Inside Out 2: Cảm xúc cũng trưởng thành và mắc sai lầm (nhưng không sao cả) | Vietcetera
Billboard banner
17 Thg 06, 2024
Điện Ảnh

Inside Out 2: Cảm xúc cũng trưởng thành và mắc sai lầm (nhưng không sao cả)

Mỗi cảm xúc trong ta không tự sinh ra cũng không tự mất đi, nó luôn ở đó và trưởng thành sau ngàn lần đấu tranh.
Inside Out 2: Cảm xúc cũng trưởng thành và mắc sai lầm (nhưng không sao cả)

Nguồn: Pixar/Disney

Bạn còn nhớ phần mở đầu cuốn truyện Hoàng Tử Bé của Antoine de Saint-Exupéry không? Cụ thể là đoạn mà người phi công nhớ lại hồi bé, khi cậu được những người lớn khuyên bảo nên gác sang một bên các bức vẽ “trăn kín”, “trăn mở” và chú tâm học địa lý, sử ký, tính toán và văn phạm.

Thực ra đó là một cuộc thảo luận giữa “bản chất” của người lớn và trẻ con. Để rồi người phi công “hồi bé” thất vọng và đi đến kết luận rằng: “Những người lớn chẳng bao giờ tự họ hiểu được cái gì cả, và thật là mệt cho trẻ con lúc nào cũng phải giải thích cho họ.”

alt
Tranh minh hoạ “trăn kín” và “trăn mở” của Exupéry trong truyện Hoàng Tử Bé | Nguồn: Gallimard

Nhưng Hoàng Tử Bé thì liên quan gì đến Inside Out 2? Phải chăng đây là một phần mở đầu lạc đề như bài văn thi lớp 10 năm đó của chúng ta? Quả thực là có một mối nối giữa hai câu chuyện này. Riley, nhân vật chính của Inside Out 2 đang ở tuổi dậy thì, bắt đầu trưởng thành - khoảng thời gian gần như không xuất hiện giữa “cậu bé 6 tuổi” và người phi công trưởng thành trong Hoàng Tử Bé.

Điều gì đã xảy ra trong bộ não của một người khi họ “không hẳn là trẻ con” nhưng cũng chưa thành người lớn. Qua nhân vật Riley và bộ máy cảm xúc của cô bé trong Inside Out 2, ta sẽ hiểu được phần nào điều này.

Bài viết có thể tiết lộ nội dung bộ phim Inside Out 2.

Cảm xúc mới

Khi Bing Bong mãi mãi ở lại với vùng đất quên lãng trong Inside Out phần 1, tôi và nhiều người khác đã vô cùng tiếc nuối. Đó là một ẩn dụ tuyệt đẹp về nỗi niềm mơ mộng tuổi thơ biến mất; và đó cũng là một sự hy sinh cao cả. Bing Bong ra đi nhưng những mơ mộng vẫn còn đó, không hề mất đi vì chúng được lưu giữ vào ký ức và tiềm thức của cô bé Riley.

alt
Bing Bong trong phần phim Inside Out đầu tiên | Nguồn: Pixar/Disney

Bing Bong tan biến cũng đồng nghĩa với việc Riley sẽ bước vào một hành trình mới, với cảm xúc mới. Inside Out 2 bắt đầu hành trình mới đó với một báo động đỏ: Riley bước vào tuổi dậy thì.

Bên cạnh 5 cảm xúc từ khi khai sinh gồm Joy (Vui Vẻ), Sad (Buồn Bã), Disgust (Kinh Tởm), Fear (Sợ Hãi) và Anger (Tức Giận), Riley chào đón những “người bạn” mới gồm Anxiety (Lo Âu), Envy (Ganh Tị), Embarrassment (Xấu Hổ) và Ennui (Chán Nản).

Những cảm xúc mới xuất hiện để giúp các “tiền nhiệm” dẫn dắt Riley qua một trong những cuối tuần quan trọng nhất của cuộc đời cô bé, vừa là những ngày cuối cùng cô được dành thời gian với hai người bạn thân trước khi họ chuyển trường, vừa là cuộc tuyển trạch để lấy suất học bổng khúc côn cầu cho cấp ba.

Bạn đừng để vầng hào quang của Joy đánh lừa, cũng chớ nên để ánh mắt to tròn lấp lánh của Envy hay cái nhướng mày của Anxiety dối gạt. Những cảm xúc trong bộ não Riley thì dễ thương qua nét vẽ của các hoạ sĩ và người diễn hoạt, còn cảm xúc của chúng ta thực sự phức tạp hơn nhiều (người trưởng thành có đến hơn 20 loại cảm xúc mà khoa học thần kinh đã gọi tên).

