Với Cô Em Trendy (Nguyễn Đặng Khánh Linh), thời trang và tài chính cá nhân có những nét tương đồng. Là một influencer thuộc lĩnh vực thời trang, cô học được cách áp dụng tính sáng tạo và kỷ luật vào chuyện tiền bạc.
Để tổng kết, Linh cho rằng đó là sự thức thời để ứng biến với các tình huống tài chính khác nhau, cùng với mạnh dạn thử nghiệm những cách thức mới. Và quan trọng nhất, là quyết tâm hiện thực hoá những kỳ vọng đã đề ra.
Cứ như thế, hành trình tài chính của Khánh Linh đã được cô chiêm nghiệm cùng Vietcetera trong bài viết The Money Date lần này.
1. Khoản nợ lớn nhất trong quá khứ của Linh là gì?
Linh đã vay một khoản 500 triệu đồng từ bạn để mua đất.
Bản thân không phải là dân chuyên bất động sản, nên những sản phẩm đất đai mình mua thường là do bạn bè hoặc người thân có chuyên môn “nhá hàng”. Điểm chung của những mảnh đất này là có tín hiệu sinh lời tốt tại thời điểm đó nên Linh cần mua liền để “bắt sóng".
Tuy nhiên, có một đợt mảnh đất cần mua có chi phí cao, Linh buộc phải chồng tiền mua luôn. Đây là lý do Linh đã vay của bạn 500 triệu đồng. Với khoản vay này, Linh đã có kế hoạch trả trong 4-5 tháng và đã trả đúng hẹn định.
2. Thứ gì rất đắt mà Linh đã mua và thấy đáng tiền?
Linh nghĩ là chiếc laptop mà Linh mua hồi ở giai đoạn đầu sự nghiệp. Thời điểm đấy Linh mới làm vlog, thu nhập chưa có nhiều nhưng vẫn quyết định mua một chiếc laptop tốt nhất thay vì kinh tế nhất.
Lý do vì mình nghĩ mua laptop, một công cụ làm việc quan trọng thì không phải là mua sắm theo sở thích mà là khoản đầu tư bắt buộc. Mình cứ chỉn chu, chọn máy tốt ngay từ đầu thì công việc và năng suất cũng được bổ trợ nhiều hơn, thu nhập từ đó cũng sẽ cải thiện hơn.
Và Linh đã đúng. Với chiếc Macbook giá 80 triệu lúc đó, Linh dựng được nhiều video hơn, nhanh hơn mà không bị giật lag. Đáng mừng là sau nhiều năm, mình vẫn còn có thể dùng chiếc Macbook này mượt mà đến tận bây giờ mà không cần thay mới.
Đó là thứ Linh thấy đáng tiền nhất dù nó không phải là món đắt nhất. Thực ra mua túi xách đồ hiệu thì có những thứ đắt hơn nhưng vẫn thấy không đáng tiền như chiếc laptop.
3. Nguồn thu nhập chính ở hiện tại?
Thu nhập chính của Linh vẫn là với vai trò một influencer và nhà sáng tạo nội dung. Cụ thể là thu nhập của Linh đến từ booking quảng cáo của nhãn hàng, làm đại diện thương hiệu hoặc dự sự kiện.
4. Nếu như được quay về thời gian đầu lập nghiệp, bạn sẽ cho bản thân lời khuyên về tiền ra sao?
Linh sẽ nói với bản thân rằng mình nên học cách đầu tư tiền để sinh lời thay vì chỉ tích trữ.
Hồi xưa làm mẫu ảnh, Linh nổi tiếng ở Hà Nội là rất tiết kiệm, đến mức thành một câu chuyện mọi người hay đùa nhau. Vấn đề là dù có khoản tiền tiết kiệm lớn so với nhiều bạn đồng trang lứa, mình không biết làm gì với số tiền ấy mà chỉ biết gửi vào ngân hàng để lấy lãi.
Bây giờ thì mình mới biết đó không phải là cách hiệu quả nhất để tối ưu nguồn tiền. Nếu được trở về quá khứ, Linh sẽ dặn bản thân quan tâm hơn đến các lĩnh vực đầu tư khác như bất động sản, cổ phiếu hay trái phiếu để nắm bắt nhiều cơ hội hơn.
Ví dụ như thời điểm Linh mới vào Sài Gòn, bất động sản bắt đầu bước vào một cơn sốt. Hồi đấy mà mình biết và chịu tìm hiểu thì bây giờ cũng có thêm những khoản đầu tư có lợi nhuận rất “hời”.
Linh bây giờ hay nói với các bạn trẻ mình gặp là hãy học cách đầu tư khi còn trẻ để khi lớn hơn không hối hận như Linh. Thế hệ của Linh lúc đấy mọi người chưa quan tâm đến đầu tư nhưng ở hiện tại, nhiều bạn trẻ đã biết quan tâm đến đầu tư tài chính và đó là một điều rất tốt.
5. Một lời khuyên về tiền mà bạn chắc chắn nói cho con cháu mình là gì?
Tiền không phải thứ để mình sở hữu. Thay vào đó, tiền là thứ để mình trao đổi những giá trị mà mình mong muốn trong cuộc sống.
