Chủ nghĩa quy chất giới - “Bạo lực mềm” trên không gian mạng | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu
08 Thg 10, 2021

Chủ nghĩa quy chất giới - “Bạo lực mềm” trên không gian mạng

Bản chất sinh học và vị trí xã hội của giới không có mối liên hệ trực tiếp với nhau.
Chủ nghĩa quy chất giới - “Bạo lực mềm” trên không gian mạng

Nguồn: Nam Ph @namphstuff cho Vietcetera

Plan International x Vietcetera

Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả


Các tổ chức xã hội về lĩnh vực giới liên tục phát triển, các luồng dư luận phản bác bình đẳng giới cũng ngày càng mạnh mẽ.

Đơn cử, một MC kiêm người viết báo nổi tiếng từng bác bỏ những luận điểm của các nhà hoạt động xã hội cho rằng vị trí xã hội của người nam và người nữ có thể đổi chỗ cho nhau.

Cô tuyên bố, “Đàn bà không chịu làm việc nhà thì làm gì? Từ khi nào bếp núc lại trở thành một thứ hình thức tra tấn đầy bi kịch mà gắn với đàn bà như vậy?” Cô nhận định rằng việc phụ nữ đòi bình đẳng thay vì giữ lửa gia đình có thể dẫn đến rạn nứt quan hệ vợ chồng.

Bên cạnh đó là việc rộ lên các lớp dạy về hôn nhân hay các video rao giảng của các vlogger về “Bản chất của phụ nữ đẹp”, “3 loại phụ nữ để chọn” và “3 dấu hiệu phụ nữ kém chất lượng”.

Những luồng quan điểm trên có một điểm chung. Chúng cho rằng bản chất sinh học của từng giới tính quyết định mọi đặc điểm, vị trí và vai trò xã hội của con người.

Giới chuyên môn gọi quan điểm này là chủ nghĩa quy chất giới, hay quy chất luận về giới (gender essentialism).

Quan điểm này dù đã lỗi thời vì bỏ qua những yếu tố chuyên môn khác về giới, song vẫn vô cùng có ảnh hưởng trong đời sống hiện đại.

Nghiêm trọng nhất, được lan truyền bởi những khuôn mặt nổi tiếng, chủ nghĩa quy chất giới trở thành một hình thức bắt nạt trực tuyến đối với nữ giới, dù không có sự công khai nạt nộ.

Vậy chủ nghĩa quy chất giới là gì?

Trong cuốn Thinking Woman: A Philosophical Approach to the Quandary of Gender, Jennifer H. Dragseth định nghĩa chủ nghĩa quy chất giới là một học thuyết cho rằng xét về mặt sinh học, phụ nữ và nam giới có những đặc điểm độc đáo và phân biệt rạch ròi với nhau.

Những người theo chủ nghĩa quy chất giới cho rằng giới tính sinh học là gốc rễ của mọi sự khác biệt về hành vi, tính cách, suy nghĩ, hành động và trải nghiệm của nam giới và nữ giới. Vì thế, nam giới có những đặc điểm “tự nhiên” như mạnh mẽ, quyết đoán, duy lý, còn phụ nữ thì có những đặc điểm “tự nhiên” như yếu đuối, dịu dàng, duy tình.

Kết quả, như dự án Nhà Nhiều Cột liệt kê, xã hội hình thành nên những định kiến như:

  • Nữ giới là người phù hợp với vai trò nội trợ;

  • Nam giới đóng vai trò là trụ cột gia đình;

  • Nữ giới là người hỗ trợ tốt hơn, còn nam giới là người lãnh đạo giỏi hơn.

Đúng là một cơ thể có dương vật và một cơ thể có âm đạo có những đặc điểm sinh học rất khác nhau. Song điều đó không định nghĩa vị trí xã hội của từng giới. Việc giản lược nghiên cứu giới về giới tính sinh học gặp phải những hạn chế lớn về mặt học thuật.

