1. Chuyện gì đã xảy ra?
Trong tuần cuối cùng của năm 2022, giải Vô địch Cờ nhanh và Cờ chớp đã diễn ra tại Kazakhstan. Chức vô địch ở cả hai hạng mục nhanh và chớp đều thuộc về kỳ thủ người Na Uy Magnus Carlsen, và đây đã là danh hiệu vô địch cờ nhanh và cờ chớp thứ 3 của Carlsen.
Chiến thắng của Magnus Carlsen không phải là một tin bất ngờ, bởi anh hiện đang là đương kim vô địch ở thể thức cờ truyền thống và có thứ hạng cao nhất trên bảng xếp hạng của Liên đoàn Cờ vua Thế giới (FIDE). Với chiến thắng tại Kazakhstan, đây đã là lần thứ ba Magnus Carlsen giữ chức vô địch ở ba hạng mục cờ nhanh, cờ chớp, và cờ truyền thống.
Đại dịch Covid-19 và sự thành công của series The Queen’s Gambit đã khiến nhiều người trên thế giới tìm tới cờ vua như một hình thức giải trí. Bộ môn thể thao này đang phát triển theo nhiều hướng khác nhau, và thị trường cờ vua đang rộng mở cho các công ty và các tổ chức thể thao khai thác.
2. Ai là "vua" của thị trường cờ vua?
Bên cạnh việc thi đấu, Magnus Carlsen còn sở hữu một công ty chuyên phát triển các phần mềm chơi cờ, học cờ, và tổ chức giải đấu mang tên Play Magnus Group. Trong tháng 12 vừa qua, trang web chơi cờ vua lớn nhất thế giới là Chess.com đã mua lại công ty này
Trước khi thương vụ mua bán này diễn ra, thị trường cờ vua trực tuyến là sự giằng co giữa Chess.com và một nền tảng khác là chess24 - nền tảng chơi cờ trực tuyến lớn thứ hai thế giới và là một sản phẩm của Play Magnus Group.
Việc Chess.com thâu tóm công ty của Magnus có ý nghĩa lớn, bởi công ty này không chỉ nắm giữ chess24 mà còn sở hữu hơn 10 website hay phần mềm chơi cờ trực tuyến, ứng dụng học cờ vua, và cả bản quyền cho một số giải đấu. Sự thâu tóm này đồng nghĩa với việc toàn bộ các bên cạnh tranh trên thị trường cờ vua trực tuyến đã thuộc về tay Chess.com.
Nhiều người quan ngại rằng sự độc quyền này có thể dẫn tới một số hệ lụy tiêu cực. Tuy nhiên, trong khoảng 3 năm vừa qua, Chess.com đã thực hiện tốt vai trò phát triển cộng đồng thông qua nền tảng chơi cờ của mình và việc tổ chức nhiều giải đấu ở quy mô khác nhau.
Vì thế, sự tập trung “quyền lực” và tài nguyên vào tay Chess.com cũng có thể là một bước đi tốt để cộng đồng cờ vua toàn cầu phát triển.
3. Có kẻ nào đang muốn đánh đổ "nhà vua?"
Vào tháng 10/2022, kỳ thủ chuyên nghiệp người Mỹ Hans Niemann chính thức đâm đơn kiện Magnus Carlsen, công ty Play Magnus Group, và Chess.com cùng người đứng đầu vì cáo buộc xúc phạm nhân phẩm và làm tổn hại danh dự người khác. Anh yêu cầu bồi thường ít nhất 100 triệu đô từ các bị đơn.
Nguồn cơn của vụ việc này xuất phát từ trận đấu giữa Magnus Carlsen và Hans Niemann tại giải đấu Sinquefield Cup vào tháng 9/2022. Dù cầm quân đen nhưng Hans Niemann - khi ấy mới chỉ 19 tuổi - đã thắng đương kim vô địch thế giới.
Ngay sau trận thua này, Magnus Carlsen bỏ giải dù còn nhiều vòng đấu nữa mới kết thúc. Trong thông báo bỏ thi đấu của mình, nhà vô địch gián tiếp ám chỉ rằng Hans Niemann thắng vì anh đã gian lận.
