Jackie và Spencer: "Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung" (*) | Vietcetera
Billboard banner
12 Thg 12, 2021

Jackie và Spencer: "Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung" (*)

Hai bộ phim, hai cuộc tìm kiếm danh tính và thăm dò nội tâm sâu thẳm của hai người phụ nữ trước những sự kiện làm thay đổi cuộc đời họ mãi mãi.
Jackie và Spencer: "Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung" (*)

Spencer (2021) và Jackie (2016)

Jackie (2016) và Spencer (2021) là hai bộ phim tiểu sử hư cấu đặc biệt về 2 biểu tượng của phụ nữ thế kỷ 20: Đệ nhất Phu nhân nước Mỹ Jackie Kennedy và Công nương Diana của Hoàng gia Anh.


Không phải ngẫu nhiên mà tôi lựa chọn hai bộ phim này để đưa vào một bài viết chung. Trước hết, ở phương diện sáng tạo, đó là hai bộ phim chân dung của cùng một đạo diễn: Pablo Larraín – nhà làm phim đang lên đến từ Chile.

Sau những bộ phim đậm màu sắc chính trị tại quê nhà được công nhận ở tầm quốc tế, Pablo Larraín bắt đầu phát triển sự nghiệp điện ảnh với các bộ phim nói tiếng Anh.

Pablo Larraín vẫn tiếp tục sở trường về chủ đề chính trị, nhưng góc nhìn của ông nay đã khác biệt. Thay vì xoáy sâu vào sự kiện và kịch tính, vị đạo diễn tập trung khai thác thế giới bên trong nhân vật, thăm dò những ẩn ức bị đè nén khi đối mặt với những bi kịch có thể nhấn chìm cuộc đời họ.

Thoát khỏi khuôn mẫu làm phim tiểu sử

Trước hai tác phẩm điện ảnh này của Pablo Larraín đã có vô số bộ phim, cuốn sách nói về Đệ nhất phu nhân Jackie Kennedy và Công nương Diana. Nỗ lực tái hiện cuộc đời của họ lên phim đã khiến không ít đạo diễn và diễn viên tài danh phải “ngã ngựa”.

Bộ phim tiểu sử Diana (2013) của đạo diễn người Đức Oliver Hirschbiegel và ngôi sao Naomi Watss từng nhận chỉ trích của giới phê bình vì sến hóa câu chuyện tình scandal của Công nương hai năm cuối đời.

Thoát khỏi khuôn mẫu của dòng phim tiểu sử khi cố làm giống nguyên mẫu hay tham vọng tái hiện cả cuộc đời của nhân vật nổi chỉ trong 2 tiếng đồng hồ, Pablo Larraín lựa chọn cách làm nhiều thử thách hơn.

Đạo diễn Pablo Larraín.

Ông chỉ chọn một vài khoảnh khắc quan trọng, thậm chí chỉ vài ngày ngắn ngủi để tái hiện chân dung của họ. Vị đạo diễn đã dẫn dắt người xem khám phá những trạng thái tâm trí đầy rối loạn của nhân vật.

Đây là cách làm phim tiểu sử đầy mạo hiểm, nặng tính hư cấu và dễ gây tranh cãi. Không phải ngẫu nhiên mà tagline của bộ phim Spencer là “A fable from a true tragedy” (một giai thoại/ngụ ngôn từ một bi kịch có thật). Pablo chủ ý rõ ràng, rằng đây là một bộ phim tiểu sử nặng tính hư cấu và thể hiện cái nhìn chủ quan của đạo diễn hơn là một bộ phim bám sát vào các sự kiện có thật.

Sự chủ ý của vị đạo diễn đến từ Chile còn được thể hiện rõ ràng ở nhan đề cả hai bộ phim. Ông đều chọn tên riêng của nhân vật thay vì tên đầy đủ được cả thế giới biết đến. Đơn giản, cả hai bộ phim này đều muốn đề cao danh tính và con người cá nhân, thay vì là Đệ nhất Phu nhân nước Mỹ hay Công nương của nước Anh – những danh phận như chiếc lồng son nhốt chặt cuộc đời.