Những định kiến về giới tồn tại trước trong đầu chúng ta, còn bản chất sinh học của giới lại được khám phá ra sau

Điều này vốn xuất phát từ những giới hạn về khoa học tự nhiên theo từng thời kỳ. Vì lẽ này, với nhà nhân học Emily Martin, trong quá trình nghiên cứu sinh học cơ thể, chúng ta đã sử dụng chính những thiên kiến xã hội của mình để diễn giải kết quả nghiên cứu (Tham khảo).

Bà nói, chính giới khoa học đã gán vào trứng và tinh trùng những câu chuyện lãng mạn đầy định kiến: hoặc là tinh trùng chủ động như một người đàn ông, chạy đua chiếm hữu lấy trứng bị động, hoặc là trứng chủ động tiết ra chất hoá học như một mụ phù thuỷ, thâu tóm lấy tinh trùng khoẻ mạnh nhưng bị động đang lởn vởn quanh mình. Những định kiến giới đã bị gán lên con người từ khi họ… chưa được thụ thai.

Đặc điểm sinh học của giới dù rất phức tạp, song thường bị quy giản về các chức năng sinh sản, tái tạo dân số cho xã hội

Với Simone de Beauvoir, đàn ông và đàn bà thường bị xã hội nhìn như những chiếc dương vật và những tế bào noãn khổng lồ biết đi. Với nhu cầu phân chia lao động trong xã hội, sự khác biệt sinh học vô cùng phức tạp về giới dù không thể bị so sánh, song thường bị đặt trên một hệ quy chiếu - ai làm việc gì hiệu quả hơn, đem lại năng suất cao hơn?

Người đàn bà bị đẩy vào bếp vì họ có khả năng sinh con, và rồi khả năng đó bị biến thành một “thiên chức”. Còn người đàn ông, với đặc tính “tự nhiên” là mạnh mẽ và chủ động, buộc phải ra ngoài kiếm tiền nuôi gia đình.

Đây chỉ là những định kiến xã hội chứ không phải bản chất tự nhiên, song vì xã hội công nghiệp quá đề cao chuyện gia tăng dân số để không thiếu hụt nguồn lao động trong tương lai, thật khó để con người thoát khỏi nhiệm vụ được gán cho giới tính sinh học của mình.

“Nam tính” và “Nữ tính” - Những quy chuẩn áp đặt

Đối với chủ nghĩa quy chất giới, người nam phải “nam tính (masculine)”, người nữ phải “nữ tính (feminine)”. Tư tưởng này cho rằng sự nam tính và nữ tính có sẵn và “toát ra” từ bản chất sinh học của con người.

Thực tế đây là những tiêu chuẩn được con người dựng nên và khuếch tán trên truyền thông đủ lâu để ai cũng tin là sự thật.

Những đặc điểm của khuôn mẫu nữ tính như dịu dàng, yếu đuối, duy tình được sử dụng trực tiếp để thao túng cách phụ nữ làm… phụ nữ.

Chủ nghĩa quy chất giới
Cái chạm nữ tính (feminine touch) được nhiều nhà quảng cáo ca ngợi như một nước đi cổ vũ nét đẹp phụ nữ trên truyền thông đại chúng. Còn đàn ông luôn bị "áp bức" bởi những quy chuẩn xã hội về sự nam tính. | Nguồn: Nam Ph @namphstuff cho Vietcetera.

Rộng hơn, truyền thông “thuyết giảng” cho phụ nữ về: tiêu chuẩn cái đẹp, về cách cư xử chuẩn mực, về các “tips” thay đổi bản thân để được đàn ông săn đón,....

Nhiều nữ giới hiểu nhầm rằng nữ quyền tức là tôi luyện bản thân trở nên mạnh mẽ hơn cốt để làm tốt vị trí “nữ tính” của mình hơn, như vậy sẽ không phải đòi bình đẳng nữa.

Thực tế, quan điểm này chỉ làm khắc sâu thêm những định kiến giới, và không hề xoá bỏ chút gì bạo lực. Thậm chí, chính lời răn dạy phải mạnh mẽ lên của một số phụ nữ nổi tiếng có thể làm tổn thương những người phụ nữ thấp cổ bé họng hơn.

Chủ nghĩa quy chất giới cũng là nguồn gốc của nam tính độc hại (toxic masculinity), và áp bức cả nam giới.

