Tôi còn nhớ hồi đi học, điểm 10 môn Văn là một giấc mơ mà tôi và đa số bạn bè không thể nào chạm tới. Lúc lên Đại học, điểm 10 khóa luận tốt nghiệp tiếp tục nối dài giấc mơ xa vời này. Vậy mà Etienne Mahler, một chàng trai người Đức sinh sống ở Việt Nam gần 7 năm, đã làm được điều đó. Khóa luận hơn 700 trang (gồm 127 trang bài chính và hơn 600 trang phụ lục), viết trong khoảng 2 tháng, đã xuất sắc rinh về một điểm 10 cho chủ nhân của nó.
Etienne là một người say mê ngôn ngữ, đam mê khám phá văn hóa và vẻ đẹp của con người. Để sự tò mò và ham học hỏi dẫn lối, anh đã bước trên những chặng đường mà trước kia mình chưa bao giờ nghĩ tới. Trong chuyến đi đó, Etienne đã bỏ lại những gì?
Khi làm khóa luận, vì sao Etienne quyết định bỏ đề tài cũ?
Trước đó mình chọn đề tài "Khó khăn của Chính phủ Việt Nam trong phòng chống Covid-19" nhưng mục tiêu, phương hướng của bài viết vẫn chưa đủ tường minh, rõ ràng. Hơn nữa, thời điểm bấy giờ, Việt Nam đã thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch.
Đến khi chuyển sang đề tài “Giáo dục kĩ thuật số tại USSH-VNU: Hiện trạng kì vọng và định hướng phát triển”, mình nhìn rõ hơn tính thực tiễn và tiềm năng của những gì đang viết và nghiên cứu. Giáo dục online không chỉ nằm ở vấn đề thuần kỹ thuật, mà còn ở cách dạy học, cách tiếp thu và ứng dụng bài giảng.
Học tập trực tuyến từ lâu đã là một xu hướng trên thế giới, tài liệu về giáo dục kỹ thuật số cũng không thiếu, nhưng chắt lọc và áp dụng vào bối cảnh Việt Nam lại là một câu chuyện rất khác.
Là người nước ngoài, bạn có lợi thế nhất định khi học ở Việt Nam không?
Mình nghĩ bản thân có chút lợi thế khi học môn Triết. Ở Đức, mình đã được tiếp cận những môn học liên quan đến Triết học từ rất sớm.
Tuy nhiên, vẫn có những sự khác biệt về chương trình học của cả hai nước. Triết học ở Việt Nam thường hướng đến việc đưa ra một phương án giải quyết cụ thể. Trong khi đó, triết học ở Đức không nhắm đến câu trả lời hay tính đúng sai của vấn đề, mà nhắm đến hành trình phân tích và đi tìm câu trả lời.
Khi đối diện với một câu hỏi rất “triết”, mình phải phân tích mọi mặt của vấn đề, trao đổi với nhiều người, đón nhận đủ luồng tư tưởng khác biệt. Sau cùng, có thể câu trả lời vẫn bỏ ngỏ, nhưng mình đã không còn nhìn vấn đề ban đầu như một câu hỏi lạnh lẽo trên mặt giấy, mà đang nhìn vào một bức tranh lớn về xã hội và con người.
Tại sao Etienne chọn học tập và sinh sống ở Việt Nam?
Đây hoàn toàn là một sự ngẫu nhiên. Năm 2014, nhờ chương trình trao đổi sinh viên giữa Đại học Göttingen và Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, mình có cơ hội tiếp xúc với văn hóa, con người Việt Nam. Thế là yêu luôn. Rồi mình quyết định bỏ mọi thứ ở Đức để ở lại Việt Nam.
Thật ra, thời điểm trước đó, trong đầu mình chẳng có tí hình dung cụ thể nào về Việt Nam.
Mình chỉ thấy cuộc sống lúc đó đang vận hành theo một quy trình khá nhàm chán, nên muốn làm gì đó khác đi. Đến khi qua đây, mình cũng sốc văn hóa một chút, vì vốn quen sắp xếp mọi thứ theo trật tự, để các đầu việc trong ngày vận hành như một hệ thống. Cách sống của người Việt Nam thì ngược lại, cực kỳ thoải mái, linh hoạt, và nó đã phần nào ảnh hưởng đến mình.
Người Việt thường tin vào chữ ‘duyên’, ý chỉ việc gặp gỡ trên đời đều đã được sắp đặt, Etienne có tin việc mình ở lại đây cũng là một cái duyên không?
Mình sẽ “say yes” cho điều này. Mình khá may mắn khi được đón nhận và yêu thương bởi rất nhiều người. Mình tìm được người thương, mình có thêm nhiều bạn mới, và mình cũng học được cách trân trọng sự khác biệt văn hóa. Chỉ nói riêng về bài luận, mình đã không thể làm tốt đến thế nếu thiếu đi sự giúp đỡ của những người bạn, người thầy trên trường.
Có một câu chuyện rất dễ thương thế này. Hồi mới đến đây không lâu, mình đến nhà bạn chơi và trò chuyện với mẹ bạn ấy. Mình kể với cô về nguyện vọng muốn ở lại Việt Nam để học tập và làm việc, cô nghe xong thì chạy đi nói chuyện với quản lý tòa nhà, lúc sau cô quay lại, mặt buồn thiu bảo: “Họ không cho cô nhận nuôi con”. Thì ra, cô quý mình quá nên muốn nhận mình làm con nuôi luôn.
Ngoài tiếng Việt, bạn còn biết một chút tiếng Trung, tiếng Ý, Pháp. Việc học nhiều ngôn ngữ đã mở ra những cơ hội gì?
