Kể chuyện lịch sử Hà Nội qua các công trình kiến trúc | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Kể chuyện lịch sử Hà Nội qua các công trình kiến trúc

Một cách tiếp cận khác biệt về lịch sử Hà Nội qua những công trình kiến trúc nơi đây.
Kể chuyện lịch sử Hà Nội qua các công trình kiến trúc

Nguồn: Trần Hải Anh

Ngày 6/12, Tập đoàn Sun Group và Công ty CP Xây dựng Kiến trúc AA đã ra mắt cuốn sách Kiến trúc Hà Nội – Giao thoa văn hóa Việt – Pháp tại Hà Nội. Vượt qua giá trị của một cuốn sách nghệ thuật, đây có thể xem như một công trình nghiên cứu lịch sử được thực hiện dưới góc nhìn trẻ và đầy tính nghệ thuật về kiến trúc Hà Nội qua các thời kỳ.

Dự án được thực hiện từ năm 2022 bởi tiến sĩ – nhà nghiên cứu - KTS Trần Quốc Bảo - hiện là giảng viên trường Đại học Xây Dựng Hà Nội. Sách được dịch sang tiếng Pháp bởi dịch giả Thẩm Yến Linh, phần hình ảnh do nhiếp ảnh gia Lê Hoàng thực hiện. Chủ nhiệm dự án là Trần Hải Anh, được biết đến tại Việt Nam qua cuốn truyện tranh Sống (NXB Kim Đồng, 2023).

7dec2024khah6568jpg
Sách Kiến trúc Hà Nội – Giao thoa văn hóa Việt – Pháp. | Nguồn: Trần Hải Anh

Chuyến du hành Hà Nội ngược thời gian

Giống như thước phim đưa bạn du hành ngược thời gian, Kiến trúc Hà Nội – Giao thoa văn hóa Việt – Pháp đem đến cái nhìn toàn cảnh về kiến trúc Hà Nội qua 18 công trình tiêu biểu đại diện các thời kỳ khác nhau:

  • Phần 1: Kiến trúc Thăng Long – Hà Nội xưa.
  • Phần 2: Kiến trúc Hà Nội thời Pháp thuộc với 06 phong cách điển hình là Beaux-Arts, Art Deco, Đông Dương, Kiến trúc Thép và Gothique.
  • Phần 3: Kiến trúc Hà Nội sau năm 1954.

Từ kiến trúc Thăng Long – Hà Nội xưa ở thế kỷ XVIII trở về trước với “lối xưa xe ngựa hồn thu thảo”, sự tiếp thu tinh hoa của kiến trúc phương Tây thời Pháp thuộc đến sự giao thoa nhuần nhuyễn giữa kiến trúc thế giới với văn hóa bản địa, mỗi cứ liệu lịch sử đều được nhóm tác giả diễn giải hết sức nhẹ nhàng, dễ hiểu và giàu cảm xúc.

Chẳng hạn ở Phủ Chủ tịch, sự tráng lệ điển hình của phong cách Beaux-Arts lại có những họa tiết cổ truyền Việt Nam. Hay như tòa Ngân hàng Nhà nước vốn theo phong cách Art Deco, song vẫn có những hoa văn chữ Hán cách điệu. Những giao thoa này cho thấy, văn hóa Việt có giá trị và ảnh hưởng nhất định tới nền kiến trúc có bề dày lịch sử đáng ngưỡng mộ như kiến trúc Pháp.

7dec2024chitiathoavntrangtrahanhchaavanacaaaihacquacgiahanaijpg
Chi tiết hoa văn trang trí hình chữ “vạn” của Đại học Quốc gia Hà Nội. | Nguồn: Công ty Cổ phần Xây dựng Kiến trúc AA

Một Hà Nội vừa quen, lại vừa lạ

Đi qua mỗi phần của Kiến trúc Hà Nội – Giao thoa văn hóa Việt – Pháp, người đọc thấy vừa quen lại vừa lạ. Quen bởi những công trình vốn đã quá đỗi thân thuộc với Hà Nội, lạ vì có những giá trị lịch sử lần đầu được biết đến. Nhưng sau cùng, đọng lại ở mỗi câu từ, hình ảnh trong cuốn sách là một tình yêu Hà Nội sâu đậm, da diết được khắc họa bằng những đường nét kiến trúc, ngôn từ khúc triết và khuôn hình sống động, như thể lịch sử đang sống lại trước mắt ta.