Nhà xã hội học R. W. Connell nói tiêu chuẩn nam tính của xã hội vừa đẩy phụ nữ ra ngoài lề, vừa áp bức cả những người đàn ông có biểu hiện giới không đủ nam tính. Những người này bao gồm người đồng tính nam, và đàn ông thuộc các cộng đồng dân tộc thiểu số.

Những tiêu chuẩn tưởng tượng này trở thành chất liệu màu mỡ cho các hành vi bắt nạt giới trên không gian mạng. Dù chúng không nhất thiết phải có lời lẽ thô tục và cực đoan.

Chủ nghĩa quy chất giới “bắt nạt” tất cả mọi người

Chủ nghĩa quy chất giới nạt nộ con người bằng cách ép buộc họ phải sống đúng theo bản chất sinh học “tự nhiên” của mình. Lây lan thông qua truyền thông và mạng xã hội, thứ định kiến này gây ra những nỗi sợ và có thể được coi là bắt nạt trực tuyến, dù không có sự công khai nạt nộ.

Chủ nghĩa quy chất giời
Chủ nghĩa quy chất giới, với sự trợ giúp của truyền thông, có thể trở thành công cụ bắt nạt trực tuyến đối với những ai “nổi loạn” trước những tiêu chuẩn nó đặt ra. | Nguồn: Nam Ph @namphstuff cho Vietcetera.

Kiểm soát trang phục

Nỗi sợ đầu tiên là sợ bộc lộ thể hiện giới của mình. Dù bạn sinh ra với giới tính sinh học như thế nào, mặc đồ, trang điểm và tập tành sao cho vẻ bề ngoài phù hợp với con người bạn là điều hoàn toàn hợp lý. Song chủ nghĩa quy chất giới sẽ không cho phép một người phụ nữ mặc trang phục đường phố bụi bặm và một người đàn ông mặc váy.

Kristen Steward và nhiều diễn viên nổi tiếng khác từng là nạn nhân của bạo lực mạng vì phong cách ăn mặc và kiểu tóc. Ta có thể dễ dàng tìm thấy những diễn đàn có tới hàng ngàn bình luận chửi bới chỉ vì một diễn viên để tóc ngắn. Thậm chí, một số nhà luận thuyết âm mưu còn cho rằng nữ giới để tóc ngắn là “đồng nhất giới tính”.

Kiểm soát cơ thể

Nỗi sợ tiếp theo đến từ sự thiếu tự tin về hình dạng cơ thể. Ngay cả khi bạn “thẳng” và sống theo đúng những khuôn mẫu giới truyền thống, bạn cũng sẽ phải lo lắng xem cơ thể và điệu bộ của mình đã đủ “chuẩn mực” hay chưa, mình đã đạt đủ các tiêu chuẩn “phụ nữ chất lượng”, “đàn ông mạnh mẽ” hay chưa…

Ví dụ tiêu biểu nhất là những tiêu chuẩn truyền thông đặt ra cho cơ thể phụ nữ: bờ môi đầy đặn, lông mày rậm tự nhiên, cằm v-line, có xương quai xanh, mắt to có hai mí, miệng rộng, vòng eo con kiến, hông quả táo, da trắng sứ không tì vết, vóc dáng đồng hồ cát… Để đạt được hết toàn bộ những tiêu chuẩn này gần như là điều bất khả thi.

Gần đây, hiện tượng bắt nạt qua mạng vì ngoại hình xảy ra ở cả trường phổ thông. Hàng chục em học sinh đã lập nhóm để nói xấu ngoại hình và thậm chí còn “add” cả nạn nhân vào. Đội lốt “chê có ý tốt”, các em này không biết rằng mình đã có thể trở thành sát thủ vì ngôn từ của chính mình.

Vai vế trong gia đình trở thành gánh nặng

Chủ nghĩa quy chất giới cũng không cho phép người vợ và người chồng trong gia đình được đổi nhiệm vụ cho nhau.