Một thời gian sau, Chess.com bổ sung dẫn chứng cho cáo buộc của Magnus bằng cách chỉ ra rằng đơn vị này từng phát hiện Hans Niemann gian lận hai lần trong hai giải đấu trực tuyến chỉ dành cho vận động viên có danh hiệu do Chess.com tổ chức, và có thể đã gian lận nhiều lần khác.
Hans không những không phủ nhận cáo buộc của Chess.com, mà còn có những chia sẻ rất thẳng thắn về hai lần phạm lỗi đó. Tuy nhiên, anh một mực khẳng định mình không gian lận khi đấu với vua cờ Carlsen.
Cả Magnus Carlsen lẫn Chess.com đều có những hành động và phát ngôn mang tính cáo buộc, do đó Niemann quyết định khởi kiện để bảo vệ sự nghiệp thi đấu của mình.
4. Cờ vua đã thay đổi thế nào trong khoảng 20 năm qua?
Khi công nghệ in ấn hàng loạt ra đời tại châu Âu, cuốn sách bằng tiếng Anh thứ hai được in ra sau Kinh Thánh chính là một cuốn sách về cờ vua. Từ một bộ môn quý tộc thời trung đại, cờ vua đã lan ra toàn thế giới với một lực lượng người chơi đông đảo thuộc tất cả các tầng lớp.
Sự thay đổi lớn nhất đối với cộng đồng cờ vua có lẽ là các nền tảng chơi cờ trực tuyến. Từ chỗ chỉ có những giải đấu trực tiếp nơi các kỳ thủ thi đấu với bàn cờ và quân cờ thực, tới nay đã có rất nhiều giải đấu trực tuyến hoặc nửa trực tuyến. Từ góc nhìn này, cờ vua càng ngày càng giống một bộ môn thể thao điện tử.
Bên cạnh đó, sự phát triển của công nghệ máy tính và trí tuệ nhân tạo cũng đã mang tới những tác động không ngờ. Từ khi siêu máy tính Deep Blue chiến thắng Đại kiện tướng Garry Kasparov vào năm 1997, các phần mềm chơi cờ và phân tích cờ vua đã trở nên siêu việt hơn rất nhiều, tới mức không một con người nào - kể cả nhà vô địch hiện tại - có thể đánh bại siêu máy tính cờ vua.
Chính vì thế, máy tính và những phân tích của nó trở thành kim chỉ nam cho nhiều kỳ thủ chuyên nghiệp. Họ bắt đầu sử dụng máy tính vào việc chuẩn bị các thế cờ, phân tích ván cờ cũng như các nước đi, hay là tìm ra điểm mạnh và điểm yếu của đối thủ. Gần như tất cả các kỳ thủ chuyên nghiệp đang thi đấu ở cấp độ cao nhất đều luyện tập và làm việc với máy tính để nâng cao trình độ - điều mà thế hệ kỳ thủ trước họ không có.
5. Ngành công nghiệp máy tính được lợi từ cờ vua như thế nào?
Chiến thắng của Deep Blue trước Garry Kasparov đánh dấu lần đầu tiên một phần mềm máy tính chiến thắng con người trong môn cờ vua, hay trong bất cứ bộ môn nào. Các nhà phát triển công nghệ máy tính và nghiên cứu AI cho rằng cờ vua là một công cụ tốt để phát triển trí tuệ nhân tạo.
Từ những AI cờ vua, người ta đã rút ra nhiều kinh nghiệm trong việc phát triển trí tuệ nhân tạo. Ngay cả cha đẻ của máy tính hiện đại là Alan Turing cũng đã từng sử dụng cờ vua để đo lường khả năng của thiết bị mà ông tạo ra. Bản thân cờ vua cũng là một đối tượng học tập và nghiên cứu hoàn hảo cho “máy học” (machine learning).
Nếu như chiến thắng của Deep Blue là kết quả của khả năng phân tích hơn 200 ngàn thế cờ có sẵn trong vài tíc tắc, thì những siêu máy tính cờ vua hiện đại như Stockfish hay AlphaZero lại có khả năng tự suy luận và đưa ra logic của riêng mình, chứ không chỉ dựa vào những dữ liệu nhập sẵn.