Tại sao nạn nhân xâm hại tình dục chọn im lặng? | Vietcetera
Billboard banner
10 Thg 04, 2022

Tại sao nạn nhân xâm hại tình dục chọn im lặng?

Việc im lặng tự liếm vết thương một mình hóa ra còn ít đau đớn hơn việc yêu cầu giúp đỡ, chỉ để nhận lại thêm nhiều vết thương mới. 
Tại sao nạn nhân xâm hại tình dục chọn im lặng?

Trà Nhữ @averagetea_ cho Vietcetera

Những ngày qua, chúng ta chứng kiến nhà thơ Dạ Thảo Phương một lần nữa lên tiếng tố cáo người từng cưỡng bức chị sau 23 năm im lặng.

Người cô tố cáo là ông Lương Ngọc An, phó tổng biên tập tờ Văn Nghệ, nơi cô từng là phóng viên. Hơn hai thập kỷ đã trôi qua, câu hỏi mà nhiều người đặt ra là, tại sao đó lại là hai thập kỷ của câm nín?

Khi da thịt bị đánh đồng với danh dự

Trong xã hội phức tạp của loài người, ta luôn có khả năng trở thành nạn nhân của đủ thứ tai vạ trên đời.

Tuy nhiên, khác với việc bị mất đi một thứ có tính vật chất như tiền bạc hay thậm chí một phần thể xác, xâm hại tình dục khiến nạn nhân mất đi một thứ không thể đo đếm và hồi phục lại được. Đó là danh dự. Điều này lý giải vì sao xâm hại tình dục khiến nạn nhân bị phá hủy mà không thể lên tiếng. Khi bị cướp, ta có thể hô hoán, nhưng khi bị hiếp, ta có thể lại phải giấu giếm.

Cho đến tận bây giờ, nhiều xã hội vẫn cho rằng phụ nữ phải cưới kẻ cưỡng hiếp để bảo toàn danh dự cho mình và dòng tộc. Nếu điều này không thể xảy ra, nạn nhân có thể sẽ kết liễu đời mình, hoặc chính người trong gia đình sẽ giết cô gái xấu số để rửa nhục nhã.

Năm 1966, một cô gái trẻ người Ý tên là Franca Viola đã khiến cả nước chấn động khi cô từ chối kết hôn với kẻ đã bức hại mình, đi ngược lại truyền thống. Cùng với lời từ chối ấy, Franca bị lên án là một người phụ nữ không còn liêm sỉ. Tại sao cô lại dám từ chối sống với kẻ đã làm hại mình?

Nguyên nhân sâu xa của sự vô lý này xuất phát từ gốc rễ của việc phụ nữ bị coi là công cụ sinh sản. Khi ta bị cướp của, thứ ta bị mất là một loại vật chất có giá trị. Tuy nhiên, khi người phụ nữ bị cưỡng đoạt, thứ cô bị mất là chính giá trị của mình.

Cơ thể cô chính là thứ “vật chất có giá trị” mà cô sở hữu. Khi cô bị cưỡng đoạt, cô phải làm vợ kẻ cưỡng đoạt, vì đó là cách tốt nhất để giá trị của cô được bảo toàn. Nỗi đau của cô không nên liên quan, bởi nếu nghĩ đến tận cùng của vấn đề một cách cực đoan, thì “vật chất” không nên biết đau.

Đó cũng là lý do tại sao cưỡng bức được coi là thứ vũ khí lợi hại, là chiến lược được thực hiện một cách có chủ ý trong chiến tranh nhằm khuếch trương quyền lực. Đốt nhà, tra tấn, cướp bóc, thậm chí giết chóc… đều không có sức tàn phá khủng khiếp và lâu dài như cưỡng hiếp.

Nguồn: Unsplash

Thông điệp của nó là hủy hoại danh dự của cả một dân tộc, cưỡng bức để dòng máu của kẻ mạnh được sinh ra, phá hủy sự bảo toàn giống nòi, tiêu diệt nguồn sống và yêu thương của con người.

Các vụ án tày trời như những gì quân Serb làm ở Bosnia, quân Nhật làm ở Trung Quốc và Hàn Quốc có sức hủy hoại tinh thần của cả cộng đồng. Nó nhức nhối hơn nhiều tội ác chiến tranh khác bởi nó nhằm vào phụ nữ - những người được truyền thống quy cho trách nhiệm duy trì sự sống và chăm lo gia đình.

