Vì sao thời trang cho người khuyết tật ít được quan tâm?
Theo Tổ chức Y tế thế giới, có hơn 1 tỷ người (15% dân số thế giới) đang sống với khuyết tật. Họ thường gặp nhiều khó khăn trong việc chọn lựa và mặc quần áo.
Năm 2019, tổ chức từ thiện người khuyết tật Leonard Cheshire thực hiện một cuộc khảo sát cho thấy 75% người khuyết tật cảm thấy nhu cầu trang phục của họ không được đáp ứng và 96% người tin rằng họ cũng không được quan tâm đầy đủ trong thời trang.
Danny Gomez, một người khuyết tật đến từ Mỹ chia sẻ: “Cách ăn mặc giúp tôi tự tin. Nhưng dường như những bộ quần áo mà tôi từng mặc có vẻ không ổn. Giống như, quần của tôi trông không được như ý vì chân tôi đã bị teo do tai nạn, còn áo sơ mi thì lại quá chật”.
Hơn nữa, hầu hết phòng thay đồ trong các cửa hàng không phù hợp với những người khuyết tật. Một người cho biết: “Tôi chưa bao giờ đến một cửa hàng có phòng thử đồ phù hợp với người khuyết tật. Mỗi lần muốn thử món gì đó thì lại là một hạn chế lớn”.
Nguyên nhân dẫn đến sự lãng quên này là do khuyết tật có nhiều tình trạng khác nhau. Việc thiết kế trang phục cho người có vấn đề về vận động, thiếu tứ chi, khó khăn về thị lực,... đã được giao cho các công ty có chuyên môn với quy mô nhỏ.
Trong khi đó, các thương hiệu lớn thì bỏ qua những đối tượng này vì cho rằng nó không phù hợp cho việc kinh doanh. Nói cách khác, thời trang cho người khuyết tật là một thị trường quá “niche”. Vì vậy, thời trang cho người khuyết tật vẫn còn rất hạn chế.
Bạn biết gì về adaptive fashion?
Gần đây, tiếng lòng của người khuyết tật về nhu cầu thời trang dường như đã được lắng nghe nhiều hơn. Trong số đó phải kể đến khái niệm Adaptive fashion (Thời trang thích ứng).
Đây là những trang phục được thiết kế phù hợp với nhu cầu và khả năng của người khuyết tật. Quần áo thích ứng thật ra xuất hiện vào những năm 1980 khi những người chăm sóc nhận ra nhu cầu về quần áo "easy-to-wear" cho người khuyết tật.
Thời trang adaptive sử dụng các tính năng khác nhau như khóa dán Velcro (không cần dùng lực tay để kéo khóa) và nút từ tính để giúp việc mặc quần áo dễ dàng hơn. Bên cạnh đó những đôi giày có dây dài được thay thế bằng khóa kéo.
Thiết kế của quần jeans cũng được thay đổi nhằm mang đến sự thuận tiện ngay cả khi đang ngồi trên xe lăn hay đeo nẹp chân.
Sự ra đời của adaptive fashion nhằm phá bỏ những rào cản mà người khuyết tật đang gặp phải và những quan điểm cổ hủ đang thống trị ngành. Đây là một phần của phong trào tôn vinh vai trò và vẻ đẹp của cộng đồng người khuyết tật.
Stephanie Thomas, người sáng lập nền tảng tạo kiểu thời trang cho người khuyết tật Cur8able đã biến mong muốn làm thời trang cho người khuyết tật này trở thành công việc mà cô cần phải làm.
Tommy Hilfiger là thương hiệu đầu tư mạnh vào thời trang thích ứng. Tommy Hilfiger đã làm việc với tổ chức phi lợi nhuận Runway of Dreams và cho ra mắt dòng Tommy Hilfiger Adaptive vào năm 2017. Bộ sưu tập Adaptive mùa thu năm 2021 của hãng cũng mới ra mắt trên show Runway of Dreams vào ngày 9 /9 vừa qua.
Nối tiếp phong trào thời trang thích ứng, vào tháng 7 vừa qua, JCPenney đã tung ra một dòng sản phẩm dành cho trẻ em có tên là Thereabouts. Michelle Wlazlo, Giám đốc kinh doanh tại JCPenney nói: “Các nhu cầu về giác quan và khả năng di chuyển của những người khuyết tật luôn được quan tâm hàng đầu trong quá trình thiết kế”.
Dareen Barbar, một vận động viên khuyết tật phát biểu: “Thật tuyệt khi các thương hiệu lớn đang thực hiện các bước để thay đổi cuộc chơi và làm cho thời trang của những người khuyết tật trở nên toàn diện hơn”.
Sự xuất hiện của những người mẫu khuyết tật như: Shaholly Ayers, Aaron Philip, Mama Cax, Jack Eyers,... tại các tuần lễ thời trang đã chứng minh “không có gì là không thể”. Jack Eyers, người mẫu nam bị cụt chân đầu tiên bước trên sàn catwalk New York Fashion Week nói: “Tôi chỉ muốn chứng tỏ rằng việc bị khuyết tật không cản trở bạn”.
Tương lai thời trang cho người yếu thế
Adaptive fashion có thể là sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới cho thời trang - một ngành công nghiệp được xây dựng lại dựa trên sự hòa nhập.
Quy mô thị trường quần áo thích ứng sẽ đạt 294,3 triệu USD vào cuối năm 2026, tăng trưởng với tốc độ CAGR là 2,3% trong năm 2021 -2026.
Theo thời gian, tiếng nói của những người khuyết tật về thời trang trở nên có giá trị hơn. Những show diễn thời trang với sự xuất hiện của dàn người mẫu khuyết tật lần lượt được ra mắt.
Điều này chính là sự khẳng định cho việc thời trang thật sự không của riêng ai và người yếu thế cũng có thể dễ dàng tìm thấy được trang phục phù hợp cho mình.
Vào tháng 9 vừa qua, Faduma - nhà sáng lập hiệp hội bảo trợ người khuyết tật Faduma’s Fellowship cùng đội ngũ thiết kế lần đầu góp mặt trong Tuần lễ thời trang London Xuân - Hè 2022 với mong muốn giành quyền bình đẳng cho người khuyết tật.
Tất cả người mẫu trong show diễn đều là người có khiếm khuyết trên cơ thể, ngồi xe lăn để trình diễn thời trang trước công chúng. Faduma chia sẻ: "Hôm nay, chúng tôi đã mở ra một cánh cửa để hy vọng sẽ có thêm nhiều thiết kế thời trang cho những người khuyết tật."
Hiện tại, ngành thời trang đang từng bước tiến vào cộng đồng người khuyết tật. Những bước tiến tuy chậm nhưng ổn định này báo hiệu cho một tương lai rộng mở hơn đối với thời trang ngách này.
Theo người mẫu khuyết tật Shaholly Ayers, "vẫn còn một số nỗi lo lắng còn sót lại liên quan đến việc hòa nhập và cách đại diện cho những người khuyết tật”. Tuy nhiên, trong tương lai, cô muốn ngành công nghiệp thời trang tiếp tục phát triển nó.
Với những điểm sáng này, adaptive fashion và người mặc chúng sẽ có thêm hy vọng và niềm vui trong sự lựa chọn trang phục mỗi ngày. Còn với ngành thời trang, đó là một tín hiệu đáng mừng cho thấy mọi người - ở mọi hình dạng, kích cỡ và khả năng vận động - đều có thể mua sắm cùng nhau.