Ngay từ khi còn nhỏ, Lưu Việt Anh đã bộc lộ niềm đam mê với thiết kế thời trang và tham gia nhiều cuộc thi thiết kế cùng thời với những cái tên lớn như Lâm Gia Khang, Hà Nhật Tiến, Hoàng Minh Hà. Anh đã từng học chuyên ngành thời trang ở đại học Văn Lang và tốt nghiệp tại học viện thiết kế & thời trang London tại Hà Nội.
Ngày 01/01/2021, thương hiệu LUU VIETANH ra đời, thổi một làn gió mới tươi mát vào thị trường thời trang nữ, cụ thể là thị trường túi xách lúc bấy giờ. Những chiếc túi Ầu Ơ, Mầm, Đậu Đũa, Gióng, Xập Xòe với thiết kế lạ lẫm cùng những giai thoại cổ tích ẩn giấu bên trong đã ngay lập tức tạo được tiếng vang và liên tục được săn đón không chỉ bởi giới trẻ mà còn cả những quý cô lớn tuổi.
Là một dấu ấn của thương hiệu, câu chuyện văn hoá Việt đã sớm được nhà thiết kế trẻ Lưu Việt Anh nghiên cứu và khai thác từ thời sinh viên. Không chạy theo xu hướng, Lưu Việt Anh chọn kể câu chuyện Việt Nam với một góc nhìn riêng mà “chỉ mình nhìn thấy chứ chưa chắc mọi người đã thấy". Cảm hứng của nhà thiết kế trẻ Lưu Việt Anh đến từ những điều nhỏ nhặt, gần gũi trong cuộc sống thường nhật như lời ru của mẹ, con trâu của người nông dân Việt, bó đậu đũa xanh mướt trên gánh hàng ngoài chợ…
Anh sẽ dùng sản phẩm nào của LUU VIETANH để nói về bản thân mình?
Mình sẽ chọn túi Ầu Ơ, một trong những chiếc túi đầu tiên được ra mắt của LUU VIETANH. Ai mà chẳng lớn lên bên tiếng “Ầu Ơ" của mẹ. Chiếc túi cũng như LUU VIETANH, chập chững đi những bước đầu tiên rồi ngày một lớn dần.
Ầu Ơ cũng thể hiện được tính thơ thẩn của con người mình. Với chất liệu nhung lụa, chần bông và hình dạng tựa như chiếc gối êm ả, khoác Ầu Ơ lên vai như được dạo bước giữa mùa hè Indochine, tươi mát, mộc mạc và quyến rũ.
Khi bế tắc hay cạn kiệt ý tưởng, anh thường làm gì?
Hơi khác người, nhưng mình thường tìm về những nỗi buồn. Người ta thường nói, nỗi buồn hay khiến ta trở nên đa sầu đa cảm hơn, khoảng thời gian đó luôn là chất liệu tuyệt vời để mình sáng tạo những sản phẩm có cảm xúc, có tâm hồn hơn.
Anh thường nghe nhạc gì khi thiết kế?
Mình thường nghe nhạc của Sufjan Steven khi thiết kế, những bài nhạc của ông gợi lên tất cả các giác quan - thị giác, thính giác và thậm chí cả khứu giác. Mình có thể tưởng tượng nên toàn cảnh không gian để tạo nên cảm xúc khi thiết kế.
Khi nào anh biết một thiết kế đã hoàn thành và anh đã dành đủ thời gian cho nó?
Một sản phẩm chứa đựng được cảm xúc, tâm hồn của mình hoặc kể trọn vẹn được một câu chuyện, đối với mình, là hoàn thiện dù nó mới chỉ nằm ở trên bản phác thảo.
Chất liệu văn hoá Việt Nam được thể hiện như thế nào trong thiết kế của anh?
Hiện tại, chất liệu cho những thiết kế của mình mới nằm ở câu chuyện là chính. Trong tương lai mình mong muốn sử dụng thêm chất liệu vải của Việt Nam, do người Việt sản xuất để có thể đưa khách hàng, đặc biệt là thế hệ trẻ tiếp xúc gần hơn với những chất liệu đang dần bị mai một. Trước đây mình cũng đã từng kết hợp với Hanoia trong một bộ sưu tập phụ kiện với lụa Lãnh Mỹ A là chất liệu chủ đạo.
