4 Kiểu “lời khuyên” cần tránh khi động viên người khác | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

4 Kiểu “lời khuyên” cần tránh khi động viên người khác

Trong nhiều trường hợp, ranh giới giữa lời động viên và tích cực độc hại chỉ khác biệt ở cách dùng từ.
4 Kiểu “lời khuyên” cần tránh khi động viên người khác

Nguồn: Phương Thảo @therabbit.archive cho Vietcetera

Khi một người thân hoặc bạn bè gặp chuyện đau buồn hay tổn thương, chúng ta đều muốn động viên hoặc cho họ lời khuyên. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp, cách dùng từ ngữ có thể khiến thông điệp của bạn bị hiểu lầm, đặc biệt nếu bạn không hiểu bản chất của trầm cảm và các vấn đề về sức khỏe tinh thần.

Tương tự như khen tặng, chia buồn và động viên cũng là những kỹ năng giao tiếp căn bản. Chỉ cần chú ý cách dùng từ một chút, bạn có thể đưa ra những lời khuyên chân thành cho người nghe mà không vô tình làm tổn thương họ. Sau đây là 4 “lời khuyên” bạn nên tránh, và các cách nói thay thế để ý tốt của bạn không trở thành tích cực độc hại:

“Mọi chuyện rồi sẽ tốt đẹp lên/sẽ ổn hơn thôi”

Đây có lẽ là lời khuyên mà ai gặp chuyện buồn cũng từng nghe qua. Bản chất của nó hướng người nghe suy nghĩ tích cực về một tương lai tươi sáng hơn, nhưng thực tế không phải lúc nào cũng như ý.

Ít nhất 3 người đã nói với tôi câu này vào thời điểm cuối năm ngoái, khi bà nội và em họ tôi qua đời chỉ cách nhau vài ngày. Dù khi đó rất tuyệt vọng, có thời điểm tôi thực sự đã tin tưởng vào điều đó, rằng thời gian sau đó mọi việc sẽ tốt đẹp hơn. Thế nhưng 5 tháng sau đó, tôi tiếp tục mất bố.

Nhiều người gặp vấn đề sức khỏe tâm lý cũng như vậy. Họ hiểu rằng vấn đề của họ không kết thúc trong một sớm một chiều. Và ở đời không ai học được chữ “ngờ”, biết đâu mọi việc đối với họ không tốt lên mà chỉ tệ đi?

Cách nói thay thế: “Mình mong/hy vọng mọi chuyện sẽ ổn hơn với bạn”.

Chỉ cần thêm động từ “hy vọng” là bạn có thể biến câu nói trên thành một lời động viên chân thành thay vì khẳng định chắc chắn vào tương lai (mà bạn hay người nghe đều không thể đoán trước). Về phía người nghe, họ cũng tránh được cảm giác bị lừa dối nếu mọi việc diễn tiến theo chiều hướng xấu hơn.

“Người khác còn gặp chuyện tệ hơn/còn khổ hơn nhiều”

Đây là kiểu lời khuyên được nhiều người ở thế hệ trước áp dụng khi con, em hoặc cháu đang gặp khó khăn. Đặc biệt có những người từng trải qua chiến tranh, nghèo đói hoặc biến cố lớn thường so sánh như vậy để người nghe thấy, nỗi khổ của họ “chưa là gì” so với nỗi khổ của người khác mà gắng sức vượt qua.

Trên thực tế, kiểu khuyên răn này phủ nhận hoàn toàn cảm xúc của người nghe, cho rằng nỗi buồn của họ không hợp lệ. Bởi khi con người gặp chuyện buồn vì bất kể lý do gì, não bộ đều giải phóng cortisol và những hormone căng thẳng khác. Quá trình này ở mọi người là như nhau, vì vậy việc so sánh nỗi buồn trở nên rất khập khiễng. Chưa kể, nếu biết nỗi buồn của mình không “xứng đáng” được công nhận, người nghe sẽ cảm thấy tổn thương nhiều hơn là được an ủi.

Cách nói thay thế: “Mình luôn ở đây bên bạn/Mình luôn sẵn sàng lắng nghe bạn”.

Lắng nghe là biện pháp đơn giản và hiệu quả ai cũng có thể áp dụng, bất kể có từng trải qua đau buồn hay không. Câu nói này vừa cho thấy bạn công nhận nỗi buồn của người nghe, vừa mở ra không gian an toàn cho họ để giãi bày tâm sự khi cần.

“Bạn phải tích cực lên/mạnh mẽ lên”

Đây lại là một lời khuyên kinh điển khiến người nghe tin rằng, tích cực là cách duy nhất giúp họ vượt qua mọi đau khổ. Tuy nhiên làm thế nào để tích cực hơn, thì có khi cả người nói lẫn người nghe đều không biết.

