc biệt đến mấy, được ưu ái bao nhiêu cũng cần đến những người khác cùng chung tay.”
Bên cạnh đó, nếu không có thói quen đón nhận những thứ mới mẻ chúng ta sẽ không bao giờ phát triển được. Những ban nhạc trẻ đầy tiềm năng, thậm chí là rất hay ho. Cứ nghe cứ làm đi đã, không thích, không hợp thì bỏ sau. Đừng vội chê trách, vội phủ nhận khi mình chưa thấy quen thuộc; đừng vội gạt ra khi thấy thấy thứ âm nhạc đó không hợp tai mình.
Về lâu dài, khán giả sẽ quen với việc sáng tạo ra sản phẩm mới lạ; và bắt buộc nghệ sĩ sẽ phải mang đến sự mới lạ thì mới phát triển. Nếu 100 nghệ sĩ giống hệt nhau sẽ không bao giờ phát triển.
MMF là lễ hội âm nhạc hướng đến những nghệ sĩ trẻ dành cho những khán giả trẻ. Và chính đội ngũ làm MMF rất nhiều tình nguyện viên là người trẻ. Chính việc xây dựng được một mô hình mà những người trẻ tuổi chính là chìa khoá cho sự phát triển.