Đâu là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thu hút vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam? | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
28 Thg 01, 2022
Xu Hướng Kinh Doanh

Đâu là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thu hút vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam?

Ngoài cung cấp dịch vụ ngân hàng, HSBC Việt Nam còn là đối tác chính thức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hỗ trợ thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam.
Đâu là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thu hút vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam?

Nguồn: Tín Phùng cho Vietcetera

Lắng nghe và đăng ký theo dõi các tập podcast “Vietnam Innovators” bản tiếng Anh tại: Apple Podcasts | Spotify | Google Podcasts | YouTube.

Lắng nghe và đăng ký theo dõi các tập podcast “Vietnam Innovators (Tiếng Việt)” tại: Apple Podcasts | Spotify | Google Podcasts | YouTube.

Bất chấp những khó khăn do đại dịch COVID-19, kinh tế Việt Nam vẫn vững vàng và các điều kiện cơ bản của thị trường duy trì mạnh mẽ. Vì thế, ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài đánh giá Việt Nam là thị trường có môi trường đầu tư thuận lợi với vị trí địa lý chiến lược, lực lượng lao động dồi dào và chi phí vận hành cạnh tranh.

Với những doanh nghiệp đang nhắm tới thăm dò hoặc gia nhập thị trường Việt Nam, để được thực sự đón nhận, họ cần nắm chắc khả năng thích nghi và hiểu rõ cơ sở hạ tầng thiết yếu.

Qua podcast Vietnam Innovators, chị Stephanie Betant, Giám đốc toàn quốc Khối Dịch vụ Ngân hàng doanh nghiệp tại HSBC Việt Nam, thảo luận về những động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và môi trường kinh doanh thuận lợi tại Việt Nam. Ngoài ra, Stephanie cũng chia sẻ lý do vì sao các doanh nghiệp trong nước nên cân nhắc tìm kiếm nguồn vốn đầu tư nước ngoài.

Động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Sinh ra và lớn lên tại Paris (Pháp), Stephanie có hơn 20 năm kinh nghiệm sống và làm việc tại châu Á. Chị chuyển đến Việt Nam vào năm 2019, chỉ vài tháng trước khi đại dịch COVID-19 xuất hiện. Stephanie nhận thấy người Việt Nam rất biết trân trọng cuộc sống, tương đồng với người dân ở quê hương của chị.

Ở cương vị Giám đốc toàn quốc Khối Dịch vụ Ngân hàng doanh nghiệp tại HSBC Việt Nam, Stephanie tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp nhà nước và tập đoàn lớn trong nước có nhu cầu về giải pháp tài chính quốc tế.

Công việc của chị bao gồm phát triển dịch vụ ngân hàng cho nhóm doanh nghiệp có quy mô vừa, đồng thời khẳng định vai trò ngân hàng quốc tế phục vụ các hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, hỗ trợ các nhà đầu tư trên thế giới khi đến hoạt động tại đây.

Ngoài cung cấp nền tảng dịch vụ ngân hàng, HSBC Việt Nam còn hợp tác với Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhằm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam. Tháng 11/2021, HSBC đã tổ chức buổi hội thảo trực tuyến “Vietnam Day — Open for Opportunities”, với mục tiêu quảng bá thị trường Việt Nam tới các lãnh đạo doanh nghiệp trên toàn thế giới. Buổi hội thảo có sự tham gia của gần 400 nhà đầu tư trong nước và quốc tế, cùng nhiều nhà lãnh đạo doanh nghiệp.

Theo Stephanie, mỗi năm, HSBC Việt Nam thường tổ chức từ 20 đến 30 hội thảo nhằm giới thiệu đến thế giới về bối cảnh đầu tư tại Việt Nam, các cơ hội, cách thiết lập hoạt động tại Việt Nam, các bước khởi đầu và những đối tác cần thiết.

Trò chuyện cùng các nhà đầu tư có nhu cầu gia nhập thị trường, Stephanie nhận định: “Tại Việt Nam, một trong những động lực giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là quy mô ngày càng lớn của tầng lớp trung lưu, góp phần xây dựng thị trường nội địa ngày một lớn mạnh. Với hai phần ba dân số Việt Nam chưa được tiếp cận các dịch vụ ngân hàng, mục tiêu tài chính toàn diện sẽ tạo ra nhiều cơ hội trong nước.”