Nhưng bạn làm sao khước từ những cảm xúc được nhân hoá bằng đồ hoạ tuyệt vời đến vậy. Embarrassment dưới hình dạng màu hồng với vẻ ngại ngùng bẽn lẽn và hết sức đáng yêu mới thực sự thu hút chúng ta.

alt
Nguồn: Pixar/Disney

Inside Out 2 có cốt truyện khá tương tự như phần đầu tiên; vẫn hướng đến những cảm xúc và công cuộc tạo nên nhân cách Riley thông qua những phản ứng và phản xạ, ngôn ngữ và cử chỉ trong quá trình trưởng thành. Khán giả lại được dạo chơi trong khu vườn tâm trí của Riley, đến với những ngõ ngách thẳm sâu trong đầu một đứa trẻ đang lớn.

Chi tiết xúc động nhất trong Inside Out 2 phải kể đến cảnh Riley phạm lỗi trong trận đấu khi đang ở trại hè và buộc phải rời sân. Những lo âu và bất an dâng lên khiến cô bé khó thở, cả cơ thể run lên bần bật. Cùng lúc đó, Anxiety cũng đang quá tải trong việc xử lý cảm xúc của Riley cho đến khi Joy và những người bạn cũ trở lại dàn xếp cục diện.

Cảm xúc cũng trưởng thành

Inside Out 2 thực sự là một “cơn lũ” cảm xúc. Điều này không chỉ nằm ở việc số lượng cảm xúc tăng lên, mà nằm sự phức tạp và biến chuyển của chúng. Trong phần trước, ta thấy rằng Joy đã thực sự trưởng thành, khi cô có thể lùi lại phía sau và công nhận tầm quan trọng của Sadness. Và chính Joy cũng nhận ra, niềm vui mà cô muốn mang đến cho Riley đôi khi cũng độc hại.

Ở phần 2, các cảm xúc trưởng thành và đa chiều hơn. Mỗi cảm xúc đều được nâng niu và trân trọng như nhau. Joy không phải lúc nào cũng tích cực hay Sad không phải lúc nào cũng tiêu cực. Anxiety không phải lúc nào cũng đưa ra các dự báo đúng, và chính sự buồn chán của Ennui lại tạo ra những bước ngoặt quan trọng.

Mỗi cảm xúc được chăm chút kỹ lưỡng bởi các nhà sáng tạo phim, như một phép ẩn dụ, khi mỗi đứa trẻ trưởng thành cũng cần được quan tâm và chăm chút như vậy trong quá trình hình thành nhân cách. Trong đầu một đứa trẻ luôn có những cuộc chiến riêng, và nó được cảm xúc hoá một cách tuyệt vời trong Inside Out 2.

alt
Nguồn: Pixar/Disney

Không ít người cảm nhận rằng, Inside Out 2 gợi nhắc về việc lớn lên, niềm vui mất đi nhường chỗ cho lo âu. Điều này là có lý, nhưng nó không phải lúc nào cũng như vậy. Mỗi cảm xúc trong ta không tự sinh ra cũng không tự mất đi, nó luôn ở đó và trưởng thành sau ngàn lần đấu tranh. Để trưởng thành, chúng ta sẽ phải quản trị cảm xúc của chính mình, phân biệt được nặng - nhẹ, mềm nắn - rắn buông.

Theo khoa học thần kinh, con người có đến hơn 20 loại cảm xúc khác nhau. Sự bổ sung thêm những cảm xúc mới trong Inside Out 2 không chỉ mang đến sự trưởng thành cảm xúc, mà cho thấy sự đa dạng trong cảm xúc con người mà ta đôi khi không thể phân biệt rạch ròi. Sợ Hãi (Fear) và Lo Âu (Anxiety) dù có cùng chung “gốc rễ” nhưng thực chất là những cảm xúc hoàn toàn khác biệt, đã được mô tả trong Inside Out 2 không thể nào thú vị hơn.

Tạm kết

Inside Out 2 là một bộ phim hoạt hình đơn giản, không làm khán giả xúc động sâu sắc nhưng lại tường giải được chính cơ chế cảm xúc bên trong mỗi người. Dù đối tượng khán giả là ai, bộ phim đã làm tốt trong việc tạo ra một thế giới cảm xúc phức tạp bên trong bộ não con người.

Bên cạnh đó, Inside Out 2 vẫn chiêu đãi những hình ảnh đồ hoạ đẹp mắt, nối dài những tưởng tượng về hệ thống não bộ và thần kinh con người. Từ sự nhân hoá các cảm xúc đến việc khắc họa cách bộ não hoạt động đều khá ấn tượng và bay bổng. Bộ phim cho thấy tâm hồn ta, dù trưởng thành đến đâu, vẫn luôn hoạt động và đầy màu sắc. Chỉ là đôi khi, ta quên mất đi những cảm xúc đó và thể hiện nó ra bên ngoài mà thôi.