“Lối sống phông bạt của giới trẻ" được đưa vào đề văn | Vietcetera
Billboard banner
01 Thg 11, 2024

“Lối sống phông bạt của giới trẻ" được đưa vào đề văn

"Phông bạt" không xuất hiện trong từ điển tiếng Việt, nhưng lại hiện hữu khắp nơi, từ đời sống đến cả... đề thi văn.
“Lối sống phông bạt của giới trẻ" được đưa vào đề văn

Nguồn: VnExpress

1. Chuyện gì đã xảy ra?

Hai ngày gần đây, cộng đồng mạng đang xôn xao về đề thi văn giữa học kì lớp 10 của một trường THPT ở TP.HCM với nội dung: “Hãy viết bài văn nghị luận bàn về lối sống phông bạt của giới trẻ hiện nay". Đã xuất hiện hai luồng ý kiến trái chiều về đề văn này, nhiều người giành lời khen ngợi tính thực tế và bắt kịp thời đại của nó.

Ngược lại, một số phụ huynh lại cảm thấy đây là đề thi không phù hợp với học sinh, bởi “phông bạt" là từ đang thịnh hành trên mạng xã hội và không tồn tại trong từ điển tiếng Việt. Những học sinh không thường xuyên “bắt trend” kịp có thể sẽ không hiểu được ý nghĩa của từ này. Trong đề thi ngoài những thông tin cơ bản thì không có chú thích, giải nghĩa gì thêm.

2. Đề văn đã “hại” giới trẻ như thế nào?

Trong nhiều năm trở lại đây, công thức “giới trẻ" + một vấn đề/ hiện tượng nào đó xuất hiện rất đều đặn trong đề thi của các trường THPT Quốc gia. Đề thi sẽ liệt kê ra một bài thơ, câu chuyện hay thống kê và thí sinh sẽ dựa vào đó để nêu cảm nghĩ của mình.

Chẳng hạn như đề “Nêu cảm nghĩ của em về văn hoá đọc của giới trẻ ngày nay" dựa trên khảo sát “Người Việt Nam đọc bình quân 2,8 cuốn sách mỗi năm, một tỷ lệ thấp đến báo động". Hay trong đề thi thử THPT Quốc Gia năm 2022, người ra đề trích 2 đoạn trong bài thơ Tiếng Việt của Lưu Quang Vũ kèm câu hỏi: “Viết đoạn văn trình bày suy nghĩ của anh (chị) về trách nhiệm giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt ở giới trẻ ngày nay”.

alt
Chủ đề về người trẻ thường xuyên xuất hiện trên đề thi học sinh giỏi văn hay các cuộc thi tuyển sinh đầu vào của trường THPT | Nguồn: VnExpress

Cứ như vậy, mỗi một đề văn liên hệ thực tế là mỗi lần “giới trẻ" được chỉ mặt gọi tên. Không chỉ đề thi văn, mà những người đi trước còn bày tỏ sự quan ngại với “thế hệ bông tuyết" bằng những chủ đề như: “Gen Z thích nhảy việc", “Gen Z thích mập mờ".

3. Tại sao giới trẻ luôn có vẻ tệ trong mắt mọi thế hệ?

Thành kiến này thậm chí còn cấu thành một hiện tượng tâm lý, gọi là “juvenoia". Đây là thuật ngữ được tạo ra bởi nhà xã hội học David Finkelhor, miêu tả cảm giác hoang mang của các thế hệ trước về lối sống của thế hệ trẻ trước sự xuất hiện của Internet hay AI.

Nguyên nhân gây ra hiệu ứng này là do khi người lớn nhìn vào những thay đổi của công nghệ, văn hoá, họ sẽ không thích ứng, làm quen được mà cho rằng sự cập nhật này làm giảm chất lượng cuộc sống. Chẳng hạn như Gen X hay Millennials thường lo ngại rằng những đứa trẻ lớn lên trong thời đại 4.0 thường “cắm đầu vào màn hình”, không dành thời gian ở bên gia đình, sống phông bạt hay thích nhảy việc.

Nhưng quay về 10 năm trước, khi Millennials đang là “thế hệ trẻ”, họ cũng từng phải đối mặt với những thành kiến có mô-típ tương tự, khi được gọi với tên “thế hệ lo âu", với những từ khóa như: ưu tiên bản thân, lệ thuộc quá nhiều và công nghệ hay tiêu xài hoang phí…

Và thành kiến về thế hệ trẻ sẽ luôn là một vòng lặp vô tận, khi thế hệ lớn hơn sẽ luôn nghĩ những người trẻ đều có cuộc sống tệ hơn mình, dù những điều tiêu cực ở họ chưa chắc không diễn ra ở thế hệ trước.