Hoàng Quyên và một thập kỷ bước ra ánh sáng với A Diary of Melody | Vietcetera
Billboard banner
23 Thg 08, 2023

Hoàng Quyên và một thập kỷ bước ra ánh sáng với A Diary of Melody

Cuộc sống luôn rất thú vị, khi quan sát kĩ và dành thời gian để suy ngẫm, mình nhận ra không có thời điểm và phiên bản hoàn hảo nhất của bản thân, vì chúng ta luôn thay đổi để tốt hơn.
Hoàng Quyên và một thập kỷ bước ra ánh sáng với A Diary of Melody

Ca sĩ Hoàng Quyên tại Quyên Gallery | Nguồn: Dai Ngo

Hoàng Quyên được biết đến là một giọng nữ trung trầm (alto-mezzo) với âm sắc đẹp hiếm có. Sau 3 album hợp tác với các nghệ sĩ tên tuổi như Cửa thơm mùi nắng, Về hợp tác cùng Lê Minh Sơn, Sóng hấp dẫn với Đỗ Bảo và Võ Thiện Thanh thì lần trở lại này, Hoàng Quyên đã đánh dấu một bước tiến mới, khi bắt đầu tự sáng tác cũng như trình diễn những giai điệu riêng qua album thứ 4 A Diary of Melody.

8 ca khúc lần này được chọn lọc từ hơn 30 sáng tác của Hoàng Quyên, chủ yếu xoay quanh chủ đề tình yêu. Dạo bước khắp âm nhạc của album và những tác phẩm từ triển lãm Quyên Gallery, không khó để bắt gặp những tâm tư đầy tính nữ và chiêm nghiệm, khát khao trong đắm say của tình yêu, cuộc đời.

Ngồi lại với Hoàng Quyên sau một tuần phát hành album và mở cửa Quyên Gallery, chúng tôi đã có thêm nhiều câu chuyện đằng sau sự trở lại này.

Trở lại sau 4 năm từ Sóng hấp dẫn, chị thấy mình đã thay đổi gì trong âm nhạc và cách tiếp cận công chúng?

Mình không quá tính toán khi làm nhạc, càng làm mọi thứ sẽ càng vỡ ra. Rất nhiều lần, mình muốn được chia sẻ rằng âm nhạc là tình yêu của mình, cùng nhịp đập, bắt được những khoảnh khắc của nhau và cùng truyền tải một tinh thần chung. Đến khi Quyên Gallery ra đời, mình thấy mọi thứ đang diễn ra khá dịu dàng so với mong đợi, có lẽ do mình cũng đang dịu dàng với đời sống như vậy.

Khi quyết định tổ chức triển lãm ở VCCA - nơi mở cửa tự do và có rất nhiều người xem hồn nhiên như thế, mình thấy rất vui. Mọi người không cần phải chuẩn bị gì cả, cứ tự nhiên bước vào, giống như một cánh đồng hoa để mọi người thoải mái tận hưởng.

Trước đó, mình có chia sẻ rằng, dù chưa tới một tuần đã có hơn 10.000 người đến Quyên Gallery, vậy thì khi kết thúc, rất có thể con số sẽ là 50.000-60.000 người. Sau đó, mọi người có hỏi vậy mình có kỳ vọng gì không, thì câu trả lời là mình chỉ kỳ vọng có khoảng 500 - 1.000 nghìn người nghe nhạc của mình thôi.

Mình muốn mọi người cứ tận hưởng đời sống và sản phẩm âm nhạc của mình như cách chúng ta đi vào một nơi rất đẹp và thơ mộng chứ không cần đòi hỏi gì thêm. Mình bắt đầu với album này, triển lãm này chỉ đơn thuần là đáp ứng những nhu cầu tự nhiên của bản thân, sau đó là để trải nghiệm và cuối cùng là để chia sẻ.

Khi nhu cầu trải nghiệm đủ đầy rồi thì mong muốn chia sẻ mới trỗi dậy. Mọi thứ cứ thế được dẫn lối, để sau hành trình đi hát, mình bắt đầu viết ra những trang nhật ký du dương với nhiều giai điệu.

alt
Không gian triển lãm của Quyên Gallery tại VCCA Hà Nội | Nguồn: Dai Ngo

Điều gì là thử thách lớn nhất khi trở thành một singer-songwriter thay vì một pop singer như trước?

Trước đây, mọi người có thể thấy nhiều thành tựu của Quyên khi là ca sĩ như á quân Vietnam Idols, các album, concert hoặc những ca khúc hợp với chất giọng Quyên được khán giả quen thuộc, yêu mến.