Nhiều bài báo từng nhiều lần thể hiện rõ định kiến này khi cho rằng bản chất hạnh phúc của người vợ là được nũng nịu và bảo vệ bởi người đàn ông, dù cô ấy mạnh mẽ đến đâu. Vì vậy đàn ông vừa phải làm tròn nghĩa vụ kiếm tiền, không được “núp bóng vợ”, nhưng cũng không được vì công việc mà bỏ quên gia đình. Còn người phụ nữ trở thành một nhân vật bị động trước sự che chở của đàn ông.

Nhân sự phổ biến của chủ nghĩa quy chất giới, nhiều khoá học “làm vợ” và “bí kíp giữ chồng” đã mọc lên như nấm sau mưa. Dù có nội dung áp đặt và định kiến, song nó được chính công chúng tiếp thu nhiệt tình. Lý do là bởi nhiều người tin rằng khuôn mẫu mà chủ nghĩa quy chất giới vẽ ra là phiên bản hoàn hảo nhất mình có thể trở thành.

Kết luận

Chủ nghĩa quy chất giới, với sự trợ giúp của truyền thông, có thể trở thành công cụ bắt nạt trực tuyến đối với những ai “nổi loạn” trước những tiêu chuẩn nó đặt ra. Một nhận định về “phụ nữ mạnh mẽ”, hay vlog “chấm điểm” chất lượng giới của người nổi tiếng, có thể được coi như một dạng “núp bóng sự thật” để áp bức khán giả.

Chủ nghĩa quy chất giới
Được lan truyền bởi những khuôn mặt và kênh thông tin nổi tiếng, chủ nghĩa quy chất giới trở thành một hình thức bắt nạt trực tuyến, dù không có sự công khai nạt nộ. | Nguồn: Nam Ph @namphstuff cho Vietcetera.

Thứ chủ nghĩa này, tuy vậy, lại rất thành công và được công chúng đón nhận, vì nó đánh trúng điểm yếu (pain point) của khán giả. Nó vẽ ra những hình tượng nữ tính, nam tính mà người bình thường không thể đạt tới, đồng thời hứa hẹn con đường đến được lý tưởng ấy.

Vì vậy thay vì phá bỏ những định kiến giới, khán giả truyền thông lại chấp nhận chúng như những lẽ thường. Tuân thủ những tiêu chuẩn cố hữu của xã hội dường như an toàn hơn là lựa chọn con đường riêng.

Song không vì thế mà chúng ta không lên tiếng phê bình chủ nghĩa quy chất giới. Vì tìm về một thứ bản chất giới tính nam-nữ cốt lõi trong mỗi người, chúng ta sẽ chẳng bao giờ thấy được sự bình đẳng. Những thông điệp như “nếu bạn là nữ, bạn buộc phải…” và “nếu bạn là nam, bạn buộc phải…” luôn ẩn ngầm trong chúng sự thao túng và áp đặt.

Plan International là tổ chức nhân đạo phát triển về quyền trẻ em và bình đẳng giới với hơn 80 năm kinh nghiệm và hiện đang hoạt động tại 75 quốc gia trên toàn thế giới. Chiến dịch Girls Get Equal (Em gái Bình đẳng) do Plan và thanh thiếu niên khởi xướng nhằm hỗ trợ các em gái tự tin học tập, lãnh đạo, quyết định và phát triển cuộc sống và tương lai của chính mình.

An toàn trên mạng cho trẻ em gái là mục tiêu năm 2021 của chiến dịch Girls Get Equal. Năm 2020, Plan International lắng nghe chia sẻ từ 26,000 em gái trên toàn thế giới về tác động của tin giả, tin sai lệch - 9 trên 10 em cảm thấy vấn đề này ảnh hưởng tới cuộc sống của mình. Tất cả trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái cần kỹ năng và kiến thức để bảo vệ bản thân trước thông tin sai lệch trên không gian số. Chiến dịch #AnToànTrênMạng kêu gọi cộng đồng cùng nâng cao giáo dục kỹ thuật số cho trẻ em, góp phần xây dựng một môi trường an toàn để trẻ em được kết nối, học tập và chia sẻ. Cùng ký vào thư ngỏ đồng hành cùng Plan trong chiến dịch này tại đây.