Where the f*ck am I? hay mở đầu của thảm kịch

Trong cảnh mở đầu của Spencer, Công nương nước Anh Diana (Kristen Stewart) tự lái xe đến buổi lễ Giáng sinh của Hoàng gia Anh, được tổ chức tại dinh thự Sandringham của Nữ hoàng ở vùng Norfolk. Đây cũng là vùng đất mà cô lớn lên trong những năm tháng thời thơ ấu. Thế nhưng, Diana lại bị lạc đường trên chính quê hương của mình.

Kristen Stewart được khen ngợi khi thể hiện vai công nương Diana trong Spencer.

“Where the f*ck am I?” (Tôi đang ở chỗ quái nào thế này?) – Diana lầm bầm trong miệng. Câu độc thoại này có thể hiểu rộng hơn ngoài ngữ cảnh của nó. Bởi sau đó, người xem được chứng kiến cảnh Diana đối mặt với những nguyên tắc cứng nhắc, đầy tính nghi lễ và khuôn phép bên trong Hoàng gia Anh. Đây cũng là thứ mà cô cảm thấy vừa xa lạ vừa đầy sự trói buộc.

“Không ai được đứng trên truyền thống” – vị thiếu tá Alistair Gregory nói, yêu cầu Diana thực hiện những nghi lễ Hoàng gia mà cô chán ghét. Sau đó, Diana còn nói với cậu con trai cả William rằng: “Ở đây không có tương lai, quá khứ và hiện tại thì như nhau”.

Hình ảnh Diana trong những ngày lưu lại dinh thự và tham dự buổi lễ Giáng sinh càng làm đậm thêm sự khủng hoảng danh tính và nội tâm nặng nề. Nhất là khi cô phải chịu đựng sự phản bội của Thái tử Charles trong giai đoạn khủng hoảng hôn nhân của cả hai.

Sự đè nén và bức bối đó khiến Diana rơi vào trạng thái trầm uất và chìm sâu vào những ẩn ức nội tâm. Những ám ảnh dày vò bản thân và cả giấc mơ về một Vương phi từng phải chịu thảm kịch trong quá khứ.

Ở những cảnh mở đầu của Jackie, hình ảnh Đệ nhất phu nhân Jackie Kennedy (Natalie Portman) bên trong dãy hành lang Nhà Trắng cũng mang lại cảm giác bất an, áp lực bị đè nặng của người phụ nữ bé nhỏ đang bị cả quá khứ, hiện tại và tương lai ám ảnh.

Đó là những ngày Đệ nhất phu nhân nước Mỹ đang trải qua thảm kịch: chồng bà - Tổng thống J.F. Kennedy bị ám sát tại Dallas, Texas khi cả hai đang viếng thăm tiểu bang này. Jackie ngồi ngay bên cạnh Tổng thống và chứng kiến toàn bộ giây phút kinh hoàng, khi máu và thậm chí một mảnh óc của ông bắn lên người bà.

Natalie Portman trong vai Jackie Kennedy, Đệ nhất phu nhân nước Mỹ.

Áp lực đè nặng và đeo bám Jackie trong những ngày tiếp theo. Bà phải lo liệu đám tang cho chồng, xứng đáng đi vào lịch sử như đám tang của Tổng thống Abraham Lincoln. Bà còn phải an ủi và bảo vệ hai đứa con nhỏ cũng như phải gói ghém hành trang để rời khỏi Nhà Trắng.

Để tái hiện lên màn ảnh những khoảnh khắc kinh hoàng trong đời Jackie, đạo diễn Pablo Larraín đã xoáy sâu vào tâm trạng đang bị phân mảnh của nhân vật trước một cơn bão lớn. Dù rối ren, bà vẫn muốn khẳng định trước truyền thông hình ảnh và vị thế của một Đệ nhất phu nhân được tiếng là thông minh và chu toàn.

