Người có vấn đề tâm lý có thể trở thành nhà tâm lý được không? | Vietcetera
Billboard banner
25 Thg 08, 2022

Người có vấn đề tâm lý có thể trở thành nhà tâm lý được không?

Ta có thể thương người khác trước khi thương mình?
Người có vấn đề tâm lý có thể trở thành nhà tâm lý được không?

Bích Thủy @salted.evian cho Vietcetera

"Nhà tâm lý mà còn trầm cảm thì làm sao có thể giúp đỡ ai?"

Đó là trăn trở mà một người bạn đã nói với tôi khi mắc chứng bệnh trầm cảm trong thời gian còn là sinh viên. Nếu nhìn vào đặc thù công việc của một nhà tâm lý, suy nghĩ này hoàn toàn có cơ sở.

Nhà tâm lý phải ngồi hàng giờ, lắng nghe câu chuyện của nhiều thân chủ khác nhau. Họ phải kiểm soát cảm xúc của mình, không để các vấn đề của bản thân ảnh hưởng tới thân chủ và ngược lại. Do đó, nỗi lo khó lòng giúp đỡ người khác khi bản thân chưa khỏe mạnh là một trăn trở hợp lý.

Nhưng đó là vấn đề của những người đã hành nghề chuyên nghiệp. Còn với người chuẩn bị theo đuổi nghề, những lo lắng này không phải là một trở ngại không thể vượt qua.

Dần dần học cách vượt qua vấn đề cá nhân

Trong cuộc sống, ai cũng gặp vấn đề

Sẽ là không thực tế nếu ta kỳ vọng bản thân phải có sức khỏe tâm lý hoàn hảo trước khi theo đuổi ngành tâm lý. Ngay cả khi hành nghề, bác sĩ đôi khi không tránh khỏi bệnh tật, nhà tâm lý cũng vậy. Họ không miễn nhiễm với các vấn đề về sức khỏe tinh thần và cũng cần có chuyên gia tâm lý riêng để điều trị khi cần thiết.

04aug2022therapistintext2jpg
Các chuyên gia tâm lý nhiều khi cũng "bốc hỏa" trong đầu.

Nếu đó là vấn đề nhất thời và có thể kiểm soát thì công việc tham vấn - trị liệu vẫn có thể tiếp diễn. Nhưng nếu một người đang mắc phải bệnh lý tâm lý nghiêm trọng, hoặc những đau khổ mạnh mẽ gây gián đoạn tới sinh hoạt, công việc hằng ngày thì người đó cần giúp đỡ bản thân mình trước khi giúp đỡ bất kì ai.

Như thế, việc ta có thể xác định những vấn đề mình đang gặp phải, và từ đó có các cách chăm sóc bản thân phù hợp là điều cần thiết để đảm bảo chất lượng công việc.

Học tâm lý trước hết là học cách hiểu bản thân

Điều quan trọng hơn việc ta có vấn đề gì hay không là cách ta phản ứng khi chúng xảy ra, và liệu ta có thể ngăn chặn việc đó ảnh hưởng tới thân chủ không. Đó sẽ là những gì ta được học khi bước chân vào ngành tâm lý.

Trước khi thực hành tham vấn – trị liệu chuyên nghiệp, cá nhân sẽ có từ 4-6 năm để hoàn thành chương trình cử nhân và thạc sĩ. Đây cũng là khoảng thời gian tuyệt vời để bạn vừa tìm hiểu chính mình và vừa nâng cao năng lực.

Ví dụ, ta có thể hiểu cách hành xử của chính mình trong mối quan hệ cặp đôi bằng cách học về ảnh hưởng của mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái từ quá khứ tới hiện tại. Khi đó, ta sẽ đánh giá xem cách hành xử ấy hợp lý hay không hợp lý, và chúng có đang khiến ta đau khổ hơn.

Nếu câu trả lời là có, ta sẽ tìm các cách khắc phục chúng như cách ta làm việc với thân chủ tương lai.

Ngoài ra, việc này cũng giúp ta nhận diện và làm việc tích cực với các vấn đề của mình. Ta sẽ được trang bị kỹ năng và sự nhận biết tinh tế để đối mặt nhẹ nhàng và lành mạnh với những điều có thể gặp phải trong tương lai.

Qua đây, ta có thể áp dụng những gì bản thân đã học để chuyển hóa mình thành con người khỏe mạnh và có sự trưởng thành về mặt tâm lý nhất định.

Vượt qua những khó khăn về tâm lý là lợi thế lớn cho nhà tâm lý tương lai

Việc ta có thể vượt qua các vấn đề của bản thân cho thấy ta có tiềm năng trở thành nhà tâm lý có năng lực. Con người của nhà tâm lý, cùng với mối quan hệ với thân chủ, là một trong những yếu tố tạo nên hiệu quả của tham vấn, trị liệu tâm lý.

Công cuộc làm việc với các vấn đề của bản thân sẽ giúp ta kiên nhẫn, nhẹ nhàng hơn với quá trình trị liệu của các thân chủ tương lai. Đồng thời, ta cũng sẽ có thái độ tôn trọng, thấu hiểu, không phán xét những câu chuyện của thân chủ. Đó là bởi ta đã gỡ bỏ những định kiến có thể có về vấn đề thân chủ trong quá trình làm việc với bản thân.

04aug2022therapistintext1jpg
Thấu hiểu bản thân đễ nhẫn nại và không phán xét người khác khi họ rơi vào trường hợp tương tự.

Ví dụ, một nhà tâm lý đã từng đau khổ vì nỗi đau mất người thân có thể thấu cảm và nhẫn nại hơn khi thân chủ của họ sụp đổ và gặp khủng hoảng do mất mẹ. Nhưng nhà tâm lý cũng cần đủ tỉnh táo để không bị cảm xúc của thân chủ khơi gợi lại nỗi đau trước đây nhằm bảo vệ bản thân mình lẫn mối quan hệ với thân chủ.

Sự tích cực và lành mạnh qua hình mẫu nhà tâm lý đang bộc lộ cũng như mối quan hệ giữa cả hai là điều rất quan trọng trong trị liệu. Chỉ riêng việc này đã xoa dịu, nâng đỡ thân chủ, giúp họ lấy lại niềm tin và động lực hướng tới cuộc sống ý nghĩa họ đã đánh mất trong quá khứ.

Vạn sự khởi đầu nan

Nhà tâm lý phải hiểu thật rõ những tác động từ suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của mình tới người khác, đặc biệt là tới thân chủ. Dù bạn chuẩn bị bước vào ngành tâm lý hay là chuyên gia lâu năm thì khả năng kiểm soát bản thân nhằm giữ thái độ bình tĩnh trước vấn đề của thân chủ sẽ luôn được đề cao.

Cuộc sống luôn đổi thay, các thách thức mới trong cả cuộc sống của nhà tâm lý và thân chủ vẫn luôn xuất hiện. Đó cũng là cách nhà tâm lý kiểm tra năng lực chuyên môn của bản thân đang ở mức độ nào.

Vì thế, nếu quyết tâm cũng như ý nghĩa của công việc này với bạn đủ lớn, việc trở thành nhà tâm lý và giúp đỡ người khác là điều có thể thực hiện được.