Tìm kiếm nửa kia thực chất là tìm kiếm điều gì? (P2) | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
10 Thg 10, 2021

Tìm kiếm nửa kia thực chất là tìm kiếm điều gì? (P2)

Theo Mark Manson một trong những phẩm chất cần tìm ở nửa kia là khả năng nhìn nhận khuyết điểm của chính mình và chịu trách nhiệm về chúng.
Tìm kiếm nửa kia thực chất là tìm kiếm điều gì? (P2)

Nguồn: Marc A Sporys/Unsplash

Tiếp nối phần "Đâu là cách đúng nhất để tìm được nửa kia?", dưới đây là phần tiếp theo của bài viết The No-Bullshit Way to Find “The One” được đăng tải trên blog cá nhân của tác giả Mark Manson.


Chân tình tìm ở nơi đâu?

Bạn có quan tâm sâu sắc đến công bằng xã hội? Bạn có phải là một người ghiền chăm sóc sức khỏe? Bạn có phải là con người của tiệc tùng hay thích tương tác xã hội không? Bạn có thực sự yêu nghệ thuật và âm nhạc? Hay bạn có thể lại yêu thích các hoạt động ngoài trời?

Trước tiên, hãy phát triển sở thích của mình đơn giản vì niềm vui và sự thích thú có được khi trải nghiệm chúng. Sau đó, như một yếu tố phụ, bạn sẽ gặp những người cùng chung giá trị với bạn và bị thu hút bởi con người bạn, hơn là những gì bạn nói hoặc cách bạn làm.

Dưới đây là một ví dụ hơi nực cười để minh họa quan điểm của tôi: một phụ nữ thông minh, cống hiến cho sự nghiệp khoa học của mình có lẽ sẽ khó tìm được nửa kia hơn khi đang chơi lô tô ở hội chợ.

alt
Phát triển sở thích của mình và như một yếu tố phụ bạn sẽ tìm được người chia sẻ nó với mình. | Nguồn: Unsplash

Không phải tất cả mọi người ở hội chợ lô tô đều tệ, chỉ là cô ấy nên phát triển thêm những hoạt động trí tuệ mà cô ấy quan tâm để gặp được những người có sở thích và giá trị phù hợp hơn. Những việc như đăng ký các lớp ngoại ngữ, làm tình nguyện viên, tham dự các phòng triển lãm nghệ thuật, các buổi diễn thuyết chẳng hạn.

Vì vậy, nếu bạn thực sự yêu thích khoa học viễn tưởng, Dungeons and Dragons hay nghệ thuật Trung cổ thế kỷ VIII, đừng đến câu lạc bộ và quán bar để tìm kiếm tình yêu. Tương tự, nếu bạn thích những đêm yên tĩnh ở nhà đan móc, câu lạc bộ nhảy dù có thể không phải là nơi bạn nên đến để mở rộng mối quan hệ xã hội và có những cuộc hẹn tiềm năng.

Không có gì xấu khi bạn thử nghiệm mở rộng sở thích của mình. Nhưng như mọi khi, hãy làm điều đó cho chính bạn chứ không phải để gặp "nửa kia hoàn hảo".

Đôi lời về hẹn hò trực tuyến và các ứng dụng hỗ trợ

Chẳng có gì sai trái với việc hẹn hò online. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng số người gặp gỡ qua mạng và có mối quan hệ lâu bền đang ngày càng tăng. Không chỉ khả thi, nó còn là cách để bạn gặp gỡ mọi người nếu bạn vừa chuyển đến thành phố mới và còn đang bận rộn với công việc, hoặc "trở lại thị trường hẹn hò".

Như đã nói, hầu hết mọi người không sử dụng ứng dụng hẹn hò một cách hiệu quả. Nếu bạn đang gặp vấn đề với việc mọi người trở nên vô tâm và/hoặc lạnh nhạt, tôi ghét phải là người nói với bạn điều này: vấn đề không phải là họ, mà chính là bạn.

Các ứng dụng hẹn hò là cách vừa nhanh vừa hiệu quả để gặp được người mới — và chỉ dừng lại ở đó. Chuyện sau đó phụ thuộc vào việc bạn truyền đạt rõ ràng và mạnh dạn những gì bạn đang tìm kiếm.