Nhưng khi đó, lúc bước vào phòng thu, làm việc với những chuyên gia nước ngoài, người làm chuyên môn thì mình lại không có quyền được tham gia nhiều, chỉ có đi vào hát rồi về thôi. Người ta không trao đổi nhiều hơn vì mình không phải mẹ đẻ của ca khúc đó, hoặc không có chuyên ngành sản xuất.

Cho tới bây giờ khi đi biểu diễn, mình bắt đầu giới thiệu bản thân, rằng tôi sáng tác những ca khúc của mình, với vai trò là singer/songwriter, mọi người mới bắt đầu nói chuyện với mình nhiều hơn, muốn được nghe thêm nhiều chia sẻ hơn. Thậm chí, nhiều người nghe đến vai trò mới của Quyên còn kiểu “Wow, really! Tuyệt vời thế!”

Lúc này, mình thật sự nhận thấy sự khác biệt của trước đó và bây giờ và không còn thấy khó khăn hay vất vả nữa mà hào hứng và thú vị nhiều hơn. Thời điểm ra mắt A Diary of Melody và tổ chức Quyên Gallery là cơ hội ngàn vàng để mình mở rộng kiến thức khi được tham gia vào khâu sản xuất.

Mình cũng may mắn được nhiều người yêu mến từ trước, nên khi đề cập tới một hình thức sản xuất hay ý tưởng thì đội ngũ đồng hành rất lắng nghe và hỗ trợ, vậy nên đến giờ, Quyên không thấy mình gặp quá nhiều trở ngại khó khăn.

Mình luôn hiểu rằng cái dễ trong sự nghiệp của mình là mình biết bản thân muốn gì, còn cái khó là luôn muốn mọi thứ thật đặc biệt và cầu toàn. Nhưng cũng vì thế mà sau hơn 10 năm đứng trên sân khấu và ca hát, mình luôn thấy hạnh phúc khi thấy quãng đường mình đi đang dần có kết quả, nhiều sự ghi nhận hơn và có nhiều hơn những trải nghiệm ở mọi lĩnh vực và thể loại khác nhau.

A Diary of Melody có phải phiên bản hoàn hảo nhất về sáng tác, sản xuất và cá tính âm nhạc của chị không?

Nếu mà để đánh giá rằng đây có phải là phiên bản hoàn hảo của mình thì không chắc, vì mỗi buổi sáng thức dậy mình đều vỡ ra rất nhiều điều mới. Nhiều người hay gọi Hoàng Quyên là “Tiểu diva” hay là nhiều cái tên ở mỗi thời điểm khác nhau, mình thấy không phải như vậy.

Mỗi ngày mình đều khác với phiên bản của ngày hôm qua, nên cứ gọi mình là Hoàng Quyên thôi. Cũng vì là một Hoàng Quyên còn nhiều thiếu sót nên luôn thấy những gì đang làm và học là những thử thách cần đạt được.

Cuộc sống với mình luôn rất thú vị là như thế, khi quan sát kĩ và dành thời gian để suy ngẫm, mình nhận ra không có thời điểm và phiên bản hoàn hảo nhất của bản thân, vì chúng ta luôn thay đổi để tốt hơn. Sau khi Quyên Gallery được tổ chức, mình lại bắt đầu tò mò về những gallery tiếp theo.

Có thể ở Quyên Gallery 2, mình đã có ý tưởng và hướng đi cụ thể, những bài hát sẽ xuất hiện trong đó, nhưng đến Quyên Gallery 3 thì mình thật sự không biết điều gì sẽ diễn ra, vì nó ở thì tương lai xa quá, biết đâu tận 5-10 năm nữa. Mình cũng chưa biết lúc đó đời sống của mình thay đổi và chuyển động thế nào hay muốn chia sẻ điều gì với mọi người.

Quay trở lại với album lần này, mình cảm thấy khá hài lòng và ấn tượng với quá trình sản xuất, thực hiện. Trong cả album, mỗi ngày mình đều thấy hợp mood với một bài khác nhau, nhưng cá nhân mình hơi thiên vị cho bài Ngày vụt nhanh trên chuyến đi cùng anh. Đó cũng là lý do trong video sản xuất sơn mài mình đã chọn nhạc nền bài đó và lúc công bố dự án cũng thế.

Với mọi bài hát, trong khâu sản xuất kì diệu nhất theo mình chính là lúc đặt hợp âm. Khi sáng tác, mình sẽ viết lời trước, giai điệu sẽ là phần đến sau để hoàn thành một ca khúc. Những khâu khác thường Quyên sẽ làm một mình, nhưng tới lúc đặt hợp âm thì mình cần một chuyên gia giúp sức, đó cũng là người đồng sáng tác tác phẩm.

