Chênh lệch quyền lực trong quấy rối tình dục  | Vietcetera
Billboard banner

Chênh lệch quyền lực trong quấy rối tình dục 

Nếu bạn vẫn còn nghĩ các nạn nhân trong vụ quấy rối tình dục của Ngô Hoàng Anh (Forbes Under 30) có lỗi vì đã thả icon và trả lời tin nhắn, hãy đọc bài viết này!
Chênh lệch quyền lực trong quấy rối tình dục 

Vụ việc của Ngô Hoàng Anh giúp ta nhìn lại không chỉ về sự đồng thuận, mà còn các yếu tố về chênh lệch quyền lực sâu thẳm bên trong | Nguồn: Hình minh họa từ nguồn mở Growwwkit

Ngô Hoàng Anh vừa được lọt vào danh sách vinh danh của Forbes Under 30 thì câu chuyện anh từng bị tố quấy rối tình dục nổi trở lại. Ở đây, ta hãy cùng nhìn vào một số điều có thể trở thành trọng tâm của thảo luận.

Trẻ vị thành niên cần được bảo vệ

Có khả năng một số em nhỏ khi sự việc xảy ra còn ở độ tuổi vị thành niên, vì các em đều đang học cấp ba khi bị gạ gẫm chat sex, cởi đồ, và gửi ảnh dung tục. Yếu tố “vị thành niên” này cần được nhấn mạnh và có sự can thiệp của pháp luật.

Thật không công bằng khi các em nhỏ bị coi thường là “trẻ con biết gì” khi có kẻ muốn gạt bỏ tiếng nói của các em ra ngoài lề. Tuy nhiên, chính những em nhỏ đó lại bị bắt phải lớn, bị nhìn nhận là những kẻ trưởng thành, phổng phao, biết nhận thức và suy nghĩ khi có kẻ muốn các em phải chịu trách nhiệm hoặc muốn các em trở thành kẻ tội phạm: “16-17 tuổi chứ bé bỏng gì đâu”, “Tuổi đó chúng nó sành sỏi hết rồi”...

Vì vậy, câu chuyện này không nên chỉ là một scandal về quấy rối tình dục mà phải là một câu chuyện pháp luật về quyền trẻ em khi bị xâm hại. Câu hỏi là, Ngô Hoàng Anh đã làm gì với các nạn nhân dưới 16 tuổi? Các tình tiết c đủ điều kiện để khởi kiện Ngô Hoàng Anh không? Và ai có thể hỗ trợ giúp các em trong vụ kiện đó?

Đồng thuận không tự động gia hạn

Có ý kiến cho rằng các nạn nhân đã đồng ý nói chuyện, hoặc đồng ý lắng nghe thì điều đó có nghĩa là họ đồng thuận.

Tuy nhiên, đồng thuận là một hành vi có tính tạm thời. Bạn có thể đồng ý, nhưng ngay trước khi diễn ra hành động, bạn cũng có thể yêu cầu hủy bỏ. Bạn có thể đồng ý, nhưng ngay nửa chừng khi hành động đang diễn ra, bạn cũng có thể yêu cầu dừng lại. Bạn có thể đồng ý một lần, nhưng không có nghĩa là lần sau ai đó có quyền tiếp tục.

Một trong số caacutec tin nhắn Ngocirc Hoagraveng Anh gửi cho nạn nhacircn được đăng trecircn nick Tra My
Một trong số các tin nhắn Ngô Hoàng Anh gửi cho nạn nhân, được đăng trên nick Tra My

Chính vì thế, kể cả khi nạn nhân đồng ý chat sex với Ngô Hoàng Anh, điều đó không có nghĩa là họ cho anh ta quyền ra hạn sự đồng thuận đó mà không phải xin phép lại thêm một lần nữa. Trong các ảnh chụp màn hình, nhiều nạn nhân đã nói không và yêu cầu chuyển chủ đề nhưng vẫn tiếp tục bị gạ gẫm. Điều này có nghĩa là Ngô Hoàng Anh có thể đã vi phạm nguyên tắc đồng thuận.