Câu chuyện của những cô gái Hàn Quốc bị lính Nhật bắt làm nô lệ tình dục khiến ta hiểu rằng, nhà cửa sau chiến tranh có thể xây lại, nhưng người phụ nữ đã bị hủy hoại không thể phục hồi. Bởi họ ruồng bỏ chính bản thân mình. Bởi chính xã hội cũng cố gắng làm ngơ, coi họ như một vết nhục của quá khứ. Chính vì thế, để phá hủy một cộng đồng, hãy phá hủy người phụ nữ.

Như vậy, cưỡng hiếp là một sự xâm hại hoàn toàn khác với các hình thức bạo lực khác. Bằng việc đánh đồng da thịt với danh dự, nó không cho phép nạn nhân trở thành nạn nhân. Ngược lại, nó biến nạn nhân thành kẻ tội đồ vì đã không bảo vệ được danh dự của chính mình, gia đình và cộng đồng.

Xấu hổ, tủi nhục và tự nguyền rủa bản thân, nạn nhân của xâm hại tình dục thường chọn im lặng.

Khi nạn nhân sợ bị trả thù và bị kẻ thủ ác thao túng

Lý do thứ hai của im lặng là việc sợ hãi bị trả thù và các tổn thương có thể xảy ra nếu có sự tố cáo hoặc phản kháng. Điều này khiến nạn nhân bị mắc kẹt trong việc phải lựa chọn giữa các mất mát và thiệt thòi khác nhau. Sự bất bình đẳng quyền lực với kẻ thủ ác đến từ tuổi tác, khả năng chuyên môn, vị trí và kết nối xã hội, giới tính, sắc tộc, hay sự giàu có.

Trong câu chuyện của hoa khôi N.H, người bị tố đe dọa và biến cô thành nô lệ tình dục là trưởng khoa ĐH Luật, học sinh cũ, em kết nghĩa, là người được chính mẹ cô tin cậy và trao gửi để dìu dắt cô trong sự nghiệp.

Giống như một đứa con khó có thể phản ứng lại ba mẹ hay một nhân viên khó có thể phản kháng sếp mình mà không phải suy nghĩ, áy náy, cân nhắc, lo sợ về hậu quả của nó. Kẻ quấy rối và xâm hại lợi dụng điều này để thao túng nạn nhân. Đây chính là mấu chốt của vụ N.H tố cáo kẻ thủ ác lợi dụng lòng tin, quay video để khống chế.

Trong nhiều trường hợp khác, kẻ thủ ác thao túng bằng lời hứa, bằng sự ngọt ngào, bằng cách ăn mày tình thương với nạn nhân. Ta có thể dứt bỏ một con quái vật, nhưng khi con quái vật đó thỉnh thoảng lại giả vờ yếu mềm như con mèo thì ta hoang mang bối rối.

Vượt qua ranh giới của xâm hại tình dục, sự thao túng tâm lý này xuất hiện trong nhiều khía cạnh khác nhau của cuộc sống.

Đó là lý do ta hôn lên bàn tay từng tát mình hôm qua nhưng hôm nay nhẹ nhàng vuốt má. Cũng là lý do ta không thể chạy thoát một cuộc hôn nhân bạo hành, một môi trường công việc độc hại, một gia đình bất hạnh, hay một tình bạn lúc thì thân thương, lúc thì lợi dụng.

Khi nạn nhân không có sự trợ giúp

Bởi sự nhạy cảm, phức tạp và tính hủy diệt của việc bị xâm hại tình dục, nạn nhân thường khó có thể chia sẻ.

Trong câu chuyện của Dạ Thảo Phương, cô thậm chí còn không dám nói cho chính bố mẹ mình biết. Còn ở hoa khôi N.H, cô chỉ có dám nói với mẹ khi bị đánh đập dã man và bị dọa giết.

Nếu nạn nhân thậm chí còn không dám chia sẻ và cầu cứu người trong gia đình, ta có thể hiểu tại sao xã hội luôn thiếu những thiết chế trợ giúp cơ bản như đường dây nóng, chuyên gia, nhà tình thương, bác sĩ và luật sư chuyên ngành. Nhiều khi, chính người của các thiết chế ấy lại khiến nạn nhân bị tổn thương trầm trọng hơn.

