Cyberflashing - Khi điện thoại bạn bị “dội bom” ảnh nhạy cảm | Vietcetera
Billboard banner
05 Thg 12, 2023

Cyberflashing - Khi điện thoại bạn bị “dội bom” ảnh nhạy cảm

Việc quấy rối tình dục chưa bao giờ dễ dàng đến thế, khi chỉ cần một chiếc điện thoại có kết nối internet hay bluetooth.
Cyberflashing - Khi điện thoại bạn bị “dội bom” ảnh nhạy cảm

Nguồn: Ron Lach @ Pexels

1. Cyberflashing là gì?

Cyberflashing là hành vi gửi hình nhạy cảm cho người khác qua kết nối mạng hay Bluetooth mà không có sự đồng thuận của họ. Đây được xem là một hình thức quấy rối tình dục, dù chỉ bằng hình ảnh.

Cyberflashing thường xảy ra phổ biến trên các app hẹn hò, mạng xã hội và mới đây nhất là qua AirDrop. Dù chọn “từ chối”, người nhận (đa phần là phụ nữ) vẫn có thể nhìn thấy nội dung nhạy cảm nếu thiết bị có chức năng xem trước (preview), khiến họ cảm thấy khó chịu, ghê sợ và bất an.

2. Nguồn gốc của cyberflashing?

Thuật ngữ được ghép lại từ cyber (chỉ chung các thứ liên quan đến Internet) và flashing (hành vi khoe bộ phận nhạy cảm ở nơi công cộng). Vụ việc cyberflashing đầu tiên được ghi nhận năm 2015, khi một phụ nữ đi tàu ở London tình cờ bị gửi hai bức ảnh nhạy cảm qua chức năng AirDrop, khiến cô phải báo cảnh sát.

01dec2023hughhan5pkywuddthqunsplashjpg
Các phương tiện công cộng là nơi dễ xảy ra cyberflashing. | Nguồn: Unsplash

Một biến thể của cyberflashing là lazy booty call (đăng hình nhạy cảm lên story Instagram, rồi để chế độ close friends nhằm tìm người làm “tình một đêm”). Tuy nhiên phương pháp này chỉ thực hiện được khi cả bạn và người đó đều follow nhau. Trong khi đó, cyberflashing có thể xảy ra với bất cứ ai đang mở AirDrop “trong tầm ngắm” (bán kính 10m trở xuống).

3. Vì sao cyberflashing phổ biến?

Từ đầu năm 2020, những vụ việc về cyberflashing có xu hướng gia tăng. Theo Asia Times, điều này xảy ra một phần do sự phổ biến của mạng xã hội và các app hẹn hò. Con người có xu hướng hành động liều lĩnh hơn khi giao tiếp trên mạng, vì vậy những hành vi cyberflashing cũng xảy ra thường xuyên hơn trên các không gian này.

Một yếu tố quan trọng khác là tính chất “bắt dính” dễ dàng của AirDrop: bạn có thể trao đổi file mà không cần lưu thông tin liên lạc của người đó. Hơn nữa, vì xảy ra giữa các thiết bị, cyberflashing có phần “kín đáo” hơn, khó bị người xung quanh phát hiện hoặc camera an ninh ghi lại.

Khi tìm kiếm từ khóa này trên TikTok, có không ít người dùng chia sẻ chuyện bị “dội bom” hình nhạy cảm khi đi tàu xe. Cyberflashing đặc biệt hay xảy ra trên máy bay, do đây là môi trường ít có kết nối internet. Vì vậy nhiều hành khách đã tận dụng AirDrop để “thả thính” giết thời gian, nhưng lại gây ra nhiều vụ việc “khó đỡ” trên máy bay.

01dec2023screenshot20231201094554jpg
Tính năng AirDrop vô tình gây ra nhiều vụ việc “khó đỡ” trên máy bay. | Nguồn: Abc.net.au

Chẳng hạn một chuyến bay của United Airlines tháng 9/2020 từng xảy ra vụ việc hành khách gửi phim khiêu dâm qua AirDrop. Điều này khiến chuyến bay phải hoãn cất cánh, bởi nó vi phạm quy định an toàn bay của hãng. Phi hành đoàn cũng phải nhắn các phụ huynh tắt bluetooth ở điện thoại con cái, tránh việc bị “quăng” nội dung nhạy cảm.

Cũng trên một chuyến bay khác của United Airlines, một khách nữ đã AirDrop tài khoản OnlyFans của cô cho cả máy bay. Cô thậm chí còn dõng dạc đứng lên mời gọi mọi người ủng hộ OnlyFans của mình.

Nhận thấy mức độ nghiêm trọng của cyberflashing, một số nước như Anh và Singapore đã chính thức coi nó là một tội hình sự, có thể bị phạt đến 2 năm tù. App hẹn hò Bumble cũng đã có các quy định bảo vệ người dùng, cũng như chế tài cho việc gửi ảnh nhạy cảm vô tội vạ.

Làm sao để phòng tránh cyberflashing?

Nếu không may bị cyberflashing trên mạng, bạn cần ẩn, chặn hoặc báo cáo đối tượng ngay lập tức. Còn ở nơi công cộng, bạn chỉ nên đặt chế độ gửi trong danh bạ (contacts only) hoặc tắt hoàn toàn chế độ nhận file từ người khác khi không sử dụng tới.

Nhưng nếu bạn muốn sử dụng AirDrop để hẹn hò hoặc làm quen trên máy bay, hãy cân nhắc thật kỹ. Rủi ro dễ thấy nhất là bạn sẽ có nguy cơ bị phát tán hình ảnh cá nhân cho nhiều mục đích nguy hiểm, hoặc bị người lạ bám theo khi đã hạ cánh.

4. Cách dùng cyberflashing?

Tiếng Anh

A: Someone airdropped me porn on the train yesterday, and it still haunts me.

B: That’s certainly cyberflashing. Make sure next time you adjust bluetooth settings to “contacts only” or turn it off when not needed.

Tiếng Việt

A: Hôm qua trên tàu có người gửi AirDrop “phim heo” cho tôi bà ạ, giờ tôi vẫn thấy sợ.

B: Cái này là quấy rối tình dục qua mạng rồi. Bà nhớ lần tới chỉnh bluetooth thành chế độ “chỉ danh bạ” hoặc tắt hẳn nếu không cần thiết nha.