Mình nhớ mãi có lần trong bài Ngày vụt nhanh trên chuyến đi cùng anh, piano lúc đấy cần khiến người nghe cảm giác như đang trở về quá khứ. Nếu đặt piano không đúng thì sẽ thành một bài pop rất tầm thường, mình đã bị rồi nên buộc phải bỏ bản phối đó đi. Rất nhiều kỉ niệm tương tự như vậy khiến mình nhận ra sự kì diệu khi tham gia vào sản xuất, không bao giờ mình có được trải nghiệm đó nếu là một ca sĩ.

Không chỉ với người đồng sáng tác, khi hoà âm phối khí với ban nhạc cũng rất tuyệt vời. Ví dụ ở bài Balcony, lúc bắt đầu vào bài mình thấy chưa đúng nên bảo bạn guitarist là: “Cái ban công nhà chị nó đơn giản lắm, có đúng một cây hoa giấy, nhưng lúc ra hoa, lúc đợi mãi chẳng có bông nào. Thế nên để mọi người tưởng tượng ra thì phải là tiếng guitar, hãy cho chị một chút nắng rọi vào góc ban công để nghe tiếng gió rít.”

Đấy cũng chính là lý do mà khi bắt đầu vào bài, bạn ấy đã gảy một tiếng guitar khiến mình ồ lên vì rất ưng ý. Những kỉ niệm không tên như vậy khiến mình cứ thấy nhớ mãi về quá trình làm album này.

Bên cạnh đó, sản xuất một cái album của mình thì sướng đấy nhưng cũng rất cực. Ngày trước làm việc với anh Lê Minh Sơn hay anh Đỗ Bảo, mình không phải tính tới chuyện đó vì mọi người lo hết rồi. Hát chưa hay thì các anh cũng rất kiên trì hướng dẫn lại. Đến khi tự làm, tự trải nghiệm mới thấy mọi người đã cho mình nhiều sự hỗ trợ đến như nào, và con đường mình phải đi còn dài ra sao.

alt
Tự sáng tác và biểu diễn ca khúc của mình mang lại cho Hoàng Quyên những trải nghiệm mới mẻ và nhiều thử thách hơn | Nguồn: Dai Ngo

Mình thường không đặt áp lực khi bắt đầu viết nhạc mà nghĩ nó giống như đang viết nhật ký hơn, vì thế, dòng chảy cũng sẽ tự nhiên, liên tục.

Dòng chảy cảm xúc của mình thời điểm đó được sắp xếp từ bài 1 đến bài 8, để làm sao ngôn ngữ lẫn hòa âm phối khí có thể gắn kết với nhau nhất có thể, đấy cũng là tính toán duy nhất trong quá trình sản xuất. Không có câu chuyện hay chất liệu gì được đặt ra hay buộc phải chạy theo xuyên suốt, mình đề cao tính trải nghiệm trong sáng tác hơn.

Kể cả những câu chữ hay âm thanh, với mình nó giống như từ bao đời vọng về vậy. Mình hay nghĩ, không biết nghệ sĩ sáng tác ra bài hát hay bài tác mới thực sự sáng tác ra người nghệ sĩ, vì lúc ngồi xuống đặt bút thì có một cảm hứng dẫn dụ, khơi gợi lên thì mình mới viết được, chứng tỏ cái đó nó đã có trước mình rồi.

Như vậy, từ chính bản thân, càng đi sâu, tìm tòi và lắng nghe mình, chúng ta càng mở ra thêm những chủ đề hay, đến gần hơn với nhiều người.

Mình nghĩ khi viết nhạc, chẳng có gì can thiệp được mình cả, đó là một trong những lí do mà lúc đầu có rất nhiều tên album được nghĩ ra nhưng cuối cùng mình lại chọn A Diary of Melody. Vì mình hiểu rằng đó không phải là câu chuyện mà mình kiểm soát, chỉ là một cuốn nhật ký bằng giai điệu thôi.

Bìa album kết hợp tranh sơn mài có phải là hướng đi lâu dài của chị không? Với album tiếp theo, Hoàng Quyên sẽ kết hợp với loại hình nghệ thuật gì?

Thật sự thì mình cũng chưa nghĩ ra. Trong suốt ba năm theo đuổi ý tưởng này, có thể mình đang dành toàn bộ tâm huyết cho nó và mình vẫn đang ở đây nên có lẽ mình chưa đi đến tương lai. Nhiều lúc mình cũng tự hỏi là Quyên Gallery lần này là về tranh, vậy thì Quyên Gallery tiếp theo sẽ là gì? Gallery ở đây chỉ là một ẩn dụ, không phải thứ hiện hữu.