Một nghiên cứu về vấn đề này thuật lại câu chuyện một nạn nhân đến viện để khám bệnh truyền nhiễm. Bác sĩ đã mắng vốn cô gái quan hệ không dùng bao cao su mà không hề hỏi “tại sao” bao cao su không được sử dụng.

Nguồn: Unsplash

Tương tự, khi những nạn nhân phải tường trình, cảnh sát thường không có kiến thức và tiếp tục bắt nạn nhân sống lại những tổn thương nặng nề, thậm chí khiến nạn nhân nghĩ rằng họ sai, xứng đáng bị hại, hoặc không đáng tin cậy. Trong nhiều trường hợp, cảnh sát chỉ làm cho đúng thủ tục nhưng chính bản thân họ cũng đổ lỗi cho nạn nhân.

Ví dụ, đầu tháng 2 năm nay, một cảnh sát Pháp sau khi buông máy điện thoại với một nạn nhân đã quay ra nói chuyện với đồng nghiệp, đùa cợt, gọi nạn nhân là “con điếm” và cho rằng cô chỉ là kẻ ngủ lang sau một đêm say sưa.

Tệ hơn, sự liêm chính của pháp luật cũng mờ nhạt trong các vụ án xâm hại tình dục. Tại một số vùng của Anh chẳng hạn, chỉ có 1% kẻ thủ ác trong các vụ tố cáo bị kết tội.

Các vụ án xâm hại tình dục cũng thường bị kéo dài hơn, tốn kém hơn, nhiều thủ tục rắc tối hơn, có nhiều nạn nhân bỏ cuộc giữa chừng hơn. Một trong những lý do lớn nhất là việc, chính những người thực thi pháp luật cũng là nạn nhân của sự thiếu hiểu biết và định kiến. Trong câu chuyện của Dạ Thảo Phương, cô cũng chia sẻ rằng đơn tố cáo đầu tiên của mình bị coi nhẹ. Cô thậm chí bị trù dập và coi là kẻ gây rối trật tự cơ quan.

Chính vì vậy, chỉ khoảng 5% nạn nhân tìm đến các thiết chế pháp luật để được trợ giúp. Con số đó ở các xã hội nặng về truyền thống có lẽ còn thấp hơn nhiều.

Khi xã hội cho rằng hiếp dâm thế nào mới là “thực sự”

Lý do tiếp theo khiến nạn nhân của xâm hại tình dục không dám lên tiếng là bởi chính xã hội và những người thực thi pháp luật cũng thường hiểu sai về cưỡng hiếp. Chúng ta thường cho rằng hiếp dâm “thực sự” phải xảy ra ở một con hẻm tối và bởi một kẻ xa lạ.

Lấy ví dụ từ một nghiên cứu của Scotland, hơn 90% nạn nhân, đặc biệt là trẻ em, bị xâm hại bởi chính những người trong gia đình, người quen, những kẻ được tin tưởng và kính trọng. Đáng lưu ý là 1/4 số nạn nhân bị cưỡng hiếp bởi chính vợ hoặc chồng mình.

Bạo lực tình dục với người mình đã kết hôn là một dạng tổn thương không thể thốt nên lời, bởi xã hội cho rằng đã là vợ chồng thì sex trở thành một nghĩa vụ. Đó là lý do bạo lực tình dục tăng mạnh trong thời kỳ cách ly đại dịch.

Nguồn: Unsplash

Một nghiên cứu khác của Mỹ cho thấy tội ác có thể xảy ra bất kỳ nơi đâu, ở gần nhà nạn nhân (55%), nơi công cộng (15%), nhà người thân (12%), thậm chí trong khuôn viên trường học (8%). Tội ác xảy ra ở những nơi khuất nẻo như chỗ đậu xe chỉ chiếm 10%.

Chính vì vậy, nhiều vụ xâm hại tình dục không khớp với những gì ta vốn hằng tưởng tượng. Nó trở nên vô lý vì nó không giống với điều ta tin tưởng. Nạn nhân của xâm hại tình dục bị nghi ngờ, “hẳn là quen biết yêu đương nhau rồi xô xát” chứ cưỡng hiếp gì.

