Có công "chia trứng", có ngày đầu tư đa kênh ít rủi ro | Vietcetera
Billboard banner
01 Thg 12, 2021

Có công "chia trứng", có ngày đầu tư đa kênh ít rủi ro

Chia sao cho vừa những “quả trứng” đầu tư?
Có công "chia trứng", có ngày đầu tư đa kênh ít rủi ro

| Nguồn: Shutterstock

Có nhiều chiến thuật giúp bạn tối ưu hoá lợi nhuận từ nguồn tiền đầu tư; trong đó, đơn giản và phổ biến nhất là “để trứng vào nhiều rổ” - chiến thuật phân bổ tiền đầu tư ra nhiều kênh khác nhau.

Đầu tư đa kênh không chỉ giúp rủi ro (so với đơn kênh) được chia nhỏ, giúp nhà đầu tư linh hoạt với các khoản chi mà còn tạo ra cơ hội để các “tay chơi” mới, nghiệp dư cơ hội để thử sức, làm quen với những sân chơi đa dạng. Nhờ đó, quá trình đầu tư cũng trở nên thú vị và nhiều trải nghiệm hơn.

Song, đó là sau khi bạn trang bị được sự lựa chọn, phân chia phù hợp các kênh đầu tư theo khả năng và điều kiện của bản thân. Một “bài toán” không hề dễ giải với nhiều tay đầu tư - nhất là nhóm nghiệp dư.

Để giúp nhà đầu tư trẻ có thêm sự chuẩn bị và gợi ý về việc “chia trứng”, Vietcetera gửi đến độc giả góc nhìn của nhiều nhà đầu tư trẻ lâu năm. Họ là những cá nhân đến từ nhiều ngành nghề (liên quan tài chính), lứa tuổi khác nhau nhưng có chung niềm đam mê với đầu tư - và thậm chí, cả những sai lầm trước khi có được công thức “chia trứng” phù hợp nhất ở hiện tại.

titlePF PF
Chia tiền đầu tư thành nhiều khoản có thể giúp bạn hạn chế các rủi ro nếu có | Nguồn: Shutterstock

“Chia trứng” kiểu vừa đầu tư… vừa học (đầu tư)

Là người tham gia đầu tư theo tinh thần “học hỏi”, thạc sĩ Trần Đặng Đăng Quân (29 tuổi), giảng viên ngành Kế toán - Tài chính Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM chọn cho mình công thức chia nhỏ 3 phần. Trong đó 1 phần luôn dành cho kiến thức đầu tư, 2 phần còn lại cho các kênh đầu tư sinh lời theo mức độ rủi ro khác nhau.

“Trước tiên, đầu tư cho kiến thức cho bản thân, chiếm tỷ trọng 10-20%. Sau đó, tuỳ khẩu vị cùa người đầu tư. Kiểu người ưa thích rủi ro, họ có thể cân nhắc 60-70% vào kênh đầu tư chứng khoán, forex cryptocurrency, bất động sản, 30-40% còn lại cho tài sản ít rủi ro hơn như gửi tiết kiệm có kỳ hạn, đầu tư trái phiếu. Ngược lại, kiểu người thích ổn định, ít rủi ro, 60-70% cho kênh tiết kiệm có kỳ hạn, đầu tư trái phiếu, chứng chỉ quỹ và 30%-40% cho kênh đầu tư có độ biến động lớn hơn như chứng khoán, forex, cryptocurrency, bất động sản.

Cá nhân mình hiện đang chia theo tỷ lệ 20% đầu tư vào kiến thức. Là 1 người chịu được tỉ lệ rủi ro cao hơn nên mình dành 50% vốn cho kênh đầu tư chứng khoán, 30% còn lại cho kênh trái phiếu và tiết kiệm”

Cũng theo anh Quân, tỷ lệ hiện nay có phần nhiều đúc kết từ các kinh nghiệm quá khứ:

“Hồi đầu tham gia đầu tư mình có tâm lý ‘all-in’ - dồn vốn vào 1 kênh đầu tư (thường là chứng khoán) và thử vận may nhiều hơn là thực sự vận dụng kiến thức vào thị trường đang đầu tư. Sau một thời gian ngắn thấy có nhiều bất cập, kết quả không tốt, mình bắt đầu quan tâm hơn đến việc trau dồi thông tin (từ trường lớp và cả kinh nghiệm người đi trước) và tìm lý do cho những lần đầu tư kém hiệu quả, từ đó rút ra được phương pháp đầu tư cũng như phương pháp quản lý vốn thành nhiều tỷ lệ để hạn chế rủi ro và tối ưu hoá lợi nhuận”

“Chia trứng” kiểu trải nghiệm

Còn với Trinh Nguyen Ba (33 tuổi), nghiên cứu sinh ngành Kinh tế học tại Đại học Houston - một nhà đầu tư trẻ theo hệ mạo-hiểm-trong-khuôn-khổ, việc “chia trứng” của anh Ba vì thế mang thiên hướng duy trì ổn định lợi nhuận đầu tư theo biên độ rủi ro cho phép.

titlePF PF
Đầu tư đa kênh kiểu trải nghiệm có nhiều cách chia tỷ lệ khác nhau phụ thuộc vào mức độ "mạo hiểm" bạn mong muốn | Nguồn: Unsplash

“Nếu bạn là người thích rủi ro và có độ chịu đựng rủi ro cao trong đầu tư, bạn có thể xem xét thay đổi cách phân chia trên theo hình thức 50% cho hạng mục rủi ro cao, 25% rủi ro vừa phải và 25% cho hạng mục an toàn. Cách phân chia này sẽ giúp bạn có được lợi nhuận kỳ vọng cao hơn nhưng đồng nghĩa với việc bạn sẽ phải hứng chịu những rủi ro lớn hơn. Mình chỉ khuyến khích cách phân chia này cho những bạn đã có kinh nghiệm trong thị trường đầu tư và phải rất tự tin với những hạng mục rủi ro của mình.”

