Karl Lagerfeld - Đời sống “bình thường” đến thánh đường xa xỉ | Vietcetera
Billboard banner
22 Thg 04, 2023
Fashion ForumGóc Quote

Karl Lagerfeld - Đời sống “bình thường” đến thánh đường xa xỉ

Karl Lagerfeld là hiện thân của những điều đối lập. Từ phong cách thời trang chỉ có Trắng – Đen đến đời sống cá nhân và sự nghiệp sáng tạo của ông cũng vậy. 
Karl Lagerfeld - Đời sống “bình thường” đến thánh đường xa xỉ

Nguồn: StarMag

Tháng 9/2022, Vogue công bố Karl Lagerfeld: A Line of Beauty là chủ đề của Met Gala 2023. Sự kiện diễn ra vào ngày 1/5/2023 tại Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan ở New York nhằm tôn vinh cuộc đời, sự nghiệp, nét thẩm mỹ của huyền thoại quá cố.

Kể từ khi rời xa thế giới năm 2019, hình bóng của Karl vẫn luôn được nhắc nhở. Cứ đến ngày 19/2 hằng năm, trang Instagram của mèo Choupette, thú cưng nổi tiếng của nhà thiết kế lại đăng một bài viết để tưởng nhớ ông. Tổng biên tập Vogue Anna Wintour nói rằng Karl chính là nhân vật quá cố mà bà muốn nghe nhận định về đời sống xã hội hiện nay. Chanel, Fendi và cả thương hiệu Karl Lagerfeld giờ đã có những giám đốc sáng tạo mới nhưng sức ảnh hưởng và di sản mà Karl Lagerfeld để lại vẫn mãi còn.

Ngoài tài năng thiết kế, Karl còn được gọi là “Vua của trích dẫn" (King of quotes) của giới thời trang bởi những phát ngôn đặc sắc và đôi khi gây tranh cãi. Trong đó, các tín đồ thời trang vẫn xem câu nói dưới đây như là cách Karl mô tả cuộc sống và sự sáng tạo của mình:

“I am down to earth. Just not this earth”. Có thể tạm dịch là

“Tôi là người thực tế. Chỉ là không phải thực tại này”.

Sự thực tế của một thiên tài

Thế giới thời trang, sáng tạo vốn được cho là nơi của những tiệc tùng xa hoa, thú vui phù phiếm. Điều thú vị là Karl Lagerfeld tung hoành trong thế giới này nhưng ông chọn một đời sống cá nhân khác biệt. Tính cách khép kín của Karl được hình thành khi ông có một tuổi thơ bình lặng tại một ngôi làng ở Đức. Sau này lớn lên, đến Paris để bắt đầu sự nghiệp, Karl cũng có một vùng trời rất riêng.

alt
Karl Lagerfeld và Yves Saint Laurent | Nguồn: L'officiel

Theo quyển sách “Karl Lagerfeld - Cuộc đời, sự nghiệp và những bí ẩn”, Karl không thích tham gia vào những cuộc tiệc tùng rượu chè thâu đêm suốt sáng, dù người bạn thân của ông thời đó là Yves Saint Laurent lại vướng vào nghiện ngập, rượu chè. Vào những năm 1980, đại dịch AIDS tấn công vào thế giới thời trang và những người bạn của ông cũng mắc phải căn bệnh này. Nhờ lối sống kỷ luật và sự lý trí, Karl vẫn giữ cho mình tâm thế bình tĩnh để thoát khỏi thế giới hỗn loạn ấy và tập trung vào thực tế rằng ông yêu công việc. Anna Wintour từng nói Karl đánh giá cao sự cô độc, là người tận hưởng niềm vui này đến 2-3 giờ sáng.

Phần lớn thời gian của Karl được ông dùng để sáng tạo và điều hành cùng lúc ba nhà mốt với hơn 20 bộ sưu tập mới mỗi năm. Ông dành nhiều tâm sức vẽ phác thảo và để ngủ vì Karl nói rằng những bản vẽ đẹp nhất đến với ông trong giấc mơ. Tính thực tế của Karl còn nằm trong một chi tiết rằng ông thường xuống kho vải để tìm cảm hứng và sáng tạo ngay trên những vật liệu sẵn có này. Càng tạo ra những BST hào nhoáng, xa hoa, Karl lại càng trở về với thực tại. Ông nói rằng bản thân có một cuộc đời bình thường khi chỉ thích vẽ tranh, đọc sách và chăm cô mèo thân yêu.

alt
Karl miệt mài sáng tạo mỗi ngày | Nguồn: ARTE Distribution

Cái sự “down to Earth” của Karl Lagerfeld còn thể hiện qua việc ông có khối óc của một người làm marketing. Những người bạn của Karl cho biết ông ghét bị gọi là nghệ sĩ. Ông luôn nhấn mạnh rằng mình thuộc “tầng lớp lao động” - một thợ thủ công thương mại đang cố gắng hết sức để lấp đầy các cửa hàng bằng những món đồ mới và thú vị. Ông thật sự tạo ra những sản phẩm để bán chứ không chỉ để trầm trồ.

