Hoàng hôn và bình minh luôn được xem như “một món quà” duy mỹ mà mẹ thiên nhiên mang lại. Hình ảnh bầu trời dần chuyển màu với những tầng mây đa sắc luôn là thứ ma lực hấp dẫn con người. Vì lẽ đó mà nhiều người thường cố gắng tìm các vị trí thật cao và thoáng đãng để được ngắm nhìn hai khoảnh khắc ấy một cách trọn vẹn.
Thế nhưng, dưới góc độ khoa học, bình minh - hoàng hôn còn nhiều điều để nói hơn thế.
Hoàng hôn, bình minh và những ý niệm
Trong nhiều nền văn hóa, tín ngưỡng, thời khắc mặt trời mọc và lặn thường biểu trưng cho các giá trị tinh thần sâu sắc. Theo nhà tâm lý học Carl Jung, ông cho rằng bình minh là hình ảnh ẩn dụ cho sự khởi đầu của một hành trình, vì đây là giây phút bắt đầu một ngày mới ngập tràn năng lượng tích cực từ vũ trụ.
Đặc biệt, hình tượng mặt trời được nhiều quốc gia khắc họa trong chính quốc kỳ của họ như Nhật Bản, Đài Loan, Argentina, Philippines, Bangladesh, biểu trưng cho mong muốn thái bình và phồn thịnh.
Mặt khác, trong văn học Việt Nam, hình ảnh hoàng hôn cũng từng xuất hiện trong bài thơ “Qua đèo Ngang” của Bà Huyện Thanh Quan, ẩn dụ cho những chiêm nghiệm sâu lắng.
Những ví dụ trên phần nào phản ánh cảm xúc tích cực mà bình minh và hoàng hôn mang lại từ rất lâu đời. Vậy khoa học và tâm lý học hiện đại nói gì?
Vì sao chúng ta bị hấp dẫn bởi hai khoảnh khắc này ?
Theo khoa học
Dưới góc độ khoa học, chúng ta sẽ nhận ra rằng không phải tự nhiên mà chúng ta bị thu hút bởi hoàng hôn và bình minh. Những dải màu ấm luôn là thứ thu hút ánh nhìn lần đầu tiên, như màu cam đỏ rực rỡ mỗi khắc hoàng hôn.
Ánh sáng có bước sóng dài (cam, vàng, đỏ) được chứng minh là thu hút ánh nhìn hơn. Đó là lý do ta hay bị thu hút bởi màu đỏ (màu có bước sóng dài nhất). Vì vậy, màu đỏ thường được dùng làm biển cảnh báo và là màu của các thương hiệu nổi tiếng (Coca Cola, Mc Donald,...)
Quang phổ ấm còn khiến cho cơ thể cảm thấy thư giãn, bởi nó ức chế melatonin (một loại hoocmon gây buồn ngủ) giúp bạn tập trung làm việc. Ngoài ra, nó còn giải phóng cortisol giúp kiểm soát nhiệt độ cơ thể.
Theo tâm lý học
Về khía cạnh tâm lý học, mỗi màu sắc còn mang lại những cảm xúc riêng biệt. Các gam màu nóng của hoàng hôn và bình minh như đỏ, cam, vàng, hồng thường mang tới các cảm giác tích cực như ấm áp, tràn đầy năng lượng hay sự thoải mái, khoan thai,...
Ngoài ra, trong nhiều nền văn hóa, các gam màu này thường gợi đến những sự kiện vui vẻ như Tết, Giáng Sinh, Lễ tình nhân,...
Đắm chìm trong không gian tràn ngập nhiều sắc độ nồng ấm vừa đủ cũng giúp chúng ta “gột rửa” đi mọi muộn phiền và thay thế các cảm xúc tiêu cực bằng cách "thẩm thấu" năng lượng từ vũ trụ.
Hoàng hôn và bình minh giúp chúng ta trở nên thư thái hơn
Ngắm nhìn khoảnh khắc khởi đầu và kết thúc của một ngày không chỉ đơn giản là một sở thích mà còn được xem như là liệu pháp chữa bệnh hiệu quả.
Nghiên cứu cho thấy ánh sáng mặt trời giúp giảm thiểu trầm cảm theo mùa. Các bệnh nhân thường được chữa trị bằng cách đi bộ khoảng 1 tiếng dưới ánh sáng tự nhiên vào sáng sớm bởi khi đó cơ thể có cơ hội hấp thụ một lượng vitamin D nhất định trong khung thời gian “vàng”.
Năng lượng mà hoàng hôn và bình mang lại là liều thuốc giúp con người nâng cao sức khỏe tinh thần. Cụ thể, việc dành thời gian "hấp thụ" vẻ đẹp của thiên nhiên giúp con người trở nên hòa đồng, thấu cảm, cởi mở và tăng mức độ hài lòng với cuộc sống.
Ngoài ra, dựa trên một thí nghiệm được tiến hành năm 2008, nhóm người tham gia được xem các video về quang cảnh thiên nhiên đã thể hiện tốt hơn trong bài kiểm tra lùi khoảng chữ số (digit span backward), dùng để đo hiệu quả ghi nhớ.
Kết
Không ngạc nhiên khi khoảnh khắc giao thoa giữa ngày và đêm luôn được mọi người săn đón dù là ở phố thị hay thôn quê. Bởi chính những giây phút đắm chìm với thiên nhiên đó đã khiến cho tâm hồn và khối óc chúng ta được ngơi nghỉ và ngắm nhìn vào sâu bên trong bản thân hơn.