Ngoài việc đồng thuận phải được “lặp lại liên tục”, nó cũng chỉ có hiệu lực khi:

  • Những người liên quan hiểu về các hậu quả của nó.
  • Đồng thuận được đưa ra với một sự khẳng định rõ ràng thay vì những câu nói mập mờ như “tôi nghĩ thế”, “có thể”, “tôi đoán vậy”. Trong câu chuyện của Ngô Hoàng Anh, nạn nhân thả icon mặt cười không có nghĩa là đồng thuận. Tương tự, ăn mặc sexy, im lặng, đề cập đến vấn đề nhưng không khẳng định… đều không phải là đồng thuận.
  • Đồng thuận được đưa ra với một thái độ hào hứng, chứng tỏ người liên quan mong muốn được làm điều đó. Chính vì vậy, sự thanh minh rằng nạn nhân là con gái nên ý tứ, “nói có là không, nói không là có” là một lý lẽ không có giá trị.
  • Cuối cùng, đồng thuận phải được đưa ra mà không có bất kỳ áp lực nào. Đây chính là điểm mấu chốt, là yếu tố quan trọng bậc nhất khi tòa giải quyết các vụ kiện liên quan đến quấy rối tình dục.

Chênh lệch quyền lực và đồng thuận

Trong cuộc sống, ta hầu như như không bao giờ có quyền bình đẳng tuyệt đối với kẻ khác. Để hai cá nhân bất kỳ vào cùng một căn phòng, họ ngay lập tức sẽ phân chia thứ bậc. Sự cao thấp trong sở hữu quyền lực dựa vào các yếu tố cơ bản như tuổi tác, khả năng chuyên môn, vị trí và kết nối xã hội, giới tính, sắc tộc, sự giàu có...

Sự đồng thuận bị tác động mạnh mẽ bởi sự chênh lệch quyền lực. Cũng giống như một đứa con khó có thể phản ứng lại cha mẹ, thầy cô hay một nhân viên khó có thể phản kháng sếp mình mà không phải suy nghĩ, áy náy, cân nhắc, thậm chí lo sợ về hậu quả của nó.

Trong cuộc sống ta hầu như như khocircng bao giờ coacute quyền bigravenh đẳng tuyệt đối với kẻ khaacutec Nguồn Unsplashcom
Trong cuộc sống, ta hầu như như không bao giờ có quyền bình đẳng tuyệt đối với kẻ khác. | Nguồn: Unsplash.com

Chính vì thế, trong nhiều vụ án về quấy rối tình dục, kể cả khi nạn nhân tỏ-ý-đồng-thuận thì tòa án vẫn có thể phán quyết rằng đó là đồng thuận giả tạo, được đưa ra trong tình trạng bị áp lực. Điều này xảy ra khá thường xuyên với các vụ quấy rối giữa sếp và nhân viên.

Trong câu chuyện của Ngô Hoàng Anh, sự chênh lệch quyền lực đầu tiên là ở tuổi tác. Đồng thuận đến từ trẻ vị thành niên không có giá trị. Thậm chí trong thực tế, sự khác biệt tuổi tác khi các nạn nhân vừa vượt qua giới hạn của tuổi trưởng thành (18 tuổi) vẫn là một yếu tố được tòa án cân nhắc là có áp lực trong đồng thuận.

Sự chênh lệch quyền lực cũng thể hiện ở khả năng và vị trí xã hội. Ngô Hoàng Anh là học sinh xuất sắc, được thầy cô và bạn bè trong trường yêu mến. Anh là tiền bối và là tấm gương trong mắt nhiều em nhỏ hậu bối.

Về phe với Ngô Hoàng Anh còn là nhà trường cùng diễn đàn của cựu học sinh - những kẻ có nhiều quyền lực hơn chính nạn nhân. Vào năm 2020 khi vụ việc xảy ra, trường Phổ Thông Năng Khiếu không có động thái dứt khoát nhằm giải quyết vấn đề, không đưa ra các nguyên tắc và chế tài để ngăn chặn các sự việc tương tự.