Hiện tại mình phân bổ 50% vào chứng khoán (trong đó một nửa là cổ phiếu công nghệ, còn một nữa là các cổ phiếu công nghiệp, xây dựng và hàng tiêu dùng), 25% vào các tài sản tiền số, 25% là những mảng đầu tư nhỏ lẻ khác như trái phiếu, vàng, tiền mặt và ngoại tệ.

Mình chọn phân chia như vậy theo cá nhân mình thấy là tương đối an toàn. Mình chú trọng vào chứng khoán vì rủi ro ở thị trường này thấp hơn những thị trường khác (cụ thể là thấp hơn nhiều so với thị trường tiền mã hoá). Nên phân bổ một nửa tài sản vào chứng khoán giúp cho mình thấy yên tâm hơn và có thể thoải mái tự tin theo đuổi những loại tài sản rủi ro hơn một chút, điển hình là tài sản tiền số (chiếm 25%).

Đầu tư tiền số khá rủi ro, nhất là thời điểm hiện tại thì trường này đang quá nóng nên tỉ lệ giữa rủi ro và phần thưởng tương đối cao nghiêng về phía rủi ro. Việc chỉ dành 1/4 tài sản vào thị trường này giúp cho mình vừa có thể đu theo đà tăng của thị trường lại vừa bảo toàn được nguồn vốn chủ lực.

Một phần tư cuối mình để dành cho các hạng mục có độ an toàn cao và cũng là để dự trữ nguồn vốn cho những thời điểm then chốt. Giả sử một trong hai thị trường chứng khoán và tiền số có sự điều chỉnh thì phần vốn này sẽ được huy động để ‘bắt đáy’ và trung bình giá”

“Chia trứng” kiểu rổ to, rổ nhỏ

Là người biết nắm bắt thông tin tài chính (nhờ kinh nghiệm làm trong lĩnh vực truyền thông mảng tài chính) nhưng không thích chia tiền đầu tư vào quá nhiều “rổ” do một số hạn chế về thời gian, công việc cá nhân; chị Nguyễn Minh Thư (28 tuổi) chọn cho mình cách chia tiền đầu tư đơn giản thành 2 phần - một chính và một phụ.

titlePF PF
Nếu vốn kiến thức và khả năng quản lý rủi ro dành cho một kênh đầu tư thật sự tốt, bạn vẫn có thể cân nhắc các tỷ lệ phân bổ tiển đầu tư gần với "all-in" | Nguồn: Shutterstock

“Theo mình thì việc đầu tư nó ảnh hưởng tính tùy biến của thị trường nên tuỳ từng giai đoạn sẽ có cách chia khác nhau. Tuy nhiên với mình thì vẫn chỉ giới hạn trong 2 phần. Cụ thể, một phần chính (khoảng 80%) mình dành cho chứng khoán vì có duyên và có kinh nghiệm nhiều hơn; phần còn lại ít hơn (cỡ 10-20%) dành cho các kênh khác như vàng.

Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, mình đang áp dụng dành đầu tư 100% cho chứng khoán vì nhiều lý do. Một là vì thị trường chứng khoán đang phát triển nóng do bùng nổ lực lượng người mới tham gia nên phải tranh thủ. Phần nữa vì các kênh khác chưa có nhiều ổn định - nhất là sau đại dịch. Đơn cử giá vàng thì đang biến động khá nhiều, các kênh đầu tư ảo như coin thì chưa có tính pháp lý cao ở Việt Nam nên cũng rủi ro. Trước đây tham gia đầu tư mình cũng có thời gian đầu tư vàng nhưng vì không quen theo dõi tình hình thị trường và cũng mang tâm lý sợ trữ đồ quý giá trong nhà nên sau này mình cũng cẩn trọng hơn và lưu ý tính rủi ro cao hơn.

Tóm lại là mình chỉ dám chọn những kênh nào mình gặp may mắn, nắm chắc thông tin và am hiểu thị trường để all-in hoặc chiếm đa số tỷ lệ đầu tư, những kênh khác sẽ tuỳ giai đoạn.”

Nhìn chung, tuỳ theo nhu cầu và khả năng quản lý của từng người, việc phân bổ tiền đầu tư ở các kênh sẽ có tính đặc thù nhất định. Tuy nhiên, với những tham khảo trên từ những nhà đầu tư trẻ lâu năm, Vietcetera hy vọng sẽ mang đến nhiều gợi ý cho độc giả - nhất là nhóm các nhà đầu tư mới trong việc “chia trứng” khi tham gia đầu tư đa kênh.