Điều này sẽ khiến một số người cảm thấy phát hoảng, thậm chí “ghosting” bạn. Nhưng tôi ở đây để nói với bạn rằng đó là điều tốt.

Thử nghĩ xem: những người phát hoảng và “bơ” bạn, đó là những mối quan hệ nông nổi và vớ vẩn mà bạn đã quá mệt mỏi khi hẹn hò. Tốt nhất là loại bỏ càng nhanh càng tốt và không tham gia vào trò chơi tình ái của những người như vậy. Lời khuyên này đúng gấp đôi khi bạn càng trưởng thành hơn.

Nếu bạn nói với ai đó trong buổi hẹn đầu rằng bạn đang tìm kiếm một mối quan hệ lâu dài và điều đó khiến họ lo sợ, bạn đã tự tạo cho mình một ân huệ to lớn trong tương lai. Nếu ý định của bạn chưa gì đã khiến họ hoang mang, thì thực thế là họ không có cùng mong muốn với bạn và/hoặc họ đang cần giải quyết vấn đề của chính họ. Hãy coi đó là một điều may mắn khi tự loại mình vì bạn.

Công việc của bạn đơn giản là thể hiện bản thân trung thực và không xấu hổ về điều đó.

Phẩm chất cần tìm ở một đối tác

Một số người cho rằng góc nhìn của tôi về các mối quan hệ lãng mạn đôi khi hơi thái quá. Lý do vì tôi thường dùng các ví dụ khá “nặng đô” khi minh họa về những thứ như giá trị và ranh giới cá nhân. Nhiều người còn nghĩ tôi đang khuyên họ chỉ nên tìm kiếm sự hoàn hảo trong đời sống tình cảm. Điều này chỉ dẫn đến những kỳ vọng phi thực tế kèm kết cục thất vọng, vì không ai hoàn hảo cả.

Hiển nhiên, ai cũng có khuyết điểm. Chẳng ai trên đời mà không mang gánh nặng tinh thần hay cảm xúc bất an.

Câu hỏi thực sự là làm thế nào để đối phó với nó? Trước đây tôi đã nói về cách nhận diện hành vi thao túng cảm xúc và cách tránh những người có biểu hiện như vậy. Đó là những người sử dụng vấn đề và gánh nặng tâm lý như một vũ khí với đối tượng hẹn hò của mình.

Ở đây, tôi muốn nói về những đặc điểm mà bạn có thể chủ động tìm kiếm ở đối tác khi quyết định hẹn hò hoặc tiến xa hơn với họ.

“Thuốc đắng dã tật”

Một cơ số các mối quan hệ quan trọng đầu tiên của tôi bị sa lầy với rất nhiều hành vi thao túng lẫn việc đóng vai nạn nhân/người giải cứu. Mối quan hệ kiểu này là những bài học kinh nghiệm tuyệt vời, song chúng cũng gây rất nhiều đau đớn và buộc tôi phải học hỏi từ đó.

Chỉ đến khi tôi tìm mình thấy mối quan hệ lành mạnh với người có khả năng quản lý tốt khuyết điểm của mình, tôi mới thực sự học được những điều cần tìm kiếm khi hẹn hò.

Và lần này tôi đã phát hiện ra, có một đặc điểm buộc phải có trong mối quan hệ. Một số người không muốn thỏa hiệp về những đặc điểm bề ngoài: ngoại hình, trí thông minh, trình độ học vấn, v.v. Đó đều là những điều quan trọng, nhưng có một đặc điểm không bao giờ nên thỏa hiệp mà tôi đã rút ra cho bạn đó là:

Khả năng nhìn nhận khuyết điểm của chính mình và chịu trách nhiệm về chúng.

