Girl math - Toán học kiểu con gái có gì lạ? | Vietcetera
Billboard banner

Girl math - Toán học kiểu con gái có gì lạ?

Thực hư về “thuật toán” giúp bạn biến mọi món đồ đắt nhất thành miễn phí.
Girl math - Toán học kiểu con gái có gì lạ?

Nguồn: Reddit

1. Girl math là gì?

Girl math (tạm dịch: toán học con gái) là hành động chia giá tiền một mặt hàng ra thành đơn vị nhỏ nhất có thể. Kết quả của phép chia có phần cảm tính này tạo cảm giác món đồ không thực sự đắt như ta nghĩ, thậm chí free. Đây là cách các “con nghiện” chốt đơn thường áp dụng để “biện minh” cho thú vui tội lỗi của mình - chốt đơn những món hàng đắt đỏ.

Bên cạnh chia nhỏ giá tiền, girl math còn xuất hiện ở nhiều hình thức khác. Phổ biến nhất là mua thêm đồ để được miễn phí ship, hoặc mua bằng ví điện tử (vì tiền đã nạp sẵn trong đó thì coi như bạn không phải bỏ tiền thêm). Tất cả đều tạo ra “ảo giác” là bạn tiết kiệm tiền, song sự thật không phải lúc nào cũng như vậy.

2. Nguồn gốc của girl math

Thuật ngữ này nổi lên từ một clip viral trên TikTok của Chloe Liem - người tự nhận là “con gái toàn thời gian” của một nhà đầu tư ở Singapore. Trong video đăng tải ngày 12/09, cô đã “chứng minh” đôi bông tai trị giá US$3950 (khoảng 70 triệu VNĐ) mới sắm của mình thực ra là… miễn phí.

Theo Chloe, cô đã dùng voucher tích lũy từ các lần mua sắm trước để giảm bớt $730, còn lại $3220. Sau đó cô lý giải vì bông tai luôn phải mua theo đôi, nên có thể nói mua bông tai là một dạng “mua 1 tặng 1 free”. Vì vậy chia ra thì mỗi bông tai sẽ có giá khoảng $1600.

Nếu cô sử dụng đôi bông tai này cho 4 năm tới (hơn 1400 ngày), lấy tổng chi phí chia ra thì mỗi bông tai chỉ mất khoảng $0.73 cho mỗi lần sử dụng - và như vậy thì gần như miễn phí.

06oct2023screenshot20231006170340jpg
Cách Chloe Liem “chứng minh” đôi bông tai của cô là miễn phí. | Nguồn: Chloe Liem/TikTok

Theo The Washington Post, thuật ngữ có cái tên girl math vì hành vi mua sắm, chi tiêu theo cảm tính thường phổ biến hơn ở nữ giới. “Phiên bản” ở phe nam là boy math, tuy nhiên nó không liên quan gì đến toán học. Trái lại, đây là cách nói châm biếm những lý lẽ một số “mày râu” sử dụng để hạ thấp phụ nữ.

06oct2023screenshot20231006160558jpg
Một ví dụ về boy math: Muốn có “vợ thảo” kiểu truyền thống (ở nhà nội trợ thay vì đi làm), nhưng lại gọi vợ là kẻ đào mỏ vì phải chu cấp cho cô ấy mọi thứ.

3. Vì sao girl math phổ biến?

Video của Chloe Liem đã thu hút hơn 425,000 lượt xem và hơn 1700 lượt chia sẻ. Hashtag #girlmath cô sử dụng trong caption cũng có lượt view “khủng” là 750 triệu. Không ít người dùng khác đã hào hứng chia sẻ cách họ “girl math” cho những lần chốt đơn của mình.

Một số ý kiến trái chiều cho rằng kiểu tính toán này hoàn toàn phi logic, hoặc tỏ ra lo lắng cho xu hướng tiêu tiền của người trẻ hiện nay. Dù vậy nếu để ý kỹ các clip trên TikTok, bạn sẽ nhận ra girl math thực ra chỉ là một… trò đùa không hơn không kém.

Sở dĩ girl math nổi tiếng vì nó nói lên “tiếng lòng” của những con nghiện chốt đơn, khi việc mua đồ đắt bị cho là đi ngược với lời khuyên tiết kiệm phổ biến trong quản lý tài chính. Lúc đó họ sẽ muốn giải thích rằng việc chi tiêu của mình là hợp lý, và girl math là “công thức” hoàn hảo giải phóng họ khỏi cảm giác tội lỗi. Vì vậy, girl math không nên bị nhìn nhận quá nghiêm trọng.

06oct2023screenshot20231006171851jpg
Girl math là “công thức” hoàn hảo giải thoát bạn khỏi cảm giác tội lỗi khi mua đồ đắt đỏ. | Nguồn: SCMP

Tuy nhiên theo The Washington Post, girl math được coi là một dạng kế toán nhận thức (mental accounting). Hiện tượng này xảy ra khi bạn ra các quyết định tài chính dựa theo cảm tính, thường gây bất lợi nhưng bạn không nhận ra mà còn củng cố chúng.

Một ví dụ điển hình là mua thêm đồ để được giảm giá, tặng thêm đồ hay miễn phí giao hàng. Bạn cảm giác bỏ ra ít tiền nhưng thu về được nhiều, nhưng thực tế vẫn là bạn đã bỏ thêm tiền để mua những món này. Các nhà bán hàng tận dụng rất tốt “ảo giác” này để thuyết phục bạn rút hầu bao, do đó bạn cũng cần tỉnh táo để hạn chế những quyết định chi tiêu “đi vào lòng đất”.

4. Cách sử dụng girl math?

Tiếng Anh

A: How much was that meal?

B: It's 2 million VND, but I paid it with money in my e-wallet. So according to girl math, it’s free.

Tiếng Việt

A: Bữa ăn đó hết tổng bao nhiêu đó?

B: 2 triệu, nhưng tui trả bằng ví điện tử. Nên là theo “toán học con gái” thì nó free đó.