Tôi bước lên con xe chỉ còn nửa bình xăng, chạy suốt 15 phút trên con đường tấp nập ngày thứ Bảy, trong thẻ còn đúng 8 triệu. Lúc biết đã đến nơi, đột nhiên trống ngực, vốn vô cùng bình tĩnh, chợt đánh binh binh.
Ngày 11/12/2021, với nhiều người, hẳn chẳng có gì đặc biệt. Nhưng hôm ấy, trước sinh nhật 22 tuổi, tôi mua chiếc xe cá viên chiên đầu tiên.
Năm 2021, tôi thực tập ở một bệnh viện. Công việc đơn giản là quản lý sổ sách. 8 giờ sáng bắt đầu, 6 giờ chiều về.
Để kiếm thêm tiền, cứ 6 giờ tối, tôi lại trở thành nhân viên ở quán trà sữa. Trách nhiệm duy nhất mà chủ quán trao cho quản lý là chỉ chúng tôi bưng nước, pha trà. Ngay cả việc viết content cho trang Facebook của quán, anh quản lý đều phải “xin cấp trên”.
Tôi đã nghĩ đến tương lai mình như một cô quản lý đeo kính dày, làm bạn với các file excel và mỗi tháng chờ mong một tin nhắn chuyển khoản từ ngân hàng. Tôi cũng thử nghĩ mình vào vai quản lý, ngày ngày dạy nhân viên mình cách pha trà sao cho đúng.
“Rồi sao nữa?”, tôi tự hỏi mình. Tương lai tối đen. Bởi vì tôi không muốn lại trở thành một người chỉ có thể im lặng nghe sếp la chỉ vì mình đã viết bài PR quán không đúng ý họ, hay bị trừ điểm thi đua vì trót đi làm trễ 10 phút.
Nếu là kiếm tiền, đã có nhiều cách tốt hơn, và tự do hơn.
Tôi dành rất nhiều thời gian hoang mang đó để… đi ăn. Trong rất nhiều chuyến đi đi về về, lẫn những đêm thèm ăn vặt, tôi mới nhận ra gần nhà mình chưa có hàng cá viên chiên nào.
“Hay là mình bỏ việc đi bán cá viên chiên nhỉ?”. Ban đầu, nó chỉ là một suy nghĩ bông đùa. Nhưng khi câu hỏi ấy lớn dần lên mỗi lần tôi thấy một đứa bạn nhắn vào nhóm chat về việc hôm nay phải chạy deadline đến khuya, hay hôm kia bị sếp quát, tôi nghĩ, có lẽ đã đến lúc rồi.
Chị họ tôi nghỉ việc, và cũng muốn tham gia. Việc có vài người cùng làm khiến mẹ tôi bớt phản ứng gay gắt. Tôi cũng đồng ý với mẹ sẽ thử một thời gian. Nếu thua cuộc, có thể bắt đầu lại.
Chiếc xe bán cá viên chiên có giá 1 triệu rưỡi, dài mỗi 1 mét. Hôm khai trương, bánh xe bị trục trặc. Mấy chị em đẩy mãi mới đem được nó từ nhà ra chỗ bán. Cộng thêm cả tiền đóng mặt bằng, tiền vốn lấy cá, tiền đèn, thì doanh nghiệp của các chị em có giá 10 triệu.
Từ ngày có xe cá, đi làm trở nên vui vẻ hơn nhiều. Tôi biết rằng việc mỗi 4 giờ chiều lại đẩy xe hàng ra ngõ sẽ mang lại cho mình tiền ngay lập tức chứ không cần chờ lương. Nhưng tôi cũng biết nếu thật sự có việc gấp, xe cá có thể tạm nghỉ trong vài ngày. Nó là một thứ kỷ luật trong tự do mà công việc 8 giờ đến công ty, 6 giờ tan làm, thỉnh thoảng tăng ca không mang lại được.
Bằng tuổi tôi, bạn bè đã ngày ngày kể chuyện đi thực tập ở công ty lớn, làm việc với người nổi tiếng hay đồng nghiệp có CV xịn. Còn câu chuyện tôi có thể kể, là việc mỗi ngày gặp những người lao động bình thường.
Họ có thể hỏi tôi “Cá viên chiên là cái gì vậy em?”. Họ có thể bảo tôi cho họ một hộp cá viên chiên mắm tỏi 12 ngàn, trong khi mỗi tiền mắm tỏi đã 6 ngàn. Họ có thể đùng đùng hỏi sao lại nêm nhạt vậy.
Nhưng ít nhất họ vẫn cho tôi biết họ nghĩ gì. Vì tôi biết nhiều vị sếp chốn công sở đã không cho bạn tôi cơ hội ấy. Họ cũng đặc biệt, theo cách riêng của họ.
Lần tôi chiên cá hơi lâu cho khách, tôi đưa bọc cá tận tay cho chị, kèm câu xin lỗi. Chị ấy bối rối, có vẻ nghe được câu ấy từ một cô bé bán cá viên chiên là lần đầu tiên. Với nhiều hàng cá viên, việc người bán xin lỗi là một điều xa xỉ. Nhưng vẻ mừng rỡ của vị khách hàng kia giúp tôi học được cách tôn trọng những ai đến với mình, dù họ chỉ mua một xiên cá 6 ngàn.
Cái xe cá 1 mét đó đã nằm yên ở một góc sau gần 6 tháng. Vì chị em tôi kiếm đủ tiền vốn và lời để… mua chiếc xe mới, hơn mét rưỡi.
Mẹ tôi vẫn luôn bảo phải kiếm công việc ổn định. Nhưng ổn định làm gì, nếu mình luôn phải đi làm trong chán nản?
Mỗi lần nhìn chiếc xe cá viên ấy, tôi đều thấy hạnh phúc, vì mình đã tìm được cơ hội sống trong tự do mà bản thân hằng ước ao.