Đây là cách hiểu sai, bởi yêu đương hay thậm chí hôn nhân cũng không thể là lý do để cưỡng dâm. Đối mặt với việc bị cho là kẻ nói dối, nạn nhân buộc phải chọn im lặng.

Khi xã hội tấn công nạn nhân

Cuối cùng, lý do khiến các nạn nhân chọn chịu đựng một mình là bởi họ trở thành đối tượng bị tấn công. Đó là những câu hỏi về việc khi bị xâm hại, họ đã mặc gì, nói gì, có uống rượu không, có đi một mình không, có chống cự đến mức phải chảy máu xước da không, có tình ý trước với kẻ kia không, có nhận quà hay để kẻ kia phải trả tiền không...

Ví dụ, trong vụ cô bé người H'mông bị “cướp vợ” gần đây, một số báo giật tít là “hai em đã có cảm tình và nhắn tin cho nhau từ trước”. Điều này thật ra không liên quan, vì kể cả giữa hai vợ chồng với nhau, bạo lực tình dục vẫn xảy ra nếu một người không đồng thuận.

Những nghi ngờ như thế này xuất phát từ thiên kiến “trời cao có mắt” (just world). Đó là niềm tin về một xã hội công bằng, ở hiền ắt sẽ gặp lành. Nếu ai đó gặp nạn, hẳn là họ đang bị trả giá. Nó khiến bản thân ta yên tâm hơn vì mình đang sống trong một thế giới công bằng, văn minh.

Tuy nhiên, xâm hại tình dục có thể xảy ra với bất kể ai, kể cả một em nhỏ còn chưa kịp để lại dấu ấn gì với đời. Thế giới thần tiên trong những câu chuyện cổ tích không phản ảnh cuộc sống vẫn còn đầy bất công mà chúng ta đang sống.

Xu hướng tấn công nạn nhân còn nhằm vào phẩm chất của họ: “Nó vốn là đứa con gái lẳng lơ”, “Nó vốn bị gay nên có tính lang chạ”, “Nó có tư thù nên mới làm ông kia sập bẫy”, “Nó muốn nổi tiếng nên tạo scandal”.

Vấn đề là, bất kể phẩm chất của một con người có xấu tốt thế nào, hành động tình dục không có sự đồng thuận đều biến họ thành nạn nhân.

Nguồn: Unsplash

Tương tự, bất kỳ phẩm chất của một kẻ có tốt đến đâu, hành động cưỡng hiếp cũng biến họ thành kẻ thủ ác. Ta không thể cho rằng anh ta/chị ta “giỏi giang”, “gặp ngoài đời thấy dễ mến”, “là một người chăm lo cho gia đình”... nên không thể làm bất kỳ điều gì xấu.

Việc đổ lỗi cho phẩm chất kẻ khác thể hiện thiên kiến “quy kết bản chất” (fundamental attribution). Chúng ta tin rằng sự việc xảy ra vì đặc tính của nạn nhân, rằng họ bản chất là sai, là ác nên mới gặp kiếp nạn. Thiên kiến này bỏ qua vô số tác động bên ngoài như nỗi sợ bị mất danh dự, áp lực định kiến xã hội, hay sự thao túng từ kẻ phạm tội.

Như vậy, nạn nhân của xâm hại tình dục chọn im lặng còn bởi họ không muốn một lần nữa bị cưỡng hiếp bởi miệng lưỡi người đời. Việc im lặng tự liếm vết thương một mình hóa ra còn ít đau đớn hơn việc yêu cầu giúp đỡ, chỉ để nhận lại thêm nhiều vết thương mới.

Khi nạn nhân là đàn ông

Da thịt đàn ông cũng bị đánh đồng với danh dự, nhưng đó là danh dự của kẻ bảo vệ, kẻ mạnh, kẻ thu phục và truyền giống. Đàn ông bị coi là những kẻ đói sex. Giá trị của họ được đo bằng khả năng ham muốn tình dục.

Họ phải coi va chạm thịt da là điểm số để chiến thắng và khẳng định giá trị đàn ông. Vì thế, khi họ bị xâm hại, thì họ phải coi đó là được sờ mó, và họ phải thích. Không thích không phải đàn ông.