“Động lực thứ hai, rất quan trọng, là thế mạnh về vị trí địa lý của Việt Nam tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tạo điều kiện thuận lợi cho việc kết nối với thế giới. Điều này thể hiện rõ trong quá trình đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu, khi các doanh nghiệp không chỉ tập trung sản xuất tại Trung Quốc, mà còn nhắm đến các quốc gia khác.”

“Cuối cùng là nỗ lực dịch chuyển sang nền kinh tế net-zero (phát thải ròng bằng 0). Đây là nhân tố thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra cam kết đưa Việt Nam đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.”

Môi trường kinh doanh thuận lợi tại Việt Nam

Theo Stephanie, có thể môi trường kinh doanh của Việt Nam còn phức tạp trong mắt một số người, nhưng “vẫn thuận lợi hơn so với tại Mexico hoặc Canada, nhờ những nỗ lực của chính phủ trong việc ký kết các hiệp định song phương, mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp trong nước.”

Đáng chú ý, Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định tự do thương mại như CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương), EVFTA (Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam — EU), và UKVFTA (Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam — Vương quốc Anh); và gần đây nhất là RCEP (Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực) cũng chính thức có hiệu lực kể từ tháng 01/2022.

Trong bối cảnh Việt Nam vẫn duy trì thu hút vốn FDI, bất chấp những khó khăn do đại dịch COVID-19, Stephanie nhận định Việt Nam có triển vọng nhiều hứa hẹn trong tương lai, đặc biệt khi cả nước đang dần hồi phục sau nhiều tháng giãn cách trong năm 2021.

Nhận định về lý do các công ty Việt Nam nên cân nhắc chủ động thu hút vốn đầu tư nước ngoài, Stephanie chia sẻ rằng: Khi làm ra một sản phẩm độc đáo vượt trội, doanh nghiệp cần phải giới thiệu sản phẩm đó tới thị trường mới, đôi khi là một thị trường lớn hơn.

Ví dụ như trường hợp VinFast. Tháng 11/2021 vừa qua, họ đã ra mắt thương hiệu xe ô tô điện cho thị trường toàn cầu tại sự kiện Los Angeles Auto Show, với mục tiêu giới thiệu sản phẩm xe hơi cao cấp của Việt Nam đến thị trường Mỹ.

Stephanie đồng thời cũng nhắc đến câu chuyện “năng lực cạnh tranh” và việc phát triển tư duy quốc tế sẽ giúp các doanh nghiệp nội địa có thêm cơ hội đóng góp vào kinh tế nước nhà. Bên cạnh đó, công nghệ cũng là một nhân tố giúp thu hút nguồn vốn đầu tư - khi thế giới ngày càng đổi mới và tác động đến nhiều vấn đề cơ bản của doanh nghiệp, thì các công ty càng nên tận dụng công nghệ để nắm bắt cơ hội.

Những thách thức do đại dịch đã khép lại nhiều cơ hội trên toàn thế giới, nhưng đồng thời cũng mở ra những cánh cửa mới. Tại HSBC Việt Nam nói riêng, ngân hàng đã tạo nhiều điều kiện giúp khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp duy trì hoạt động kinh doanh trong và ngoài nước.

Stephanie giải thích: “Chuyển đổi kỹ thuật số cùng mô hình thương mại điện tử đã mở ra tiềm năng tiếp cận mọi nơi từ bất cứ đâu trên thế giới. Tuy nhiên, thách thức dành cho doanh nghiệp là làm cách nào để thâm nhập thị trường mới, đồng thời nhận thức được những khó khăn khôn lường cũng như cơ hội tại thị trường đó. Với mạng lưới phủ khắp 64 quốc gia và vùng lãnh thổ, HSBC đảm nhiệm vai trò giúp khách hàng tìm ra giải pháp để vượt qua những thách thức kể trên, tìm cách thâm nhập thị trường, và chuẩn bị cho quá trình đầu tư.”

Bài viết được dịch bởi Thảo Vân