Ông Nguyễn Quốc Khanh – Chủ tịch Công ty CP Xây dựng Kiến trúc AA chia sẻ: “Kiến trúc là đỉnh cao của sáng tạo thông qua việc tổng hợp nghệ thuật tạo hình và khoa học xây dựng. Kiến trúc của một quốc gia là một phần văn hóa và lịch sử của quốc gia đó. Với mong muốn gìn giữ những di sản kiến trúc vô cùng quý giá do lịch sử đem lại cho Hà Nội, chúng tôi đã quyết tâm làm cuốn sách này với một cách tiếp cận và cách làm hoàn toàn mới so với những cuốn sách về kiến trúc đã có trước đó”.

Cũng theo ông Khanh, đội ngũ thực hiện cuốn sách phần lớn là người trẻ ở độ tuổi 30. Họ mang đến cách tiếp cận nghiên cứu sáng tạo, mới mẻ và hiện đại. Vù vậy, cuốn sách hứa hẹn không chỉ cung cấp những giá trị chuyên môn sâu sắc và giới thiệu nhiều hình ảnh quý hiếm chưa từng được công bố, mà còn được trình bày một cách hấp dẫn, dễ tiếp cận, phù hợp với đông đảo độc giả, đặc biệt là giới trẻ, vượt ra khỏi giới hạn của cộng đồng học thuật truyền thống.

7dec2024khah7751jpg
Theo ông Nguyễn Quốc Khanh, cuốn sách được trình bày theo cách hấp dẫn, dễ tiếp cận, đặc biệt với người đọc trẻ tuổi. | Nguồn: Trần Hải Anh

Tiến sĩ, kiến trúc sư Phan Đăng Sơn - Chủ tịch Hội kiến trúc sư Việt Nam viết trong lời mở đầu của cuốn sách: “Với cách thể hiện cô đọng, xuyên suốt, mô tả khá rõ con đường thăng trầm đã đi qua của kiến trúc Hà Nội, cùng với năng lực và tâm can của người viết, cuốn sách này đã đạt được mục đích: Đóng góp nhành hoa quý trong vườn hoa văn hóa xứ sở ngàn năm văn hiến, góp phần hữu ích cho sự cảm nhận chuyên môn sâu sắc”.

Kiến trúc sư Lê Thành Vinh - Nguyên Viện trưởng Viện bảo tồn Di tích Việt Nam nhận định: “Cuốn sách này, một lần nữa sẽ đưa chúng ta đến với những công trình đặc sắc đó, những di sản kiến trúc giàu giá trị trong giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX của Hà Nội. Chúng không chỉ đang giữ những chức năng quan trọng, là nhân tố góp phần hình thành vẻ đẹp kiến trúc, đô thị mà còn tạo nên khuôn hình vĩnh cửu của ký ức, điểm tựa vững chắc cho phát triển tương lai…”.

Tạo nên một cuốn sách tôn vinh vẻ đẹp kiến trúc Hà Nội theo dòng lịch sử, đó là cách mà nhóm tác giả lựa chọn để lan tỏa tình yêu và ý thức giữ gìn di sản văn hóa của thủ đô. Lối nghiên cứu, triển khai hết sức sáng tạo của đội ngũ đã tạo nên một cuốn sách chuyên về kiến trúc nhưng không hề khô khan. Bất cứ ai cầm cuốn sách lên cũng sẽ cảm nhận Hà Nội theo một cách rất khác biệt, như cách mà các tác giả của Kiến trúc Hà Nội – Giao thoa văn hóa Việt –Pháp đã và đang dẫn dắt độc giả.