"Ngành âm nhạc" Taylor Swift kiếm tiền như thế nào? | Vietcetera
Billboard banner
13 Thg 10, 2024

"Ngành âm nhạc" Taylor Swift kiếm tiền như thế nào?

Được mệnh danh là "ngành âm nhạc" khi trở thành tỷ phú ở tuổi 34, vậy tài sản của Taylor đến từ những nguồn thu nào?
"Ngành âm nhạc" Taylor Swift kiếm tiền như thế nào?

Nguồn: Lionel Hahn/Getty Images

Mới đây, Forbes công bố Taylor Swift chính thức được liệt vào danh sách tỷ phú với khối tài sản ròng 1.6 tỷ USD. Sự kiện này đánh dấu một kỷ lục mới của Taylor: là nữ nhạc sĩ đầu tiên trở thành tỷ phú. Đặc biệt hơn, danh hiệu này hoàn toàn tới từ hoạt động âm nhạc.

Khi bắt đầu sự nghiệp ca hát, bố mẹ Taylor chính là hậu phương vững chắc của cô trong các khía cạnh hành chính và kinh doanh. Taylor từ đó cũng tôi luyện những kỹ năng kinh doanh nhằm hoạt động bền vững trong ngành. Phóng viên Barbara Walters từng mệnh danh Taylor là “ngành âm nhạc” (the music industry). Vậy Taylor đã trở thành tỷ phú như thế nào ở tuổi 34?

Bán Album (tất nhiên rồi!)

Là một nghệ sĩ âm nhạc, doanh thu mũi nhọn của Taylor Swift đến từ album, bao gồm đĩa CD, đĩa than, và số lượt nghe nhạc trực tuyến.

Trong suốt sự nghiệp của mình, Taylor đã bán được tổng cộng gần 59 triệu album vật lý. Trên đơn vị EAS (album-equivalent unit, bao gồm album vật lý, lượt nghe và lượt tải trực tuyến), 1989 là album đứng đầu, với hơn 39 triệu đơn vị. Các kỷ lục sau đó thuộc về Fearless (gần 27.4 triệu đơn vị), và Red (gần 26.9 triệu đơn vị).

Riêng The Tortured Poets Department (TTPD), “era” mới nhất của Taylor, thu về con số 2.6 triệu bản chỉ sau tuần đầu tiên phát hành.

alt
Nguồn: TAS Rights Management LLC

Ngoài các phiên bản album gốc, Taylor còn phát hành nhiều phiên bản album với một số ca khúc độc quyền hoặc bìa đĩa khác nhau. Như với folklore evermore, Taylor sử dụng bìa đĩa và kèm các album ảnh khác nhau cho từng phiên bản. Hay với TTPD, cô phát hành thêm một phiên bản “album kép” bổ sung 15 bài hát, cùng các phiên bản khác có bản thu trực tiếp từ The Eras Tour.

Việc phát hành các phiên bản, hay “variant,” album khác nhau là một chiến lược tiếp thị phát triển từ cách phát hành album truyền thống bao gồm phiên bản gốc và phiên bản deluxe (kèm ca khúc độc quyền hay các bản thu nháp đầu tiên). Chiến lược này thịnh hành từ sau năm 2020, và được cả hai thị trường lớn Mỹ và Hàn Quốc áp dụng. Theo Luminate, trung bình một album phát hành năm 2023 có khoảng 20 variant, bao gồm đĩa than, CD và cassette. Chiến lược này biến các đĩa nhạc trở thành một món sưu tầm với người hâm mộ.

Viết nhạc cho các nghệ sĩ khác

Là một nghệ sĩ âm nhạc, năng khiếu của Taylor không chỉ nằm ở việc hát, mà còn ở khả năng sáng tác. Một số bài hát, tuy không được Taylor thu âm và phát hành, về sau được bán lại cho các nghệ sĩ khác, và cái tên Taylor Swift được liệt vào danh sách tác giả. Dưới đây là những ca khúc có thể bạn đã nghe nhưng (có thể) không biết người chắp bút chính là Taylor:

  • Mary Sarah – Permanent Marker
  • Britni Hoover – This Is Really Happening
  • Miley Cyrus – You'll Always Find Your Way Back Home
  • Shea Fisher – Bein' With My Baby
  • Little Big Town – Better Man
  • Calvin Harris – This is What You Came For (ft. Rihanna)

Sản phẩm thương hiệu (merchandise)

Cũng như nhiều nghệ sĩ hay ban nhạc, Taylor Swift cũng mở rộng nguồn thu từ các merchandise mỗi khi phát hành album. Các merchandise của Taylor được bán trực tiếp trên website chính thức, không chỉ có áo thun và hoodie, dòng merchandise còn có trang sức, ly sứ, hay các món đồ sản xuất riêng cho một số album.

Người hâm mộ lâu năm chắc chắn không quên được chai nước hoa Wonderstruck, hay mới hơn là chiếc áo cardigan trứ danh của album folklore.

alt
Chai nước hoa Wonderstruck. | Nguồn: fleurdeforce

Tour âm nhạc

Nói đến tour âm nhạc, nhiều người ắt nghĩ ngay đến The Eras Tour, tour âm nhạc “huyền thoại” đưa Taylor vào danh sách tỷ phú chính thức của Forbes.

