Trong một sự kiện gần đây, nghệ sĩ hài Ali Wong đã ly hôn với chồng. Nhiều người tự hỏi, các câu đùa của cô về hôn nhân có phải lấy cảm hứng từ đời thực.
Nhưng tại sao chúng ta vẫn thường xuyên lôi chính bản thân ra để bôi bác và đùa giỡn? Điều gì đứng sau những trò đùa trớ trêu này?
Tự đùa cợt với nỗi đau có phổ biến?
Self-defeating humour và Self-Deprecating humour (Tạm dịch: Tự châm biếm) mô tả việc một cá nhân tự biến bản thân thành đối tượng để hạ thấp, bôi bác và đùa cợt thông qua khiếu hài hước. Những chủ đề nhạy cảm như tính cách, ngoại hình, hay các vấn đề tâm lý, hôn nhân, cũng có thể bị đem ra làm nguyên liệu gây cười.
Trên thực tế, việc lôi bản thân ra đùa cợt đã không chỉ diễn ra trong những buổi chuyện trò với nhóm bạn thân. Hiện tượng này đã diễn ra với tần suất dày đặc trên các phương tiện truyền thông, cụ thể là trong các chương trình hài độc thoại, các tấm ảnh meme, hay thậm chí là những lời ta tự nói với chính mình.
Không khó để bắt gặp trò đùa tự hạ thấp dưới dạng những dòng trạng thái vu vơ như: “Khi bạn dọn phòng sạch đến mức thứ rác rưởi duy nhất còn lại là bản thân”, “Hôn nhân là mồ chôn tình yêu”, hay những tấm ảnh meme đùa cợt các vấn đề như bệnh tâm lý, ám ảnh ngoại hình,... cũng rất phổ biến.
Tại sao ta tự cười trên nỗi đau?
Đối phó với áp lực của cuộc sống
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng khiếu hài hước là một cơ chế đối phó (coping mechanism) giúp ta đối mặt với căng thẳng hoặc tổn thương tâm lý. Việc biến những trải nghiệm tồi tệ trở thành điều gì đó khôi hài là một chiến thuật nhằm làm giảm trạng thái căng thẳng và lo âu. Khi kiểm soát được những cảm xúc tiêu cực, ta có thể duy trì sự ổn định tâm lý, từ đó giải quyết các vấn đề một cách hiệu quả hơn.
Ngoài ra, theo học thuyết về Cơ chế phòng vệ (Defense mechanism) của Sigmund Freud, có thể xếp cười đùa trên nỗi đau vào kiểu cơ chế Hình thành phản ứng ngược (Reaction formation). Thay vì cảm thấy bồn chồn, lo lắng trước vấn đề, chúng ta lại coi nó như một điều hài hước và thú vị. Chẳng hạn như khi quá lo lắng trước kỳ thi, ta hay đùa với nhau rằng “Cùng lắm thi trượt thì về quê chăn trâu”.
Trong trường hợp này, trò đùa chính là cách để chúng ta giải tỏa căng thẳng và lo âu trước những vấn đề bản thân gặp phải. Thái độ bỡn cợt và hài hước tạo ra một không gian an toàn và thoải mái. Từ đó chúng ta dễ dàng hơn để chia sẻ về những trải nghiệm tiêu cực mình gặp phải hơn.
Ép buộc bản thân phải tích cực
Tích cực độc hại (toxic positivity) là một niềm tin, một kỳ vọng rằng bất kể tình huống xảy ra có đau đớn và khổ sở đến mức nào, chúng ta cũng nên nhìn nhận nó theo chiều hướng vui vẻ và tích cực.
Tích cực độc hại đang trở thành một phong trào nổi bật trong xã hội đương đại. Không khó để bắt gặp biểu hiện của nó ở khắp các phương tiện truyền thông đại chúng. Sách báo, phim ảnh, hay mạng xã hội, tất cả đều ngập tràn những thông điệp dạng “Hãy nhìn mọi thứ theo hướng tích cực” hay “Còn đầy người khổ hơn”.
Đùa cợt với những vấn đề của bản thân liên quan mật thiết đến xu hướng tích cực độc hại. Trong trường hợp này, hành vi đùa giỡn là một nỗ lực để đáp ứng kỳ vọng xã hội. Chúng ta cố ép bản thân phải nhìn nhận và chia sẻ mọi thứ theo hướng tích cực, vì đó là điều xã hội đang cổ vũ.