Các nạn nhân được khuyên nên im lặng. Một cô giáo còn giải thích là do Ngô Hoàng Anh thích/yêu nhưng không kiểm soát được “bản năng đàn ông”. Các nạn nhân bị tấn công đến mức phải đầu hàng vì cô độc. Thư xin lỗi mới đây của thầy hiệu trưởng lấy lý do vì nhà trường “thiếu nhận thức đầy đủ về những giá trị chuẩn mực của xã hội đương đại”.

Cuối cùng, sự đồng thuận còn bị ảnh hưởng sự chênh lệch quyền lực trong giới tính. Là con gái trong một xã hội trọng nam khinh nữ, nhiều cô gái lớn lên với quan điểm rằng đã là con gái thì phải dễ thương, phải luôn mỉm cười và làm đẹp lòng người khác.

Rất nhiều khi, phụ nữ là kẻ chịu đau, nhưng vì định kiến đàn bà có trách nhiệm giữ hoà khí nên họ phải đặt cảm xúc của kẻ khác lên vị trí ưu tiên. Ví dụ, khi chia tay, dù bản thân cũng đau, nhưng họ có thể nghĩ là tại mình không đủ tốt. Khi chồng ngoại tình, dù bản thân tan nát, nhưng họ có thể tự trách móc bản thân không chiều chồng. Khi con hư, đó là tại mẹ, khi cháu hư, đó là tại bà.

Cách đây không lâu, Yan News có đăng một clip về việc các sao nữ phản ứng ra sao khi bị sao nam ôm eo chụp ảnh mà không có sự đồng thuận từ trước. Video này cho rằng, khi bị "cố tình đụng chạm", điều các sao nữ cần làm là ứng xử sao cho "hài lòng đối phương", "đồng thời không bị mất điểm trong mắt khán giả".

Yan News đưa ra một số trường hợp. Ví dụ, Chi Pu đã khéo léo tinh tế ra sao để đồng nghiệp nam không bị xấu hổ. So sánh với Chi Pu, khi bị Ali Hoàng Dương sỗ sàng ôm hẳn qua bụng, Sam đã vừa cười vừa hất tay anh ra và kêu: "Làm gì mà ôm quá vậy?" Hất tay như vậy là không ổn. Tương tự, hoa hậu Đỗ Thị Hà chỉ hơi nhăn mặt khi bị ôm eo, nhưng cũng bị Yan News cho là ứng xử không đẹp, vì đã khiến bạn nam khó xử.

Yan News kết luận rằng khi bị đụng chạm, sao nữ phải tìm cách từ chối "khéo léo tinh tế", không được để sao nam mất mặt, và cũng không để bị khán giả la ó.

Phụ nữ phải coacute traacutech nhiệm giữ hogravea khiacute bất chấp họ coacute đang tổn thương hay khocircng Nguồn Unsplashcom
Phụ nữ phải có trách nhiệm giữ hòa khí, bất chấp họ có đang tổn thương hay không? | Nguồn: Unsplash.com

Cách nhìn như vậy chính là một áp lực, định kiến về việc phụ nữ có trách nhiệm tạo ra sự yên ổn, hoà thuận, bất chấp điều này khiến chính phụ nữ bị tổn thương. Cảm xúc của phụ nữ phải xếp sau cảm xúc của kẻ khác để đánh đổi cho mục đích của sự bình an. Các cô gái dù là nạn nhân, nhưng lại phải tìm cách ứng xử sao cho tội phạm "hài lòng", phải chú ý để vỗ yên thiên hạ, để thiên hạ không lên cơn chửi mắng vì đã lỡ làm cho tội phạm xấu hổ.

Để kết luận, trong câu chuyện của Ngô Hoàng Anh, có ý kiến đổ lỗi cho nạn nhân rằng các em đáng lẽ phải dứt khoát hơn. Tuy nhiên, chính vì sự chênh lệch quyền lực mà nạn nhân thường cảm thấy khó hơn khi phải từ chối và thể hiện quan điểm. Họ phải đối mặt với hai luồng áp lực: thứ nhất là sự khó chịu, lo sợ vì bản thân bị quấy rối; thứ hai là sự khó chịu, lo sợ khi không biết làm sao để ứng xử mà không mất hòa khí, khiến kẻ quấy rối mất mặt, nổi giận, phật lòng.