Bởi những khúc mắc là điều không thể tránh khỏi. Mối quan hệ nào cũng có lúc xung đột và mỗi người sẽ phải đối mặt với trở ngại tình cảm vào nhiều thời điểm khác nhau. Cả hai cần sẵn lòng và có khả năng nhận diện vướng mắc của mình, đồng thời trao đổi về chúng một cách cởi mở. Mối quan hệ kéo dài bao lâu, diễn ra tốt đẹp thế nào phụ thuộc vào việc hai bạn làm được điều này đến đâu.

alt
Cả hai cần sẵn lòng và có khả năng nhận diện vướng mắc của mình, đồng thời trao đổi về chúng một cách cởi mở. | Nguồn: Unsplash

Hãy nghĩ về nửa kia và tự hỏi, "Nếu tôi đưa ra lời góp ý một cách thành thực và mang tính xây dựng về những gì mà tôi nghĩ anh/cô ấy có thể làm tốt hơn, người ấy sẽ phản ứng thế nào?”

Nổi trận lôi đình? Tạo drama? Đổ lỗi và chỉ trích ngược lại bạn? Cho rằng bạn không yêu họ? Bỏ đi trong bực tức và bắt bạn đuổi theo?

Hay họ sẽ đánh giá cao quan điểm của bạn, kể cả khi hơi tổn thương một chút hay không thoải mái, ngay cả khi có chút cảm xúc bộc phát lúc đầu? Cuối cùng họ có cân nhắc và sẵn sàng nói về nó không? Theo cách không đổ lỗi hay xấu hổ. Không drama hóa một cách không cần thiết. Không cố gắng làm bạn ghen tị hay tức giận.

Nếu họ không như vậy?

Vậy thì họ không phải là người bạn nên hẹn hò.

Tuy nhiên, cũng là người đó và giờ tưởng tượng họ đang đưa ra những nhận xét tương tự cho bạn. Bạn sẽ phản ứng như thế nào? Bạn có phủ nhận điều đó không? Bạn có đổ lỗi hay dùng ngôn từ xúc phạm họ? Bạn có cố gắng tìm lý lẽ để thoát khỏi lời phê bình? Bạn sẽ tức giận hay bất an?

Rất có thể bạn sẽ làm vậy. Rất có thể người kia cũng thế. Hầu hết mọi người đều sẽ làm vậy. Bởi vậy nên kết cục họ mới hẹn hò với nhau.

Những cuộc trò chuyện cởi mở, thân mật để bạn có thể thoải mái nói về khuyết điểm của nhau mà không cần đổ lỗi hoặc cảm thấy xấu hổ có lẽ là điều khó thực hiện nhất trong bất kỳ mối quan hệ nào. Rất ít người có khả năng làm được điều đó. Cho đến nay, khi tôi ngồi nói chuyện như vậy với bạn gái, hoặc bố tôi, hoặc một trong những người bạn thân nhất, tôi vẫn cảm thấy ngực thắt lại, bụng quặn lên, cánh tay đổ mồ hôi.

Điều này dù không dễ chịu nhưng lại hoàn toàn bắt buộc cho một mối quan hệ lành mạnh lâu bền. Cách duy nhất để tìm thấy điều này ở một người là bước vào mối quan hệ - ngay từ thời điểm lần đầu gặp nhau - với sự trung thực. Bạn bày tỏ cảm xúc và quan điểm tình dục mà không đổ lỗi hoặc xấu hổ, cũng không biến thành thói quen xấu như chơi đùa tình cảm hay khuấy động “drama”.

Kìm nén hoặc bộc lộ cảm xúc quá mức sẽ thu hút một người cũng kìm nén hoặc bộc lộ cảm xúc quá mức. Thể hiện cảm xúc của bạn một cách lành mạnh sẽ thu hút một người cũng thể hiện cảm xúc của họ lành mạnh.

Bạn có thể nghĩ rằng người thế này làm gì tồn tại, cứ như kỳ lân ấy. Nhưng rồi bạn sẽ ngạc nhiên. Sự thành thật về cảm xúc của bạn tự nhiên sẽ thu hút sự thành thật của người bạn gặp và hẹn hò. Khi bạn tự sửa đổi thì giống như có được một mã gian lận kì diệu vậy, những người bạn gặp và hẹn hò sẽ ngày càng hoàn thiện hơn.

Nỗi ám ảnh và lo lắng về chuyện hẹn hò được giải quyết, trở nên đơn giản và dễ hiểu hơn. Không còn dông dài và tính toán, quá trình này trở nên tinh giản và dễ chịu hơn. Như cách cô ấy ngẩng đầu khi cười. Hay cách đôi mắt của bạn thoạt sáng lên khi bạn nói chuyện với anh ấy.