Giữa kỹ năng và phong cách, đâu là thứ anh tập trung phát triển trước?
Mình cảm thấy may mắn khi năng khiếu thời trang đã được bộc phát từ nhỏ, phong cách là bản năng đi theo sự phát triển của bản thân một cách tự nhiên nhất nên mình vẫn ưu tiên phát triển kỹ năng trước. Dù câu chuyện của mình hay như thế nào, sản phẩm của mình nhìn đẹp đến đâu, chất lượng tốt mới là yếu tố giúp một thương hiệu đi lâu dài. Kỹ năng tốt cũng giúp mình hiện thực hoá được nhiều ý tưởng một cách thăng hoa nhất.
Thời điểm mình mới bắt đầu với LUU VIETANH, xưởng sản xuất túi ở Việt Nam khá khan hiếm vì thị trường này chưa được khai thác nhiều. Với sản phẩm có tính chất thiết kế cao cũng cần những người thợ dám thử và dành thời gian nghiên cứu.
Nhiều xưởng cũng từ chối những ý tưởng của mình vì quá phức tạp. Mình đã sử dụng kiến thức của bản thân để có thể đưa ra giải pháp thuyết phục xưởng cùng thực hiện hoá sản phẩm. Nếu trước đây phải mất vài tháng để đưa một chiếc túi từ trên bản phác thảo ra thị trường vì thời gian sản xuất quá lâu thì nay đã nhanh hơn nhiều vì sự đồng điệu trong cách làm việc của xưởng và mình sau một khoảng thời gian kết hợp.
Anh đã từng cố chạy theo phong cách không phải của mình chưa?
Mình đã từng có khoảng thời gian cố chạy theo phong cách không phải của mình để đáp ứng được thị hiếu của thị trường, đó là khoảng thời gian đầu mình nghiên cứu trong kinh doanh thời trang trước khi chính thức khởi đầu bằng thương hiệu túi xách LUU VIETANH. Và mình nhận ra khi bạn là chính mình thì bạn mới có cơ hội thuyết phục được thị trường thời trang đang thay đổi từng ngày với nhiều sự lựa chọn khác nhau.
Trong công việc của anh, đâu là điều vui nhất?
Điều hạnh phúc bây giờ là mình được thể hiện cảm xúc thông qua sản phẩm của mình. Khi nhìn lại những đồ án từ thời đi học, mình thấy nó gói ghém trọn vẹn những cảm xúc của mình thời đó. Có một khoảng thời gian mình đối mặt với trầm cảm mà không thể tâm sự được với ai, thời trang đã trở thành nơi để mình giãi bày, chia sẻ.
Đâu là nhà thiết kế thời trang có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất tới anh?
Từ ngày còn nhỏ, mình đã “thần tượng" Alexander McQueen bởi những bộ đồ của ông không chỉ mang tính thời trang mà còn mang tính câu chuyện. Mỗi lần ngắm nhìn những thiết kế của McQueen, mình đều có cảm giác bên trong chúng ẩn chứa những câu chuyện sâu xa mà mình không nhìn thấy được.
Ví dụ trong bộ sưu tập “Horn of Plenty" (Thu Đông 2010), McQueen đã chỉ trích chủ nghĩa tiêu dùng đại chúng bằng cách tái chế kho lưu trữ của riêng mình. Bộ sưu tập hoàn chỉnh cuối cùng của McQueen, mang tên “Plato’s Atlantis” (Xuân - Hè 2010), là sự tưởng tượng của ông về một thế giới bị đại dương nuốt chửng.
Nếu một ngày không thiết kế thời trang nữa, anh sẽ làm gì?
Nếu là vài năm trước, hỏi Lưu Việt Anh làm gì nếu không làm thời trang thì mình… chịu. Nhưng sau một khoảng thời gian xây dựng thương hiệu, mình nghĩ mình cũng có chút khiếu làm nội dung, marketing. Mình thích viết, thích xây dựng những câu chuyện mang tính cộng đồng lắm. Thời gian tới mình có thể cho LUU VIETANH hợp tác với một tổ chức xã hội nào đó.