Tháng 10 vừa qua, sau bảy năm kể từ ngày ra mắt album đầu tiên, Suboi chính thức giới thiệu tới người hâm mộ mini album 2.7. Đây là kết quả hợp tác giữa cô và ban nhạc Jazz đến từ Nauy – Mino & The Band. Ngoài Việt Nam, 2.7 còn được quảng bá rộng rãi ở Đông Nam Á và trên Apple Music. Đồng nghĩa với việc, Suboi là nghệ sĩ Việt Nam đầu tiên có banner trên Apple Music.
Để trả lời cho ý nghĩa của cái tên ngắn ngủi 2.7, Kiwi, quản lý của Suboi giải thích: “2.7 là một con số mang rất nhiều ý nghĩa đối với Suboi. 2017 là năm Suboi tròn 27 tuổi và nó cũng là cột mốc kỷ niệm 100 năm ra đời của Jazz, mà Jazz là cha đẻ của dòng nhạc hip-hop mà Suboi theo đuổi. Ngoài ra, ba bài hát trong 2.7 cũng chiếm 27% trong tổng số các bài hát của album tiếp theo. Nhưng sau tất cả, 2.7 chỉ đơn giản là món quà mà Suboi muốn gởi tặng những người đã luôn yêu mến cô trong suốt nhiều năm qua.”
Nói về sự hợp tác với Mino & The Band, có lẽ “ngẫu nhiên” là từ thích hợp nhất để diễn tả về cơ duyên này. Bởi vốn dĩ, năm 2016, Suboi cũng đã từng gặp và ngỏ ý muốn Mino & The Band sáng tác giai điệu cho mình. Nhưng có lẽ do lúc bấy giờ không tìm ra điểm chung, nên lần hợp tác đó đã không thể thành hiện thực.Mãi đến những ngày đầu năm 2017, lời hứa cộng tác năm nào mới bắt đầu bén duyên. Với sự hỗ trợ từ quỹ đầu tư nghệ thuật Nauy, Mino & The Band bắt đầu hành trình đến Việt Nam giảng dạy và chơi nhạc tại Việt Nam. Một đêm tháng 2, ban nhạc gặp lại Suboi tại quán Yoko. Đêm đó, họ ngẫu hứng phối lại “Lời thỉnh cầu”, một ca khúc mà Suboi đã viết từ bảy năm trước.
Từ một ca khúc hip-hop, qua phần hát đệm của ca sĩ chính Ole Maa đan xen với chất jazz đầy ngẫu hứng của Mino & The Band, ca khúc mang một màu sắc hoàn toàn khác biệt – sâu lắng hơn và da diết hơn. Rất nhanh chóng, họ quyết định vào phòng thu và hoàn thiện hòa âm phối khí cho bài hát. “Lời thỉnh cầu” là một mảnh ghép trong bộ ba ca khúc cho mini album 2.7.
Nhưng hành trình để 2.7 đến được với khán giả không dừng lại tại đó, sẽ thật là thiếu sót nếu không nói về hình ảnh rất lạ trên bìa album và những ý nghĩa đằng sau nó. Bởi nếu chỉ nhìn qua, chắc sẽ có nhiều người thắc mắc: “Tại sao nhìn nó lại thiếu “trau chuốt” đến thế?”Những ngày đầu tháng 8, khi album dần hoàn thiện, Kiwi tìm đến Rice Creative bày tỏ của mình về thiết kế album. Sau ba lần hợp tác thành công, Kiwi hoàn toàn tin tưởng vào sức sáng tạo không giới hạn của Rice. Nhưng lần này, cô kỳ vọng một sự khác biệt trong phần hình ảnh, bởi lẽ chất nhạc của Suboi trong 2.7 cũng như những album tiếp theo đã rẽ theo một hướng rất khác.
“Người ta gọi Suboi là “nữ hoàng hip-hop Việt Nam” và hình ảnh của Suboi cũng đã ở khắp mọi nơi. Nhưng đó không phải là thứ Suboi muốn. Sự nghiệp của Suboi thật sự đã trải qua rất nhiều thăng trầm và âm nhạc của cô cũng trưởng thành từ đó. Thế nên, lần trở lại này, Suboi muốn người ta lắng nghe và đồng cảm với những gì cô hát,” Kiwi giải thích, “thêm vào đó, chúng tôi cũng không muốn đầu tư quá nhiều vào hình ảnh cho album này, nên nếu được, chúng tôi muốn cắt giảm bớt khâu hình ảnh.”
Sau khi nghe Kiwi bày tỏ, Greg, giám đốc sáng tạo của Rice vừa mừng vừa lo. Mừng vì không phải nhà thiết kế nào cũng có dịp làm việc với những dự án pha trộn giữa âm nhạc và mỹ thuật. Mừng vì nghĩ tới những hình ảnh mình thiết kế sẽ được trưng bày trên Apple Music và iTunes. Nhưng lại lo vì làm sao để lột tả được “nốt lặng” của Suboi, làm sao để gây ấn tượng với khán giả trong nước và cả quốc tế, đặc biệt là ở Mỹ, cái nôi của thể loại hip-hop và làm sao để trở thành một phần của nền âm nhạc rộng lớn đó mà vẫn mang dấu ấn riêng của một Suboi đến từ Việt Nam?Ngoài những trăn trở đó, Rice cũng băn khoăn về chi phí đầu tư và cả thời gian hoàn thành dự án. Đối với một công ty chuyên đảm nhận các dự án hoạch định chiến lược và hình ảnh thương hiệu kéo dài hàng tháng đến hàng năm ròng, việc xây dựng một hình ảnh chỉnh chu trong vòng hai tháng quả là một điều không dễ, nhất là khi họ cần phải đào sâu về cội nguồn và chất thẩm mỹ riêng của Jazz. Nhưng sau cùng, Greg vẫn khẳng định chắc nịch: “Chúng tôi muốn trở thành một phần của dự án mang đầy ý nghĩa và cảm hứng này!”