Mình biết có nhiều nghệ sĩ sáng tác nhưng lại không chia sẻ, vì ngại hoặc chưa sẵn sàng cho người khác thấy thế giới nội tâm của họ. Nhưng Quyên thì rất sẵn sàng và thoải mái để mọi người bước vào, nên mình nghĩ là chắc chắn phải đặt tên là Quyên Gallery, kể từ đó những ý tưởng tiếp theo mới bắt đầu.

alt
"Nếu mình có hit thì sẽ rất tuyệt, còn không hãy cứ làm theo tiếng gọi của trái tim" | Nguồn: Dai Ngo

Thật ra dự án này vẫn chưa dừng lại, ngoài những gì mà mọi người đã thấy trong Quyên Gallery thì vẫn còn những thứ tiếp sau. Nhưng Quyên Gallery 2 thì có thể không nhất thiết phải liên quan đến hội họa vì như đã nói, Quyên Gallery là ẩn dụ.

Còn về bìa album là tranh sơn mài thì khi tiếp xúc với hội họa, mình thấy có những chất liệu rất tuyệt vời, nhưng sơn mài mang một cảm xúc rất đặc biệt và nổi bật của nghệ nhân nước mình.

Mình rất thích cảm giác ngắm tranh sơn mài, rồi mọi người đến nhà chơi, mình lấy khăn ẩm lau cho nó bóng lên để mọi người ngắm. Lụa hay sơn mài của Việt Nam đã trở thành tinh hoa của thế giới rồi. Vậy nên mình không ngần ngại phát triển album với phiên bản giới hạn là sơn mài vì quá tự hào.

Trong 10 năm đi hát, hẳn Quyên đã gặp các câu hỏi như "Bao giờ có hit?” Quyên nghĩ nghệ sĩ cần thiết phải có hit không?

Nếu mình có hit thì sẽ rất tuyệt vời, nhưng nó cũng chỉ là thêm thắt vào thôi. Nếu không có hit thì cứ làm theo Quyên này, nghe theo tiếng gọi con tim mình thôi. Thật ra những khán giả yêu mến mình đều mong muốn mình có hit, được biết đến nhiều hơn, thậm chí có còn phải là sao hạng A,... và chia sẻ sẽ điều đó với Quyên rất thẳng thắn.

Nhiều fan của mình đặc biệt lắm, họ có thể sở hữu một hệ thống truyền thông rất lớn và sẵn sàng đồng hành với các dự án của Quyên, nhưng thật sự là Quyên chẳng có dự án nào đủ lớn cả (cười). Mình nghĩ giống như nuôi con vậy, yêu thương nó nhưng lại không dám áp đặt, vì lỡ đâu một ngày nó lớn và hỏi rằng liệu lúc đó mẹ nghĩ con có thích không?

Mình mong mọi người hiểu rằng Quyên thực sự lắng nghe con tim của mình, và đó là cách mình đã theo đuổi âm nhạc từ ngày đầu đến giờ. Lúc còn thi Vietnam Idols bình luận ở dưới là hát không có cảm xúc và chung chung quá,.. lắm nhận xét mình vẫn nhớ mãi. Nhưng tới bây giờ, mình vẫn thầm lặng và đi trên con đường của mình, mọi người nhận ra là “Ồ, không phải Quyên hát không có cảm xúc đâu.”

Hơn 10 năm qua, mình không hề mất bình tĩnh và luôn rất tin tưởng vào bản thân mình. Những nhận xét như “khó nhằn”, “khó nghe" bây giờ đã chuyển thành dịu dàng hơn.

Triển lãm vừa rồi, có bạn khán giả bảo em cảm thấy 10 năm đặt niềm tin vào chị đúng là không sai một chút nào cả, mình mới bảo 10 năm đấy chị đặt niềm tin vào chị cũng không sai một chút nào luôn.

Khán giả của mình đồng hành và tìm đến mình không phải qua những thứ lấp lánh hay hào quang sân khấu của sao hạng A gì cả. Tất cả chỉ bắt đầu từ những điều họ nhìn thấy và cảm nhận được qua sự chân thành, niềm tin.

Khi những giai điệu của biết bao ca khúc từng hát vang lên, đặc biệt là bây giờ mình có cơ hội được chia sẻ nhiều hơn qua ca từ, khán giả vẫn ủng hộ và dõi theo, thì mình nghĩ đó mới là cái bền lâu.