“Mạnh mẽ lên” cũng là một lời khuyên dễ phản tác dụng. Chẳng hạn trong gia đình có tang, người trẻ thường được kỳ vọng phải mạnh mẽ để làm chỗ dựa cho cha mẹ già và con nhỏ - những đối tượng được xem là dễ bị tổn thương hơn. Nhưng chính họ cũng vô cùng đau buồn và cần được giãi bày. Vì vậy câu nói này vô tình tạo áp lực cho người nghe, khiến họ kìm nén cảm xúc của mình. Lâu dần, điều này có thể dẫn tới trầm cảm và những hệ lụy nghiêm trọng hơn.

Cách nói thay thế: “Bạn đã làm rất tốt/Bạn đã thật mạnh mẽ rồi”.

Nghiên cứu cho thấy, chấn thương tâm lý tác động mạnh đến thùy trán - cơ quan điều khiển những chuyển động lý trí của cơ thể. Kết quả là những việc tưởng chừng đơn giản như đánh răng hay tắm rửa bỗng trở nên vô cùng khó khăn.

05jul2022intext2jpg
“Bạn đã làm rất tốt” - câu động viên đơn giản nhưng có sức mạnh lớn lao.

Vì vậy trong bất kể nỗi đau nào, việc đánh bại được những suy nghĩ cực đoan và duy trì được nếp sống hàng ngày đã là một điều phi thường. Và một khi nhận thấy nỗ lực sống tiếp của mình được công nhận, người nghe sẽ cảm thấy an toàn và bình tĩnh để tìm ra giải pháp cho riêng mình.

“Dù sao thì (tên người mất) đã ở một nơi tốt hơn/không còn phải chịu đau đớn nữa”

Về mặt lý thuyết, câu này có thể đúng với người mắc bệnh hiểm nghèo, phải điều trị trong thời gian dài. Tuy nhiên ta vẫn không nên dùng câu này để động viên người khác. Bởi nó buộc họ phải nhìn nhận việc người thân qua đời một cách tích cực hơn, trong khi đây vốn là một chuyện buồn.

Một phiên bản tương tự áp dụng cho ai vừa chia tay người yêu cũ là “Dù sao bạn cũng không còn ở bên anh ta/cô ta nữa”. Cách nói này có hướng khuyến khích người nghe coi việc chia tay như một chiến thắng, một điều tích cực vì loại bỏ được một người không nên ở trong đời mình. Nhưng người nói có thể quên mất rằng họ từng có tình cảm sâu nặng với nhau, nên việc chia tay vẫn để lại khoảng trống lớn trong lòng người nghe.

Cách nói thay thế: “Mình có thể giúp bạn điều gì không?”.

Khi mất đi (hoặc chia tay) một người quan trọng trong đời, chắc chắn người nghe sẽ trải qua khoảng thời gian rất bấp bênh. Vì vậy thay vì nói quá sâu về người đã ra đi, bạn có thể đề nghị hỗ trợ người ở lại bằng nhiều cách khác nhau. Điều này giúp người nghe biết họ có một người tin tưởng để dựa vào, từ đó bình ổn tâm trạng hơn.

05jul2022intext1jpg
Khi biết họ có những người tin tưởng để dựa vào, người nghe sẽ bình ổn tâm trạng hơn.

Trường hợp là người thân quá cố, bạn có thể cùng họ ôn lại những kỉ niệm về người ấy khi tâm trạng họ ổn định hơn. Đây là cách giúp họ tôn vinh cuộc đời của người thân, thay vì cố gắng nhìn nhận việc họ qua đời như một điều tích cực.

Ngoài động viên, bạn có thể làm gì giúp họ?

Thường xuyên hỏi thăm tình hình: Việc này giúp bạn nắm được tâm trạng họ, có điều gì bất ổn có thể xử lý kịp thời. Bên cạnh đó, người đang trải qua chấn thương tâm lý cũng thường bị xáo trộn nếp sinh hoạt. Trường hợp này bạn có thể nhắc họ ăn uống đầy đủ, ngủ đủ giấc để đảm bảo sức khỏe.

Hỗ trợ họ bằng nhiều cách: Nếu ở gần, bạn có thể giúp họ một số việc nhà, lo thủ tục hậu sự cho người thân hoặc loại bỏ những món đồ khiến họ nhớ đến người yêu cũ.

Lắng nghe và ôm họ thật lâu: Trong nhiều trường hợp, nếu không biết nên nói gì thì bạn luôn có thể lắng nghe họ tâm sự. Và nếu ở gần, một cái ôm thật lâu sẽ là cách đơn giản nhất để khơi dậy hormone oxytocin, giúp họ cảm thấy được yêu thương và bình ổn tâm trạng hơn.