Hành trình tìm kiếm ý tưởng cho 2.7 bắt đầu. Vì cắt bỏ khâu hình ảnh, Rice buộc phải lật lại những tấm hình cũ của Suboi trên Instagram. Trong quá trình tìm kiếm, họ luôn liên tưởng đến hình ảnh về người nghệ sĩ sau ánh hào quang, không trang điểm, không cầu kỳ. Họ muốn có góc nhìn “đời thường” nhất về Suboi. Instagram của Suboi không thiếu những hình ảnh đời thường, từ hình cô ngồi quán cóc đến hình cô tinh nghịch làm trò, nhưng vẫn chưa phải là thứ “đời thường” mà họ tìm kiếm.
“Chúng tôi muốn một thứ gì đó gợi nhắc đến Sài Gòn và Việt Nam nữa. Bởi xét cho cùng, hip-hop bắt nguồn từ những nơi thành thị tấp nập như vậy!”, Greg tâm sự. Cuối cùng họ dừng lại trước hình ảnh Suboi chụp trong một lần về thăm gia đình. Trong tấm ảnh đó, Suboi mang khẩu trang và ngồi bắt chéo chân trên một chiếc xe máy gạt chân chống – một chất “Việt Nam” không lẫn vào đâu được. Rất nhanh chóng, hình ảnh chỉ vỏn vẹn 500 pixel lấy từ Instagram được chọn làm ảnh bìa album.
Nhưng để tăng độ “chất” cho hình ảnh, Rice quyết định chụp lại bức hình và chỉnh thành trắng đen. Sau vài lần in thử, chất lượng hình ảnh vẫn còn “nét” quá so với tưởng tượng, họ chạy đến một tiệm photocopy và cố tìm cái máy cũ nhất trong tiệm để in. Kết quả cho ra một tấm hình khổ to với màu mực rạn nứt và nổi vân, không khác gì những tấm ảnh chụp bằng phim cũ. Đó mới đúng là thứ Rice luôn tìm kiếm.Lật lại những bìa đĩa Dark Jazz cũ, dễ thấy nét chung là hình ảnh người nghệ sĩ, thành phố và sắc xanh chủ đạo. Rice muốn 2.7 cũng mang một màu “Jazz” như thế – trên nền hình ảnh đã được chọn, có hai sọc xanh dương song song với nhau, một sọc có tên của Suboi, sọc còn lại mang tên album 2.7, được viết bằng phông chữ Brutalist (trong tiếng Pháp có nghĩa là “mộc mạc”).
Sau hai tháng làm việc không ngừng nghỉ, 2.7 ra mắt người nghe với tấm hình mới nhìn tưởng đùa. Khi được hỏi về phản ứng của khán giả với hình ảnh đó, Greg tâm sự: “Tôi biết hình ảnh đó có thể không phải là điều khán giả mong đợi. Nhưng sau tất cả, ý nghĩa của album này là về một Suboi thật, thật với bản thân, thật với âm nhạc. Và hình ảnh của album cốt là để nói lên cái “thật” ấy, vậy tại sao nó phải được trau chuốt cầu kỳ?”, anh nói tiếp, “khi khán giả hiểu được câu chuyện, họ đón nhận album nhiều hơn, mặc dù có thể không nhiều như những gì chúng tôi từng đạt được. Nhưng đó không phải là thước đo cho sự thành công. Quan trọng hơn cả là, chúng tôi tìm ra những người cộng sự cùng chung chí hướng và sẵn sàng giúp đỡ nhau trong chặng được phía trước. Đó mới là thành công lớn nhất!”Nói về thành công, đối với Kiwi: “Lần hợp tác này có ý nghĩa rất lớn lao bởi nó là tâm huyết của rất nhiều người. Đầu tiên, dĩ nhiên là Suboi, người đã bắt đầu dự án này và là lý do để mọi người có dịp ngồi lại với nhau. Cảm ơn vì sau 10 năm vẫn giữ nguyên niềm đam mê và sự cống hiến cho âm nhạc. Cảm ơn Ole Maa và Chi-Chi Ton vì đã mang những giai điệu đầy cảm xúc đến đây. Cảm ơn Rice Creative đã thiết kế những hình ảnh đơn giản mà đầy ý nghĩa. Cảm ơn chú Tân vì đã để tụi con được sử dụng phòng thu của chú. Cảm ơn Daniel Tureck vì những bản hòa âm phối khí tuyệt vời. Và cuối cùng, cảm ơn anh Bảo Nguyễn và chị Vân Hương vì đã luôn theo sát hành trình của chúng tôi.”
Cảm ơn toàn bộ êkip thực hiện mini album SUBOI 2.7 đã giúp Vietcetera thực hiện bài viết này.
Bài viết được dịch bởi Minh Nguyen.