Mỗi góc máy, mỗi bản nhạc là một “nốt” tâm trạng

Ở cả hai bộ phim tiểu sử về hai người phụ nữ nổi tiếng này, rõ ràng đạo diễn Pablo Larraín chỉ mượn sự kiện như cái cớ để nhân vật bộc lộ nội tâm của họ. Và để đặc tả thế giới bên trong bị phân mảnh, rạn vỡ đó, ống kính máy quay và âm nhạc dường như luôn đồng hành với nhân vật.

Những góc máy đặc tả và cận cảnh lột tả sự rối bời giữa sự cam chịu và chống đối, giữa con người cá nhân và danh phận mà họ trót mang vào của Jackie và Diana. Đó còn là cơ hội tuyệt vời để Natalie Portman và Kristen Stewart thể hiện vẻ đẹp ngoại hình cũng như chứng tỏ tài năng diễn xuất nội tâm của mình.

Chưa lúc nào vẻ đẹp thanh lịch và trang nhã – thứ làm nên thương hiệu cá nhân của Jackie và Diana lại phản bội họ đến vậy. Nhất là khi, họ phải sống trong một thế giới của thảm kịch và sự tan vỡ. Cho dù từng thừa nhận: “Một nửa cân nặng của tôi là trang sức”, Diana cuối cùng cũng phải thốt lên, “Sắc đẹp chỉ là vô dụng, sắc đẹp chỉ là quần áo.”

Mỗi góc máy, hình ảnh đều ẩn dụ cho tâm lý bị phân mảnh của nhân vật. | Nguồn: Phim Spencer.

Sự sáng tạo trong nghệ thuật xây dựng tâm trạng nhân vật của Pablo Larraín còn được thể hiện ở những góc máy mang tính phóng đại. Trong Spencer, ông luôn đặt công nương Diana và Thái tử Charles ở hai vị trí đối lập: chỗ ngồi của họ ở bàn tiệc Giáng sinh hay cuộc trò chuyện thẳng thừng ở chiếc bàn bi-a trong phòng giải trí của dinh thự.

Góc máy phóng đại khiến khoảng cách giữa Diana và Charles ở hai đầu của chiếc bàn bi-a càng xa vời, như cuộc khủng hoảng hôn nhân của họ không thể hàn gắn.

Trong Jackie, ống kính phóng đại được đặt ở phía trước chiếc quan tài của Tổng thống, khiến hình ảnh của Jackie bị dồn lại đầy ngột ngạt và chật chội ở góc sau của chiếc xe. Nó dự báo cho sức nặng và những áp lực đè xuống cuộc đời bà trong những ngày sắp tới.

Điều gì đang chờ đợi một người phụ nữ trẻ khi phải vừa chịu tang chồng, vừa bảo vệ hai đứa con nhỏ trước mất mát quá lớn, lại phải giữ hình ảnh trước hàng triệu con mắt đang săm soi từng giây từng phút?

Nguồn: Phim Jackie.

Nếu gọi âm nhạc là tiếng lòng, thì những bản nhạc nền của Mica Levi trong Jackie và Jonny Greenwood trong Spencer đã mô tả chính xác tâm trạng của hai người phụ nữ trước những thảm kịch cuộc đời.

Những chuỗi thanh âm bất an sâu sắc và dự báo những điều rạn vỡ với tiếng piano trầm buồn, âm thanh réo rắt của violon hay tiếng đàn dây cao vút, dàn trống như cào xé tâm can. Âm nhạc cũng đồng hành cùng nhân vật trong những ngày tháng kinh hoàng nhất mà họ phải đối mặt để cuối cùng tự tìm ra cách giải phóng cho mình.

Cuộc tìm kiếm danh tính và tự do

Trong Spencer, đạo diễn Pablo Larraín sử dụng nhiều hình ảnh mang tính ẩn dụ để thể hiện cuộc tìm kiếm danh tính và sự tự do của Diana.

Đó là hồi ức về tuổi thơ ở căn nhà nhỏ phía bên kia đồi của dinh thự Nữ hoàng. Đó còn là những tưởng tượng về việc giật đứt chiếc vòng ngọc trai mà Thái tử Charles tặng cô (và một chiếc tương tự cho tình nhân của ông ta). Để rồi, Diana đã nuốt nó trong bữa tiệc Giáng sinh, thể hiện sức mạnh nội tâm và con người cá nhân của mình.