Những lo lắng của bạn sẽ tan biến. Và bất kể điều gì xảy ra, dù cả hai bên nhau trong một phút, một tháng hay cả đời, đều sẽ được đón nhận.

Chú ý đến luật "rất muốn hoặc không"

Nhiều năm trước, tôi đã viết một bài đăng có tên “rất muốn hoặc không” (tựa gốc: f*ck yes or no). Mọi người thích nó. Họ chia sẻ khắp Facebook và gửi cho bạn bè. Họ đăng nó trên lý lịch hẹn hò. Họ gọi mẹ, khóc và hỏi tại sao lại không được dạy điều này ở trường. Nhiều người đã đồng cảm với bài viết ấy.

Luật rất muốn hoặc không khá đơn giản:

Luật quy định rằng, trong hẹn hò và các mối quan hệ, cả hai bên đều phải “rất muốn” về nhau. Tại sao? Bởi vì những người hấp dẫn, không thiếu thốn tình cảm, có giá trị bản thân cao không có thời gian cho những người họ không thấy hào hứng và cũng không hào hứng ở bên họ.

Luật của “rất muốn hoặc không” áp dụng cho việc gặp gỡ và hẹn hò, tình dục, các mối quan hệ lâu dài với bất cứ ai. Trên trời dưới biển đủ kiểu, thậm chí là cả tình bạn.

Nếu bạn gặp ai đó nhưng một hoặc cả hai người không "rất muốn" gặp lại nhau, thì đó là "rất không". Nếu bạn đi buổi hẹn đầu tiên và cảm thấy buổi hẹn thứ hai không phải là “rất muốn” thì đó là "rất không".

Và tôi không chỉ đang nói đến sự lãng mạn lý tưởng, nồng nàn đâu. Có thể bạn đã phải trải qua một cuộc hẹn khó khăn, nhưng nếu cả hai đều “rất muốn” xây dựng mối quan hệ này thì tuyệt vời, bạn nên tiếp tục.

Nếu bạn đã ở với một ai đó trong nhiều năm và một hoặc cả hai bạn không phải "rất muốn" bên nhau trong tương lai gần, thì đó là "rất không".

alt
Nếu cả hai bạn không phải "rất muốn" bên nhau, thì đó là "rất không". | Nguồn: Unsplash

Trong bất kỳ mối quan hệ lâu dài nào, chắc chắn đều xảy ra chuyện “cơm không lành, canh chẳng ngọt”. Nhưng một dấu hiệu tốt của việc “rất muốn” là bạn vẫn muốn bên họ ngay cả khi đang giận nhau.

Không phải vì hai bạn đã là nửa kia của nhau nên sẽ không có bất kỳ e ngại nào. Vấn đề là bạn thấy mình luôn nói “rất muốn” cùng nhau ở mỗi bước trong mối quan hệ, bất chấp mọi e dè. Từ ngày đầu tiên đến ngày thứ hai hay ngày thứ 100, cùng nhau trải qua “những chuyến tàu lượn”, đến khi hẹn hò chính thức, tranh cãi với nhau, dọn đến ở cùng, kết hôn, cùng mua bảo hiểm, và tiếp tục với những thứ tương tự.

Khi bạn nghĩ về nó, quy luật “rất muốn hoặc không” thực ra là một phụ phẩm của tất cả mọi thứ mà chúng ta đã đề cập từ đầu bài viết đến đây. Những người biết chăm sóc bản thân và giao tiếp trung thực không có thời gian cho những người đùa giỡn hoặc nông nổi. Họ có rất nhiều tự tôn và không quan tâm người khác nghĩ linh tinh về mình thế nào.

Vì thế, dù bạn không nhớ gì trong bài viết, chỉ cần biết rằng cách để tìm thấy tình yêu đích thực là trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình, mà không cần cảm thấy tội lỗi hay xấu hổ. Bạn sẽ thu hút mọi người vào cuộc sống của mình, với những mối duyên “mây tầng nào gặp tầng ấy”. Quan trọng không kém là bạn sẽ loại bỏ tất cả những người không phù hợp với mình.

Đó mới là điều chúng ta nên hướng tới, không phải sao?