Lúc mới học về triết, mình đã bắt đầu đặt câu hỏi về cách con người suy nghĩ, giống như một vấn đề được nhìn nhận khác nhau khi đặt vào những bối cảnh xã hội khác nhau. Rồi mình chọn học ngôn ngữ như bước đầu để tìm hiểu về thế giới.
Học một ngôn ngữ, với mình, là một cánh cửa để chạm đến những nền văn hóa mới, hiểu được cách người bản địa tư duy, và làm giàu thêm đời sống nội tâm. Đó cũng là lý do mình chọn đến Việt Nam thay vì Pháp, Anh - những nơi có nền văn hóa rất tương đồng với Đức.
Nếu không phải là tiếng Anh hay tiếng Việt, mình sẽ chọn học thêm tiếng Nhật hoặc Tây Ban Nha.
Bỏ Đức sang Việt Nam có phải là cái bỏ khó nhất với Etienne?
Hoàn toàn không. Mình coi việc rời quê hương và chuyển đến Việt Nam là cái bỏ dễ nhất. Cái bỏ khó nhất là bỏ lại những cảm xúc tiêu cực với gia đình, họ hàng.
Từ nhỏ mình đã sống với ba, ba là thợ làm bánh nhưng dành hầu hết thời gian trong ngày ở tiệm. Mình nghĩ do ảnh hưởng bởi cuộc chia tay với mẹ, ba thường trút những cảm xúc hằn học lên bản thân và con cái. Bị cản lại bởi lớp phòng vệ quá lớn, mình gần như không thể kết nối, mở lời với ba. Đã có lúc mình tìm đến chất gây nghiện để tạm thời giải phóng nỗi buồn.
Năm 18 tuổi, mình chuyển ra ngoài, cơ hội để hai cha con trò chuyện, sửa chữa lỗi lầm gần như không còn nữa. Lúc ba mất, mình đứng ra lo liệu đám tang. Gia đình bên nội lúc đó còn xảy ra nhiều tranh chấp liên quan đến quyền thừa kế tài sản của ba. Mình, do quá mệt mỏi, đã quyết định đứng ngoài cuộc chiến và bỏ lại mọi thứ.
Khó khăn lớn nhất đến giờ là tháo gỡ được sợi dây tinh thần đã trói chặt mình trong những năm tuổi trẻ. Khi đã làm được, mình có được sự độc lập và tự do hằng ao ước.
Có sự bỏ nào bạn thấy hối tiếc không?
Mình và người yêu cũ quen nhau 8 tháng, nhưng ngay từ đầu, mình đã lờ mờ cảm nhận được sự khó dung hòa giữa cả hai. Đến khi vấn đề phình to ra, mình vẫn quyết tâm níu kéo và nghĩ rằng mọi thứ đều có lối thoát, phần vì bản tính của mình vốn rất ghét phải bỏ cuộc.
Mình không tiếc vì chuyện tình này không đi đến một cái kết đẹp, mà chỉ tiếc vì đã không nói chia tay sớm hơn.
Tất nhiên, mình không để sai lầm này ảnh hưởng đến cách mình yêu. Sau này, dù có gặp gỡ những người khác, mình vẫn sẽ chăm chút, cố gắng giữ chặt họ, cũng giống như cách mình học yêu mảnh đất này vậy.
Yêu Việt Nam như vậy, nếu bị “ép” quay về Đức, và chỉ được mang 2 thứ từ Việt Nam sang, đó sẽ là?
Một là người yêu hiện tại, hai sẽ là một tách cà phê Việt.
Bạn hãy chọn một màu sắc cho Đức, một màu sắc cho Việt Nam, trừ màu cờ
Đức là quê hương, nhưng Đức cũng gợi nhớ nhiều mất mát, do vậy mình sẽ chọn màu xám hoặc bạc. Dĩ nhiên, đây cũng là một quốc gia đáng sống, và điều kỳ diệu có mặt ở mọi nơi. Nhìn theo hướng tích cực, có lẽ bảy sắc cầu vồng mới đủ để miêu tả về Đức.
Việt Nam là một đất nước năng động, tươi trẻ và nhiều tiềm năng phát triển. Màu phù hợp nhất là xanh lá cây. Mình ví nó như một cái cây tươi mát, bao dung che chở cho mọi sinh vật sống trên đó.
Nếu được thay đổi một điều ở Việt Nam, đó sẽ là?
Cho phép mình chọn hai điều nhé. Một điều thay đổi Việt Nam nói chung, một điều là cho bản thân mình.
Trong mắt mình, sự chênh lệch giàu nghèo ở Việt Nam được thể hiện khá rõ. Một số người quá giàu, đủ tiền mua vài ba căn hộ ở trung tâm thành phố. Có người lại nghèo tới nỗi không đóng nổi tiền nhà, chưa hết ngày đã lo bữa mai ăn gì. Mình mong các chính sách an sinh xã hội được cải thiện, hệ thống y tế Việt Nam được đảm bảo để cung cấp đầy đủ cho mọi người.
Sau thế chiến thứ II, Đức cũng rơi vào tình cảnh chênh lệch giàu nghèo khủng khiếp, nhưng dần dần chính phủ đã thành công cải thiện đời sống của nhân dân. Nhìn những gì mà chính phủ Việt Nam đang làm, mình tin mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn trong tương lai không xa.
Điều thứ hai, nhỏ nhoi thôi, mình mong các giấy tờ, thủ tục nhập cư của mình diễn ra thuận lợi, để được tiếp tục học tập và sinh sống ở Việt Nam.