Định kiến này tạo ra tiêu chuẩn kép. Ấy là khi phụ nữ bị xâm hại thì ta lên tiếng. Nhưng khi đàn ông bị xâm hại thì thể nào cũng có kẻ đùa cợt “thích bỏ xừ”. Đàn ông thực thụ không bị xâm hại, có bị xâm hại cũng không bị tổn thương tinh thần.

Nếu họ “bị” xâm hại, rất có thể họ là người đồng tính và bí mật thích thú. Điều này trở nên tệ hại hơn vì với đàn ông, dương vật cương cứng không có nghĩa là ham muốn mà có thể chỉ là phản ứng cơ học.

Như vậy, với phụ nữ thì cơ thể = phẩm hạnh. Và phẩm hạnh của họ được quyết định bằng ý chí nhục dục của kẻ khác. Khi cơ thể họ bị tấn công, họ trở thành tội đồ vì không bảo vệ được phẩm hạnh của mình.

Tuy nhiên, với đàn ông, cơ thể = vũ khí. Họ phải dùng vũ khí đó để vơ vào, ăn hết, thử cho biết, không thích cũng làm miếng cho vui, giết thừa còn hơn bỏ sót. Giá trị của họ được quyết định bằng thước đo ham muốn dục tính theo khuôn mẫu của xã hội.

Khi cơ thể họ bị tấn công, họ không thể thanh minh vì logic sau: cơ thể của anh là vũ khí. Làm gì có chuyện kẻ có vũ khí lại không dùng nó để tấn công?

Theo một nghiên cứu trên SV tại 32 quốc gia, 2.4% đàn ông và 1.8% phụ nữ thừa nhận mình đã từng bị cưỡng hiếp, tức là tỷ lệ đàn ông bị tấn công tình dục còn cao hơn cả phụ nữ.

Nếu định kiến gắn giá trị phụ nữ với da thịt khiến họ ít dám lên tiếng, thì định kiến gắn giá trị của đàn ông với ham muốn nhục dục khiến số người dám đứng ra tố cáo còn ít hơn. Đây là lý do khiến vụ việc một nam sinh tố cáo thầy giáo xâm hại khi em còn học cấp ba trở thành tâm điểm gần đây.

Như vậy, nạn nhân có thể chọn im lặng còn vì họ là đàn ông. Việc kẻ thủ ác chính là những người cùng giới tính khiến họ bị dồn vào vị thế của nạn nhân “đúp”: một kẻ bại trận cả về mặt “nam tính” lẫn “tình dục”.

Khi phụ nữ bị cưỡng đoạt, họ mất danh dự, nhưng vẫn là phụ nữ. Khi đàn ông bị cưỡng đoạt, họ không còn là đàn ông.

Nạn nhân có thể im lặng trong bao lâu?

Tại Việt Nam, cứ 10 phụ nữ thì 1 người từng bị cưỡng ép tình dục, cứ 10 người phụ nữ khuyết tật thì có 4 người đã từng bị bạo lực tình dục, cứ 4 trẻ em gái hoặc 6 trẻ trai thì có một em bị xâm hại tình dục.

Tuy nhiên, có rất nhiều lý do (mà bài viết này thậm chí chưa liệt kê được hết) khiến nạn nhân chọn im lặng. Với một bộ phận rất nhỏ những người dám can đảm lên tiếng, một nghiên cứu của Scotland đưa ra con số 10 năm. Với đàn ông, thời gian im lặng là từ 20-30 năm.

Chính vì thế, xâm hại tình dục đang dần được coi là một loại hình tội phạm đặc trưng, nơi tiếng nói của những nạn nhân đang dần được coi trọng hơn những loại hình tội phạm khác. Ở nhiều nước, thời gian tố cáo cũng không còn giới hạn. Với Việt Nam, sau 20 năm thì nạn nhân không còn có thể kiện kẻ thủ ác ra tòa.

Câu chuyện của Dạ Thảo Phương lên tiếng sau 23 năm rất nên là một cơ hội để các nhà làm luật cân nhắc thay đổi. Bởi với nạn nhân của xâm hại tình dục, tổn thương là vĩnh viễn và thời gian dường như rất khó chữa lành.