Đến nơi rồi - Hành trình gọi tên những nỗi đau của tuổi trưởng thành | Vietcetera
Billboard banner
17 Thg 10, 2024

Đến nơi rồi - Hành trình gọi tên những nỗi đau của tuổi trưởng thành

“Ở đất nước này, ba có cái miệng để ăn chứ không phải để nói. Con là tiếng nói của ba.” Ngày hôm đó đánh dấu một bước ngoặt trong đời tôi: Tôi đã nhìn thấy tương lai của mình. 
Đến nơi rồi - Hành trình gọi tên những nỗi đau của tuổi trưởng thành

Nguồn: Cát Thảo Nguyễn

Đến nơi rồi - Câu chuyện truyền cảm hứng của một gia đình Việt tìm ánh sáng nơi đất khách.

Lời giới thiệu trên bìa sách có thể gợi cho bạn hình dung về một câu chuyện hồi ký khuôn sáo như bao mô típ vượt khó thành công khác. Nhưng nếu tôi nói với bạn cuốn sách này là một câu chuyện 'coming of age' kịch tính và chân thực như chính cuộc đời thì sao?

Qua lời kể của mình, tác giả Cát Thảo sẽ dẫn người đọc quay trở quá khứ, cùng sống lại một phần đời quan trọng của cô. Vốn xuất thân trong một gia đình lao động nghèo di cư từ Việt Nam sang Úc, khi ở nơi đất khách, cô chỉ là một cá thể nhỏ bé, thừa kế “sự im lặng đến bất lực” của cha mẹ. Nhưng rồi Cát Thảo đã dần tìm thấy tiếng nói, bản sắc cho mình và vươn lên để trở thành một luật sư, một công dân toàn cầu.

alt
Nguồn: Cát Thảo Nguyễn

Cuốn hồi ký Đến nơi rồi vì thế là một phiên bản trần trụi của tuổi trưởng thành được gói vào trong 12 chương sách. Nơi độc giả sẽ hồi hộp lật giở, đôi chỗ thấy con tim mình rung lên vì như thấy chính mình trong những năm tháng trưởng thành và đôi chỗ lại gặm nhấm sự đau đớn cùng với nỗi cô đơn.

Câu chuyện trưởng thành đó sẽ có sự góp mặt của những nhân vật thật quen thuộc là:

Nỗi lo âu

Nội tâm của cô bé nhập cư Cát Thảo luôn bị thống trị bởi cảm xúc lo âu. Tuổi dậy thì của cô là nỗi xấu hổ với những đốm vảy bò sát trên da, ngay cả vào mùa hè vẫn mặc áo khoác, kéo tất dài lên tận đầu gối, và chỉ dứt điểm sau liệu trình kỳ quái xông hơi bằng phân ngựa.

alt
Cô bé Cát Thảo ở trong hình tay dán một miếng băng cá nhân để che đi dấu vết bệnh chàm dai dẳng từ bé. Phía sau là chiếc máy vắt sổ Juki hoạt động không kể ngày đêm để gia đình có chi phí trang trải cuộc sống. | Nguồn: Cát Thảo Nguyễn

Cô trở thành một mục tiêu quá rõ ràng để bị bắt nạt khi “kết hợp giữa đôi chân rậm lông, mụn trứng cá, quần áo tự may, đôi giày mua ở cửa hàng giảm giá và tiếng tăm của một đứa ham học”.

Gia đình thì trải qua xáo trộn kinh tế phải bán nhà và chuyển vào sống nhờ người họ hàng trong một căn phòng chật chội. Tài khoản ngân hàng có lúc chỉ còn vỏn vẹn 5 đô cũng phải rút nốt để có tiền mua bánh mì và đồ ăn trưa tuần đó cho các con. Có quá nhiều biến động từ bên ngoài không ngừng nuôi dưỡng nỗi lo âu trong lòng Cát Thảo lớn lên.

Bạn sẽ ở đó cùng cô, ngồi ở “hàng ghế sau, nỗi tủi thân ngồi bên cạnh, uy nghi đường bệ” hay trơ trọi “đi đến một bụi cây và cúi xuống, thổn thức trong chiếc váy khuyến mãi của mình, dưới bầu trời phố thị ở một vùng đâu đó gần Ashfield”. Có lẽ sự tự ti này được nối tiếp bằng một nỗi lo khác chính là dáng hình của tuổi trưởng thành.

Khủng hoảng bản sắc

Với Cát Thảo, nơi sinh, dân tộc và quốc tịch của cô là ba nơi khác nhau, và trong suốt thời gian dài cô không thể phân biệt được những khái niệm này.

Ngày còn bé, cô đã mơ hồ nhận ra “có thể nàng tiên răng không đến vì tôi không phải là người da trắng. Trên tivi, những đứa trẻ được nàng tiên răng đến thăm đều là trẻ da trắng, có cha mẹ cũng là người da trắng”. Là một thiếu nữ châu Á lớn lên ở Úc cô luôn thiếu đi cảm giác của cái gọi là nơi mình thuộc về.

alt
Nguồn: Cát Thảo Nguyễn

Khi bà chủ nhà mắng mẹ vì không trả tiền thuê nhà đúng hạn. Cô đã phải dịch lại những lời chỉ trích đó bằng tiếng Việt cho mẹ mình, trong khi cảm nhận sâu sắc sự im lặng đau đớn của mẹ. "Miệng tôi bị vay mượn để nói những lời độc địa" - cô viết, thể hiện sự bất lực của một người con không thể phản kháng hay bảo vệ mẹ mình.

