Được chuyển ngữ từ bài viết “Find What You Love and Let It Kill You” đăng tải trên blog cá nhân của tác giả Mark Manson.
Chúng ta, tôi và bạn - đều sẽ chết. Như Benjamin Franklin nói, cái chết và thuế là điều chắc chắn duy nhất trong cuộc sống này.
Nhưng vấn đề không phải là khi nào bạn sẽ chầu trời, bởi đằng nào lúc đó bạn cũng chẳng quan tâm mình đã làm gì trên đời nữa. Câu hỏi thú vị ở đây là, bạn sẽ chết như thế nào? Do ung thư, nhồi máu cơ tim, vũ khí sinh học hay bị nghẹn do bánh pretzel?
Như tôi thì đã có những lúc máy bay đi qua thời tiết xấu, tôi mường tượng ra cảnh nó mà rơi sẽ thế nào. Mặt nạ dưỡng khí rơi xuống, phụ nữ la hét, trẻ con khóc váng trời. Có thể tôi sẽ nắm chặt tay một người lạ và cùng nhau chờ đợi điều không thể tránh khỏi. May mắn là điều đó chưa xảy ra, nhưng nó khiến tôi nhận ra một chi tiết thú vị.
Khi nói về cái chết, ta thường chỉ nghĩ đến những khoảnh khắc cuối cùng: giường bệnh, xe cấp cứu hay tiếng la khóc của mọi người. Ta hoàn toàn không nghĩ về những lựa chọn hay thói quen dài hạn dẫn đến những giây phút đó.
Thực tế cái chết là cả một quá trình diễn ra suốt cuộc đời. Từng hơi thở, từng miếng ăn, ngụm nước, từng đêm thức khuya, từng tiếng cười, tiếng khóc và tiếng thở dài cô đơn đều mang chúng ta đến gần hơn một bước tới giây phút ta từ biệt thế giới này.
Thế nên câu hỏi thú vị không phải là khi nào bạn sẽ tới cửa tử, mà là bạn chọn đi phương tiện gì để đến đó. Nếu mỗi việc bạn làm đều đưa bạn gần hơn đến cái chết theo cách độc đáo và tinh tế của riêng nó, thì bạn chọn cái gì để “sống mòn” suốt phần đời còn lại?
Song hành cùng đam mê là nỗi đau
Nhà văn, nhà thơ nổi tiếng Charles Bukowski từng có câu nói nổi tiếng “Tìm ra điều bạn yêu, và để nó giết bạn”. Ông nghiện rượu, có tình sử lăng nhăng và đốt không ít tiền vào đánh bạc. Thậm chí đã có lúc ông say khướt và chửi tục khán giả của mình ngay trên sân khấu.
Nhưng ẩn sau vẻ ngoài ghê tởm đó, ông là người sâu sắc, cá tính và sống thiên về nội tâm. Ông sống gần như cả đời trong cảnh say xỉn, túng quẫn và bị sa thải vô số lần trước khi xin được việc ở bưu điện. Ông viết rất nhiều nhưng hầu như không có kết quả, và phải 30 năm sau khi bắt đầu nghiệp viết, ông mới xuất bản được cuốn sách đầu tiên.
Khi nhận được hợp đồng xuất bản ấy, ông đã viết: “Tôi có 2 lựa chọn - ở lại bưu điện và hóa điên, hoặc ra làm nhà văn và chết đói. Và tôi đã chọn cái thứ 2”.
Đối với tôi, không gì có thể sánh với sự trung thực của Bukowski khi viết về nỗi sợ, thất bại, hối tiếc, rối loạn cảm xúc và thậm chí những hành vi hủy hoại bản thân của ông. Ông thẳng thắn nói về những điều này mà không hề nao núng. Ông bình thản viết về cả niềm tự hào và nỗi xấu hổ, như một cách thầm lặng để thể hiện con người vừa đẹp đẽ, lại vừa kinh khủng của mình.
Điều Bukowski hiểu rõ (mà đa số mọi người không hiểu) là những điều tuyệt vời nhất cuộc đời có thể vô cùng xấu xí. Cuộc đời vốn lộn xộn, và chúng ta đều gặp rắc rối theo cách của riêng mình. Bạn không thể có hòa bình, hạnh phúc hay tình yêu mà không có đau đớn. Bạn cũng không thể tìm thấy ý nghĩa hay sự sâu sắc nếu không có hy sinh.
