Quảng bá tay nghề và sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam: Thương mại điện tử có vai trò như thế nào? | Vietcetera
Billboard banner
13 Thg 10, 2021

Quảng bá tay nghề và sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam: Thương mại điện tử có vai trò như thế nào?

Được thành lập trong giai đoạn giãn cách xã hội, nền tảng thương mại điện tử CHUS có sứ mệnh kết nối người tiêu dùng với nghệ nhân Việt.

Quảng bá tay nghề và sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam: Thương mại điện tử có vai trò như thế nào?

Nguồn: CHUS

CHUS x Vietcetera

Trong bối cảnh toàn thành phố thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội và tình hình đi lại trở nên khó khăn, đa phần người dân đã lựa chọn chuyển sang hình thức mua sắm trực tuyến.

Cũng trong giai đoạn giãn cách xã hội, nền tảng thương mại điện tử CHUS đã được thành lập, tập trung giới thiệu các sản phẩm thân thiện với môi trường và sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Sự ra đời của CHUS được xem là một nỗ lực kết nối người tiêu dùng với nghệ nhân Việt trong các lĩnh vực sản xuất từ thực phẩm, nghệ thuật, hay ngay cả các sản phẩm board games.

Trong cuộc trò chuyện với nhà sáng lập Injoon Song, chúng tôi đã có cơ hội tìm hiểu thêm về sứ mệnh của nền tảng, hiện trạng của ngành thủ công mỹ nghệ trong nước, và việc khách nước ngoài tìm mua quà lưu niệm là hàng giả đã tạo ấn tượng sai về Việt Nam như thế nào.

Anh Injoon Song, nhà sáng lập của CHUS. | Nguồn: CHUS

Đại dịch đã mang đến nhiều thách thức cho ngành nghề kinh doanh trên toàn thế giới, vậy vì sao anh lại chọn năm 2020 để thành lập CHUS?

Tôi may mắn đã cùng gia đình chuyển đến sống và làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh khi đại dịch COVID-19 còn chưa xuất hiện. Từ đó đến nay, tôi đã có cơ hội tìm hiểu và gắn bó với văn hóa Việt Nam nhờ gặp gỡ khách hàng và những chuyến du lịch trong nước.

Tôi luôn ấn tượng trước chất lượng của nhiều loại đặc sản địa phương, từ những sản phẩm tre thân thiện với môi trường ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, cho đến các sản phẩm thiết kế thổ cẩm độc đáo tại khu vực miền Bắc. Cá nhân tôi cảm thấy vô cùng vinh dự khi được tiếp xúc với các sản phẩm này, và hy vọng có thể cùng chia sẻ niềm vinh dự ấy với mọi người thông qua nền tảng CHUS.

Ý tưởng thành lập CHUS đã nhen nhóm trong tôi từ năm 2019 trong một chuyến du lịch Buôn Ma Thuột, nơi tôi lần đầu tiên nếm thử món tỏi Lý Sơn. Khi đó, tôi đã hy vọng mình có thể xây dựng một nền tảng thương mại điện tử giúp người nước ngoài và người trẻ đang sinh sống tại Việt Nam tiếp cận được các sản phẩm thủ công mỹ nghệ nói riêng.

Tiềm năng và thách thức của lĩnh vực sản xuất hàng thủ công tại Việt Nam là gì?

Khi đại dịch chưa xuất hiện, bạn bè hay hỏi tôi nên mua gì làm quà lưu niệm khi du lịch Việt Nam, và tôi luôn khuyên họ đừng mua gì cả. Khách du lịch thường thích mua quà lưu niệm trước khi về nước, nhưng tôi biết rằng rất có thể họ sẽ mua phải vài chiếc áo thun Prada giả ở chợ Bến Thành. Có thể việc này không quá nghiêm trọng, nhưng đã tạo ấn tượng sai về các sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam là có chất lượng và giá thành thấp.

Khi tìm hiểu sâu hơn, tôi nhận thấy Việt Nam cũng có những mặt hàng được chú trọng, đảm bảo chất lượng trong khâu sản xuất. Các sản phẩm thủ công và mỹ nghệ Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng rất lớn, đặc biệt khi hướng tới đối tượng khách hàng là khách du lịch. Vì vậy, CHUS - trong vai trò nền tảng mua sắm trực tuyến - có thể đưa người tiêu dùng đến gần hơn với những sản phẩm này.

Nguồn: CHUS

Thách thức dành cho lĩnh vực này thì nằm ở nhiều khía cạnh, một trong số đó có thể kể đến sự thiếu hụt kinh nghiệm bán hàng trên các sàn thương mại điện tử. Nhiều thương hiệu đối tác của CHUS từng chỉ kinh doanh trên mạng xã hội, hoặc tại các cửa hàng pop-up.