Nguồn: Phim Spencer.

Những ẩn dụ thể hiện được sự khát khao phá bỏ những nghi lễ truyền thống cứng nhắc, cũ kỹ, chống lại sự giả dối. Và nó còn là cách để Diana thể hiện con người tự do và phóng khoáng của mình trước khi bước vào Hoàng gia.

Trong 3 ngày lưu lại dinh thự Sandringham, điều ám ảnh Diana nhất là hồn ma của Anne Boleyn. Đó là một nữ quý tộc người Anh trí tuệ, tự do và đầy kiêu hãnh. Bà trở thành Vương hậu khi kết hôn với vua Henry VIII, nhưng sau đó bị kết tội loạn luân, ngoại tình và bị chặt đầu bởi chính chồng mình.

Dù đã qua đời hơn 500 năm, những giai thoại về hồn ma của Anne Boleyn không thôi ám ảnh nước Anh. Trong một nghiên cứu, nhà sử học Eric Ives từng viết về Anne Boleyn, Dù sao đi nữa, những gì trải qua hơn trăm năm và hiện diện trước chúng ta ở thế kỷ 21 là một người phụ nữ có sức quyến rũ lạ kỳ.

"Một người phụ nữ tự cường tự lập, với những mối quan hệ ngoại giao độc lập trong thế giới của đám đàn ông. Một người phụ nữ vận dụng học thức, phong thái và vẻ đẹp của mình để biến sự bất lợi về giới tính trở thành điểm lợi hại nhất.

Với chỉ dáng vẻ yêu kiều của mình, bà đã khiến một triều đại và một vị vua bước vào cơn bão táp dữ dội. Và có lẽ cuối cùng, sự nhìn nhận của Thomas Cromwell đã nói đúng nhất về bà: thông minh, nghị lực và quả cảm."

Những ám ảnh về hồn ma Boyleyn của Diana khiến tôi liên tưởng đến những dự cảm của nàng Kiều khi đứng trước mộ Đạm Tiên: “Đau đớn thay phận đàn bà. Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”.

Cuối cùng Diana cũng tìm được lại chính mình và sự tự do.

Điều khác biệt là từ những ám ảnh của hồn ma quá khứ hay dự cảm về thân phận của mình, hình ảnh của Công nương Diana ở phần cuối trong bộ phim Spencer mang lại cho người xem một sự giải phóng về mặt tinh thần.

Điều này được thể hiện qua một loạt chi tiết. Diana giật tung chiếc vòng ngọc trai (chứ không phải tưởng tượng như trước đó). Bà dùng chiếc kìm để cắt bỏ hàng rào thép gai cô lập với căn nhà tuổi thơ. Diana cũng dám đối mặt với Thái tử Charles và Nữ hoàng Elizabeth II để đưa ra những yêu cầu của mình.

Hình ảnh tràn ngập hạnh phúc bên hai người con trai trên chiếc xe hướng về London cho thấy bà đã tìm lại được danh tính, sự tự do của mình. Khi một người đàn ông bán thức ăn nhanh bên đường hỏi tên bà là gì, Diana mỉm cười, nháy mặt với hai đứa con và đáp lại rằng: “Spencer!”

Cũng giống như trong Jackie, những thảm kịch cũng không khiến Đệ nhất phu nhân nước Mỹ gục ngã. “Tôi đã từng phải chôn hai đứa con mình đẻ ra, và giờ đây tôi phải chôn chồng mình” – bà thổ lộ sự đau đớn về mất mát của mình với người bạn; hay, “Nhiều đêm liền, con muốn được chết”- bà bày tỏ sự tuyệt vọng trong cuộc trò chuyện với vị linh mục.

Nhưng cuối cùng, Jackie đứng lên, dọn hành trang và rời bỏ Nhà Trắng: “Từ giờ tôi không còn là Đệ nhất phu nhân nước Mỹ nữa. Hãy gọi tôi là Jackie!”

(*) Tựa đề bài viết mượn từ một câu thơ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du.