Sự áp đặt trạng thái tích cực khiến cho các cá nhân phải tìm cách che giấu, hoặc nói giảm nói tránh những bất ổn mà họ đang chịu đựng. Chúng ta đề cập những trải nghiệm tệ hại với thái độ cợt nhả và thiếu nghiêm túc, để giữ mọi thứ ở trạng thái tích cực. Biểu hiện ấy khiến chúng ta được nhìn nhận như một cá nhân vui vẻ và lạc quan - thứ mà xã hội kỳ vọng.
Điều này đặc biệt độc hại, bởi nó khiến chúng ta phớt lờ đi những cảm nhận thực sự của bản thân. Ngay cả khi cảm thấy thật tồi tệ với những sự kiện đang diễn ra, ta vẫn phải cố ép bản thân cảm thấy lạc quan bằng những trò đùa “dở khóc dở cười”.
Đùa một chút thì vui, nhưng đùa nhiều là biểu hiện của tự hại
Ở mức độ cực đoan, đùa cợt về bản thân có thể là biểu hiện của sự tự hại (self-harm) hay lòng tự hận (self-hatred), vốn là các dấu hiệu của vấn đề tâm lý nghiêm trọng.
Theo chuyên trang về sức khỏe tâm thần Verywell Mind, hành vi tự hại xuất phát từ những trải nghiệm đau khổ trong quá khứ, những bất ổn trong hiện tại, hay các vấn đề tâm lý mà cá nhân đang phải đối mặt. Điều này khiến cho nhiều người cảm thấy họ không xứng đáng được yêu thương và tôn trọng.
Trong trường hợp này, ta tin rằng bản thân xứng đáng bị đem ra làm trò cười, xứng đáng phải chịu những lời bôi bác, chế giễu, hay thậm chí sỉ nhục. Những câu đùa giờ đây giống như một phương thức để bày tỏ cảm giác tự ti, căm ghét, hay lời chỉ trích bản thân.
Vì vậy, hành động lôi bản thân ra đùa cợt cũng cần được nhìn nhận với một thái độ thận trọng và nghiêm túc. Thay vì chỉ cùng cười trước những câu đùa, ta cũng cần chân thành đặt câu hỏi xem liệu ta có thể giúp gì cho họ hay không?
Rất có thể, đằng sau những tiếng cười vang là một cá nhân tổn thương đang cần được giúp đỡ.
Để không rơi vào trạng thái cực đoan
Những trò đùa chế giễu bản thân, một mặt có thể giúp chúng ta giải tỏa căng thẳng, tạo ra ảnh hưởng tích cực đến cuộc sống. Mặt khác, cũng có thể là dấu hiệu cho những vấn đề tâm lý nghiêm trọng cần được nỗ lực giải quyết.
Tránh bẫy tích cực độc hại
Cần tránh việc cố ép bản thân “nhìn nhận theo hướng tích cực” trong mọi trường hợp. Những cảm xúc tiêu cực là thứ không thể tránh khỏi trong cuộc sống.
Ngoài ra, những biểu hiện của tích cực độc hại cũng muôn hình vạn trạng, và chúng ta cũng cần tránh không để bản thân rơi vào những cái bẫy vô hình này.
Thực hành chăm sóc bản thân
Những người thường xuyên lôi bản thân ra đùa cợt có thể cảm thấy mình không xứng đáng nhận được sự yêu thương và tôn trọng. Vì vậy, một điều quan trọng cần phải làm là tìm ra những cách thức phù hợp để cải thiện sức khỏe và học cách thương thân.
Nhận thức vấn đề thực sự
Đùa cợt chỉ là cách ta chia sẻ vấn đề với người khác, đó không nhất thiết là giải pháp hiệu quả. Chúng ta cần nhận thức được vấn đề thực sự ta đang phải đối mặt để giải quyết triệt để nó, thay vì "đi đường vòng" với trò đùa.
Vì vậy, khi thấy bản thân có các dấu hiệu bất ổn, hãy cố gắng tìm đến sự hỗ trợ của các đường dây nóng, hay các chuyên gia để nhận được lời khuyên và phương pháp điều trị phù hợp.
Tìm kiếm sự giúp đỡ chưa bao giờ là điều đáng xấu hổ. Có như vậy, những trò đùa mới chứa đựng những niềm vui, chứ không còn ẩn chứa những tổn thương sâu sắc.