Một thách thức khác nằm ở khâu đóng gói, mà CHUS thì luôn hy vọng khách hàng có thể hài lòng với chất lượng ngay khi nhận được kiện hàng. Đặc biệt trong thời kỳ giãn cách xã hội toàn thành phố, nhu cầu vận chuyển hàng hóa trở thành trọng điểm, vấn đề đóng gói bưu kiện hàng càng cần được giải quyết hơn bao giờ hết.

Bản thân tôi từng nhận các kiện hàng được đóng gói một cách cẩu thả, bọc và dán băng dính lộn xộn. Do đó, CHUS muốn giải quyết vấn đề này bằng cách chú trọng đóng gói cẩn thận từng kiện hàng, đảm bảo khách hàng cảm thấy được quan tâm và chăm sóc bởi các thương hiệu mà họ tin dùng.

Sản xuất thủ công mỹ nghệ tại Việt Nam có gì đặc biệt hơn so với các ngành nghề khác?

Theo tôi, có nhiều lý do tạo nên sức hút của Việt Nam và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ địa phương, một phần nằm ở sự kết hợp giữa tính truyền thống và sự đa dạng văn hóa. Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đều được ra đời và gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển lâu đời của Việt Nam.

Tuy nhiên, bài toán lớn nhất là hầu hết các xưởng chế tác của các nghệ nhân đều nằm trong những con hẻm nhỏ, tại các thị trấn nhỏ. Do đó, CHUS có nhiệm vụ tìm kiếm những mặt hàng “tiềm ẩn” này, sau đó triển khai kế hoạch kinh doanh giúp khách hàng có thể tiếp cận các mặt hàng ấy.

Chú trọng vào sản phẩm thân thiện với môi trường, CHUS có gặp phải khó khăn nào khi tìm kiếm các thương hiệu đối tác?

Ở thời điểm mới bắt đầu tìm kiếm, chúng tôi rất vui khi nhận thấy có nhiều thương hiệu chú trọng phát triển các sản phẩm nội địa. Làn sóng các thương hiệu mới thành lập hiện nay cũng tập trung hơn vào các sản phẩm tốt cho sức khỏe và thân thiện với môi trường. Chẳng hạn, trên nền tảng CHUS có các thương hiệu bày bán các sản phẩm thay thế ống hút nhựa, nước rửa chén làm từ enzyme trái cây, hoặc túi và giỏ mây.

Ngoài ra, thế hệ trẻ hiện nay, chủ yếu là Gen Z, cũng có nhiều bạn từng du học ở nước ngoài và trở về đóng góp cho Việt Nam với những đổi mới trong việc xây dựng thương hiệu và sản phẩm. Họ chú trọng hơn vào chất lượng và thiết kế cho sản phẩm của mình, từ board games đến thời trang.

Chúng tôi vừa ngạc nhiên, vừa vui mừng khi chứng kiến sự đa dạng trong ngành sản xuất thủ công mỹ nghệ. Với sự hỗ trợ của CHUS trong việc mở rộng phạm vi tiếp cận cho các thương hiệu này, chúng tôi mong khách hàng cũng cảm nhận được niềm vui khi trải nghiệm các sản phẩm có mặt trên nền tảng.

Nguồn: CHUS

CHUS đang hướng đến những nhóm khách hàng nào?

CHUS hướng tới phục vụ hai đối tượng khách hàng chính. Nhóm khách hàng thứ nhất là người nước ngoài và người trẻ đang sinh sống tại Việt Nam. Mong muốn của chúng tôi là đem đến cho khách hàng cơ hội khám phá tay nghề của các nghệ nhân trẻ, những thương hiệu địa phương mà họ chưa từng biết đến.

Đối tượng thứ hai là khách nước ngoài đã và đang du lịch tại Việt Nam. Chúng tôi đã lên một số kế hoạch marketing cụ thể hướng đến đối tượng này trong tương lai, khi tình hình đại dịch chuyển biến tích cực và khách nước ngoài có thể tiếp tục đến tham quan Việt Nam. Chúng tôi hy vọng rằng, CHUS sẽ trở thành nền tảng được bạn bè quốc tế truy cập đầu tiên khi cần tìm kiếm những sản phẩm nội địa có chất lượng hàng đầu tại Việt Nam.

Làm thế nào để các sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam trở nên gần gũi và đi vào đời sống thường nhật của mọi nhà?