Nhưng việc đi lưu diễn đã luôn là một nguồn thu lớn đối với Taylor Swift, không chỉ về mặt kinh tế mà còn về mặt truyền thông cho album. Tiếp nối mỗi album vừa phát hành là chuyến lưu diễn thế giới kéo dài cả năm, thường được đặt tên theo album.

Các show diễn của Taylor thường mang nặng tính nhạc kịch: mỗi màn trình diễn thường giống như một tiểu phẩm, làm nổi bật tính kể chuyện trong các bài hát của cô. Ngoài ra, Taylor cũng biết thu hút đám đông với lối nói chuyện thân thiện trên sân khấu, tạo ra một không khí gần gũi giữa một sân vận động hàng chục ngàn người.

alt
Nguồn: Gareth Cattermole/Getty Images

Tính đến thời điểm hiện tại, doanh thu của The Eras Tour không chỉ là cao nhất trong sự nghiệp của Taylor, mà còn là cao nhất mọi thời đại, với con số gần 2 tỷ USD. Chỉ sau năm 2023, doanh thu của Eras đã là 730 triệu USD, vượt xa hai tour trước đó là Reputation Stadium Tour (345.7 triệu USD) và 1989 World Tour (250.7 triệu USD).

Phim hoà nhạc (concert film)

Tựa như Prince, Michael Jackson hay Beyoncé, Taylor Swift cũng cho phát hành các bộ phim hoà nhạc từ các chuyến lưu diễn của mình. Trong số các bộ phim hoà nhạc của mình, Taylor Swift: The Eras Tour là bộ phim duy nhất được phát hành khi chuyến lưu diễn vẫn chưa kết thúc.

Khi vừa khởi chiếu tại Mỹ, AMC Theatres Distribution là cái tên được đội ngũ Taylor lựa chọn phát hành The Eras Tour. Trong thời gian công chiếu, vé xem phim được AMC định giá 19.89 USD cho người lớn, và 13.13 USD cho trẻ em – một nước đi được cho là “phá giá” thị trường rạp chiếu phim tại Mỹ. Ván cược lớn của AMC và đội ngũ Taylor Swift thu về kết quả ấn tượng với doanh thu phòng 261.6 triệu đô, trở thành phim hoà nhạc có doanh thu cao nhất mọi thời đại.

Đến đầu năm nay, Disney+ vượt qua Netflix và Universal Pictures trong cuộc đấu giá bản quyền phát hành độc quyền The Eras Tour với số tiền 75 triệu USD.

alt
Disney+ phát hành độc quyền The Eras Tour. | Nguồn: TAS Rights Management LLC

Điện ảnh

Trong suốt sự nghiệp, Taylor cũng nhiều lần “lấn sân” sang ngành phim với các vai diễn phụ và lồng tiếng. Một số vai diễn đáng nhớ của Taylor là Felicia Miller trong Valentine's Day (2010), Audrey trong The Lorax (2012), và gần đây nhất là Liz Meekins trong Amsterdam (2022).

Ngoài đóng phim, Taylor còn viết nhạc cho một số phim điện ảnh, nổi bật nhất là Crazier cho phim Hannah Montana: The Movie (2009), Safe and Sound cho phim The Hunger Games: Songs from District 12 and Beyond (2012), và gần đây nhất là bài hát chủ đề cho phim Where the Crawdads Sing (2022) mang tên Carolina.

Ngoài ra, Taylor cũng kiếm tiền từ việc bán bản quyền sử dụng các bài hát trong phim ảnh, ngoại trừ 6 album phòng thu đầu tiên (hiện được sở hữu bởi Shamrock Holdings). Đơn cử, The Summer I Turned Pretty là series sử dụng nhiều nhạc Taylor Swift nhất, từ Back to December (Taylor's Version) đến exile.

Trong năm 2022, Taylor cũng từng bày tỏ mong muốn tham gia ngành phim điện ảnh với tư cách là đạo diễn. Cũng trong năm đó, Searchlight Pictures chính thức thông báo họ đang cùng Taylor hợp tác sản xuất bộ phim điện ảnh đầu tay do cô biên kịch.

Hợp đồng quảng cáo (celebrity endorsement)

Với số lượng fan khổng lồ toàn cầu, cái tên và gương mặt của Taylor vô hình trung trở thành một công cụ bán hàng đắt giá. Trong ngành quảng cáo, Taylor không ít lần xuất hiện trên các áp phích, quảng cáo trên TV cũng như mạng xã hội. Tuy nhiên, Taylor và đội ngũ tập trung hợp tác lâu dài với một số thương hiệu nhất định nhằm giữ hình ảnh tốt trong mắt công chúng. Một số cái tên phải kể đến là Covergirl, Coca-Cola, Sony, và gần đây nhất là Capital One.

Kết

Taylor Swift biết cách dùng âm nhạc để tạo dựng thương hiệu cá nhân, khéo léo đưa những tự sự về cuộc đời mình vào âm nhạc để làm bạn với người nghe. Đồng thời, cô cũng biết cách đan xen các sản phẩm của mình vào lẫn nhau: gợi ý các ca khúc mới trong video âm nhạc, công bố album mới khi đang lưu diễn, dùng câu từ, hình ảnh của một album cũ đưa vào bài hát mới… Điều này không chỉ gây thích thú cho người nghe khi họ được tự mình khám phá “thế giới âm nhạc Taylor Swift,” mà còn xây dựng một mối quan hệ gần gũi với khán giả, biến họ trở thành những “Swiftie” trung thành, từng ngày lớn lên cùng âm nhạc của cô.