Nói cách khác, họ vừa phải lo lắng cho cảm xúc của bản thân, vừa phải lo lắng cho cảm xúc của chính kẻ tội đồ.

Giải pháp dài hơi

Tại Việt Nam, 87% phụ nữ từng bị quấy rối tình dục, cao hơn Ấn Độ (79%), Campuchia (77%), và Bangladesh (57%).

Đáng chú ý là đàn ông cũng trở thành nạn nhân. Một phần sáu số vụ quấy rối là nam giới và ngày càng nhiều hơn. Trong chương trình Hành Lý Tình Yêu gần đây chẳng hạn, một chàng trai chủ quán phở mang theo một tô phở tự nấu. Khi bát phở được bưng ra, diễn viên Lâm Vỹ Dạ sau khi nếm phở đã sờ nắn bắp tay của chàng trai, khen "bắp ngon", rồi sờ luôn... cả vào ngực của anh. Hầu như không ai cho rằng đó là hành vi quấy rối. Hành động sờ soạng phát đi cho hàng triệu khán giả đó hoàn toàn không có sự đồng thuận, và nó được thực hiện trong thế chênh lệch quyền lực.

Như vậy, tỷ lệ quấy rối ở Việt Nam cao có thể có nguyên do một phần từ việc thiếu nhận thức. Cả tội phạm lẫn nạn nhân có thể đều không hề biết mình đang là nạn nhân và tội đồ.

Chính vì thế, giải pháp dài hơi phải là nâng cao nhận thức xã hội. Chúng ta cần đầu tư vào giáo dục để chạm được vào tận gốc định kiến đàn ông bị gắn với săn đuổi tình dục, bị áp lực phải coi va chạm thịt da là điểm số để chiến thắng và khẳng định giá trị đàn ông. Và vì thế, khi họ bị quấy rối, hoặc thậm chí hãm hiếp, thì họ phải coi đó là được lợi, và họ phải thích. Không thích không phải đàn ông.

Giải phaacutep dagravei hơi cograven lagrave giuacutep caacutec bạn trẻ xacircy dựng sự tự tin sẵn sagraveng lecircn tiếng đogravei hỏi sự đồng thuận trong quaacute trigravenh tigravem hiểu nhau Nguồn Unsplashcom
Giải pháp dài hơi còn là giúp các bạn trẻ xây dựng sự tự tin, sẵn sàng lên tiếng, đòi hỏi sự đồng thuận trong quá trình tìm hiểu nhau. | Nguồn: Unsplash.com

Tương tự, đó là tư tưởng “làm hoa cho người ta hái, làm gái cho người ta trêu”. Nền văn hoá phụ hệ và những rơi rớt của nó khiến cả phụ nữ và đàn ông đều bối rối.

Một ví dụ nghe qua tưởng đáng yêu mà tác hại khủng khiếp: bài hát “Con gái nói có là không” hay “Đừng nghe những gì con gái nói” của Ngọc Lễ. Hẳn nhiều bạn trẻ từng hát bài này mà không hiểu rằng đó là một con dao hai lưỡi của xã hội Á Đông. Làm sao con trai biết được lúc nào một cô gái nói "không" là do e thẹn, lúc nào là do thực tình không muốn?

Chính vì vậy, giải pháp dài hơi là việc xây dựng bản tính lịch sự, văn minh, biết giới hạn, biết điểm dừng, biết im lặng rút lui đúng lúc. Ví dụ, đó là cách ta liên tục hỏi “Anh/em có ok không nếu…”, “Đừng ngại nói cho anh/em biết nếu…”, “Anh/em có còn thấy ổn không nếu ta tiếp tục”; “Anh/em sẽ chỉ yên tâm khi nghe câu này”.

Giải pháp dài hơi còn là giúp các bạn trẻ xây dựng sự tự tin, sẵn sàng lên tiếng, đòi hỏi sự đồng thuận trong quá trình tìm hiểu nhau. Đó là khả năng nói “Có” và nói “Không” một cách rõ ràng, rành mạch. Khả năng vươn ra khỏi áp lực hết mức có thể. Và khi không may trở thành nạn nhân, đó là khả năng chiến thắng miệng lưỡi ác động của người đời.

Hình minh họa từ nguồn mở Growwwkit