Ý niệm về mục đích sống đã trở nên phổ biến trong những năm gần đây. Giờ chúng ta không chỉ muốn kiến tiền hay xây dựng sự nghiệp, mà còn muốn làm điều gì to tát lớn lao để người đời chú ý. “Ý nghĩa” trở thành thứ tài sản xa xỉ mới trong thời đại này.
Đã là thứ xa xỉ thì sẽ được tôn thờ và lý tưởng hóa. Chúng ta được dạy rằng chỉ cần tìm ra thứ mà ta có “sứ mệnh” hoàn thành, thì mọi việc tự khắc đâu sẽ vào đó. “Sứ mệnh” ấy sẽ đồng hành bên bạn đến khi bạn lìa trần, để khiến bạn luôn hạnh phúc ở trên chín tầng mây. Nhưng thực tình có mấy ai biết được đời này mình phải làm gì?
Bạn có thể làm bản đồ tư duy để vạch ra một số ý tưởng, nhưng việc tìm ra ý nghĩa cuộc đời hoàn toàn không dễ dàng. Thử tưởng tượng nó giống như leo một ngọn núi, nhưng bạn phải băng qua nhiều vũng bùn và những cơn mưa. Bạn không được phép bỏ cuộc, thậm chí còn phải học cách yêu thích nó.
Việc tìm ra niềm đam mê và ý nghĩa cuộc đời là một thử thách liên tục. Bạn phải thử một điều gì đó, chú ý đến cảm giác nó mang tới, điều chỉnh và thử lại lần nữa.
Gần như không ai tìm được nó ngay lần đầu tiên cả. Thậm chí sau 10 lần, 100 hay 1000 lần thử, có khi bạn vẫn chưa tìm ra cái gì “đúng” với mình. Và đến khi bạn tìm ra, nó có thể thay đổi vào một ngày đẹp trời - bởi chính bạn cũng thay đổi.
Việc viết rất dễ dàng: tất cả những gì bạn phải làm là nhìn chằm chằm vào tờ giấy, cho đến khi những giọt máu đọng trên trán.
- Gene Fowler
Một điều khác mà Bukowski hiểu hơn đa số chúng ta, là không phải lúc nào làm điều ta yêu cũng đồng nghĩa với yêu điều ta làm. Sự hy sinh vốn luôn là một phần của đam mê. Điều này cũng giống như việc chọn bạn đời. Bạn chọn người ấy không phải vì họ luôn làm bạn hạnh phúc, mà vì bạn vẫn muốn ở bên họ ngay cả khi họ bất đồng với bạn.
Chẳng có gì là hoàn hảo, và đam mê cũng vậy. Nó chính là phương tiện bạn đã vui vẻ lựa chọn để đi đến cửa tử. Nhưng bạn đừng nghĩ rằng, đó sẽ là một chuyến đi thuận buồm xuôi gió mà bạn không gặp trở ngại gì.
Chẳng hạn bạn học về ngôn ngữ trị liệu, và cảm thấy hứng thú với việc lồng tiếng. Vậy là bạn trở thành diễn viên lồng tiếng cho phim hoạt hình trẻ em. Rồi đến tuổi ngũ tuần thì bạn nhận ra rằng, những bộ phim này bị lợi nhuận tư bản hủy hoại. Vậy là bạn dành cả phần đời còn lại vẽ những mẩu truyện bạn thích, nhưng không bao giờ xuất bản chúng.
Rất hiếm người “rơi vào yêu” ngay từ cái nhìn đầu tiên, và cũng gần như không ai tìm ra đam mê và ý nghĩa đời mình ngay lần thử đầu tiên. Nếu đam mê là một tòa nhà, bạn sẽ đổ nhiều mồ hôi và nước mắt để đào móng và đắp từng viên gạch cho đến khi nó có thể tự đứng vững.
Một khi bạn đạt được cảnh giới đó, bạn sẽ sống cuộc đời một cách vô tư. Bởi như Bukowski từng nói, “chúng ta ở đây để cười vào gian khó và sống đẹp tới mức Thần chết sẽ phải run rẩy khi đón ta đi.”