Đến Nơi Rồi - Phần 6: Hai đầu cực của chuỗi thức ăn | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
12 Thg 12, 2024

Đến Nơi Rồi - Phần 6: Hai đầu cực của chuỗi thức ăn

Chúng tôi là con gái của những người làm việc ở hai đầu cực của chuỗi thức ăn, ngồi chung với nhau, cùng học về kinh tế.
Đến Nơi Rồi - Phần 6: Hai đầu cực của chuỗi thức ăn

Minh hoạ bởi Nhi Thanh @obanhmis cho Vietcetera.

Bài viết là đoạn trích từ cuốn hồi ký Đến Nơi Rồi của nhà văn, luật sư, chuyên gia huấn luyện cấp cao và nữ doanh nhân Cát Thảo. Đến Nơi Rồi là chuyến hành trình đi tìm ánh sáng tại nơi đất khách của cô và gia đình.

Bạn có thể đặt mua tác phẩm tại:
- Tiki
- Shopee
- TikTok Shop

Khi tất cả các bài phát biểu được trình bày xong, các thí sinh được mời lên sân khấu chờ công bố kết quả. Tôi đã không chiến thắng. Tôi thậm chí còn không đạt hạng nhì. Tôi cố gượng cười, nhưng trong lòng tôi sụp đổ. Các giáo viên và gia đình chụp ảnh với tôi.

Cảm giác thua cuộc ngày hôm ấy đã ám ảnh tôi suốt thời
gian sau đó. Không ai có thể làm gì để xoa dịu tôi. Ý nghĩ rằng mình đã ở rất gần chiến thắng nhưng không đủ giỏi khắc sâu trong tâm trí tôi. Tôi không bao giờ tham gia cuộc thi nói trước công chúng hoặc tranh biện một lần nào nữa.

Điểm sáng duy nhất của toàn bộ sự suy sụp hôm ấy là James và tôi đã trở thành bạn qua thư. Anh ấy viết thư cho tôi từ Broken Hill và tôi hồi âm. Tôi rất mong nhận được những lá thư của anh ấy. Những lá thư không có gì lãng mạn; chỉ là một cuộc giao tiếp tự nhiên vô tư lự giữa hai thiếu niên ngượng ngùng, như thể bằng cách nào đó đã luôn biết họ không thuộc về nhau.

alt
Điểm sáng duy nhất của toàn bộ sự suy sụp hôm ấy là James và tôi đã trở thành bạn qua thư.

Một hôm tôi đi học về thấy ba mẹ đang nổi cơn thịnh nộ. Ba tôi đã mở thư của tôi ra xem. Ông nhìn thấy cái tên nam giới tiếng Anh ở cuối bức thư và bị nhấn chìm trong một nỗi sợ hãi mà hạt giống của nó đã được gieo nhiều năm từ trước khi tôi được sinh ra.

Ở Việt Nam, những cặp tình nhân bí mật viết thư cho nhau thường kèm theo lời hứa sẽ bỏ trốn. Bên cạnh đó, ba tôi từng thỉnh thoảng thực hiện nghĩa vụ quân sự cùng với những người Mỹ da trắng. Ông biết vài người trong số họ có thói thèm khát phụ nữ, dẫn đến những vụ hãm hiếp diễn ra ở các ngôi làng của miền Nam Việt Nam.

Trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, mỗi khi có người Mỹ vào nhà, mẹ tôi và các chị em của bà đều núp bên dưới chiếc giường gỗ, cầu mong kẻ da trắng tà dâm kia không tìm thấy họ. Họ sẽ nín thở, mắt dán chặt vào đôi bốt quân đội, nắm chặt tay nhau.

Ba tôi thậm chí không nhìn tôi khi thét lên. Ông bảo tôi phải ngừng liên lạc với chàng trai này ngay lập tức. Nếu tôi kết hôn với một chàng trai da trắng, ông sẽ từ mặt tôi.

Tôi yêu cầu được biết lý do vì sao ba mẹ mở thư của tôi. Họ sững sờ, sao tôi còn dám đặt một câu hỏi như vậy. Nếu ba mẹ sinh ra tôi, họ có quyền lấy đi mạng sống của tôi. Quyền tôn trọng không gian cá nhân và sự riêng tư của tôi chẳng là gì so với tất cả những quyền của ba mẹ với tư cách là đấng sinh thành. Những người mỗi ngày đều hy sinh cho tôi bằng việc từ bỏ phẩm giá, giấc ngủ và mái ấm gia đình.

Tôi ngừng hồi âm thư của James. Những lá thư của anh ngày càng ngắn, khoảng cách giữa những lần viết thư ngày càng dài. Sau đó, những lá thư ngừng gửi. Nhưng ba mẹ cũng không bao giờ mở thư của tôi một lần nào nữa.

Khi tôi xử lý thành công những sợi lông mọc ngược và bắt đầu dùng thuốc do bác sĩ chuyên khoa kê đơn, cuộc sống của tôi ở trường Bethany dễ dàng hơn một chút. Một ngày nọ trong lớp học thương mại, chúng tôi thảo luận về nơi cha mẹ chúng tôi làm việc. Ba tôi vẫn làm công việc vận hành máy móc tại F. Muller. Về hình thức, mẹ tôi là một người nội trợ hoặc một thợ may. Cả hai đều không thể hiện chính xác về công việc của một công nhân may tại nhà, nhưng chúng tôi không muốn người đọc các nội dung này phải khó xử.

Khi tôi nói tên công ty mà ba tôi đang làm việc, một cô gái trong lớp nói, “Ba tôi cũng làm việc ở đó! Ông ấy là tổng giám đốc. Có lẽ họ biết nhau đấy. Ba bạn làm nghề gì?”

Tôi cảm thấy vết phỏng quen thuộc nóng bừng trên má. “Ông ấy là một thợ máy.” Tôi không nghĩ người tổng giám đốc đó biết ba tôi. Ba tôi chỉ là một công nhân vô danh, vô danh giữa không gian nhà máy ồn ào.

alt
Tôi cảm thấy vết phỏng quen thuộc nóng bừng trên má. “Ông ấy là một thợ máy.” Tôi không nghĩ người tổng giám đốc đó biết ba tôi.

“Ba bạn tên là gì? Tôi sẽ hỏi ba xem có biết ông ấy không.” Đó là một câu hỏi ngây thơ, một câu hỏi chỉ có thể đến từ một thiếu niên không biết gì về xe nâng và đồ nội thất xài rồi. Tôi mơ một ngày sẽ mua được những bộ quần áo mới tinh. Lúc ở hành lang, cô bạn ấy vén vạt áo rộng lên cho bạn bè thấy những phần da rám nắng sau chuyến du lịch đến nhà nghỉ dưỡng của gia đình. Ba tôi gọi ba cô ấy là “sir” (ngài). Chúng tôi là con gái của những người làm việc ở hai đầu cực của chuỗi thức ăn, ngồi chung với nhau, cùng học về kinh tế. Sự khác biệt trong hoàn cảnh hai bên làm tôi đau nhói.

Còn tiếp...

Đọc các đoạn trích khác tại đây .