Karl rất thích đưa những yếu tố thân thuộc của đời sống vào thiết kế và nâng tầm nó trở thành phụ kiện hàng hiệu. Đó có thể là một chiếc túi hình tàu vũ trụ, những chiếc giỏ đi siêu thị Chanel, hộp phụ kiện hình băng cassette… Trong một cuộc phỏng vấn với Harper’s Bazaar, Karl từng nói rằng cách tiếp cận thời trang của ông là “những lẽ thường - common sense”. Thời trang với Karl là thứ phản ánh thời gian và môi trường. Sáng tạo theo triết lý của ông sẽ luôn có sự hợp lý, tính thiết thực và có ý nghĩa.

Một “trật tự thế giới mới” do Karl Lagerfeld tạo ra

Karl Lagerfeld đến Chanel vào năm 1983 khi nhà mốt này trên bờ vực sụp đổ. Dưới bàn tay của Karl, Chanel trở thành một “cường quốc - powerhouse” thời trang với doanh thu chục tỷ USD. Điều Karl làm tại Chanel chính là dựa trên những nền tảng có sẵn do Gabrielle Coco Chanel tạo dựng để đẩy nó đến một “hành tinh” khác với những sáng tạo và cải tiến.

Ông biến chiếc Tweed Jacket di sản dễ mặc hơn nhờ làm nó ngắn đi, kết hợp tweed truyền thống với những loại sợi mới đa dạng. Karl cũng là người sử dụng denim trên chiếc jacket cổ điển của Chanel và mở đường cho chất liệu này tiến vào thời trang cao cấp những năm 1990.

alt
Sàn diễn khổng lồ là "đặc sản" của Chanel dưới thời Karl làm giám đốc sáng tạo | Nguồn: Rosenbaumcontemporary

Karl Lagerfeld ghét nhất sự nhàm chán. Chính vì vậy, ông mang một thế giới rực rỡ, kỳ lạ đến với thực tại. Đơn cử như thời trang trước đây chỉ có những sàn runway thẳng tắp, nhưng ở “thực tại” của Karl, nó là những sàn diễn khổng lồ, siêu thực. Chẳng ai nghĩ Karl dựng nên một bãi biển có sóng nhấp nhô cho BST Xuân Hè 2019, hay dựng một trạm vũ trụ, tháp Eiffel hay một khu rừng với thác nước ngay tại Grand Palais. Ông còn táo bạo hơn khi kết hợp giữa thời trang cao cấp và bình dân (H&M, Macy’s) - điều trước nay chưa từng diễn ra.

Bên cạnh đó, tâm trí của Karl vẫn luôn chu du đến tương lai và ý thức về một thế giới tốt đẹp hơn. Điều này có lẽ bắt nguồn từ việc ông cùng gia đình trải qua Thế chiến thứ 2 và mong muốn dùng nghệ thuật để thoát khỏi thực tại ảm đạm u buồn. Karl nhận ra rằng ông cần bảo vệ và duy trì các nhà nghề thủ công, bởi nó là linh hồn của những BST.

alt
Karl Lagerfeld chào kết trong show diễn Métiers d’Art 2018/2019 | Nguồn: Prestige HK

Vì điều đó, Karl tạo ra show diễn Métiers d’Art đầu tiên của Chanel vào năm 2002. BST giúp nâng tầm các nhà nghề và mang thủ công đến gần hơn với công chúng, đặc biệt là giới trẻ. Khi nghề thủ công nhiều nơi trên thế giới dần thất truyền, sự thực tế của Karl khi tạo ra một BST mới, đã mở cơ hội cho những di sản này tiếp tục phát triển rực rỡ.

Và điều cuối cùng, chính Karl Lagerfeld cũng tự khai mở định nghĩa của ông về “just not this Earth” thông qua việc biến sở thích thành công việc thực sự. Ông từng nói rằng “Tầm nhìn của tôi luôn phát triển. Tôi luôn tìm kiếm những cách mới để thể hiện bản thân”.

Từ một nhà thiết kế thời trang, Karl trở thành một nhiếp ảnh gia, một nhà làm phim, một người viết sách. Và ngay cả cái cách đọc sách của Karl, một thú vui bình thường cũng trở nên khác thường. Thư viện sách của ông có đến hơn 300.000 quyển sách. Không có nhà thiết kế nào có nhiều tài liệu tham khảo bí truyền hơn những gì ông có. Quả thật, Karl sống ở thế giới này nhưng dấu chân của ông chắc hẳn nằm ở một đa vũ trụ nào đó.

alt
Tình bạn của Anna Wintour và Karl Lagerfeld | Nguồn: A Journal

Trong lời tri ân tự chấp bút 3 ngày sau khi Karl Lagerfeld qua đời, Anna Wintour viết “Nếu phần thú vị nhất trong công việc của tôi là khám phá ra những tài năng mới, thì điều đau lòng nhất là nhìn những người tôi biết và yêu thương rời bỏ thế giới.” Nhưng với tính cách và con người của Karl, chúng ta có quyền tin rằng ông vẫn miệt mài sáng tạo ở một thế giới khác, “just not this earth” như ông đã từng nói.