Ở thời điểm mới thành lập, các thương hiệu đối tác của CHUS thường không chú trọng vào việc kinh doanh. Đa số chỉ theo đuổi một sở thích cá nhân, làm ra các sản phẩm thủ công để chia sẻ với gia đình và bạn bè, cũng như chia sẻ niềm vui với cộng đồng người địa phương.

Ví dụ là một đối tác sản xuất granola tại Hội An, ban đầu anh chỉ làm món granola cho gia đình và hàng xóm thân cận. Sau một thời gian dài, anh quyết định triển khai kinh doanh sản phẩm granola do mình làm ra, đặt trụ sở thương hiệu tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, và hiện đang hợp tác vô cùng thuận lợi với CHUS.

Tương tự như chủ thương hiệu granola, nhiều thương hiệu đối tác khác của CHUS bắt đầu từ quy mô nhỏ và chỉ tập trung vào thị trường tại địa phương. Tuy nhiên, khi hợp tác cùng CHUS, chúng tôi sẽ lên kế hoạch giúp họ mở rộng phạm vi kinh doanh cũng như danh mục sản phẩm, từ đó mở rộng phạm vi tiếp cận người tiêu dùng. 

Đây chính là cách để các sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam trở nên thân thiện và gần gũi hơn với khách hàng đến từ khắp nơi trên thế giới.

CHUS tìm kiếm đối tác dựa trên những tiêu chí nào?

Khi tìm kiếm các thương hiệu đối tác mới, chúng tôi dựa trên một quy tắc đơn giản: Liệu bản thân mình có thể tự hào giới thiệu các sản phẩm của họ tới gia đình và bạn bè hay không?

Chúng tôi luôn chú trọng vào trải nghiệm của khách hàng thông qua việc đặt trọng tâm vào chất lượng sản phẩm. Mong muốn kết nối thương hiệu với khách hàng của CHUS dựa trên quan điểm: nếu bản thân chúng tôi không muốn gia đình mình sử dụng sản phẩm kém chất lượng, thì chúng tôi cũng không muốn khách hàng phải trải nghiệm các sản phẩm đó.

Nguồn: CHUS

Chia sẻ đôi chút của anh về những giá trị mà CHUS mong muốn thúc đẩy?

Trong các cuộc họp cùng nhân viên, tôi thường nhắn gửi: “Khi có điều gì cần cân nhắc, hãy suy nghĩ từ quan điểm của khách hàng.”

Lúc mới chuyển đến Việt Nam, tôi nhận thấy không có nhiều doanh nghiệp thực sự chú trọng đến quan điểm và trải nghiệm của khách hàng, trong khi đây là điều nên được ưu tiên hàng đầu.

Do đó, trong các cuộc thảo luận và quá trình đưa ra quyết định tại CHUS, chúng tôi luôn đặt niềm vui của khách hàng lên hàng đầu. Tiếp đó chúng tôi sẽ ưu tiên lợi ích của các thương hiệu đối tác, và ưu tiên thứ ba là cam kết của CHUS với đội ngũ nhân viên.

Kế hoạch sắp tới của CHUS là gì?

Dành cho năm tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung vào những kế hoạch phát triển cơ bản. Đầu tiên là tìm kiếm các thương hiệu đối tác trong thị trường thủ công mỹ nghệ; và thứ hai là phát triển cách giới thiệu sản phẩm tập trung vào khách hàng (customer centric product presentation) để nâng cao trải nghiệm mua sắm.

Mục tiêu đến năm 2022 của CHUS là hợp tác với 3.000 thương hiệu, để có thể thành công đưa CHUS trở thành nền tảng được ưu tiên hàng đầu của khách hàng trong nước và quốc tế, những người quan tâm đến sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam.

Nền tảng thương mại điện tử CHUS là nơi các khách hàng tiềm năng trên khắp thế giới có thể tiếp cận các sản phẩm thủ công Việt Nam, với giá cả phải chăng cùng chất lượng hàng đầu.

Sau thời gian trải nghiệm công việc kinh doanh tại thị trường Đông Nam Á, anh Injoon — nhà sáng lập của CHUS — đã nhận thấy tiềm năng trong lĩnh vực sản xuất hàng thủ công tại Việt Nam. Cùng san sẻ niềm tin đó, một đội ngũ những người trẻ yêu đồ thủ công, yêu sự phát triển bền vững đã tập hợp tại CHUS. Mục tiêu lớn nhất của CHUS là quản lý và đảm bảo chất lượng của mặt hàng thủ công khi đến tay người tiêu dùng; cũng như đáp ứng được tiêu chuẩn ngày càng khắt khe trên thị trường.

Bài viết được biên dịch bởi Thảo Vân