Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên: Điện ảnh không cần phải là một món ăn có đủ mặn, cay và béo | Vietcetera
Billboard banner
10 Thg 04, 2025
Điện Ảnh

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên: Điện ảnh không cần phải là một món ăn có đủ mặn, cay và béo

Dù là ở Tro tàn rực rỡ hay Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối, phim của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đều không tô vẽ những bức tranh màu hồng.
Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên: Điện ảnh không cần phải là một món ăn có đủ mặn, cay và béo

Nguồn: Khooa Nguyễn cho Vietcetera.

Gần đây, khi Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối trở thành một trong những bộ phim ăn khách nhất về đề tài chiến tranh ở Việt Nam, nhiều khán giả không khỏi tò mò về lý do thực sự làm nên thành công của nó, khi đã có quá nhiều tác phẩm từng khai thác đề tài này vấp phải ý kiến trái chiều từ dư luận. Phải cho đến khi tiếp xúc, lắng nghe và trò chuyện cùng đạo diễn Bùi Thạc Chuyên - “cha đẻ” đã thổi nên linh hồn cho Địa đạo, người ta mới có thể thấu hiểu hết tâm tư, mong mỏi của một nhà làm phim chân chính, hơn hết là của một người cha dành cho đứa con tinh thần của mình.

Trong không gian của Have A Sip ở tập 100, Host Thùy Minh và bác Chuyên dường như đã quên đi mọi vai trò quen thuộc – không còn là cuộc đối thoại giữa “một người dẫn” và “một nhà làm phim”. Ở khoảnh khắc đó, cuộc trò chuyện như chỉ đơn thuần của một tác giả và một người thưởng thức, gợi mở những câu chuyện giữa đời và phim, để khán giả khi xem có thể tự nhiên bước vào mà không cần do dự.

Nam Bộ: Mảnh đất màu mỡ cho những “đứa con nghệ thuật” chào đời

Ở dự án gần nhất trước Địa đạoTro tàn rực rỡ (2022), đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã bén duyên với vùng đất Nam Bộ thấm đậm nghĩa tình. Trong lần chia sẻ với Have A Sip, bác bày tỏ niềm háo hức và tò mò mỗi khi trở lại nơi này. Bên cạnh sự phóng khoáng, cởi mở của người dân, bác còn đặc biệt ấn tượng trước vẻ đẹp bạt ngàn của sông nước, mênh mông của đất trời, để rồi mỗi chuyến dạo chơi đều mang đến một trải nghiệm mới mẻ. Đôi khi, thay vì bơi giữa biển như bao người, bác có thể thả mình bơi trên những cánh đồng nước, ngồi đò dọc chầm chậm khám phá đến tận cùng con nước miền Tây.

Trở lại với Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối (2025) – dự án được thực hiện nhân kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, bác Chuyên một lần nữa có dịp nhặt nhạnh chất liệu và khai thác vùng đất này, cụ thể là Củ Chi. Đối với bác Chuyên, có lẽ sự lạ lẫm ở một nơi mình không sinh sống đã tạo nên niềm hứng khởi vô tận, và là “hạt mầm” để những đứa con nghệ thuật được thai nghén thành công. Thậm chí, trong một bài phỏng vấn khác, bác từng thổ lộ rằng sẽ thật có lỗi với những người anh hùng đã ngã xuống ở Củ Chi nếu bộ phim này không được ra mắt. Điều đó chứng tỏ “cái tình sâu sắc” mà bác vẫn luôn dành cho Nam Bộ đầy nắng và gió.

alt
Phim khai thác bối cảnh ở Củ Chi. | Nguồn: Phim Địa Đạo

Khi 10 năm không chỉ là một con số…

Tìm hiểu về những dự án điện ảnh của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, nhiều khán giả sẽ có chung một câu hỏi: Tại sao các tác phẩm đều được ấp ủ đến gần hoặc hơn cả thập kỷ? Chẳng hạn như Địa đạo, bộ phim mới nhất của bác, cũng đã được lên ý tưởng từ 2014, nhưng đến mãi 2025 mới được thành hình.

Bác Chuyên chia sẻ, trong suốt hơn một thập kỷ từ lúc nhen nhóm ý tưởng đến khi bắt tay thực hiện, các bộ phim của bác đều gặp không ít khó khăn, từ áp lực tài chính đến những đòi hỏi của thị trường, từ khâu tuyển chọn diễn viên đến hoàn thành quá trình quay dựng, đặc biệt trong thời gian COVID-19 hoành hành, khi nền điện ảnh Việt Nam ngừng trệ.

Từ Lời nguyền huyết ngải đến Tro tàn rực rỡ là 10 năm, và phải mất 11 năm để Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối đến với công chúng. Những con số này hoàn toàn không lãng phí. Có chăng đó chỉ là quá trình “lên men” để câu chuyện đạt đến độ chín hoàn hảo, giống như một bình rượu ủ càng lâu càng đượm vị mà thôi.

alt
Cuộc sống của những người lính du kích dưới lòng Địa đạo Củ Chi được tái hiện qua bộ phim Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối | Nguồn: Nhà sản xuất

Khó khăn, trở ngại là thế, nhưng mặc nhiên không có chuyện bác nghĩ đến “lối thoát” cho sự nghiệp điện ảnh của mình. Có một sự thật thú vị rằng, đối với bác, khi gặp vấn đề tinh thần, hãy vực dậy bằng thể chất, chẳng hạn như chạy bộ hay bơi lội. Mỗi lần bắt tay làm phim, bác luôn tự ví mình như cậu sinh viên năm nhất, hoàn toàn “tay trắng,” không mang theo bất kỳ định kiến hay kinh nghiệm cứng nhắc nào. Thiết nghĩ chính tâm thế đó mới cho phép bác khám phá và đón nhận mọi yếu tố mới mẻ.

