Những vết thương tâm lý mặc dù không nhìn thấy được nhưng vẫn có thể hủy hoại sức khỏe bạn một cách âm thầm. Một mặc cảm đeo bám từ thời thơ ấu, nỗi tự ti, hay cảm giác sợ bị phản bội sau một mối tình thất bại.
Đây là những cảm xúc rất trừu tượng và mỗi người lại có một cách nhìn khác nhau về chúng. Vì vậy cũng có nhiều cách để chống chọi với nỗi đau, như hoạt động thể chất, gặp gỡ những người có cùng vấn đề, tới bác sĩ tâm lý, đọc sách,… Viết có thể là một trong số đó.
Vậy việc viết có thực sự chữa lành những vết thương hay không? Và chúng ta có thể làm nó như thế nào?
Viết ra giấy có thể chữa lành bạn
Mối liên hệ giữa việc viết và chữa lành tâm lý đã được tiến sĩ James Pennebaker nghiên cứu từ những năm 1980. Kết quả cho thấy những người viết lên suy nghĩ về nỗi đau quá khứ trong 4 ngày liên tục, mỗi ngày 15 phút có hệ miễn dịch được cải thiện rõ rệt. Hệ miễn dịch tốt là một trong những mấu chốt của tinh thần khỏe mạnh.
Tại sao lại là viết ra giấy? Trong cuốn “12 Rules for Life: An Antidote to Chaos” (Tạm dịch: 12 Quy luật cuộc đời – Thần dược cho cuộc sống hiện đại), giáo sư tâm lý học Jordan Peterson cho rằng viết tay cũng là một hình thức suy nghĩ, khuyến khích chúng ta chắt lọc thông tin, từ đó định hình nhận thức của bản thân.
Ngoài ra, khi luồng suy nghĩ được truyền từ não, xuống tay, rồi thành hình trên giấy, bạn sẽ kết nối sâu sắc hơn với nội tâm của mình, nhìn rõ tổng thể bức tranh cảm xúc hơn so với việc gõ những phím bấm vô hồn trên các thiết bị điện tử.
Viết điều gì?
Nếu bạn không có thói quen viết dài, hãy bắt đầu với việc trả lời các câu hỏi ngắn hoặc các “WH questions” truyền thống trong tiếng Anh.
What – Cái bạn đang cảm nhận là gì? Giận dữ, buồn bã, vui vẻ, thất vọng, chán nản, tự ti,…
Who – Ai mang đến cảm xúc tiêu cực này trong bạn? Đồng nghiệp, sếp, người yêu, bố mẹ, bạn bè?
When – Điều đó xảy ra khi nào? Bạn đã chịu đựng nó trong bao lâu?
How – Bạn cảm thấy thế nào? Ví dụ khi diễn tả cơn đói, bắt đầu bằng “Tôi đói.”, sau đó cụ thể hơn “Tôi đói cồn cào, như một con mèo bị bỏ đói trong rừng, vừa mưa vừa rét, bữa ăn cuối cùng của tôi cách đây đã 1 tuần.”
Why – Vì sao bạn lại thấy như thế? Bạn giận dữ và không làm chủ được cảm xúc của mình vì “mùa dâu”, khối lượng công việc nhiều gấp 3 lần hay vì hôm đó trời âm u xám xịt? Việc bóc tách cảm xúc giúp bạn nhìn ra đâu là yếu tố chính dẫn đến phản ứng tiêu cực của mình.
Càng biết chính xác nguyên nhân đang khiến bạn tổn thương, bạn càng nhanh hồi phục.
Đừng phán xét bản thân
Cách viết 1: “Hôm nay X mặc chiếc váy đẹp quá. Mình ghen tỵ với em ấy, mình thật xấu xí và vô lý”. Ý chính trong câu này là: “Mình không tốt.”.
Cách viết 2: “Hôm nay X mặc chiếc váy đẹp quá. Mình ghen tỵ với em ấy.”. Và hãy dừng ở đó. Lúc này cảm xúc thật của bạn là “Ghen tỵ”, không liên quan đến việc bạn có phải người tốt hay không.
Người tốt vẫn sẽ có những cảm xúc tiêu cực. Việc viết ra giúp bạn hiểu rõ mình đang trải qua cảm xúc gì, không phải để phán xét bản thân mình (như cách 1).
Tránh sa đà vào sự ủy mị không cần thiết
Nhiều người có xu hướng diễn đạt cảm xúc của họ một cách phức tạp và hoa mỹ như đang mình là nhân vật chính của một tác phẩm văn học. Đây là “cái bẫy ủy mị” bạn dễ sa vào khi kể chuyện của mình.
Tốt nhất, hãy lược bỏ các tính từ và cách nói thậm xưng. Bạn không phải một nhà văn đang cố gắng xuất bản tiểu thuyết, điều bạn cần là giao tiếp với mình bằng “Viết”, không phải “Viết hay”. Vì vậy kịch tính hóa là điều không cần thiết, dễ khiến bạn nhìn nhận sai vấn đề.
Đọc lại
Bạn đã viết đều đặn được 10 ngày, hoặc 1 tháng. Giờ hãy đọc lại những điều bạn đã viết vào ngày đầu tiên. Nó có khác bây giờ hay không? Cảm xúc tiêu cực đó của bạn đã mất đi hay vẫn còn tồn tại? Bạn có nảy sinh cảm xúc tiêu cực nào mới hay không? Bạn thấy thế nào khi nhìn lại thời điểm đó?
Nếu bạn thấy tâm trạng trên trang giấy có sự cải thiện, dù chỉ một chút, đó là tín hiệu tốt. Nhưng cũng đừng hoang mang nếu bạn không thấy cải thiện ngay. Mỗi người có một cơ chế phục hồi, một ngưỡng chịu đau khác nhau.
Hãy nhớ cái đích cuối cùng của chúng ta là “được chữa lành”, không phải là “được chữa lành sau bao lâu”. Vượt qua nỗi đau này, sẽ có nỗi đau khác đang chờ, vì vậy hãy xem hành trình chữa lành là một chuyến chạy bền, không phải một cuộc chạy đua về đích.
Đưa cho người cần đọc
Trong lớp học về các mối quan hệ, được dẫn dắt bởi Tiến sỹ - nhà trị liệu tâm lý Menis Yousry, nhiều học viên được yêu cầu đưa bố, mẹ, vợ, chồng đến tham dự. Bởi nhiều người bị vết thương tâm lý đeo đẳng từ lúc nhỏ, tác động đến hành vi của chính họ khi trưởng thành mà không được người thân nhận thức. Một trong những bài thực hành được áp dụng nhiều nhất chính là “Speak out” – nói điều cần nói với người cần nghe.
Việc này giúp bạn giải quyết vấn đề triệt để tại gốc rễ của nó. Vì thế nếu cảm thấy việc nói bằng lời khó khăn, bạn có thể đưa cho các “gốc rễ” đọc về vấn đề của mình. Nếu họ chịu thông cảm và tiếp thu thì quá lý tưởng. Nếu không, ít nhất bạn đã đủ dũng cảm để nói lên những gì cần nói. Lòng dũng cảm này sẽ là tiền đề cho một trái tim vững vàng trước mọi nỗi đau đang đón chờ.