Hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới, nền kinh tế được gì? | Vietcetera
Billboard banner
25 Thg 06, 2024

Hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới, nền kinh tế được gì?

“Người hàng xóm” Thái Lan đã hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới. Liệu Việt Nam có thể làm điều tương tự?
Hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới, nền kinh tế được gì?

Nguồn: Sao Star

1. Chuyện gì đã xảy ra?

Vào ngày 18/6, Thượng viện Thái Lan đã bỏ phiếu thông qua dự luật hôn nhân bình đẳng. Đất nước này trở thành quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới. Với 130/152 phiếu thuận, có thể coi đây là thắng lợi tuyệt đối cho tiến trình hôn nhân cùng giới tại Thái Lan.

Trước đó, vào tháng 3, dự luật này đã được Hạ viện thông qua và hiện cần được Nhà vua Vajiralongkorn phê chuẩn, một thủ tục được coi là có tính hình thức. Luật sẽ chính thức có hiệu lực sau 120 ngày từ khi được đăng trên công báo chính thức của Chính phủ Thái Lan.

2. Thái Lan được gì?

Dự luật này biến Thái Lan trở thành quốc gia và vùng lãnh thổ thứ ba ở châu Á hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới sau Đài Loan và Nepal.

Nhiều nhà lập pháp Thái Lan nhấn mạnh rằng việc hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới đã chứng tỏ đây là một đất nước cởi mở và thân thiện với cộng đồng LGBT, hứa hẹn thu hút thêm nhiều du khách và nhà đầu tư quốc tế.

Nguồn Sao Star
Nguồn: Reuters

Các kênh tin tức của nhiều quốc gia trên thế giới đã tường thuật sự kiện lịch sử này trên trang nhất, trong đó có những mặt báo lớn như CNN và Reuters. Trong nước, sự kiện này cũng trở thành tin nóng trên nhiều trang thông tin như báo Lao Động, báo Tuổi Trẻ, Truyền hình Quốc Hội, v.v.

3. Hợp pháp hoá hôn nhân cùng giới có lợi gì cho nền kinh tế?

Hiện nay, trên thế giới có 37 quốc gia và vùng lãnh thổ đã hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới. Tất cả đều ghi nhận những chuyển biến tích cực trong tình hình kinh tế và xã hội.

Việc hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới trước hết mang lại ảnh hưởng tích cực tới một số ngành công nghiệp như tiệc cưới, tổ chức sự kiện lữ hành, xây dựng gia đình, v.v.

25jun2024oyvixsivusfp50mghoyoqjpg
Hôn nhân đồng giới đã mang lại nhiều lợi ích kinh tế tại Hoa Kỳ. | Nguồn: Gallup News

Mỹ là một ví dụ tiêu biểu. Chỉ 5 năm sau khi nước này hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới, vào năm 2020, các nhà nghiên cứu từ Đại học California tại Los Angeles (UCLA) đã ghi nhận xấp xỉ 3,8 tỷ USD doanh thu từ các đám cưới cùng giới, mang lại nguồn thu thuế hơn 244,1 triệu USD và tạo ra gần 45.000 việc làm mỗi năm.

Mặt khác, cộng đồng LGBT chiếm trung bình khoảng 9 tới 11% lực lượng lao động. Vì thế, việc hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới cũng giúp tăng năng suất lao động đáng kể.

Khi được gỡ bỏ nhiều nỗi lo âu như nỗi sợ kỳ thị, hay những bất cập dân sự từ việc không được pháp luật công nhận, các gia đình LGBT có thể tự do đóng góp năng lực tái tạo và sản xuất cho toàn xã hội (theo Trung tâm VESS, 2022).

4. Người Việt có ủng hộ hôn nhân cùng giới?

Năm 2014, một khảo sát của Viện iSEE cho thấy chỉ có 33,7% người Việt Nam ủng hộ hôn nhân cùng giới. 10 năm sau tỷ lệ này tăng lên khoảng 65%, đưa Việt Nam lên vị trí thứ 2 trên toàn khu vực Châu Á (theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, 2023) về mức độ ủng hộ hôn nhân cùng giới.

Trong đó, “Tôi Đồng Ý” là một chiến dịch truyền thông xã hội góp phần thúc đẩy hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới tại Việt Nam. Tại thời điểm đăng tải bài viết này, chiến dịch đã thu hút được gần 56.000 chữ ký ủng hộ. Bạn cũng có thể đóng góp tiếng nói của mình tại đây.

Nguồn: Tôi Đồng Ý

5. Nếu Việt Nam cũng làm giống “người hàng xóm?”

Theo báo cáo nghiên cứu “Đánh giá tác động kinh tế của hôn nhân cùng giới tại Việt Nam” do VESS và iSEE thực hiện năm 2022, việc hợp thức hoá hôn nhân cùng giới có thể tăng GDP từ 1,65% đến 4,36% mỗi năm.

Điều này là nhờ năng suất lao động tăng cao, đi kèm với đó là sự gia tăng từ 5,26% đến 12,36% trong doanh thu đối với các ngành kinh tế có liên quan, như ngành tổ chức tiệc cưới hay xây dựng gia đình.

Ngoài ra, việc công nhận hôn nhân cùng giới cũng có thể giúp Việt Nam tiết kiệm được từ 13 đến 71 triệu USD mỗi năm. Đó là chi phí phát sinh từ những thiệt hại đến từ các rối loạn tâm lý do vị thế thiểu số của người LGBT.