Nghệ thuật kể chuyện xưa cho người nay

Kì thực thay, những chủ đề được chọn trong các tác phẩm nghệ thuật của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đều ẩn chứa những góc nhìn thú vị, khai thác yếu tố xã hội từ yếu tố con người, từ vấn đề gia đình, tình yêu đôi lứa, hay lần này là lịch sử và chiến tranh.

Chiến tranh là một chủ đề được đánh giá không phải là “dễ nhai”, thậm chí có thể vướng phải nhiều tranh luận từ phía nhà phê bình phim và khán giả. Nhưng Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối đến giờ phút này tuyệt nhiên đã ẵm trọn “chiếc cúp” trong lòng khán giả. Sự thành công này có lẽ một phần đến từ quan niệm làm phim sâu sắc của bác. Với bác, để kể một câu chuyện xưa cho người nay đồng cảm, thật ra chẳng cần một kỹ thuật cao siêu nào cả. Nếu có thì đó chính là sự kiềm chế của tác giả.

alt
Nguồn: Nhà sản xuất

Khác với điện ảnh thương mại mang tính giải trí, phải “vắt ít chanh”, “bỏ tí muối” để tác phẩm đầy đủ dư vị cay, béo, mặn mà, phim về chiến tranh chỉ cần làm đúng nhiệm vụ phơi bày, tái hiện con người và cuộc sống thời chiến. Bác không muốn phải tô hồng quá khứ, mà chỉ dựng lại nó với "tính người" trong cái nhìn, để khán giả khi xem thấy được cái “trần trụi”, “nguyên sơ” và trở thành một phần ở đó. Tuân thủ nguyên tắc làm phim này, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên thực sự đã khắc họa đúng tinh thần của những người lính du kích Củ Chi.

Một tác phẩm thành công phải đi từ cuộc sống, và trở về với cuộc sống

Khi làm phim, bác Chuyên luôn mong muốn lấy khán giả làm trung tâm. Với bác, một tác phẩm phải kể được câu chuyện đời sống, khơi gợi sự đồng cảm để mọi tầng lớp khán giả dễ dàng tiếp cận.

Bác đánh giá cao sự tinh tế của khán giả ngày nay, bởi họ đủ nhạy cảm để nhận ra nỗ lực của ê-kíp, như người thợ kim hoàn đang tỉ mỉ gọt giũa từng chi tiết. Phim nào thực sự đi vào đời sống, tôn vinh giá trị con người, mới có cơ hội ghi đậm dấu ấn. Và bác nhấn mạnh, nếu chính tác giả không “mê” hay “phát điên” vì bộ phim của mình, thì khó lòng trông đợi khán giả sẽ đón nhận nó bằng cả trái tim.

Bác Chuyên quan niệm một bộ phim hay phải “sống lâu,” nghĩa là giữ được giá trị trường tồn qua thời gian, đến mức khán giả vẫn còn nhắc nhớ sau 10 hay 20 năm sau nữa. Song, bác cũng thừa nhận giữa làm phim nghệ thuật và sản phẩm thương mại luôn có một lằn ranh mong manh, nhất là khi điều kiện làm phim ở Việt Nam còn nhiều hạn chế. Không ít tác phẩm mong muốn gặt hái thành công tức thời nhưng rốt cuộc lại vô tình đánh mất “chất chơi.” Theo bác Chuyên, để thực sự “dạo chơi” trong nghệ thuật, người làm phim cần đủ đồng cảm, phải tạm gác nỗi lo cơm áo gạo tiền, rồi từ đó nuôi dưỡng ý tưởng một cách tự do nhất.

alt
Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên chia sẻ cùng khán giả. | Nguồn: Nhà sản xuất

Bác cho rằng, sáng tạo không phải “ơn phước từ trên trời rơi xuống,” mà là kết quả của một quá trình rèn luyện, học hỏi và vun đắp không ngừng. Có lẽ vì lý do này mà khi “khai sinh” Địa đạo, bác lại muốn bộ phim này phải khiến người ta nhớ, day dứt và suy nghĩ vì nó. Bởi cái quan trọng nhất của việc làm phim chiến tranh trong thời bình không phải là khiến cho khán giả khóc vỡ òa tại rạp, mà là kể về sự thật, giúp thế hệ hôm nay thấu hiểu hơn những hy sinh của cha ông.

Khi tất cả cộng hưởng lại với nhau, ta mới vỡ lỡ ra rằng đó chính là điều làm nên dư âm khó phai cho Địa đạo. Dù bộ phim đã khép lại trên màn ảnh, nhưng những câu chuyện, những hi sinh và lòng trân trọng dành cho lịch sử Việt Nam vẫn âm thầm sống tiếp trong tâm trí khán giả. Để khi nhìn lại, người ta nhận ra không chỉ một tác phẩm điện ảnh được ra đời, mà còn là cả một di sản mà đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã dày công vun đắp.