Nếu ai coi vật chất là thứ để mình sở hữu càng nhiều càng tốt, Linh thấy là đó là cuộc chiến không hồi kết, càng ngày mình sẽ càng thấy không hài lòng với bản thân không biết bao giờ là đủ. Nhưng nếu mình biết sử dụng tiền một cách thông minh, trao đổi nó với những giá trị khác mà mình mong muốn trong cuộc sống thì tự nhiên mình lại cảm thấy mình có rất nhiều.
Chẳng hạn như đầu tư vào trải nghiệm sống, kinh nghiệm sống và tri thức. Càng học mình càng suy nghĩ tích cực, càng vui tươi không bao giờ thấy tiêu cực như khi mình chạy theo vật chất. Linh không tích trữ tiền mà sẽ đầu tư để nâng cao giá trị bản thân.
6. Trong một thế giới hoàn hảo, bạn sẽ nghỉ hưu năm bao nhiêu tuổi?
Cái này Linh từng nghĩ đến rồi nhưng ý niệm nghỉ hưu của mình thay đổi theo thời gian. Hồi xưa thì Linh thấy ông bà cha mẹ mình sẽ cố gắng làm việc cật lực để có thể nghỉ hưu. Hiện tại, Linh thấy thế hệ bây giờ có khái niệm nghỉ hưu rất khác.
Có người sẽ làm việc cật lực rồi đến một thời điểm nào đó, khi đã có đủ tiền tiết kiệm mình sẽ dừng công việc mình đang làm, sử dụng những cái nguồn tài chính mình có để theo đuổi những điều mình thích một cách thong thả, một cách tận hưởng thì mọi người cũng gọi đó là cái nghỉ hưu sớm.
Linh cũng từng nghĩ về một mốc nghỉ hưu như vậy. Mình nghỉ hưu thì không phải mình chỉ ở nhà chơi suốt ngày, hoàn toàn không làm gì hết mà Linh nghĩ chắc hẳn ai cũng mong muốn làm điều có ích, làm được cái gì đó đóng góp cho xã hội.
Linh mong muốn thời điểm đó của mình sẽ rơi vào khoảng 40-45 tuổi khi mình đã có nền tảng về tài chính đủ mạnh để mình có thể mạo hiểm, thử nghiệm những điều mình thích mà không phải lo lắng, sống tự do, thoải mái làm điều mình thích mà không phụ thuộc vào tiền.
7. Lời khuyên về sự nghiệp tệ nhất mà bạn từng nghe?
Về sự nghiệp, lời khuyên Linh cảm thấy nguy hiểm là “Từ bỏ tất cả để đi theo đam mê”.
Nó là một cái gì đó khó đong đếm. Mình đứng giữa cái việc lựa chọn cái nào là đam mê và cái nào chỉ là cái mình thích và điều gì khiến mình sẵn sàng để đi theo nó và từ bỏ tất cả. Điều đó thật sự khá mông lung vì mình đã từ bỏ tất cả để đi theo nó thì mình chỉ còn một cánh cửa đó thôi: thành công hay thất bại.
Linh chưa từng bỏ tất cả để vào Sài Gòn bắt đầu từ con số 0 vì khi Linh bắt đầu chuyển sang làm nhà sáng tạo nội dung thì Linh vẫn làm mẫu ảnh và có thu nhập ổn định từ đó.
Để làm một nhà sáng tạo nội dung thì mất phải 1-2 năm để xây dựng một cộng đồng người theo dõi mà trong 1-2 năm đấy nếu không có thu nhập khác thì cuộc sống sẽ rất khó khăn và mệt mỏi.
Vì thế, Linh tâm niệm đừng bỏ tất cả để đi theo đam mê mà phải luôn có những phương án an toàn để đảm bảo cuộc sống rồi mới đi theo đam mê của mình.
8. Trong đầu tư, mức chịu rủi ro của bạn như thế nào?
Linh thường dành khoản tiết kiệm khoảng 20-30% thu nhập của mình.
10% trong khoản tiết kiệm đó Linh sẵn sàng đầu tư vào những mảng rủi ro cao như Bitcoin hay chứng khoán. 40-50% sẽ để đầu tư vào những khoản an toàn như bất động sản. Còn lại Linh sẽ đầu tư cho bản thân mình vào các khóa học để nâng cao sức khỏe về cả thể chất lẫn tinh thần.
Nhìn chung, Linh không phải là người có gu đầu tư mạo hiểm, thích rủi ro cao.
9. Thứ gì thúc đẩy bạn cố gắng trong thời gian qua?
Tri thức và sự phát triển của bản thân là động lực giúp Linh liên tục cố gắng.
Nhìn thấy bản thân hiểu biết hơn, có thành quả cao hơn trước đây, là phiên bản tốt hơn trước của mình ở những vấn đề mà trước đây mình hoàn toàn tay mơ và hoàn toàn mù mờ. Điều đó làm Linh cảm thấy vui và tạo động lực để Linh tiếp tục làm.
Linh cũng tự nhận mình là một người tham vọng. Linh không đặt ra giới hạn cho bản thân mà sẽ nắm bắt tất cả những cơ hội mình có để phát triển tốt nhất.