Cô cảm thấy mình "di truyền cái miệng như của ba" – chỉ để ăn uống chứ không phải để lên tiếng. Dù có tham gia biểu tình năng nổ hay học cao hiểu rộng đến thế nào đi nữa cũng không khiến sự tự tin của cô tăng lên, cô vẫn là một người thấp cổ bé họng ở nơi đất khách này.

alt
Nguồn: Cát Thảo Nguyễn

Càng đạt thành tích cao, đứng giữa những con người tài giỏi khác, cô càng cảm thấy xa lạ: "Tôi đã cách xa sự an toàn ở vùng ngoại ô dành cho tầng lớp lao động của tôi. Tôi nhớ gia đình mình.” Thậm chí đó còn là cảm giác tội lỗi như thể “đang ở vũ hội hóa trang, đang phản bội lại những di sản và cộng đồng của mình bằng việc giả vờ là thành phần của một xã hội mà tôi không thuộc về, và cũng không hề muốn.”

Mất kết nối với cha mẹ

Trong Đến nơi rồi, rất nhiều lần Cát Thảo thuật lại những khoảnh khắc mất kết nối với chính cha mẹ mình. Khi đạt được kết quả 99% trong kỳ thi Toán, ba cô đã hỏi: "Tại sao không phải là 100%?" Khi cô đứng nhì môn Tiếng Việt, vẫn là một dạng câu hỏi như cũ: "Tại sao không đứng nhất?"

Những kỳ vọng không ngừng nghỉ của cha mẹ khiến cô phải khoác lên tấm áo của người trưởng thành từ quá sớm – đọc bao bì thuốc, điền đơn đăng ký, họp phụ huynh, nói chuyện với chính phủ thay cha mẹ.

Cát Thảo không thể tìm được sự an ủi từ ba mẹ cho những chuyện nhỏ nhặt như giận hờn bạn bè hay khó khăn trong bài tập ở trường. Cô muốn mình trở thành người xuất sắc để xứng đáng với những gì cha mẹ đã hy sinh, nhưng đồng thời cũng thấy đôi vai nặng trĩu vì hai chữ trách nhiệm và nghĩa vụ.

Cuộc sống nơi đất khách đã dày vò những thành viên trong gia đình này, và họ dù không muốn đã vô tình dày vò nhau. “Ba nhạy cảm, yếu đuối hơn con nghĩ nhiều” - lời mẹ nói đã khiến cô ngỡ ngàng nhận ra: mình bận loay hoay với những trắc trở tuổi trưởng thành mà quên đi mất cha mẹ cô cũng có những cuộc chiến riêng mà họ chưa bao giờ chia sẻ.

Để rồi quá trình lắng nghe những câu chuyện trong quá khứ đã giúp cô lần tìm về gốc rễ cội nguồn, gom góp những mảnh ký ức còn sót lại để xâu chuỗi thành bức tranh lịch sử gia đình mình. Dù không hoàn chỉnh, nhưng điều đó đã đủ để cô nhận ra những gánh nặng cơm áo gạo tiền đã khiến cha mẹ không thể thể hiện tình yêu theo cách mà con cái cần.

Và khoảnh khắc “đến nơi rồi” trong hành trình này không chỉ đánh dấu một thành tựu của Cát Thảo, mà còn là khoảnh khắc thở phào của cả gia đình – trong giây phút đó cuộc chiến của cha mẹ và đứa con cuối cùng đã được dừng lại.

Kết

Trước khi thành hình một cuốn sách, Đến Nơi Rồi đã bắt đầu chỉ là vài chia sẻ nhỏ trên tờ Sydney Morning Herald. Và Richard Walsh - nhà cố vấn của nơi xuất bản cuốn tiểu thuyết nổi tiếng Kẻ trộm sách đã nhìn thấy tiềm năng to lớn từ chia sẻ của Cát Thảo. Ông đã dành hơn sáu năm để khích lệ và làm việc cùng cô, giúp cô chia sẻ câu chuyện đời mình với thế giới.

Và sau khi được phát hành, cuốn sách đã ghi danh vào chung kết Giải thưởng Văn học bang New South Wales, Đồng thời nhận được sự chú ý từ nhiều nhân vật có tầm ảnh hưởng, tác phẩm đã được đọc bởi Cựu Thủ tướng Úc và vợ ông, và còn được dành tặng cho Vương tử Harry và phu nhân Meghan Markle.

Giờ đây, khi cuốn sách có duyên gặp gỡ bạn, nó cũng sẽ trở thành một người bạn đồng hành, tiếp thêm động lực và khích lệ bạn viết nên câu chuyện cuộc đời mình. Để đến một ngày bạn cũng có thể tự hào nói với mình: “Chúng ta đã đến nơi rồi.”